Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Sống đạo
và sống trong sự thực

 

Tôi rất vui, khi được nghe nói: “Người công giáo Việt Nam rất đáng tin, vì họ sống trong sự thực, lương thiện thật thà”.

Tôi rất buồn, khi phải nghe nói ngược lại.

Dư luận không luôn đúng. Nhưng ta nên biết, để mà cảnh giác.

Cách cảnh giác tốt nhất là chúng ta hãy cố gắng luôn sống trong sự thực:

Về Thiên Chúa của ta,

Về bản thân của ta,

Về Hội Thánh của ta,

Về nơi chốn và thời điểm chúng ta được Chúa sai vào.

Theo tu đức và kinh nghiệm, tôi xin nhấn mạnh đến 2 cách giúp ta sống trong sự thực. Ðó là:

- Ði sâu vào việc cầu nguyện.

- Ði sâu vào một nền văn hoá trí tuệ.

 1/ Ði sâu vào việc cầu nguyện

Việc cầu nguyện có nhiều bước. Nhiều người tưởng đọc nhiều kinh sẽ là đi sâu vào cầu nguyện.

Tôi không nghĩ như vậy. Chính tôi vẫn hay cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại vài kinh quen thuộc, với tâm trí tập trung vào việc xin Chúa đến cứu tôi. Nhất là khi tôi gặp khó khăn. Xác đau đớn, hồn đau khổ. Cả con người tôi như bị đày đoạ. Lúc đó, miệng tôi đọc kinh không ngừng, lòng trí nài xin Chúa ban ơn cho tôi biết chịu đau khổ theo thánh ý Chúa.

Với kinh nghiệm đó, tôi thấy đọc nhiều kinh không phải là không tốt. Thà đọc nhiều kinh hơn là lao mình vào những việc làm xa Chúa. Nhưng tôi nghĩ: Ðọc kinh nhiều chưa phải là đi sâu vào sự cầu nguyện.

Nhiều người tưởng đọc một số kinh nhất định là sẽ đi sâu vào việc cầu nguyện.

Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng chính tôi vẫn thích đọc một số kinh nhất định, như lần chuỗi Mân côi, đọc kinh Lòng thương xót Chúa, kinh kính thánh Giuse. Khi đọc những kinh đó với tâm hồn đơn sơ, nài van được gặp Chúa, tôi thấy mình luôn được đổi mới. Tuy nhiên, tôi nghĩ: Ðọc những kinh nhất định đó vẫn chưa phải là đi sâu vào sự cầu nguyện.

Nhiều người tưởng suy gẫm là đi sâu vào việc cầu nguyện.

Tôi không nghĩ như vậy. Chính tôi cũng hằng ngày suy gẫm. Tôi thích chọn những bài suy gẫm được hướng dẫn bởi các thánh và các nhà đạo đức đã đổi mới con người. Suy gẫm thì có trình bày lý lẽ, đào sâu một khía cạnh, rồi kết luận theo hướng nội dung. Nhờ suy gẫm, tôi được dẫn vào một thế giới tư tưởng đạo đức. Tôi cho rằng: Suy gẫm là một bước đi sâu. Nhưng bước đó vẫn chưa hẳn là đi sâu nhiều vào việc cầu nguyện.

Bước đi rất sâu vào việc cầu nguyện chính là chiêm niệm.

Xin đưa ra một cách cụ thể. Chúa Thánh Thần mở mắt tôi nhìn ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, hoặc Chúa Giêsu ẩn mình trong phép Thánh Thể. Lúc ấy, tôi và Chúa Giêsu rất gần gũi, rất thân mật. Liên hệ giữa Người và tôi là rất thực, rất riêng tư. Người cho tôi thấy: Người thương tôi bằng tình yêu lạ lùng. Yêu thương là tặng tình yêu vô bờ và hy sinh không giới hạn. Liên lạc của tôi với Người, nếu muốn thành thực, cũng sẽ phải là dâng hiến tình yêu vô điều kiện và hy sinh không biên giới. Người đã cứu tôi bằng tình yêu với hy sinh như thế, thì tôi cũng cộng tác vào chương trình cứu độ của Người bằng tình yêu mang hy sinh như vậy.

Với nhận thức như thế trong chiêm niệm, tôi thấy mọi hình thức cầu nguyện nên hướng về chiều sâu đó. Chiều sâu đó sẽ cho chúng ta thấy sự thực về Chúa, về Hội Thánh Chúa, về bản thân ta, về những linh hồn mà Chúa muốn cứu chuộc nhờ vào sự cộng tác của ta.

Tất cả các liên hệ đúng sự thực giữa ta và Chúa, giữa ta và Hội Thánh Chúa, giữa ta và các linh hồn sẽ chỉ là tình yêu và hy sinh.

Sự thực phải là thế. Chiêm ngắm Chúa Giêsu sẽ loại trừ những gì không phải là tình yêu và hy sinh trong chương trình cứu độ.

 2/ Ði sâu vào một nền văn hoá trí tuệ

Có những sự thực chúng ta chỉ nắm được bằng sự đi sâu vào việc cầu nguyện. Nhưng sự cầu nguyện không thay thế được các việc tự nhiên phải làm trong việc tìm sự thực.

Thực vậy, khi Chúa dùng chúng ta để phục vụ cho chân lý cứu độ, Chúa muốn chúng ta hãy là người đầy tớ khôn ngoan biết phát triển trí tuệ cho mục đích đó.

Trí tuệ là tài năng kiếm tìm sự thực. Sự thực không bao giờ đơn giản. Ðể biết sự thực về một người, về một địa phương, về một thời điểm, về một tình hình, về một biến cố, tôi phải vận dụng trí tuệ một cách trí thức. Không phải những gì nghe được đã là tất cả sự thực. Không phải những gì xem thấy đã là sự thực đầy đủ. Không phải những gì biết được do các nguồn thông tin và dư luận đã cung cấp đúng và đủ sự thực.

Tổng hợp những mảnh sự thực. Phân định cái đúng cái sai theo những tiêu chuẩn khoa học, triết học. Kết luận một cách khách quan tối đa, để phỏng đoán định hướng nội tâm vô hình. Bằng ấy công việc sẽ làm nên một nền văn hoá trí tuệ.

Rất nhiều kinh nghiệm dạy tôi là sự thực đòi phải có một lý trí lương thiện. Tôi phải lương thiện nhìn nhận: Tình thế thay đổi, con người thay đổi, thì sự thực về tình hình và về con người cũng thay đổi. Sự thực của năm đó không thể còn đúng cho năm nay. Vì thế, các sách đạo đức khuyên chúng ta phải hết sức thận trọng khi phải xét đoán. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rõ: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 7,1). Với lời Chúa phán trên đây, những ai có bổn phận xét đoán, sẽ phải hết sức thận trọng.

ù

Từ ít lâu nay, tại Việt Nam, trong đạo ngoài đời đã xảy ra nhiều sự kiện buồn về đời sống không thực. Trước diễn biến phức tạp đó, mỗi người chúng ta hãy lo cho phần rỗi mình bằng một đời sống toả sáng

- Sự thực về tình yêu hy sinh,

- Sự thực về bậc thang giá trị,

- Sự thực về tính thực thà lương thiện.

Chúng ta hãy cố gắng sống tình yêu và sự thực. Còn người ta có đón nhận chứng từ của ta hay không, thì việc đó không thuộc về ta. Xin hãy phó thác đời ta cho Chúa một cách khiêm nhường và yêu mến.

Long Xuyên, ngày 10 tháng 6 năm 2008