Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Kinh nghiệm truyền giáo

Tháng 10 hàng năm có thể gọi là tháng Truyền giáo. Bởi vì có lễ kính thánh nữ Têrêsa (1/10), bổn mạng các xứ truyền giáo, và có lễ Chúa nhật cầu cho việc truyền giáo (Chúa nhật thứ ba của tháng 10, năm nay nhằm Chúa nhật 29 thường niên, 18/10). Riêng tháng 10 năm nay lại có ngày kỷ niệm 500 năm truyền giáo Nam Mỹ (12/10), là một biến cố có tính cách toàn cầu, và nhân dịp này sẽ có một hội nghị về truyền giáo tổ chức tại Santo Domingo do Ðức Giáo Hoàng chủ toạ. Ðúng là một tháng truyền giáo tưng bừng.

Ðể tích cực hiệp thông với bầu khí truyền giáo toàn cầu, tôi xin chia sẻ ở đây một vài kinh nghiệm về truyền giáo. Ðã là kinh nghiệm thì có chủ quan. Nó có thể không giống kinh nghiệm người khác. Nó càng không phải là một lý thuyết. Nó chỉ là một trong những chứng từ.

ù

Theo tôi, việc truyền giáo là một việc góp phần vào chương trình đổi mới con người, theo mô hình Ðức Kitô, do Thánh Linh hướng dẫn. Do đó, mọi việc truyền giáo, dù với hình thức nào, đều cần mang sinh khí thiêng liêng phát xuất từ Chúa Thánh Linh. Sinh khí thiêng liêng này sẽ thấm vào con người, làm cho con người nên mới, có khi mau có khi chậm. Ðể trở thành một dụng cụ chuyển đạt sinh khí thiêng liêng này, người truyền giáo cần đón nhận rất nhiều ơn Thánh Linh. Ở đây, tôi chỉ kể ra một số ơn thiêng, mà tôi thấy nhiều người truyền giáo đã kinh nghiệm trong khi thi hành trách nhiệm truyền giáo trên quê hương Việt Nam hôm nay.

 Trước hết là Ơn hiểu biết

Ơn hiểu biết là một khả năng khám phá. Nó giúp con người thấy được các giá trị thiêng liêng đàng sau thế giới hữu hình và qua các biến cố xảy ra. Những giá trị này có thể đã được trình bày trên nhiều sách báo đạo. Nhưng khi được Thánh Linh mở mắt linh hồn, người truyền giáo sẽ nhìn thấy những giá trị ấy một cách sống động. Thực là một thế giới tuyệt vời, quá sức tưởng tượng. Mặc dầu vẫn còn trong ánh sáng đức tin, cái nhìn khám phá ấy cũng đã là một xác tín về Thiên Chúa Tình Yêu. Nó gây nên thao thức, như một lời kêu gọi, như một lệnh sai đi.

Hơn nữa, khi ơn hiểu biết cho ai nếm hưởng được phần nào hương vị hạnh phúc của sự Chúa đến cứu độ, người ấy cũng sẽ bị thôi thúc chia sẻ tin mừng mình được cho người khác.

Tin mừng căn bản là chính Ðức Kitô cứu độ và những lời hằng sống của Ngài. Nhờ ơn hiểu biết, người truyền giáo sẽ được đưa vào những ý nghĩa sống động cụ thể, để họ biết thời-sự-hoá Lời Chúa trong từng hoàn cảnh họ sống.

Ðiều thiết tưởng nên nhấn mạnh ở đây, đó là ơn hiểu biết giúp cho người truyền giáo cảm nghiệm được sâu sắc tình Chúa xót thương dành cho những kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn. Nhờ đó, họ nhận ra chính những người như vậy sẽ là địa chỉ Chúa sai họ đến, để họ cùng với Chúa chia sẻ ở đó một tình thương không biên giới với thái độ bao dung nhân hậu. Và cũng để cho họ khỏi ngã lòng, khi nhìn thấy chính bản thân mình, là kẻ được sai đi, cũng yếu đuối, như một vực thẳm chất chứa muôn vàn cái xấu.

