Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Ơn gọi trở về

Cuối năm vừa qua, 1990, tôi được may mắn theo đoàn các Ðức Cha Việt Nam sang Vatican.

Chuyến đi này được gọi là chuyến đi Ad Limana. Ðây là dịp thuận lợi để tôi học hỏi thêm. Ðể tài tôi tự chọn cho chuyến đi học hỏi này là Truyền Giáo, cũng gọi là Phúc-Âm-hoá.

Học hỏi trong một chuyến đi là xem, nghe, đọc và suy nghĩ, cầu nguyện trên các dữ kiện. Học hỏi như thế là một hành trình nội tâm, đàng sau cuộc hành trình bên ngoài. Trong dịp Tĩnh tâm này, tôi xin chia sẻ với anh em cuộc hành trình nội tâm đó của tôi. Sự chia sẻ bao giờ cũng thân tình. Tôi sẽ vắn gọn, trên mỗi trường học của tôi.

Trường học thứ nhất của tôi là hai thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và một vài vị thánh khác.

Trong tháng 11/1990, tôi đã nhiều lần đến viếng mộ thánh Phêrô, và thánh Phaolô ở Rôma. Tôi đã suy nghĩ về cuộc đời hai Ðấng thánh. Các ngài đã là những con người trở về, và đã làm cho biết bao người trên khắp thế giới trở về.

Ngày 30/11/1990, ngày giỗ Cha Charles de Foucauld, tôi đồng tế tại nhà thờ thánh Augustin ở Paris. Tôi cũng đã suy nghĩ về cuộc đời của thánh Augustin. Ngài đã là con người trở về, và đã giúp cho vô số người trở về.

Tối khuya cùng ngày 30/11/1990, tôi đến viếng chiếc toà giải tội lịch sử còn giữ tại nhà thờ thánh Augustin. Chiếc toà giải tội này rất cũ kỹ, có mang tấm bảng ghi hàng chữ sau đây: “Tại toà giải tội này, Charles de Foucauld đã xưng tội với Cha Huvelin, và đã được ơn trở lại”. Chiếc toà giải tội này đã gợi ý cho tôi suy nghĩ về cuộc đời Cha Charles de Foucauld. Ngài đã là con người trở về và đã lôi kéo được đủ mọi hạng người trở về.

Ngày 1/12/1990, tôi đi Lisieux. Sau khi dâng thánh lễ tại dòng Kín Carmel, tôi đến xóm Buissonnets, vào viếng ngôi nhà mà thánh nữ Têrêsa đã ở, trước khi đi tu. Phòng nào, đồ vật nào tại đây cũng gợi lên sự trong trắng dễ thương của Têrêsa. Vào phòng khách, tôi nhìn qua các tấm ảnh cô bé Têrêsa, và tự nói với chính mình: Ít ra là lần này, tôi được viếng thăm nhà một vị thánh không bao giờ cần trở lại. Nhưng đang khi tôi bước lên cầu thang với những ý nghĩ vẩn vơ như vậy, thì tôi nghe tiếng người dẫn đường nói: “Chính tại đây, một đêm Noel, Têrêsa đã được một ơn lớn lao mà thánh Têrêsa gọi là ơn trở lại. Bởi vì chính khi Têrêsa nhận quà Noel đêm đó, với những lời nhắn nhủ của người cha nhân từ, Têrêsa đã được ơn bước vào giai đoạn mến Chúa một cách trưởng thành hơn".

Qua các cuộc hành hương trên đây, tôi càng nhận thấy rõ các vị thánh của tôi đều là những người trở về. Không phải chỉ trở về một lần, mà là trở về nhiều lần, trở về từng bước, luôn mãi, trên suốt cuộc đời. Ðó là những sự thực chứng minh một sự thực chung. Sự trở về là một tiến trình liên tục, áp dụng cho bất cứ ai.

