Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Ðào tạo nhân sự

Ðọc Phúc Âm, tôi thấy Chúa Giêsu rất quan tâm đến việc đào tạo. Có lúc Người đào tạo đám đông từng mấy ngàn người. Có lúc Người đào tạo nhóm nhỏ gồm vài gia đình. Thường xuyên và một cách đặc biệt, Người đào tạo nhóm 12. Chính Người trực tiếp đào tạo họ. Thêm vào đó, Chúa Thánh Thần cũng đã được sai đến đào tạo họ. Hơn chục người là một nhóm quá nhỏ. Nhưng nhóm nhỏ này được coi là nòng cốt. Họ sẽ là những người đào tạo.

Hội Thánh sơ khai được xây dựng và phát triển một cách lạ lùng giữa muôn vàn khó khăn đủ loại, chính nhờ những người đào tạo này.

Bởi vì, họ đã được đào tạo rất kỹ về mầu nhiệm cứu độ. Sự đào tạo rất kỹ mà họ đã lãnh nhận dựa trên sự họ đã gặp gỡ Ðức Kitô và đã được Chúa Thánh Thần cải hoá. Họ chỉ làm chứng những gì họ đã thấy nơi Ðức Kitô và những gì họ đang nếm được về hạnh phúc Nước Trời.

Sức mạnh truyền giáo của họ phát xuất từ bên trong tâm hồn họ mang đầy sự sống mới do Thiên Chúa chia sẻ cho. Vì thế, những cuộc bách hại không những đã không tiêu diệt được sức mạnh thần thiêng đó, mà còn là những dịp để các tông đồ làm chứng về Tin Mừng.

Hội Thánh sơ khai là như thế. Còn nay?

Tôi đang nhìn thấy Hội Thánh bị bách hại khắp nơi. Có nơi do áp bức thô bạo của quyền lực. Có nơi do khống chế của tiền bạc, của tinh thần tục hoá, của phong trào hưởng thụ. Có nơi do đầu độc của những phương tiện truyền thông không tôn trọng sự thật, gieo rắc chia rẽ, hận thù, cổ võ cho một lối sống thực dụng. Và cũng có nơi do sự hẹp hòi và tự mãn an phận của tinh thần chủ nghĩa cá nhân cục bộ còn khá mạnh trong một số nhân sự Hội Thánh.

Trước một tình hình phức tạp như trên, Hội Thánh các nơi đã đối phó bằng nhiều cách, nhất là bằng cách tăng cường việc đào tạo nhân sự, đặc biệt là nhân sự có nhiệm vụ đào tạo.

Ðể có những gợi ý thích hợp về vấn đề này, cho mục vụ tại địa phương ta, tôi xin chia sẻ một số thông tin.

Một Ðức giám mục người Zaire đã cho tôi biết: Nước của ngài, từ mấy năm nay, đã là mảnh đất béo bở cho nhiều giáo phái. Với những hình thức lôi cuốn ngọt ngào, họ đã tạo ra được một sức mạnh tôn giáo xã hội rất đáng kể. Nhiều người đã trôi theo, nhưng giáo phận của ngài vốn đứng vững, nhờ các cộng đoàn nhỏ.

Cộng đoàn nhỏ nói đây là các khu xóm của họ đạo. Hằng tuần, mỗi cộng đoàn nhỏ họp nhau một lần. Họ cầu nguyện chung, suy gẫm bài Phúc Âm Chúa nhật tới theo bản in phát sẵn. Tiếp đó, họ được nhắc nhở cách sống thánh lễ đời thường, bởi vì họ ít có dịp tham dự thánh lễ bàn thờ. Sống thánh lễ đời thường là hiệp thông với Ðức Kitô trong mọi chi tiết đời thường. Một trong những chi tiết đó là thực thi tình thương đối với người khác. Vì thế, trong buổi họp, họ xem xét những vấn đề thực tế của cộng đoàn, để thấy những ai cần được nâng đỡ, những trường hợp nào cần được giải quyết. Sau đó họ cùng nhau thực hiện.

Sở dĩ các cộng đoàn nhỏ đã đem lại được sức sống trẻ trung cho giáo phận, chính vì các cộng đoàn đó có những người phụ trách được đào tạo rất kỹ.

Cũng trong cái nhìn về Hội Thánh hôm nay, một vị giáo sư khoa trưởng của một đại học Công Giáo Thuỵ Sĩ đã trao đổi với tôi về việc cần thiết đào tạo một giới trí thức Công Giáo thích hợp cho thời đại này. Ngài cho biết, tại nhiều nước phương Tây, chủ nghĩa duy lý trí, chủ nghĩa duy khoa học, chủ nghĩa tục hoá đang hộ tống nền văn minh dân chủ. Dân chủ tất nhiên có nhiều điều rất tốt, nhưng cũng có nhiều điều không tốt. Những điều không tốt lại được biện minh bằng vô số chứng từ thực dụng. Thành thử đám đông ùa theo. Kết quả là một số đáng kể đã và đang lặng lẽ xa rời Hội Thánh. Tôn giáo bị đẩy dần vào phạm vi tư. Xã hội xem ra chỉ còn biết đến tôn giáo qua các nhà văn, các nhà báo, các nhà trí thức công giáo tích cực làm chứng cho Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Do đó, việc đào tạo một đội ngũ trí thức công giáo là việc rất cần thiết.