Truyền giáo khởi đi từ ý muốn chia sẻ Tin Mừng về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, nên ai càng có ơn hiểu biết về Thiên Chúa cứu độ, càng sẽ có những phản ứng nhân ái giống Chúa Cứu thế trước những bất toàn của bất cứ ai. Ai cũng bất toàn, có nghĩa là ai cũng cần được cứu độ, với ơn hiểu biết, người truyền giáo dễ nhận ra Chúa cứu người ta bằng nhiều cách khác nhau, chứ không nhất thiết phải bằng một số cách cố định. Do đó, người truyền giáo sẽ có thái độ cởi mở khiêm tốn. Họ sẽ nhận ra những hoạt động của Thánh Linh trong những người ngoại giáo. Bao lần khi họ bước vào những vùng ngoài Công giáo, họ thấy Thánh Linh đã có mặt ở đó từ lâu rồi. Bởi vì ở đó có biết bao người tốt việc tốt. Sự hiểu biết ấy sẽ giúp họ tế nhị hơn, và biết khởi sự loan báo Tin Mừng cách nào cho thích hợp.

 Ơn khôn ngoan

Xưa trên đường truyền giáo, Chúa Cứu thế đã rất linh động một cách khôn ngoan, Ngài cho biết có lúc nên ăn chay, có lúc không nên ăn chay. Có lúc Ngài dạy người được phép lạ hãy về kể lại những sự lạ lùng Chúa đã ban cho họ. Nhưng có lúc Ngài lại cấm kẻ được phép lạ nói ra những sự lạ lùng họ đã được. Riêng trong Phúc Âm thánh Marcô, lệnh cấm như thế là 7 trường hợp. Bốn lần cấm người ta, và ba lần cấm ma quỷ. Rồi có lúc Chúa nói: Chưa đến giờ. Có lúc Chúa lại nói: Ðã đến giờ. Sự linh động của Ðức Kitô nói lên sự khôn ngoan thực hành của Ngài. Theo gương Ngài, người truyền giáo cũng phải linh động một cách khôn ngoan. Sự khôn ngoan do ơn Thánh Linh rất khác sự khôn ngoan do óc tính toán kiểu thế gian. Ơn khôn ngoan do Thánh Linh cho con người khả năng biết phân biệt cái gì, việc gì là do tinh thần Chúa, và cái gì, việc gì là do tinh thần thế tục.

Do ơn khôn ngoan, người truyền giáo thấy việc gì là thích hợp nên làm trong thời điểm này, việc gì là không thích hợp, không nên làm trong hoàn cảnh kia. Làm đúng việc, ở đúng nơi, hợp đúng thời, với đúng cách.

Xưa vua Salomon chỉ xin một ơn, đó là ơn khôn ngoan. Vì ơn đó rất cần trong việc xử thế. Tôi thấy nhiều người truyền giáo hôm nay cũng đã xin ơn đó, và Chúa đã ban cho họ ơn đó với những mức độ và hình thái khác nhau. Ơn khôn ngoan mà tôi coi là quan trọng nhất cho người truyền giáo, đó là biết rao giảng Ðức Kitô là Ðấng Cứu thế, và biết qui tụ mọi lòng người về điểm đó.

Một điều tôi nhận thấy rất rõ, đó là với ơn khôn ngoan của Thánh Linh, nhiều người truyền giáo đã biết tận dụng từng giờ phút hiện tại, trong hoàn cảnh hiện tại với khả năng hiện tại, để truyền giáo. Và họ đã thành công với những kết quả không ngờ được. Họ làm chứng rằng với ơn khôn ngoan Thánh Linh dù hoàn cảnh có bi đát đến cực độ, người truyền giáo vẫn có thể sinh ích rất nhiều cho các linh hồn. Và dù trong những điều kiện coi như không thể làm gì được, người truyền giáo vẫn có thể làm được rất nhiều cho Nước Trời.

Kinh nghiệm cho thấy ơn khôn ngoan Thánh Linh chỉ được ban cho những tâm hồn đơn sơ, bé mọn, khó nghèo, khiêm tốn. Nhưng để biết sống như vậy, người ta rất cần một sự can đảm thiêng liêng.

 Ơn can đảm

Người truyền giáo rất ý thức nội dung lời Chúa phán xưa: “Ai muốn làm môn đệ ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta”. Ðối với nhiều người truyền giáo, thánh giá nặng nhất họ phải vác hằng ngày, là chính bản thân họ, với những bất toàn yếu đuối bất đắc dĩ vốn bám chặt vào thân phận họ. Họ biết mình phải trở về với Chúa từng giờ từng phút. Họ biết mình cần được thanh luyện. Trong mục đích thanh luyện, bao thử thách sẽ đến với họ. Thử thách nào cũng mang liều thuốc tẩy rửa cái tôi của họ. Trong chiều hướng đó, những thử thách về đức khiêm nhường là gây cấn nhất, nhưng lại là những thử thách Chúa thường gởi đến cho người truyền giáo. Vì khiêm nhường là điều kiện nền tảng, để họ có thể trở thành dụng cụ của Thánh Linh. Nếu thiếu can đảm người ta không dễ gì nội-tâm-hoá được niềm tin vào Chúa trong những phấn đấu thiêng liêng như vậy. Nhưng khi Thánh Linh ban sức mạnh, người ta sẽ vui mừng nhìn thấy cái giá phải trả để cứu các linh hồn chính là bó hoa tình yêu nảy nở trên thánh giá đời mình.

