Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 9 - 2008-
 TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN
(Thao Thức 9) -2008-

  -2010-
 

Thư

Kính gởi Anh Nguyễn Thanh Long
Báo Công giáo và Dân tộc.

 

Tôi mới đọc cuốn “50 năm nhìn lại” của Linh mục Trương Bá Cần, do Công giáo và Dân tộc tặng. Sách nói về dĩ vãng gần của Việt Nam, trong đó một thiểu số mang tên phong trào tiến bộ đã muốn góp phần nhỏ vào những chuyển biến của Công giáo tại Việt Nam.

Sách viết công phu.

Ở đây tôi không phê bình. Tiện dịp, chỉ xin trình bày vài tư tưởng, tôi đã dùng làm thước đo, để nhận ra điều gì là tiến bộ của một nếp sống đạo.

Tất cả đều được rút ra từ Công Ðồng Vatican II, trong Hiến chế mục vụ “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”.

 1/ Phục vụ trong yêu thương

Nhớ lại lời Chúa 'Nếu các con thương yêu nhau, thiên hạ sẽ cứ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy' (Ga 13,35).

“Người Kitô hữu không thể tha thiết mong ước gì hơn là luôn luôn phục vụ con người trong thế giới ngày nay một cách quảng đại và hữu hiệu hơn.

Không phải những ai nói “Lạy Chúa, lạy Chúa, sẽ được vào Nước Trời. Nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha” (Mt 7,21) và can đảm làm việc. Thực thế, Chúa Cha muốn chúng ta nhận Chúa Kitô là anh cả trong tất cả mọi người và yêu mến Người cách cụ thể bằng lời nói cũng như bằng việc làm. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho chân lý và truyền thống cho những kẻ khác mầu nhiệm của Chúa Cha trên trời” (Hc. Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 93).

Nhìn nhận Ðức Kitô trong tất cả mọi người và yêu mến Người một cách cụ thể. Ðó là điều không phải mọi người công giáo Việt Nam đã thực hiện. Nhưng số người thực hiện không phải là quá ít. Họ đang phục vụ quê hương một cách can đảm trong sáng, làm chứng không phải cho một Giáo Hội quyền lực và đắc thắng, mà là cho một Giáo Hội phục vụ và hoà giải. Họ đáng gọi là người công giáo tiến bộ, với ý nghĩa cao đẹp của từ tiến bộ.

 2/ Ðưa phục vụ yêu thương vào nền văn hoá dân tộc

Trung thành với truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể hoà mình vào nhiều hình thức văn hoá khác nhau, nhờ đó, chính Giáo Hội và các nền văn hoá ấy đều được phong phú hơn” (Hc. Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 58).

Ðưa tình yêu Phúc Âm vào nền văn hoá dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó là một việc làm tiến bộ. Chúng ta đang thấy sự kiện đó nơi không ít người công giáo tại Việt Nam, dù họ ở mức độ trí thức nào.

Nền văn hoá dân tộc vốn đậm đà yêu thương phục vụ. Bác ái Phúc Âm chỉ có thể được đón nhận vào đó, khi có thực chất yêu thương, khiêm nhường, quảng đại và vị tha.

 3/ Phát triển toàn diện con người từ tiềm năng nội tại

Các dân tộc đang phát triển cần phải chú tâm nhiều đến việc theo đuổi sự phát triển toàn vẹn cho người công dân. Một cách rõ ràng và cương quyết, họ phải theo đuổi việc phát triển này như mục tiêu của sự tiến bộ. Họ phải nhớ rằng sự tiến bộ phát sinh và gia tăng trước hết là ở sự làm việc và tài nghệ của chính dân tộc mình, nghĩa là sự tiến bộ không chỉ căn cứ vào viện trợ của ngoại bang, nhưng tiên vàn căn cứ vào việc khai thác đầy đủ những tài nguyên của xứ sở cũng như vào việc phát triển văn hoá và truyền thống riêng của mình (Hc. Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 86).

Phát triển toàn diện con người, cả mặt đời mặt đạo với những tiềm năng nội tại một cách tự trọng và khôn ngoan, đó là một việc tiến bộ, vừa hợp Công Ðồng vừa hợp tinh thần dân tộc. Nhiều người công giáo Việt Nam đang thực hiện điều đó trong nhiều lãnh vực. Khó khăn không ít. Nhất là khi phong trào thực dụng ngoại bang đang tràn vào cả đạo cả đời tại Việt Nam ta.

Tôi thấy những gì Công Ðồng Vatican II dạy trên đây vừa là xã hội vừa là tôn giáo. Có một cái gì rất tâm linh, với nhiều phấn đấu và đớn đau. Tới được đó là tiến bộ.

Tiến bộ này đòi một tinh thần cầu nguyện ngoan ngoãn với ơn Chúa Thánh Thần. Tương lai Giáo Hội Việt Nam sẽ tốt đẹp nhiều hay ít là tuỳ ở những bước tiến bộ về:

- phục vụ yêu thương,

- đưa bác ái Phúc Âm vào nền văn hoá dân tộc,

- phát triển toàn diện con người với tinh thần tự hào dân tộc chính đáng.

Giống như một của lễ hiến dâng sống động.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 7 năm 2008