Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Cảm nghĩ sau diễn trường quốc tế về "Trái Ðất Tương Lai"

Sân bay Le Bourget cạnh thủ đô Pháp, đã biến thành diễn trường quốc tế, trong ba ngày 5,6,7 tháng 6, 1992. Diễn trường này do CCFD (Uỷ Ban Công Giáo chống đói và hỗ trợ phát triển) tổ chức. Chủ đề của nó là ” TRÁI ÐẤT TƯƠNG LAI”.

Ðịa hình 52 ngàn mét vuông được chia thành 13 khu vực, dành cho các đơn vị lớn: Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ, Liên Hiệp Quốc, Chính trị, Văn hoá, Kinh tế, Tôn giáo, Truyền thống, Ngân hàng, các tổ chức không chính phủ. Mỗi đơn vị lớn có những gian hàng trưng bày các hình ảnh và các tài liệu về phát triển.

Tham dự diễn trường có 700 tổ chức và trên 60.000 khách. Hơn 100 cuộc thảo luận đã được thực hiện.

Diễn trường quốc tế này được tổ chức song song với Hội nghị Riô tại Brésil. Ðiểm giống nhau, đó là cả Riô lẫn Le Bourget đều nhắm tới vấn đề phát triển. Ðiểm khác nhau, đó là Riô nhấn mạnh đến môi sinh và tụ họp các chính phủ, còn Le Bourget đề cao tình liên đới và là nơi gặp gỡ các tổ chức không chính phủ (Organisation non gouvernementales, viết tắt là ONG).

Tại diễn đàn "Trái Ðất Tương Lai”, năm châu đã gần gũi bên nhau. Tự do, thoải mái, chân tình. Có thể coi năm châu ở đây như một ngôi làng lớn. Tôi đã tạm gọi nó bằng tên ” Ngôi làng thế giới”. Ba ngày tại ngôi làng thế giới này đã gợi cho tôi một vài cảm nghĩ, xin được chia sẻ ở đây với anh chị em.

 Hoà mình vào một thế giới nhiều băn khoăn

Nghe bài đón tiếp của Ông René Valette, chủ tịch CCFD, và bài diễn văn khai mạc của Ông Pierre Bérégovoy, Thủ tướng Pháp, tôi thấy diễn trường này không phải là những ngày lễ hội, mà là một dịp nhận thức về một thực tế đang gây nhiều nhức nhối. Thực tế đó là cái hố sâu giữa các nước giàu và các nước nghèo. Nghèo chiếm đại đa số, còn giàu thuộc về một thiểu số rất nhỏ.

Cái hố ấy đang gây ra nhiều nguy cơ đủ loại. Nguy cơ nào cũng tai hại. Thủ tướng Pháp đã rất thực tế, khi nêu lên một số nguy cơ sẽ xảy đến cho các nước giàu. Thí dụ dân số tại các nước nghèo ngày càng tăng. Nạn đói kém sẽ gây nên những cuộc di dân tràn vào các khu vực giàu. Nhưng tại đây nạn thất nghiệp cũng đang tăng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng đang cạn, thêm vào đó lại đang xuất hiện những loại nghèo nàn mới.

Ðể khơi lên ý thức trách nhiệm về thực trạng ấy, diễn trường đã có những cuộc tranh luận lớn, từng ngàn người dự. Như các chủ đề: Châu âu với thế giới thứ ba. Nước pháp đã góp phần thế nào cho việc phát triển các nước kém mở mang. Ngoài ra, tại quảng trường chính, đã dựng nên những bức chân dung lớn của Gandhi (Ấn độ), của Rômêô (Mỹ châu La-tinh), của Tutu (Phi Châu). Như muốn nói với mọi người rằng: Những băn khoăn về chênh lệch giàu nghèo đang trở thành những băn khoăn rải rộng khắp nơi trên thế giới. Ðã có những vị như các vị này suốt đời đấu tranh không mệt mỏi vì những băn khoăn đó. Tinh thần các vị ấy còn đang tiếp tục hoạt động. Những băn khoăn trước thực trạng hố sâu giữa giàu và nghèo có thể gây nên những trận bão khốc liệt trong từng triệu triệu lương tâm.

