Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa giáng sinh

Sắp đến ngày kỷ niệm việc Thiên Chúa giáng sinh. Nhiều nơi đã bắt đầu chuẩn bị mừng lễ. Hầu hết là các chuẩn bị đều hợp tình hợp lý. Riêng tôi, tôi chú ý nhiều hơn đến việc chuẩn bị tâm hồn. Tâm hồn mới là nơi Chúa muốn đến viếng thăm và ở lại. Tôi chuẩn bị tâm hồn tôi bằng những việc đơn sơ.

 Khiêm Nhường

Trước hết tôi sẽ nhìn vào sự tự hạ của Ngôi Hai Thiên Chúa. “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Không những Ngài đã từ trời xuống thế, mà còn tự hạ tới bậc thang chót của thân phận con người. Sự tự hạ của Ngài vượt quá ranh giới nghèo khó, để đi vào cõi cùng cực. Nghèo khó là thiếu thốn, nhưng trong mức độ còn chịu đựng được. Còn cùng cực là thiếu thốn những gì cần thiết nhất tới mức coi như không chịu đựng nổi. Nhất là khi phải cùng cực, mà danh dự lại bị chối từ. Ngài tự hạ và chấp nhận bị hạ.

Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem là một cảnh hết sức cùng cực. Nằm trong máng cỏ, giữa đàn bò chiên, ở cánh đồng hoang vắng, giữa đêm đông lạnh. Thiếu hết mọi sự. Cơ cực đủ mọi điều. Không ai chịu đón nhận Ngài.

Ngài đúng là Ðấng cao cả vô cùng, quyền uy vô cùng, thế mà Ngài đã lựa chọn sự tự hạ như thế, khi giáng sinh làm người. Ðể khởi đầu một cuộc đời hy sinh “làm giá cứu chuộc” cho nhân loại (Mc 10,45).

Ngài tự hạ trong tinh thần tuân phục thánh ý Chúa Cha, vì thế mà Thiên Chúa trên trời được vinh danh. Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Kitô: Ngài tuy có bản tính Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Ngài đã huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Ngài đã tự hạ mình và vâng lời cho đến chết. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài” (Pl 2,5-10).

Ðối với tôi, sự tự hạ như thế của Ðức Kitô là một phép lạ đặc biệt, làm chứng Ngài bởi trời mà xuống. Sự tự hạ ấy là một đặc điểm của Chúa Cứu Thế. Các thiên thần đã giới thiệu đặc điểm ấy cho các mục đồng, và các mục đồng đã nhận ra Chúa Cứu Thế qua đặc điểm tự hạ (x. Lc 2,12).

Sự tự hạ của Chúa Cứu Thế là một lời kêu gọi. Còn sự tự hạ của tôi chính là trở về đúng chỗ của mình. Chỗ của tôi là hàng ngũ kẻ tội lỗi. Bởi vì “Tôi đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót”.

Chính khi tôi đứng vào đúng chỗ của mình, thì Chúa Cứu Thế đến với tôi. Bởi vì Ngài không đến cho kẻ khoẻ mạnh, mà đến cho kẻ bệnh tật, yếu đuối. Ngài là “Ðấng xoá tội trần gian” (Ga 1). Ngài là Ðấng đã kêu gọi “Những ai gồng gánh nặng hãy đến với Ngài, Ngài sẽ làm cho nhẹ gánh đi” (Mt 11,28). “Ngài là Ðấng cầu bầu trước mặt Chúa Cha, chính Ngài là hy lễ đền tội chúng ta, không những cho chúng ta mà cũng cho mọi người trên thế gian” (1 Ga 2,1).

Từ kinh nghiệm trên đây, tôi hiểu phần nào “Vực thẳm của sự giàu có, của sự khôn ngoan và của sự hiểu biết Thiên Chúa. Ý định của Ngài thật không thể nào thấu được, và con đường của Ngài không thể nào hiểu được” (Rm 11,33).

Khi tôi nhận biết mình là kẻ tội lỗi mà được Chúa Cứu Thế yêu thương tha thứ, niềm tin tôi đặt vào Ngài sẽ rất sống động. Ngài là Tin Mừng của tôi. Ngài là hy vọng của tôi. Ngài là sự sống của tôi. Tôi tin như vậy.

 Trở Về

Với niềm tin ấy, tôi đón nhận ơn cứu độ. Ở đây, tôi nhớ lại lời thánh Phaolô nói: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa mà ta được cứu độ, do đức tin. Ơn cứu độ này không phải do ta, mà là một hồng ân của Chúa. Nó không phải là kết quả những cố gắng của ta, và do đó không ai có thể tự phụ” (Ep 2,8-9).