Rất nhiều khi Chúa cho họ biết Ngài không cần họ làm gì, mà chỉ cần họ khiêm tốn từ bỏ cái tôi cũ kỹ hẹp hòi của mình để tuân phục trọn vẹn thánh ý Chúa. Chúa coi đó là của lễ hiến dâng, sẽ hiệp thông với của lễ cứu độ xưa trên thánh giá, có sức đổi mới thế gian, cứu rỗi các linh hồn.

Thánh ý Chúa nhiều khi rất khác ý riêng con người, dù con người là đạo đức, và dù ý riêng của họ cũng là phụng sự Chúa và cũng là phục vụ con người. Biết bỏ đi những ý riêng đạo đức của mình, để tuân theo ý đạo đức của Thánh Linh, là việc làm không luôn dễ. Vì Thánh Linh không hiện ra, và con người đạo đức khi quá tự mãn lại dễ cho mình là “nắm được” Thánh Linh, chỉ coi những việc đấu tranh cho quyền lợi này, quyền lợi nọ mới là hành động can đảm. Ðang khi đó biết sống Tám mối phúc và biết có những phản ứng hiền lành, khiêm nhường, nhịn nhục, bác ái, mới chính là yêu cầu truyền giáo đích thực, đòi hỏi nhiều can đảm nội tâm.

Một yêu cầu truyền giáo khác có liên quan đến can đảm là làm chứng cho đức bác ái. Nói tới bác ái là nói tới cho đi. Kinh nghiệm cho thấy: cho đi thì dễ hơn là chấp nhận nhau, và đón nhận những khác biệt của nhau. Cũng như chia buồn thì dễ hơn là chia vui, khi lòng người hay ganh tị. Thành ra để nhận, con người cũng phải có can đảm, nhiều khi phải can đảm hơn là để cho đi.

Tới đây, tôi nhớ tới một câu Kinh Thánh dễ làm người truyền-giáo sợ. Ðó là câu nói của thánh Phaolô. “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (II Cr 12,10). Với kinh nghiệm riêng của mình, thánh Phaolô muốn nhà truyền giáo phải biết yếu để mà mạnh, phải biết thua để mà thắng, phải biết lùi để mà tiến. Nhưng khi Chúa muốn họ phải thua để Chúa thắng, họ phải yếu để Chúa mạnh, họ phải lùi để Chúa tiến, thì chuyện đó đòi họ phải can đảm nhiều lắm.

Cũng trong kinh nghiệm truyền giáo, nhiều người đã thấy sự giữ lòng mình tuyệt đối nương tựa vào Chúa là việc làm cần nhiều can đảm thiêng liêng. Nhất là trước mặt mình có bao nhiêu điểm tựa thế gian như thế lực, tiền bạc, đang được nhiều người coi là những phương tiện đầy đủ và hữu hiệu nhất, để việc truyền giáo được thành công.

ù

 

Trên đây là mấy ơn Thánh Linh mà nhiều người truyền giáo hay nhắc tới, tất nhiên còn nhiều ơn khác như ơn chữa lành nội tâm, ơn hiệp nhất v.v.

Theo kinh nghiệm, tôi coi truyền giáo là chuyện của trái tim nhiều hơn là chuyện của lý trí. Truyền giáo là chia sẻ một tình yêu hơn là truyền đạt một giáo lý. Tình yêu không phải là đối tượng của một môn khoa, của một trường lớp. Ðứa bé trong tay mẹ vốn đọc được các tín hiệu tình yêu trong tia mắt, trong giọng nói, trong thái độ của mẹ nó. Nó dễ thương, dù nó vụng về, dù nó dại dột. Và qua cái dễ thương của nó, bao người gặp nó, dễ có cảm tình với cha mẹ nó. Tôi nghĩ người truyền giáo cũng phần nào đơn sơ thế thôi. Và như vậy, câu hỏi đặt ra cho người truyền giáo là mình có thực sự yêu mến Chúa một cách nồng nàn đơn sơ trên hết mọi sự như trẻ thơ đối với mẹ mình không?

Long Xuyên, tháng 10/1992