Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Ngày Xuân, suy nghĩ về đức tin

Tôi xin bắt đầu bài viết bằng hai sự kiện:

Trong năm vừa qua, Ðức Thánh Cha đã thực hiện một chuyến đi mục vụ quan trọng tại Brasil, Nam Mỹ. Chuyến đi này là một trắc nghiệm về lòng đạo của dân công giáo Brasil đối với Ðức Thánh Cha. Theo nhận xét của các nhà quan sát, thì chuyến đi lần này của Ðức Thánh Cha rất khác với chuyến đi của Ngài năm 1980 tại Brasil. Lần đó, số người đón Ðức Thánh Cha giảm sút rõ rệt, tình cảm dành cho Ngài không còn nồng nhiệt như trước, thái độ đón nhận lời Ngài là từ dè dặt đến dửng dưng. Tờ "Témoignage Chrétien" (Chứng từ Kitô giáo) số ra ngày 20/10/1991 tường thuật chuyến đi này với tựa đề: “WOJTYLA không còn là một hấp dẫn nữa. Chuyến đi thăm Brasil lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp thất bại”.

Cũng theo tin ngoại quốc, thì từ chuyến đi trước và chuyến đi này của Ðức Thánh Cha, số người công giáo Brasil bỏ Hội Thánh Công giáo là vào khoảng một triệu. Ðang khi đó, các giáo phái đua nhau mọc lên tưng bừng. Tính đến nay đã có tới 250 giáo phái đang hoạt động tại Brasil.

Trước tình hình suy thoái trên đây, Ðức Thánh Cha cho rằng tại Brasil đã thiếu huấn luyện về tu đức, đức tin đang trở thành trống rỗng, thiếu nội dung.

 Những lời cảnh giác

Ðối với tôi, nhận xét trên đây của Ðức Thánh Cha cũng là những lời cảnh giác cho Giáo Hội Việt Nam. Có nghĩa là: Nếu Giáo Hội Việt Nam lơ là với việc huấn luyện tu đức và không chịu đi sâu vào nội dung đức tin, thì sớm muộn đức tin nhiều người sẽ chỉ còn là những cái vỏ rỗng tuếch. Khi làn sóng tự do tràn vào Việt Nam, những cái vỏ như vậy sẽ bị trôi đi dễ dàng.

Sự kiện thứ hai là cuối năm 1991 vừa qua, có một bản tin tôn giáo đã kéo chú ý của tôi một cách đặc biệt, đó là bản tin về tình hình tôn giáo tại Ba Lan.

Ba Lan là một nước hầu như toàn tòng Công giáo, là quê hương của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, là nơi có một hàng Giáo phẩm mạnh, có một đội ngũ linh mục tu sĩ đông đảo, có một Tổng thống Công giáo ngoan đạo, có một cơ chế chính trị tự do trăm hoa đua nở, có sự trợ giúp lớn lao của các cường quốc kinh tế.

 Hội Thánh trong một Ba Lan như thế hiện nay ra sao?

Trong tờ “Témoignage Chrétien” số ra ngày 26/10/1991, tác giả Elizabeth Kulakowska, đã mở đầu bài báo của mình như sau: “Thời vàng son của Công giáo Ba Lan đã chấm dứt với sự chấm dứt của chế độ cộng sản tại Ba Lan”. Rồi tác giả đưa ra những chi tiết cụ thể nói lên tình hình suy thoái của Công Giáo Ba Lan hiện nay.

Chẳng hạn, dưới chế độ cộng sản, các giám mục và linh mục là những điểm tựa có uy tín lôi kéo được niềm tin của đông đảo quần chúng. Nay, trong chế độ mới, đứng trước các vấn đề mới của nền văn minh tự do dân chủ, khoa học thực dụng, các vị ấy không còn được dân chúng coi là điểm tựa nữa. Hơn thế, nhiều người Ba Lan bây giờ không ngại coi các vị ấy là một giai cấp độc tài, lạc hậu tôn giáo, thay thế một giai cấp lạc hậu chính trị đã ra đi. Thời chống cộng, số người Công Giáo Ba Lan ủng hộ lập trường xã hội của hàng giáo phẩm giáo sĩ của họ lên tới 98%. Nay số người ủng hộ lập trường xã hội của các ngài tụt xuống, chỉ còn 28%. Mới trong hai năm dưới chế độ mới, tỷ lệ người Công Giáo đi lễ Chúa nhật đã sút giảm nhiều. Trước đây là 90%, nay chỉ còn 50%. Số phá thai hiện nay tại Ba Lan được kể là cao nhất tại Âu Châu. Số linh mục giã từ áo chức cũng tăng lên.