Tôi vừa đọc xong cuốn “Kỷ nguyên hậu-Thiên-Chúa-Giáo” của Emile Poulat. Sách dày 317 trang, do nhà xuất bản Flammarion phát hành tháng 4 năm nay 1994. Nội dung đã được tóm lược trong bài phỏng vấn tác giả, đăng trên tuần báo Paris Match ngày 21 tháng 7, 1994. Emile Poulat là một người công giáo, viết văn viết báo, chuyên nghiên cứu các vấn đề tôn giáo xã hội. Theo ông, Hội Thánh Công Giáo tại Âu Châu đang trở thành một di tích lịch sử. Xã hội ngày nay, ngay tại các nước Âu Châu vốn có đạo lâu năm, cũng đang phát triển theo ý riêng của họ, với những luật riêng của họ, không còn qui chiếu chút nào vào giáo lý do Hội Thánh giảng dạy. Tinh thần tục hoá thống trị khắp nơi. Ðám đông hết còn gắn bó với Hội Thánh, tuy họ không từ bỏ Thiên Chúa. Nhưng đang khi đó lại xuất hiện sự sống thiêng liêng mới, bốc lên và toả ra từ các phong trào đạo đức mới, từ các cộng đoàn tu hội mới. Các khối nhỏ này, được huấn luyện rất sâu về Phúc Âm, rất sát với thực tế cuộc sống. Nên họ đang là hy vọng lớn cho Hội Thánh trên đường tiến tới năm 2000. Như vậy, Hội Thánh đang gặp nhiều thách đố lớn, và đã tìm ra cách giải đáp. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã tiên báo điều đó.

Trong Tông huấn “Cha sẽ cho chúng con những mục tử” (Pastores dabo vobis), Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã liệt kê một chuỗi những chủ thuyết nguy hiểm đang hoạt động trên thế giới, nhất là tại Âu Châu. Ðể có thể rao giảng Tin Mừng một cách hữu hiệu trong một xã hội phức tạp như hiện nay, các mục tử cần được đào tạo kỹ hơn, về các mặt nhân bản, trí thức, đạo đức và hội nhập văn hoá. Phải đào tạo kỹ, phải tái-đào-tạo, phải đào tạo trường kỳ những con người có bổn phận đào tạo, đó là ý muốn của Ðức Thánh Cha.

Những thông tin trên đây cho thấy hai sự kiện sau đây: Một là trong xã hội cũng như trong cá nhân luôn có cạnh tranh giữa các khuynh hướng, cái mạnh sẽ thắng cái yếu. Hai là Hội Thánh, nếu muốn thắng những khuynh hướng mình cho là xấu trong xã hội, thì phải đào tạo những người của mình, sao cho họ có khả năng mạnh, biết dùng đời sống làm chứng được đạo giáo của mình là tốt, là hấp dẫn đối với xã hội.

Hai sự kiện trên đây gợi ý cho tôi nhìn vào thực tế Việt Nam hôm nay. Ðúng là đang có cạnh tranh giữa các giá trị, giữa các khuynh hướng. Tại một số nơi, tinh thần thực dụng, tinh thần chạy theo tiền bạc, tinh thần hưởng thụ, tinh thần tục hoá đang dâng cao, tràn cả vào các nơi thánh, biến hoá cả những người đạo đức trước đây khắt khe và bất khuất. Những chuyển biến này xảy ra quá sớm, quá lẹ.

Còn việc đào tạo và tái đào tạo nhân sự để có đủ khả năng làm chứng cho Chúa trong tình hình thực dụng hưởng thụ, tục hoá và tiền bạc hiện nay thì sao? Tôi không đủ khả năng đưa ra một trả lời đúng. Tôi chỉ nhìn vào bản thân tôi, một đối tượng cần được tái-đào-tạo thường xuyên và trường kỳ. Và tôi nhận thấy một khoảng cách lớn thê thảm giữa lý tưởng và thực tế. Từ sự thật đó, tôi hiểu thấm thía hơn sự được tái đào tạo là một ơn huệ của Chúa, mình chỉ có thể đón nhận bằng tất cả tấm lòng khiêm tốn, khó nghèo và tha thiết cầu nguyện. Thiết tưởng phải khởi đi từ đó, và phải thường xuyên bắt đầu lại từ đó.

Long Xuyên, ngày 23/9/1994