Theo dõi dư luận trên báo chí, trong các cuộc tranh luận, và qua tiếp xúc tại diễn trường Le Bourget, tôi thấy có nhiều phản ứng đáng suy nghĩ.

Hầu hết cho rằng: Cái hố giữa các nước giàu và các nước nghèo là rất lớn. Trách nhiệm nghiêng về các nước giàu hơn là về phía các nước nghèo. Bởi vì đã có những bất công đối với các nước nghèo, đã có những nước giàu giúp phát triển kinh tế cho các nước nghèo mà không giúp phát triển con người của họ (Báo La Vie, n0 2439, 28 Mai 1992). Ðã có những dịch vụ từ thiện hơn là tấm lòng bác ái. Báo Le Monde ngày 9 tháng 6 năm 1992 đã dùng một từ rất gợi ý “Charité-business”. Ðã có những xuất khẩu lối sống tự do hưởng thụ giúp phát triển tội lỗi hơn là phát triển kinh tế và văn hoá cho các dân nghèo.

Tài liệu “Sommet Planète Terre” của Liên Hiệp Quốc số 6, tháng 4/1992, cho biết: Thiểu số bé nhỏ các nước kỹ nghệ đã làm ô nhiễm khí trời, nước mưa, nước biển, hơn gấp bội các nước nghèo cộng lại. Cũng theo tài liệu này, Hoa Kỳ mỗi năm đã đổ đi hơn một triệu tấn chén bát còn tốt, là một số lượng có thể giúp ích hàng năm cho 6 lần tổng số nhân loại. Tài liệu Liên Hiệp Quốc “Sommet Planète Terre” số 5, Aviril 1992, cũng cho thấy: Lá phổi của trái đất là rừng cây đã và đang bị cắt đi từng mảng, một phần lớn do các nước giàu. Khai thác gỗ là một kỹ nghệ mang lại khoảng 85 tỷ đôla hàng năm. Vì thế, mỗi năm có hơn 3 tỷ thước khối cây bị lấy đi khỏi rừng. Quá nửa số này là từ Hoa Kỳ, Canađa và Liên Xô cũ.

Bên cạnh những phản ứng trên, đã có những phản ứng hướng về các nước nghèo. Có những lo ngại cho các nước nghèo, khi được mở ra, thấy cảnh giàu là ham, muốn làm giàu với bất cứ giá nào, dù với cách đầu tư truỵ lạc. Có những lo ngại cho các dân nghèo, không quen chọn lựa và không quen đề kháng, nên trước khi học được cái hay cái tốt của các dân giàu, thì lại vội học cái dở và nhiễm lấy cái xấu của họ. Có những lo ngại cho các nước nghèo nay thèm khát nền văn minh hưởng thụ, đang khi những người đã tận hưởng nó lại thất vọng nó, bởi lẽ nó đang dẫn đến nhiều bế tắc cho các khát vọng bề sâu của con người.

Băn khoăn được nhắc đến nhiều nhất cho các nước nghèo, đó là dân số tăng một cách không hợp lý, đang khi đó đất đai trồng trọt tại nhiều nơi lại giảm đi. Theo ước lượng của tổ chức quốc tế FAO, thì đến năm 2100 sẽ mất đi khoảng 65 phần trăm đất trồng trọt tại Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, do các chương trình mở mang đô thị và chăn nuôi. Còn về dân số, thì tại các nước giàu, cứ khoảng 146 năm dân số mới tăng gấp đôi, còn tại các nước nghèo, cứ khoảng 37 năm đã tăng gấp đôi. Có nước rất nghèo, như Zambia, cứ sau 18 năm, dân số đã vọt lên gấp đôi. Người đông thêm, đất hẹp lại, trí thức kém, với những điều kiện như thế, tránh sao khỏi cảnh chậm phát triển.

