Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Sám hối

Như chúng ta đã biết, sám hối là một việc rất quan trọng.

Nó cần thiết để đổi mới con người, Hội thánh và xã hội. Nó là đề tài đầu tiên, mà Chúa Giêsu đã giảng. Nó là điều mà Chúa Cứu thế hay nhắc đi nhắc lại, để chuẩn bị lòng người đón nhận ơn cứu độ. Nó là lời nhắn nhủ tha thiết mà Ðức Mẹ gởi cho mọi người, mỗi khi Ðức Mẹ hiện ra.

Sám hối là màu tím phụng vụ của Mùa Chay, qua các bài sách thánh, qua các lời kinh, qua các lời khuyên, qua phụng vụ sám hối, qua bí tích hoà giải, qua bí tích Thánh thể, qua mầu nhiệm Thánh giá.

Ðể giúp nhau sống tích cực hơn tinh thần sám hối trong Mùa Chay này, tôi xin chia sẻ ở đây những gì tôi cho là cần sám hối hơn trong hoàn cảnh hiện nay.

 Ðiều thứ nhất tôi thấy cần sám hối, đó là sự chúng ta chưa khiêm tốn đủ và chưa chân thành đủ trong việc nhận biết mình tội lỗi.

Ta làm làm việc sám hối hầu như mọi ngày, nhất là qua việc đọc kinh Cáo mình. Nhưng việc ấy bao lần đã được thực hiện một cách máy móc, hời hợt. Nhiều khi ta đấm ngực nhưng không ăn năn, miệng ta nói lỗi tại tôi, nhưng lòng ta nghĩ lỗi tại kẻ khác, lỗi tại họ mọi đàng.

Sự không khiêm tốn không chân thành đủ nhìn nhận mình tội lỗi là một cản trở ơn cứu độ, nhất là khi sự không nhìn nhận đó lại do tính tự phụ gây nên.

Phúc Âm cho thấy lời giảng sám hối của Chúa đã được một loại người đón nhận tương đối dễ dàng, nhưng đã bị một loại người quyết liệt từ khước. Loại người thứ nhất gồm dân thường, dân ngoại, dân tội lỗi như người thu thuế, đĩ điếm, trộm cắp. Loại người thứ hai gồm giai cấp lãnh đạo tôn giáo và giới gọi là đạo đức và trí thức đạo, như các thầy cả, các luật sĩ, các người biệt phái.

Giữa hai loại người này vốn có một khoảng cách căng thẳng do não trạng tôn giáo từ xưa gây nên. Căng thẳng đó là loại người thứ nhất bị coi như những kẻ lỗi lầm phải luôn luôn bị kiểm điểm trước lề luật, còn loại người thứ hai được coi như kẻ mang hào quang lúc nào cũng có quyền đưa luật ra để kiểm điểm loại người thứ nhất.

Chúa Giêsu không xoá bỏ khoảng cách giữa hai loại người ấy. Nhưng Ngài làm cho khoảng cách ấy mang một ý nghĩa khác. Ðó là Ngài cho thấy loại người thứ nhất dễ sám hối hơn, nhờ vậy họ dễ được ơn cứu độ. Còn loại người thứ hai rất khó sám hối, nên họ khó đón nhận được ơn cứu độ.

Chúa Giêsu không giấu giếm nhận xét đó. Ngài nói: “Các luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Maisen, vậy những gì họ nói với các ngươi, thì hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không giữ” (Mt 23,1-3). Chúa Giêsu cũng nói với các thượng tế và các kỳ lão rằng: “Tôi bảo thật các ông, nước Thiên Chúa cất khỏi các ông, để trao cho dân tộc khác trổ sinh hoa trái” (Mt 21,43). Ðoạn 23 Phúc Aâm thánh Mátthêu là cả một chuỗi dài liên tiếp “Khốn cho các người, hỡi các Pharisiêu và luật sĩ”.

