Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Người con của Mẹ Maria

 

Tháng Năm là tháng dâng hoa kính Ðức Mẹ. Tại Việt Nam tháng này gọi tắt là tháng hoa. Hiện nay tháng hoa đang làm đẹp Giáo Hội Việt Nam. Mọi nhà thờ lớn nhỏ đều tổ chức rước kiệu Ðức Mẹ, dâng hoa lên Ðức Mẹ theo những lễ nghi văn hoá truyền thống. Một bầu khí vui tươi, nô nức lan tràn khắp các họ đạo.

Những hình thức bề ngoài đó chỉ nói lên phần nào tâm tình của người con Ðức Mẹ. Nhiều người đã vượt qua những hình thức bề ngoài đó, để đi sâu vào những mối dây liên hệ mật thiết hơn với Ðức Mẹ.

Họ sống mật thiết hơn với Ðức Mẹ bằng nhiều cách. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên vài cách sống nổi bật của họ.

 1/ Sống thân phận cành của cây nho

Là người con của Ðức Mẹ, họ thấy cách sống đẹp lòng Ðức Mẹ nhất là sống mật thiết với Chúa Giêsu. Mật thiết như cành nho gắn vào cây nho.

Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho... Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tiả, cho nó sinh nhiều hoa trái hơn... Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Các con cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy...

“Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,1-5).

Khi sống thân phận cành của cây nho, theo lời Chúa phán trên đây, người con Ðức Mẹ sẽ trải qua hai kinh nghiệm này: Một là mình là cành sẽ được cắt tiả, hai là mình là cành sẽ không ngừng kết hợp với cây nho là Ðức Kitô.

Kinh nghiệm bị cắt tiả là những chuỗi dài đau đớn. Nhiều lá phải rụng, cành phải cắt bớt. Khi cành là con người chúng ta, nếu bị cắt tiả như thế, sẽ không tránh được đớn đau phần hồn phần xác. Những gì là cái tôi ích kỷ sẽ bị đào thải, để sự sống cuả Ðức Kitô thay thế.

Lúc đó, chúng ta sẽ dần dần có một kinh nghiệm khác, đó là cùng với Ðức Kitô vâng phục thánh ý Chúa Cha. “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mọi đàng” (Mt 26,39). Kinh nghiệm vâng phục thánh ý Chúa nhiều khi cũng là một thứ thánh giá. Nhưng thánh giá đó được cảm thấy như một vinh dự: “Vinh dự của chúng ta là thập giá Ðức Kitô. Nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta”.

Chính kinh nghiệm đó làm cho người con Ðức Mẹ sống lời “xin vâng” của Ðức Mẹ một cách hiếu thảo.

 2/ Sống hạnh phúc người có Chúa ở cùng

Trước khi Chúa Giêsu lên trời, Người đã hứa với các môn đệ Người rằng: “Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Kinh nghiệm về sự được Chúa ở cùng cũng là một thứ kinh nghiệm rất độc đáo.

Người con Ðức Mẹ cảm thấy Chúa ở với mình bằng nhiều cách, nhưng bằng cách rất cụ thể này: Chúa cho họ cảm thấy mình yếu đuối, nhưng sự yếu đuối đó lại giúp cho họ bám chặt vào Chúa một cách khiêm nhường.

Trường hợp thánh Phaolô là một điển hình: “Sự thiện tôi muốn làm thì tôi không làm. Nhưng sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm... Tôi thật là người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 7,19-24).

Người con Ðức Mẹ không nghĩ rằng: Họ có Chúa ở cùng có nghĩa là họ có quyền tự mãn như người sạch tội, nhưng chỉ có nghĩa là họ nhận thức mình bé mọn yếu hèn, nếu chẳng may vấp ngã thì luôn sám hối, nhờ cầm lấy tay Chúa mà đứng lên.

Sống ơn sám hối, giảng sự sám hối, đó là tư cách nổi bật của các thánh tông đồ, những người con đầu tiên của Ðức Mẹ.

Khi sống ơn sám hối một cách đích thực, họ không giam cái nhìn của mình vào nhà tù tội lỗi của mình, nhưng họ nhìn lên tình yêu thương xót Chúa, nơi có ánh sáng, sự ủi an và tha thứ.

 3/ Sống sứ vụ người loan báo Tin Mừng

Thánh sử Marcô nhấn mạnh một lời truyền của Chúa Giêsu, khi từ biệt các môn đệ: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Những người con của Ðức Mẹ Maria đã và đang loan báo Tin Mừng khắp nơi với nhiều cách phong phú. Nhưng cách loan báo sau đây được coi là đang phổ biến nhất và cũng hữu hiệu nhất, đó là loan báo bằng chính đời sống thường ngày của họ.

Ðời sống thường ngày của họ cũng rất bình thường, nhưng vẫn có cái gì khác thường.

Người xung quanh dễ nhận thấy nơi người con Ðức Mẹ có những giá trị linh thiêng âm thầm mà cao đẹp. Như sự sâu thẳm của đức khiêm nhường, lửa nồng nàn của đức ái quên mình, sự nhạy bén trước những gì là thánh ý Chúa. Nơi họ có tâm hồn của kinh tạ ơn “Magnificat”, có tâm tình của sự vâng phục “Fiat”, có sự hiến dâng của Ðức Mẹ đứng dưới cây thánh giá Chúa Giêsu.

Gần họ, người ta sẽ nhận ra bầu khí cầu nguyện và mộ mến Lời Chúa.

Họ chuyển tải những giá trị đời đời qua ánh mắt, qua lời nói, qua các ứng xử.

Chỉ thế thôi, họ cũng đã là chứng nhân của Chúa và Ðức Mẹ.

Tình hình hiện nay trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng có nhiều điều phải lo ngại. Kinh tế suy giảm, nạn đói bùng phát, thiên tai dồn dập, luân lý suy đồi... Người con Ðức Mẹ nên ưu tiên để ý đến việc đổi mới tâm hồn mình, theo lời Ðức Mẹ kêu gọi ở Lộ Ðức và Fatima.

Sống lương thiện, sống thánh thiện, đó là dấu chỉ rất cần của người con Mẹ trong xã hội Việt Nam hôm nay.

ù

Với chính chia sẻ này, hy vọng những ai muốn sống ơn gọi người con Ðức Mẹ sẽ nhận ra ý Chúa, để đổi mới chính mình, góp phần đổi mới Hội Thánh và xã hội Việt Nam hôm nay.

Long Xuyên, ngày 4 tháng 5 năm 2008