 Chia sẻ với một thế giới đi tìm giải đáp

Tham dự các sinh hoạt của Làng Thế Giới, tôi thấy một hiện tượng nổi bật, đó là khách thăm và quần chúng rất ham chuộng cái gì là độc đáo của mỗi dân tộc. Cái lôi cuốn họ tại mỗi gian hàng không phải là cái đẹp chung chung của nền văn hoá thế giới, mà là cái riêng biệt của từng dân tộc. Chỗ này, ngoài công viên, người ta bu lại vòng trong vòng ngoài. Gì thế? Thưa là để tán thưởng một nhóm nghệ sĩ Châu Mỹ Latinh đang vừa ca vừa vũ, với điệu múa dân tộc, với y phục dân tộc, với nhạc cụ dân tộc. Chỗ kia, trong hội trường lớn của Châu Á, có từng trăm người đang chen chúc nhau. Cái gì vậy? Thưa là để theo dõi các tiết mục ảo thuật, võ thuật của nhóm Trung Quốc, của nhóm Triều Tiên. Những lúc ấy, tôi thấy bất cứ nước nào cũng có thể trở thành những vì sao sáng. Một dân tộc dù rất nghèo, vẫn có những cái đẹp riêng của mình, đủ mà hấp dẫn, vẫn có những cái hay riêng của mình, đủ mà tự hào.

Hiện tượng đó gợi ý cho tôi nghĩ rằng: Các dân tộc nghèo, nên để ý phát triển những cái hay cái đẹp sẵn có của mình. Không nên đua đòi, cạnh tranh với cái hay cái đẹp, mà nơi khác đã có hơn mình. Học hỏi người ta, hợp tác với người ta, nhưng mình vẫn phải là mình, với những nét đẹp riêng của mình. Ðó là một giải pháp tốt. Những giải pháp như vậy đòi nhiều nghiên cứu, với ý chí cầu tiến.

Ý kiến trên đây cũng đã được nhà thần học Bruno Chenu, gợi ý trong một cuộc luận đàm tại diễn trường, khi nói đến vai trò của thần học đối với công trình phát triển. Ðề tài buổi luận đàm hôm đó là Thần học của thế giới thứ ba. Cha Chenu nói lên sự xuất hiện các phong trào thần học tại các nước nghèo, đặc biệt là tại Châu Mỹ La Tinh, và tại Châu Phi. Riêng tại Châu Á, sự xuất hiện đó mới chỉ nhận thấy ở vài điểm nhỏ như Sri-Lanca, Triều Tiên. Các phong trào thần học này là những suy nghĩ Kinh Thánh khởi đi từ các vấn đề bức thiết của mỗi dân tộc trên con đường phát triển. Cha Chenu cho rằng: cách suy nghĩ như vậy rất đáng khen. Theo ngài, các phong trào thần học thế giới thứ ba đang làm cho các nhà thần học Châu Âu phải suy nghĩ lại nhiều vấn đề. Ðúng là có nền thần học chung, đồng thời cũng nên có những nền thần học riêng. Không đối chọi nhau, nhưng bổ túc cho nhau.

Cũng trong buổi tranh luận này, một số vị đại diện Hồi giáo, Phật giáo tại Châu Phi và Châu Á đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc các suy nghĩ của tôn giáo đã hỗ trợ cho việc phát triển con người và đời sống, cho việc xây dựng hoà giải và hoà bình trong nước và trong khu vực.

Trong những ngày tham dự diễn đàn, tôi đã có một cuộc trao đổi dài với Ðức Cha Fu tie Shan, Giám Mục Bắc Kinh. Ngài cho biết: Các linh mục của ngài, sau khi thụ phong, thường được gởi đi các đại học nhà nước để học biết một ngành nghề. Mục đích là để các linh mục ấy có thể góp phần hữu hiệu vào việc phát triển nơi mà họ đến làm mục vụ. Có nghĩa là để giúp phần phát triển, người ta cần có một trình độ trí thức và chuyên môn, chứ không phải là thiện chí.