Nguyên do sâu sa khiến loại người thứ hai khước từ sám hối, chính là tính kiêu căng tự mãn của họ. Chẳng hạn họ tự phụ cho mình là không tội lỗi như kẻ khác. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa, vì tôi không giống các kẻ khác: không trộm cướp, không dâm đãng như họ..." (Lc 18,11). Họ tự phụ vì họ xa tránh các người tội lỗi, nên họ hạch hỏi các môn đệ Chúa rằng: “Tại sao các ông lại ăn uống với những người thu thuế và các kẻ xấu nết?” (Lc 5, 30 ). Họ tự phụ, đến nỗi coi ai cũng là kẻ có tội cả, chỉ họ là đạo đức. Trong Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 9, ta thấy họ kết án người mù được khỏi là kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu chữa người mù ấy ngày thứ bảy cũng bị họ kết án là kẻ tội lỗi. Bất cứ ai bênh người mù đó và Chúa Giêsu cũng đều bị họ coi là kẻ tội lỗi.

Trái lại, thái độ khiêm tốn của người thu thuế cầu nguyện cuối nhà thờ, của người phụ nữ ngoại tình ngồi khóc dưới chân Chúa, của người trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa chính là một thái độ sám hối ăn năn, đón nhận ơn Chúa cứu độ.

Ở đây, tôi nghĩ tới một thái độ khiêm tốn rút ra từ vài bản tin thời sự tôn giáo mới nhất.

Tại Thượng-hội-đồng các Giám mục Âu-Châu cuối năm vừa qua (28/11-14/12/1991) nhiều vị Hồng y và Giám mục đã không ngần ngại nhìn nhận suy thoái của đạo Công giáo tại địa phương mình.

Ðức Hồng y Camillo Ruini phát biểu: “Chúng tôi đã quá lạc quan sau khi chế độ Cộng Sản bị sụp đổ ở Ðông âu. Bởi vì các khoảng trống do Cộng Sản để lại đã rất có thể bị chiếm đóng bởi làn sóng vô thần thực tiễn của xã hội hưởng thụ Tây âu”. Theo báo Actualité religieuse dans le monde (No-96 Janvier 1992), các Giám mục Ðông âu đã rất đồng ý với nhận xét trên, và cho biết: tình trạng đạo đức sốt sắng trong thời khó khăn dưới chế độ Cộng Sản nay đã giảm sút nhiều, khi tín hữu bước vào thể chế tự do hưởng thụ.

Nhiều vị đại diện Châu âu còn quả quyết rằng: Thực tế tôn giáo tại địa phương các ngài đang bị lôi kéo tới trào lưu cá nhân chủ nghĩa, trào lưu lạc thú, và trào lưu trống rỗng nội tâm, chứ không được lôi kéo về các giá trị Thiên-Chúa-giáo, như một số người đã giả thuyết một cách lạc quan. Còn Ðức Cha Hirka, Giám mục Presov, Tiệp Khắc thì nói thẳng thừng: “Thực sự Châu âu đang bị đặt dưới quyền thống trị chuyên chính dân chủ của đôla”.

Tại Hội đồng Giám mục Pháp (24-30/10/1991) Ðức Tổng Giám mục Duval đã phát biểu: “Cái trào lưu được gọi là trở về với tôn giáo thực sự không luôn luôn đi vào con đường chân lý. Bởi chỉ có nghĩa là đi tới một thứ siêu thị các tín ngưỡng xô bồ, và các loại thần tượng giả dối”. Các loại thần tượng đó là gì? Theo Ðức Hồng y Lustiger các thần tượng đó chính là các thần ngoại giáo xa xưa, như thần dâm dục, thần rượu, thần sức mạnh, thần quyền bính, thần tài.

Những phát biểu như trên do các vị đại diện tôn giáo nói lên một cách công khai đã không mang một chút tự mãn nào cả. Chính sự nhìn nhận khiêm tốn về tình trạng không đạo đức của địa phương mình lại là một việc đạo đức Phúc Âm, dẫn vào sự sám hối. Còn ta? Nếu ta cho rằng ta đã khiêm tốn trong việc nhìn nhận mình tội lỗi, thì đó chính là điều ta cần phải sám hối. Vì đó là điều tự mãn rõ ràng không thể chấp nhận được.

 Ðiều thứ hai tôi thấy cần sám hối, đó là sự chúng ta chưa tích cực đủ trong việc thực thi giới luật yêu thương của Chúa.