Thực vậy, trên nguyên tắc, con đường trở về có ba quãng. Quãng một là tình trạng lầy lội u tối của tội lỗi và không tin. Quãng hai là quyết tâm bỏ tội lỗi và tin vào Chúa. Quãng ba là những bước đi sáng sủa tới bậc trọn lành. Nhưng trên thực tế, ba quãng đường này thường chen kẽ nhau. Bởi vì đang khi ta quyết tâm bỏ tội lỗi, và ngay cả khi ta đi tìm sự trọn lành, ta vẫn thường có lúc phạm tội. Hơn nữa, trong ta vẫn còn nhiều vùng sâu dưới quyền các thần tượng chống phá Thiên Chúa. Ðó là các khuynh hướng xấu như đam mê danh vọng, địa vị, tiền bạc, vui thú xác thịt thế gian. Cũng có thể là xem qua, thì toàn thể con người ta đã thuộc về Thiên Chúa, nhưng xem kỹ, thì Thiên Chúa ấy không phải là Thiên Chúa của Phúc Âm, mà là một Thiên Chúa do não trạng của ta nhào nặn ra theo sở thích của mình, một Thiên Chúa kiểu “Idole domestique” hẹp hòi và tính toán. Cũng có thể là xem qua, thì toàn thể con người ta đều có vẻ mang sự sống đức tin, nhưng kiểm tra kỹ, ta thấy nhiều tầng lớp tâm sinh lý trong ta vẫn cực kỳ phản động đối với đức tin. Trong ta, vẫn còn nhiều vùng ngoại đạo, vẫn còn nhiều chỗ chưa được hoàn toàn Phúc Âm hoá.

Có lần thánh Phêrô đã trình với Chúa Giêsu một ý kiến rất đạo đức. Nhưng Chúa Giêsu đã cho biết ý kiến ấy không do ơn Chúa soi sáng, mà do xác thịt đó thôi. Như thế có nghĩa là ngay cả trong lời nói đạo đức, với ý hướng đạo đức, nơi người rất đạo đức như thánh Phêrô, vẫn có thể ẩn tàng những động lực không phải là ý Chúa. Vẫn còn chỗ xa Chúa, cần phải trở về.

Sự trở về đã được các vị thánh của tôi cảm nghiệm như thế nào?

Nhìn sâu vào sự kiện trở về của thánh Phêrô, thánh Phaolô, thánh Augustin, cha Charles de Foucauld và thánh nữ Têrêsa, tôi thấy sự trở về của các ngài đã được các ngài cảm nghiệm như một sự đổ vỡ những gì đã cũ, và bắt đầu mọc lên những gì rất mới.

Những gì đã cũ, đó là não trạng cũ, nếp sống cũ, tình cảm cũ, cách suy nghĩ cũ, cũng có thể là toàn thể cái tội cũ. Trong chốc lát, các vị thánh ấy cảm thấy như tất cả những cái cũ ấy bị sụp đổ tan tành, nhưng đồng thời lại mọc lên những cái mới, cái tôi mới, sự sống mới, hướng đi mới, thao thức mới.

Sự trở về như vậy không hẳn là kết quả của những điều dốc lòng, mà cũng không hẳn là kết quả của những nỗ lực kéo dài, mà rõ ràng là do ơn Chúa. Ơn cứu độ của Chúa tràn vào con người của họ, tác động trên họ, xâm nhập vào các tài năng của họ. Các ngài nhận thấy thực rõ chân lý Phúc Âm này: Không có ơn Chúa sẽ không có sự trở lại.

Những lúc ấy, tình yêu cứu độ được tỏ hiện ra như một sức mạnh tuyệt vời. Sức mạnh này không đi ngược chiều với sự yếu đuối con người. Nó cũng không phải là một sức mạnh chi viện được thêm vào sức mạnh con người sẵn có. Nhưng nó là một sức mạnh trong sáng ngọt ngào mới mẻ, được đổ vào cái hố sâu những yếu đuối con người, để tẩy rửa, để cứu chuộc, để thứ tha, để làm cho con người nên mới. Sự trở về như vậy là bước của tình yêu Chúa đến với con người, hơn là bước của tình yêu con người đến với Chúa.

Tuy nhiên, con người trở lại không phải chỉ là thụ động. Họ phải chuẩn bị để đón ơn Chúa. Theo tôi, thì các chuẩn bị thông thường là dùng một chiếc thang. Chiếc thang này không dùng để leo lên, nhưng là để bước xuống. Chiếc thang đó là chiếc thang khiêm nhường. Càng bước xuống nhiều bậc, bậc thang khiêm nhường người ta càng dễ trở về với Chúa.

Sự khiêm nhường này hệ tại hai điều: Một là nhận biết mình yếu hèn tội lỗi, hai là hết lòng cậy tin ở lòng thương xót Chúa. Sự khiêm nhường như vậy đã được nhắc nhủ nhiều lần trong Kinh Thánh. Thánh Phaolô rất ý thức điều này, nên có lần Ngài đã khoe ra những yếu đuối của mình, để rồi kết luận: “Chính khi tôi yếu, là lúc tôi mạnh”. Nói thế là rất đúng với Phúc Âm. Theo dõi dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện thì rõ. Người biệt phái coi mình là công chính nên đến trước bàn thờ, ngẩng mặt lên, cao giọng tạ ơn Chúa vì bao việc lành mình đã làm. Còn người thu thuế, nhận biết mình là kẻ tội lỗi, chẳng có công phúc gì, nên đứng cuối nhà thờ, cúi mặt xuống, xin Chúa chỉ một ơn thôi, đó là xin thương xót thân phận khốn cùng của mình. Dụ ngôn kết luận thế nào, thì ta đã biết.