Nhiều cơ quan viện trợ nước ngoài đã nói với tôi rằng: Người thiện chí tại Việt Nam thì vô kể, nhưng người có khả năng chuyên môn với trình độ trí thức và tinh thần trách nhiệm, mới là người chúng tôi tìm để hợp tác trong các chương trình phát triển tại Việt Nam.

Ðúng là như vậy. Phát triển không đơn thuần chỉ là sản xuất làm ra nhiều của cải, mà là phát triển chính con người toàn diện, trong đó việc phát triển các giá trị tinh thần đóng một vai trò không gì thay thế được.

Khi tôi ghé vào gian hàng của Bộ Hợp tác và Phát triển, tôi càng thấy rõ trình độ tinh thần cần thiết thế nào trong việc hợp tác với nước ngoài, để thực hiện các dự án phát triển tại nước mình. Chính phủ Pháp có hẳn một Bộ, mang tên "Bộ Hợp tác và phát triển”. Tại đây tôi để ý nhiều đến ưu tiên mà Bộ Hợp tác và phát triển dành cho các dự án. Ðó là ưu tiên cho các chương trình nghiên cứu. Mà để nghiên cứu, thì phải có trình độ trí thức và mức độ chuyên môn khả quan. Rõ ràng là rất cần nghiên cứu, để các công trình phát triển có được tính cách lâu dài, nhằm xây dựng con người hơn là xây dựng cơ sở, và đạt được lợi ích cho dân chúng, chứ không phải lợi ích cho một cơ chế tôn giáo hay cho một thể chế chính trị. Chương trình phát triển dễ trở thành bi kịch khi không được bảo đảm về khả năng trí thức chuyên môn và trình độ lương thiện.

 Ðồng hành với một thế giới phát triển tình liên đới

Mỗi sáng, tại các cửa đi vào Làng Thế Giới, có phát những bản tin liên quan đến diễn trường. Nội dung gồm tin tức ngày hôm trước, như tóm lược các bài báo khắp nơi đã nói về diễn trường, các khách đã đến thăm, một số ý kiến quan trọng đã được nêu lên về Trái Ðất Tương Lai. Qua các bản tin này, tôi thấy rõ hơn những gì đã xảy ra tại diễn trường. Vì nó mênh mông quá. Tuy nhiên có một điều tôi nhận thấy rất rõ, dù không đọc các bản tin. Ðó là trong Làng Thế Giới này, kẻ giàu người nghèo đều đồng hành với nhau trong một chuyến đi chung về tương lai. Trên chuyến đi này, chẳng ai quá giàu đến nỗi không cần đến những người nghèo, chẳng ai quá nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người giàu. Mọi người đều liên đới với nhau trong hạnh phúc và trong rủi ro.

Tinh thần liên đới, đó là một nét đạo đức nhân bản, mà mọi khuynh hướng xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế, tôn giáo đều đã đề cao trong diễn trường này.

