Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Những hiểu biết nơi các thánh

Ðọc Kinh thánh và lịch sử Giáo hội, tôi thấy vai trò của những người có trình độ hiểu biết là rất quan trọng.

Ðể khởi sự cứu nguy một nơi, một thời, Chúa thường gởi đến nơi đó, thời đó một số người có những hiểu biết thích hợp. Nhờ những hiểu biết ấy, họ loan báo nguy cơ có thể xảy ra, và dạy cách để vượt qua nguy cơ.

Cũng vậy, để chấn hưng nền đạo đức của một thời đại, Chúa thường gởi vào thời đại ấy những nguồn hiểu biết thích hợp. Những nguồn hiểu biết này đã khơi dậy trong lòng thời đại ấy những hứng khởi mới, những sáng kiến đạo đức mới.

Chuyện các Thánh kính trong thánh 8 cũng nhắc nhở tôi điều đó. Từ các Thánh xa xưa như Gioan Baotixita (29/8), Lôrensô (10/8), Augutinh (28/8), Mônica (27/8), Bênadô (20/8), Ðaminh (8/8), Anphongsô (1/8), cho đến các Thánh gần đây như Gioan Maria Vianê (4/8), Piô X (21/8), Maximilien Kôlbê (14/8), đều có một đặc điểm chung, đó là các Ngài có những hiểu biết cứu độ hợp thời, và đã thực hiện những hiểu biết ấy bằng những phương cách hợp thời.

Những hiểu biết ấy rất đa dạng. Ðể dễ nhận dạng, và cũng để giúp nhớ, người ta nêu lên năm loại hiểu biết sau đây:

 1/ Những hiểu biết do Thần học

Hiểu biết do Thần học là những hiểu biết do các tài liệu thần học cung cấp. Nó được đúc kết do truyền thống Công Giáo, cộng với những suy tư của các nhà thần học và những hướng dẫn của quyền giáo huấn Hội thánh. Trong thần học có những cái bất biến và có những cái chuyển biến. Thần học thời thánh Augutinh và thần học thời thánh Maximilien Kôlbê rất giống nhau và cũng rất khác nhau, nhất là trong cái nhìn về Hội thánh.

Thời thánh Bênadô, nếu dân Công Giáo, dựa theo những hiểu biết thần học lúc ấy, đã coi việc kéo nhau đi đánh đuổi và tầm nã những kẻ chống đối đạo mình là việc đạo đức, thì một quan điểm như vậy có thể hợp cho thời đó, nhưng không hợp với thời thánh Maximilien Kôlbê. Vị thánh này đã có những hiểu biết mới do thần học thời Ngài, nên đã chọn một cách mới để làm chứng cho Chúa. Cách mới đó là yêu thương con người cho đến cùng.

 2/ Những hiểu biết do ơn Ðức tin

Hiểu biết do ơn đức tin là những hiểu biết không do trường lớp hay sách báo nào cung cấp, nhưng do đức tin siêu nhiên. Loại hiểu biết này thường hay gặp nơi những người quen sống thân mật với Chúa bằng niềm tin sống động.

Khi thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan Maria Vianê chọn cho mình nếp sống khổ hạnh và cầu nguyện, thì sự lựa chọn ấy, và sự kiên trì trung tín với sự lựa chọn ấy, là do ơn đức tin. Ơn đức tin đã làm cho các Ngài nhìn thấy rõ giá trị vô vàn của việc cầu nguyện và khổ chế. Chỉ có ơn đức tin mới làm cho các Ngài nhìn thấy rõ việc truyền giáo là việc phải giành giật từng linh hồn khỏi tay Satan, và phải giành giật bằng sức mạnh của Ðức Kitô, Ðấng gánh tội, xoá tội, đền tội cho nhân loại.

Những hiểu biết đã hướng dẫn lòng mẹ nơi thánh Mônica cũng là những hiểu biết do ơn đức tin. Ðang khi nhiều bà mẹ tỏ ra lơ là với việc giáo dục đạo đức con cái, cứ thấy con mình học cao, chức lớn, thì hả hê rồi, thì bà Monica không ngừng làm đủ cách để đưa con mình trở về đàng nhân đức. Ðúng là vì có một đức tin rất sâu sắc, nên bà thấy rõ được thực chất lời Chúa phán xưa: “Ðược mọi sự thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì”.

 3/Những hiểu biết do ơn Tiên tri

Hiểu biết do ơn tiên tri là những hiểu biết cho thấy trước những gì đang đến và sắp đến về Nước Trời. Những hiểu biết này Chúa thường thông ban cho các người thiện tâm thiện chí, tha thiết muốn đưa mọi người vào đời sống hạnh phúc của chân lý và tình thương.

Khi thánh Gioan Baotixita thấy tình hình tôn giáo thời Ngài đã bị biến chất trầm trọng, do tinh thần Pharisêu câu nệ hình thức luật lệ, đề cao của cải, biến tôn giáo thành quyền lực chính trị, thì Ngài loan báo một sự đổi mới giúp đón nhận Nước Trời, đó là tin theo Ðức Kitô, Ðấng đang ở giữa dân mà dân không biết. “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian”.

Hiểu biết đó của Gioan là do ơn tiên tri.

Khi thánh Ðaminh nhận thấy cảnh tôn giáo suy đồi đang tràn lan như cơn dịch. Ngài đã khơi lên một luồng gió mới có tính cách thanh luyện, đó là qui tụ một số người thiện chí quyết tâm sống khó nghèo, tinh khiết và vâng lời. Số người này cùng với phép lần hạt Mân côi, đã thắp sáng lên đức ái, giúp mở cổng Nước Trời. Hiểu biết đó của thánh Ðaminh là do ơn tiên tri.