Tôi hiểu đức tin nói đây là một đức tin đi đôi với việc làm. Bởi vì thánh Giacôbê viết: “Nếu ai nói tôi có đức tin, mà lại không có việc làm, thì điều ấy chứng tỏ gì? Ðức tin có cứu rỗi người ấy không?... Tổ phụ Ápbraham đã chẳng nên công chính bởi việc làm khi ông tiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ sống ư? Như thế đã rõ là đức tin kết hợp với việc làm của ông, và bởi việc làm thì đức tin của ông nên trọn vẹn” (Gc 2,14-21).

Việc làm của tôi là gì? Thưa là trở về với Chúa. Trở về đó là việc làm quan trọng nhất, mà Chúa Giêsu giáng sinh mong muốn chúng ta thực hiện. Tôi trở về bằng sự từ bỏ những gì phản nghịch với Ðức Kitô, để sống theo lời Ngài và mẫu gương của Ngài.

Sẽ không có sự trở về đích thực, nếu thiếu nhận thức đúng về khoảng cách đau buồn giữa hình ảnh Ðức Kitô và hình ảnh của ta. Nhận biết sự cách biệt đó là do sự thức tỉnh của trái tim nhiều hơn là do sự học hỏi của trí khôn. Với một trái tim dửng dưng cứng cỏi, khô khan, đóng kín, bao người đã không trở về với Chúa được, mặc dù trí khôn họ chất chứa đầy những chân lý tôn giáo cao sâu. Trái lại, với thái độ tỉnh thức, nhạy bén của trái tim đơn sơ khiêm nhường, bao người đã không những đón nhận được ơn trở về, mà còn phát triển được ơn đó trên suốt cuộc đời đầy thử thách.

Nhận định trên đây vừa dựa trên kinh nghiệm, vừa dựa trên Kinh Thánh. Thánh vương Davít cầu xin: “Con chôn lời Chúa hứa tận đáy lòng con, để con không phạm tội mất lòng Chúa... Con muốn chạy trên con đường giới răn Chúa, vì chính Chúa đã mở trái tim con... Xin hướng lòng con theo thánh ý Chúa” (Tv 119, 11. 32. 36). “Lạy Chúa, xin tạo trong con một quả tim trong sạch...” (Tv 51,12). “Ta sẽ cho con một quả tim mới, Ta sẽ đặt trong con một tinh thần mới, Ta sẽ cất khỏi con trái tim chai đá, và ban cho con một trái tim thịt” (Edekien 36,26).

Trái tim không chai cứng do bản năng, mà do sự suy thoái đạo đức dần dần, vì từng bước xa lìa luật Chúa. Trái tim chai cứng cũng thường do thói quen tự mãn coi mình là đạo đức, để rồi dễ dàng khinh chê kẻ khác, coi họ là kẻ tội lỗi. Có thể nói, người công chính quá tự mãn sẽ dần dần làm cho trái tim mình trở nên chai đá. Họ tái diễn lại bi kịch của phái đạo đức Pharisêu xưa, hồi Chúa giáng sinh. Phá huỷ được sự chai cứng của tấm lòng sẽ không hoàn toàn là kết quả của thiện chí và cố gắng con người, mà còn là việc của ơn thánh.

Một vài chỉ dẫn trên đây cho thấy sự trở về với Chúa sẽ được thực hiện bằng việc ăn năn sám hối, cầu nguyện không ngừng và quyết tâm hy sinh phấn đấu để thực thi ý Chúa. Tôi nói như thế trong tinh thần lời thánh Phaolô sau đây: “Thưa anh chị em, tin vào lòng Chúa xót thương, tôi khuyên anh chị em hãy lấy bản thân mình làm lễ vật sống động, thánh thiện và tốt đẹp mà dâng cho Chúa, như thế là anh chị em thờ phượng Chúa một cách xứng hợp. Anh chị em đừng học đòi thế gian, nhưng hãy thay đổi tâm trí anh chị em nên mới, để có thể hiểu biết ý Chúa và phân biệt điều hay lẽ phải, điều tốt đẹp, điều trọn lành.” (Rm 12,1-2).

 Cảm tạ và ca ngợi

Chắc là còn lâu lắm bản thân tôi mới trở thành “lễ tế thánh thiện”. Nhưng có một việc tôi nên làm và có thể làm trên đường trở về, là ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa.