Trong Mùa Chay, các bài sách thánh hay nói đến giới luật yêu thương. Thí dụ việc ăn chay mà Chúa muốn là hãy bỏ thói sống bất công, khinh khi và ích kỷ đối với kẻ khác (x. Is 58,9-9). Việc tế lễ mà Chúa muốn là hãy làm hoà với kẻ bất hoà với ta (x. Mt 5,20-26). Ơn tha thứ Chúa sẽ ban cho ta còn tuỳ thuộc vào sự ta tha thứ cho kẻ khác (x. Lc 6,36-38). Việc thánh thiện mà Chúa muốn ta thực hiện là hãy làm ơn cho những ai khinh ghét chúng ta (x. Mt 5,43-48). Việc đạo đức đơn sơ nhất Chúa đòi hỏi nơi ta là sự gì ta muốn người khác làm cho ta, thì ta hãy làm sự đó cho kẻ khác (x. Mt 7,7-12). Việc bác ái mà Chúa đòi hỏi, không phải chỉ là tránh làm điều ác cho kẻ khác, mà còn phải tích cực giúp đỡ những ai trong cảnh khốn cùng (x. Lc 16,19-31). Việc Chúa sẽ làm ngày phán xét, để phân loại kẻ tốt người xấu, sẽ là việc tập trung vào giới luật yêu thương (x. Mt 25,31-46).

Chỉ nghe qua mấy chỉ dẫn trên, ta cũng đủ nhận ra ta còn rất xa những gì Chúa dạy. Nếu ai thấy mình không cần ăn năn sám hối về mặt đó, thì thiết tưởng đó là dấu chính mình đã bị kết án. Dù họ có làm bao nhiêu việc lẫy lừng, và dù có đức tin quả cảm tới mức nào, nếu họ không để ý sống Ðức ái, họ vẫn là kẻ bị kết án xa Chúa Tình Yêu. Kẻ kết án họ là chính họ.

Nói tới một đức tin quả cảm mà thiếu bác ái, tôi nhớ tới một loạt bài trên tờ “Le Nouvel Observateur” (5-10/X/l989) dưới tựa đề: Cuồng tín là mối đe doạ tôn giáo. Các tác giả viết đại khái thế này: Thế giới đang đi vào thế kỷ 21 là thế kỷ phát triển tôn giáo. Nhưng khi tôn giáo phát triển mà lại cuồng tín, ưa rao giảng sự loại trừ nhau, thì thế kỷ 21 theo Malraux dự đoán, sẽ là thời vàng son của sự hận thù. Các xung đột đã qua do ý thức hệ, cho dù có gây chết chóc tới đâu, cũng sẽ còn kém phần thảm khốc hãi hùng, nếu so với các cuộc chiến giữa các tôn giáo.

Khi đọc loạt bài trên đây, tôi nghĩ tới các cuộc chiến đang diễn ra hiện nay mang màu sắc tộc và tôn giáo. Tại Libăng cuộc chiến giữa Palestine và Israel. Tại Nam tư cuộc chiến giữa Croatia và Serbia. Tại Bắc Ái Nhĩ Lan, cuộc chiến giữa Bắc và Nam, tuy đây chỉ là những cuộc chiến có qui mô nhỏ, nhưng sự nghi kỵ, chia rẽ trong lòng người xem ra có qui mô lớn trên khắp hoàn cầu. Giữa khối Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo. Giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo, giữa Tin Lành Giáo và Công Giáo.

Thực là đáng buồn: Nghi kỵ do động lực đức tin Tôn Giáo! Chia rẽ nhân danh đức tin tôn giáo. Những chuyện đáng buồn như thế có xảy ra trong giáo đoàn chúng ta? Biết đâu nó đã và đang phát triển ngay trong chính bản thân ta với những hình thức tế nhị, nhưng không kém phần phản chứng.

Ở đây tôi nhớ tới nội dung cuốn: “Giatô thực dân sử liệu”, tập I, 372 trang, xuất bản tại Hoa Kỳ. Theo tôi, những văn phẩm loại này sẽ là những thử thách cho các người Công Giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước. Nếu không khéo trong phản ứng, không ít người Công giáo Việt Nam sẽ vô tình góp phần vào việc tạo ra thời vàng son của sự thù hận, như Malraux đã tiên đoán.