Tới đây, tôi nghĩ tới cuốn sách mới của Cha André Louf, tựa đề: “Au gré de sa grâce”. Trong sách này, có một chỗ tác giả nói về les pécheurs endurcis và les justes endurcis, những kẻ tội lỗi cứng lòng và những người công chính cứng lòng. Kẻ tội lỗi cứng lòng thì dễ hiểu rồi. Còn người công chính cứng lòng là những người đạo đức tự mãn. Họ coi mình chẳng có gì cần phải trở lại. Họ không bước xuống bậc thang khiêm nhường. Họ không có kinh nghiệm về tình yêu Chúa cứu độ thương xót tha thứ. Lòng họ trở nên khô khan cứng cỏi, băng giá, không những đối với người khác, và cũng cả đối với Chúa nữa. Vì thế, loại người công chính cứng lòng rất khó trở về.

Trong một phòng khách Ðức Giáo Hoàng, tôi thấy có một tượng thánh Phêrô bằng đồng đen, đặt trên bệ cao. Có lần tôi tò mò lại gần xem, thì thấy tay ông thánh Phêrô cầm một chùm hai chìa khoá. Tôi tự hỏi: Mở cửa thiên đàng thì một chìa đã đủ, sao phải hai chìa? Và, đột nhiên, một ý tưởng thoáng qua trả lời tôi rằng: Chùm khoá này là để mở lòng người. Kẻ tội lỗi cứng lòng thì một chìa đủ mở. Còn người công chính cứng lòng thì hai chìa chưa chắc đã mở được.

Ðọc Phúc Âm, tôi cũng có cảm tưởng như vậy. Ðối với kẻ tội lỗi như Madeleine, người phụ nữ ngoại tình, người thu thuế, kẻ trộm, thì chỉ vài lời nhẹ nhàng của Chúa, hoặc chỉ vài cử chỉ nhân ái của Người cũng đã đủ để đưa họ trở về. Còn những kẻ công chính, như các thượng tế, các luật sĩ, các thầy biệt phái, được nghe bao nhiêu bài giảng, được thấy bao nhiêu phép lạ, cũng cứ vẫn trơ trơ. Họ không trở về, bởi vì họ không nhận mình tội lỗi. Họ mù mà cứ tưởng mình sáng. Có lần Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Nếu các ông là những người mù, thì các ông sẽ không có tội. Nhưng đằng này, các ông nói: Chúng tôi thấy chứ! Nên tội các ông còn đó”. Với lời trên đây, Chúa cho thấy: Kẻ nhận mình mù, thì cái mù đó sẽ được cứu chữa. Còn kẻ mù mà cho mình là sáng, thì cái mù của họ vẫn cứ mãi tồn tại. Như vậy cái đáng tiếc nghiêm trọng không phải là sự mình có tội, nhưng là có tội mà vẫn cứ tưởng mình đạo đức.

Kẻ tội lỗi mà mù quáng thì thường do sự yếu đuối của họ muốn trốn tránh ánh sáng sự thực. Còn người đạo đức mà mù quáng thì thường do sự tự mãn của họ cố tình ngăn chặn ánh sáng sự thực. Cái mù nào cũng tai hại cả. Nhưng kẻ tội lỗi mù quáng sẽ được xét xử khoan dung hơn kẻ đạo đức mù quáng. Tôi hiểu như thế, khi nghe Chúa Giêsu cảnh giác các người đạo đức tự mãn cứng lòng. Chúa cho họ biết: Sau này, các người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước họ.

Những suy nghĩ trên đây khuyên tôi nên khiêm tốn đứng vào hàng ngũ những tội nhân, cần phải trở về. Tôi nhớ lại lời thánh Phaolô nói: “Chính vị thượng tế cũng mắc phải yếu đuối tư bề, vì thế cũng như ngài, phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì ngài cũng dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5,1-10). Lời thánh tông đồ trở lại là một Tin Mừng gởi tới tôi và cũng gởi tới mọi anh em linh mục.