Khi thánh Anphongsô nhận thấy đám đông dân nghèo bị bỏ rơi, Ngài đã tập trung hoạt động mục vụ về hướng đó. Với lòng mộ mến Thánh giá và từ bỏ mình, Ngài hăng say rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó. Rồi nhìn về tương lai, Ngài đã lập dòng Chúa Cứu Thế. Hiểu biết đó của thánh Anphongsô là do ơn tiên tri.

 4/ Những hiểu biết do ơn đoàn sủng

Hiểu biết do ơn đoàn sủng là những hiểu biết Thánh Thần ban cho, không vì phần rỗi của cá nhân nào, mà vì lợi ích chung Hội thánh và nhân loại.

Thí dụ, thánh Piô X nhìn thấy trong Giáo hội, có nơi não trạng giáo sĩ bị ô nhiễm bởi tinh thần Modernisme, và có nơi đời sống tôn giáo còn nặng di sản Jansénisme, nên một đàng Ngài buộc các giáo sĩ phải tuyên hứa không chấp nhận Modernisme, và một đàng Ngài cải cách luật rước lễ lần đầu. Việc làm của Ngài, và những hiểu biết trên đây của Ngài, là do ơn đoàn sủng.

Rồi, thí dụ thánh Lôrensô, khi bị vua quan thẩm vấn về tài sản Hội Thánh, Ngài đã chỉ vào đám dân nghèo mà nói: “Ðây là tài sản Hội thánh”. Câu trả lời đó cho thấy tình yêu tha thiết Ngài dành cho con chiên, nhất là kẻ nghèo. Ðối với Ngài, cái vốn quý nhất của Hội Thánh chính là con người. Hiểu biết như thế là do ơn đoàn sủng. Khi sự hiểu biết đó được loan đi, thì mọi người trong cộng đoàn tín hữu đều nức lòng, phấn chấn, và người ngoài Hội thánh đã tỏ lòng thán phục.

Rồi, thí dụ thánh Gioan Maria Vianê, khi muốn đổi mới họ đạo của mình, đã khởi sự từ chính mình, và bằng một nhóm nhỏ năng viếng Mình Thánh, lần chuỗi Mân côi và đọc kinh chiều. Hướng đổi mới đó chứng tỏ Ngài có những hiểu biết do ơn đoàn sủng.

 5/ Những hiểu biết do theo dõi tình hình đời đạo

Ðọc các tài liệu của các Thánh kính trong tháng này để lại, như các bài giảng, các sách, các thư từ, người ta thấy được phần nào những gì đã xảy ra trong đạo, ngoài đời, thời các Ngài. Ðúng là các Ngài đã đồng hành với chương trình cứu độ. Các Ngài là những kẻ đánh cá thiêng liêng, không những biết lưới, rành mồi, mà cũng biết nơi nào, lúc nào nên thả lưới, và cũng biết chỗ nào, lúc nào hay xảy ra giông bão. Các Ngài là những kẻ gieo trồng thiêng liêng, không những biết lựa giống mà cũng biết những thửa đất mình sẽ gieo trồng, biết các thời vụ, biết các phân bón, biết các loại sâu rầy và các bệnh phá hoại mùa màng. Có nghĩa là các vị Thánh của chúng ta, không phải là những người chuyên bảo vệ các nguyên tắc lý thuyết ở trong pháo đài, mà là những người luôn lên đường, đến với con người, để phục vụ họ, để cứu độ họ, với những hiểu biết về họ, về hoàn cảnh của họ, về xã hội của họ.

Trên đây là tóm lược các loại hiểu biết đã hướng dẫn các vị Thánh của chúng ta, trên đường tu đức và truyền giáo. Những hiểu biết ấy là những sự thực cần thiết và hữu ích, để soi sáng đường hướng tu trì và mục vụ.

Kinh nghiệm hiện nay cho thấy: Bất cứ cộng đoàn nào, dù đạo dù đời, dù nhỏ dù lớn, nếu cứ lẩn quẩn trong những hiểu biết hẹp hòi, lệch lạc, lỗi thời, sẽ không thể nào tiến lên được. Ðó là một hiểu biết sơ đẳng nhất, nhưng cần có nhất.

Hiểu biết sơ đẳng đó, cũng như bản liệt kê các loại hiểu biết trên đây của các Thánh, thúc giục ta tự kiểm điểm chính mình. Nếu sau khi xét mình, ta thấy ta đã lỗi lầm, và còn nhiều thiếu sót trong phạm vi hiểu biết, thì sự hiểu biết chân thành như vậy về mình, chính là một sự hiểu biết rất đẹp ý Chúa.

Tuy dù các phương diện trau dồi hiểu biết còn bị hạn chế, nhưng nếu chúng ta biết tận dụng các phương tiện có trong tầm tay, thì kho hiểu biết trong tâm trí ta, sẽ mỗi ngày mỗi phong phú thêm. Cụ thể, tôi muốn nói tới các bài thần học của Cha Thân Văn Tường. Nên đọc đi đọc lại. Những bài như vậy với những suy tư riêng của ta được nội dung các bài đó gợi ý, sẽ dần dần giúp cho ta có được những tư tưởng, và những thao thức có chất lượng hơn, hợp với chức năng của ta hơn.

Nhất là, tôi muốn nói tới một trường lớp quan trọng, có khả năng cho ta rất nhiều hiểu biết quý giá. Trường lớp đó là Chúa Giêsu. Hãy năng sống bên Người, sống thân thiết thường xuyên với Người, rồi sẽ thấy Người thông ban cho ta những hiểu biết mà ta không học được ở bất cứ ai, ở bất cứ sách nào. “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Không bao giờ tôi thấy lời Chúa khuyên dạy đó, cần được nhắc đến bằng lúc này.

Long Xuyên, tháng 8/1991