Chính bản thân CCFD cũng đã được sinh ra và lớn lên do tinh thần liên đới. Tháng Giêng năm 1961, một nhóm gồm 15 phong trào, được thúc đẩy bởi tinh thần liên đới và dưới sự ủng hộ của Ðức cha Menager đã khởi xướng chiến dịch chống nạn đói. Khẩu hiệu đầu tiên là: “Bao người đang đói. Các bạn phải làm gì cho họ ?”. Các năm tiếp đó, chiến dịch vẫn là chống đói, nhưng được phát động rộng rãi hơn tại các nước giàu. Khẩu hiệu đưa ra là: “Bao người đang đói. Chúng ta hãy chia sẻ”. Năm 1966, chiến dịch chống đói bước thêm một bước mới, đó là vừa chống đói và vừa phát triển. Khẩu hiệu gởi đi là: “Xoá nạn đói, nhường chỗ cho phát triển. Chúng ta hãy chia sẻ“. Những năm thập niên 70, chiến dịch nhắm vào một số nước nghèo như Chilê, Ấn độ, Guinee, Guatemala, Mali, Sri-Lanca, Brasile, vùng sông Mêkông. Những năm thập niên 80, chiến dịch được tập trung vào việc phát triển học đường, đào tạo nhân sự chuyên môn. Những năm gần đây, phong trào chống đói và hỗ trợ phát triển do CCFD thực hiện đã trở thành một tổ chức với qui mô lớn. Cuối năm 1991 với một quỹ tiền là 189 triệu francs Pháp, CCFD đang hỗ trợ cho 450 dự án phát triển tại hầu hết các nước đang phát triển.

Một tổ chức mới 30 tuổi, mà đã bước vào được hầu hết các nước trên thế giới. Như đã chứng tỏ, động lực phát triển, mục tiêu phát triển và phương tiện phát triển không hẳn chỉ là phát triển của cải vật chất, mà trước hết là phát triển các giá trị tinh thần, đặc biệt là tinh thần liên đới.

Tinh thần liên đới cũng chính là điều mà các học sinh Pháp đã được học tại Làng Thế Giới này. Có hơn 15.000 học sinh từ 600 trường đã tới Le Bourget. Qua các gian hàng, chúng đã thấy tận mắt thế nào là tình liên đới giữa các nước giàu nghèo.

Trong bức điện văn gửi cho Diễn trường “Thế giới tương lai” Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hô hào các người tham dự hãy phát huy tinh thần liên đới với các dân tộc trên thế giới. Tình liên đới mà Ðức Thánh Cha nêu lên đã dựa trên một cơ sở thần học sâu sắc. Ðức Thánh Cha viết: “Mỗi Kitô hữu là một chi thể của Mình Mầu Nhiệm Ðức Kitô, nên họ được mời gọi hiến thân cho các anh em mình. Những khả năng của mỗi người hãy dùng để phục vụ mọi người”.

Thủ tướng Pháp, Pierre Bérégovoy, trong diễn văn trước diễn trường, đã khẳng định: "Cái thời của các quốc gia khép kín không còn nữa. Trước tiên bởi vì quan niệm về nhân loại đã phát triển trong các lương tâm. Ngoài ra, bởi vì trên bình diện cụ thể, sự ích kỷ không những là vô luân lý, mà còn là một việc tự sát”.

Trong thánh lễ bế mạc tại Làng Thế Giới trưa 7 tháng 6, 1992, Ðức Hồng Y Roger Etcheragay đã nói: “Tình liên đới còn hơn là một chiến lược, và còn hơn là một nhu cầu, nó đang là một sự thực hiển nhiên, là một đam mê, được nuôi dưỡng bởi một cái nhìn về mối hiệp nhất gia đình nhân loại, mà mỗi người đều bình đẳng và được Cha trên trời yêu thương như nhau”.

Trong bữa tiệc khoản đãi các Ðức Giám Mục và các quan khách ngày bế mạc, đã có nhiều phát biểu thân tình. Trong đó có một phát biểu được mọi người hoan nghênh, gây ấn tượng sâu sắc: “Trong 3 ngày nay, tôi đã được nghe biết bao điều hay ho đạo đức. Tôi mong những điều hay ho đạo đức ấy sẽ được thực hiện, dù chỉ một phần thôi, để những người nghèo khó như chúng tôi được bớt khổ trên trái đất hôm nay này”. Ðó là lời chân thành của anh bồi bàn.

Tôi từ giã Làng Thế Giới, và cầu nguyện cho ước vọng trên đây của một người nghèo được thực hiện. Trái đất tương lai đang bắt đầu từ trái đất hôm nay.

Long Xuyên, tháng 8/1992