Tôi biết rằng đa số người công giáo Việt Nam vốn tỉnh táo và quảng đại, cương quyết đi theo con đường giới luật yêu thương, mà Chúa Kitô đã đi, dù phải chấp nhận thua thiệt bề ngoài. Tuy nhiên đó đây vẫn có nhiều hiện tượng báo động về một khuynh hướng sống đạo đi trệch con đường yêu thương Phúc Âm. Những cơn cám dỗ ngọt ngào về quyền lực, mà Satan xưa đã dùng để lôi kéo Chúa Giêsu trong sa mạc, nay đang được Satan vận dụng tối đa dưới nhiều hình thức tế nhị, để lôi kéo các người tin Chúa bước ra ngoài bản chất Phúc Âm. Hình thức hấp dẫn nhất thường là đề cao quyền lực Hội Thánh, đề cao tự do con người, để rồi từ đó sẽ đạo đức hoá các phương tiện dẫn tới các mục tiêu ấy, cho dù phương tiện sẽ là sự ghen ghét hận thù.

Riêng tôi, để cứu rỗi mình và cứu rỗi các linh hồn, tôi không bao giờ chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường giới luật yêu thương, mà Ðức Kitô đã trối lại, và đã đóng ấn bằng máu của Người trong cuộc tử nạn tự nguyện đầy đớn đau nhục nhã.

Chính vì vậy, mà tôi thấy chúng ta cần để ý hơn đến việc xây dựng tinh thần yêu thương theo lời Chúa dạy. Và một việc không thể thiếu trong việc xây dựng trường kỳ này, chính là việc ăn năn sám hối hàng ngày về các lỗi lầm trong lãnh vực thương yêu.

ù

Tối thứ hai vừa qua (24/II/1992), lúc 18h30, đài BBC, trong mục "Chuyện chúng mình” đã giới thiệu việc làm từ thiện bác ái của người cháu gái nhà hoạ sĩ lừng danh Picassô. Bà đã sang Việt Nam, xin phép Nhà nước, để xây dựng tại Gò Vấp một cơ sở nuôi dưỡng giáo dục và huấn nghệ cho các trẻ mồ côi. Cơ sở đã xong, có sức nhận hơn 200 trẻ. Các em được chăm sóc tốt trong môi trường tốt. Mới rồi, bà lại xin được mở rộng thêm cơ sở, để nhận thêm 150 em mồ côi nữa. Chính bà đã xin đưa về Pháp 2 em mồ côi Việt Nam, mà bà nhận vào gia đình bà. Tất cả mọi tiền bạc xây dựng, nuôi dưỡng, giáo dục đổ vào chương trình chăm sóc trẻ mồ côi trên đây đều do bà bỏ ra.

Cũng tối thứ hai vừa qua (24/II/1992) đài truyền hình Việt Nam, trong chương trình thời sự, đã phát đi cảnh lễ hội Chùa Hương, với những hình ảnh đẹp kết hợp hài hoà tình tôn giáo, tình người, tình dân tộc, tình thiên nhiên.

Khi theo dõi những bản tin thời sự trên đây, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn gợi ý cho tôi điều này, đó là Tin Mừng về giới luật yêu thương Phúc Âm, mà Hội Thánh rao giảng, nên được cụ thể hoá bằng các việc làm tốt đẹp có khả năng thuyết phục con người hôm nay. Vì thế, tôi nghĩ rằng: Sự sám hối của chúng ta, khi nhắm đến mục đích đổi mới tâm hồn, sẽ không chỉ dừng lại ở việc ăn năn tội và đi xưng tội, mà còn cần kèm theo một số việc làm bác ái hướng về những người nghèo khổ và xây dựng cuộc sống hài hoà ở ngay nơi mình đang sống.

Nói tóm lại, sự sám hối mà tôi gợi ý trong Mùa Chay này, là: thanh luyện tâm hồn ta để nên khiêm tốn hơn, thanh luyện tâm hồn ta để nên nhân ái hơn. Thanh luyện bằng sự suy gẫm Lời Chúa, ăn năn trong lòng và lãnh nhận bí tích Hoà giải. Thêm vào đó còn cần thanh luyện bằng các việc làm cụ thể hướng tới việc chia sẻ với các người nghèo khổ, và xây dựng một tinh thần hài hoà bằng một cuộc sống hài hoà, cho dù hoàn cảnh chưa thực sự hài hoà. Ðể làm chứng rằng Tin Mừng Tám-Mối Phúc là có thực đối với những ai tin theo Ðức Kitô.

Long Xuyên, tháng 3/1992