Thật vậy, tôi rất đỗi ngạc nhiên trước những sáng kiến bất ngờ của Thiên Chúa giáng sinh. Thí dụ Ngài đã sinh ra ở cánh đồng chứ không trong đền thờ. Những người đầu tiên được mời gọi đến với Ngài là các mục đồng chứ không phải các vị tư tế, thông luật và chức sắc. Ba Vua được hướng dẫn tới hang đá Bêlem là những vị thuộc dân ngoại xa xôi, chứ không phải các vị có chức quyền đời đạo tại Israel. Ðức Maria và thánh Giuse là những người bình dân lao động lặng lẽ, chứ không phải là những người được đào tạo qua trường lớp.

Với những chọn lựa bất ngờ này, Thiên Chúa chứng tỏ Ngài là Ðấng hoàn toàn tự do. Ngài đến cứu độ, qua bất cứ con đường nào mà Ngài muốn, bằng bất cứ cách nào mà Ngài định, với bất cứ ai mà Ngài chọn.

Khi ca ngợi sự tự do Chúa, tôi thấy tôi phải rất khiêm tốn và nhạy bén mềm dẻo trong việc đón nhận tình yêu cứu độ. Có khi chúng ta quen bám chặt vào một số khung đạo đức, rồi đinh ninh cho rằng ơn Chúa chỉ đến qua những cửa khẩu cố định đó mà thôi. Nhưng không thiếu trường hợp ơn Chúa đến qua những ngả bất ngờ, nên ta không sẵn sàng đón nhận, ta dửng dưng, thậm chí có khi cũng dám chối từ, hoặc đối kháng.

Tuy nhiên, chính nhờ sự tự do của Chúa mà tôi và bao người đã được Chúa yêu thương. “Tình yêu Thiên Chúa là thế này: Không phải chúng ta mến yêu Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con mình xuống thế, hy sinh đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,8-10).

Dung mạo Thiên Chúa đúng là tình yêu cứu độ giàu lòng thương xót. Có được một cái nhìn như vậy do đức tin, thực là một ân huệ lớn lao, đáng được ta ca ngợi và cảm tạ suốt đời.

Dung mạo Thiên Chúa cứu độ là nguồn hy vọng đem lại sự sống thiêng liêng. Dung mạo ấy không những được in vào tâm hồn tôi một cách quyết liệt do đức tin, mà cũng được thường xuyên trau dồi bởi những gương sáng. Mỗi ngày, nhìn cuộc đời, tôi có cảm tưởng như lễ Giáng sinh là chính hôm nay. Bởi vì tôi đang thấy những nhóm nhỏ đơn sơ như các mục đồng, không biết giảng nghĩa Tin Mừng, mà chỉ biết kể lại những gì họ đã thấy, đã cảm nghiệm về Tin Mừng đã xảy đến với họ. Họ là những tông đồ đến từ đám đông giáo dân chất phát. Họ làm chứng về một Thiên Chúa là Emmanuen: “Ðấng ở với chúng tôi”. Tôi cũng đang thấy có những đoàn người như Ba Vua, bén nhạy trước ơn Chúa gọi, thao thức với sứ mạng cứu đời, đang âm thầm chuyển dịch từ cuộc đời hưởng thụ sang cuộc đời dấn thân khiêm tốn như chuyến đi Bêlem. Họ là tông đồ đến từ lương dân, đang làm chứng cho Nước Trời vô biên giới. Tôi cũng đang thấy vô số gia đình lặng lẽ như Thánh Gia tại Bêlem, sống vững vàng với niềm tin, trọn vẹn trong giới luật yêu thương. Họ làm chứng cho một trật tự đạo đức được xây dựng trên nền tảng Ðức Kitô. Tôi cũng đang thấy nhiều người đang mạnh mẽ sống mầu nhiệm giáng sinh, không giảng về Ðức Kitô, nhưng diễn lại cuộc sống Ngài trên chính bản thân mình. Nhất là tôi đang thấy Ðức Kitô đang đến với tôi và những kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn, khó nghèo, dưới nhiều dạng khác nhau, để chia sẻ cho chúng tôi tình yêu cứu độ và rồi cũng đã vui nhận từ chúng tôi tình thương chân thành sám hối và cảm tạ.

Thành ra, mỗi ngày, tại chính nơi đây, tôi vẫn có vô số lý do trước mắt, để hợp cùng các thiên thần dâng lên Chúa lời ca muôn thuở: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Long Xuyên , 6/12/ 1992