Tình hình tôn giáo suy thoái tại Ba Lan cảnh giác tôi điều này: Nếu Hội Thánh tại Việt Nam không được chuẩn bị kỹ ngay từ bây giờ, thì khi đất nước mở rộng ra, đạo Chúa sẽ không tránh được những suy thoái còn trầm trọng hơn tại Ba Lan nhiều.

Vì lợi ích chung, tôi thấy có bổn phận đưa ra lời cảnh giác đó.

Thời điểm đang tới là thời điểm thị trường. Ðời sống xã hội sẽ là một cái chợ bao la. Trong cái bao la ấy sẽ bày bán các mặt hàng kinh tế, sẽ có những cọ sát của nhiều nền văn hoá, sẽ có những so sánh của nhiều tôn giáo.

Thị trường nào cũng đầy quảng cáo, cũng có cạnh tranh, cũng có phê bình, có so sánh. Hàng hoá nào cũng tự quảng cáo là mình tốt. Nền văn hoá nào cũng tự cho là mình đẹp. Tôn giáo nào cũng khẳng định mình là đạo đức. Phải nói rằng: Sẽ có nhiều cái tốt hấp dẫn, và cũng có nhiều cái xấu hấp dẫn hơn những cái tốt.

Trong một tình hình như vậy, sẽ không lạ gì, nếu có người Công Giáo cho rằng họ gặp được nhiều cái hấp dẫn ngoài Hội Thánh hơn là trong Hội Thánh, để rồi dựa vào lý do đó, họ dửng dưng với Hội Thánh, hoặc xa lìa Hội Thánh.

 Ðể đối phó với nguy cơ

Như vậy, để đối phó với những nguy cơ dẫn tới suy thoái đức tin, tôi thấy lúc này cần phải chuẩn bị kỹ. Một trong những cách chuẩn bị mà tôi nghĩ tới đầu tiên, đó là cộng đoàn chúng ta và chính chúng ta phải có một đức tin thực chất, và biết diễn tả đức tin ấy bằng các việc làm có chất lượng với phong cách hợp thời.

Trong Phúc Âm có hai trường hợp cho thấy Chúa Giêsu tỏ ra ngạc nhiên. Trường hợp thứ nhất, Ngài ngạc nhiên vì các người đồng hương của Ngài không tin Ngài (x. Mt 13). Trường hợp thứ hai, Ngài ngạc nhiên vì viên sĩ quan ngoại giáo đã tin vào Ngài (x. Mt 8). Ta nên nhìn kỹ đức tin của các người đồng hương với Chúa Giêsu và đức tin của viên sĩ quan ngoại giáo, để xem đức tin của người ngoại giáo này có cái gì tốt đẹp hơn đức tin của các người đồng hương với Chúa, khiến Chúa ngạc nhiên vui sướng.

Các người đồng hương của Ngài rất biết Ngài. Họ biết rõ tên tuổi Ngài, lý lịch Ngài, bố mẹ tên gì, bên nội có ai, bên ngoại có ai, nhà ở xóm nào, làm nghề gì. Họ quá quen với giọng nói Ngài, với khuôn mặt sắc da của Ngài, với dáng đi của Ngài. Họ đã nhiều lần tiếp xúc với Ngài. Thời gian quen biết Ngài là từng tháng, từng năm. Một điều chắc chắn là họ đã nhìn thấy Ngài tận mắt, đã nói chuyện với Ngài nhiều lần, đã sống gần Ngài, đã làm việc chung với Ngài nhiều năm. Về mặt đó, họ hơn hẳn người sĩ quan ngoại giáo. Họ còn hơn người sĩ quan ngoại giáo ở chỗ đức tin của họ được trang bị bởi nhiều chân lý tôn giáo. Họ biết những gì phải tin, phải xin, phải chịu, phải giữ. Ðức tin của họ khởi đi từ những bài học có sẵn, được bồi dưỡng bằng các lễ lạy, các cuộc họp tại hội đường. Sinh hoạt đức tin của họ là cử hành các nghi lễ, đọc kinh, giữ luật đạo, và học hỏi lẽ đạo.

Không ai dám nói là họ khô khan. Nhưng dù với một nếp sống như thế, và dù với những tiếp xúc với Chúa Giêsu như vậy, họ vẫn không nhận ra Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế mà các tiên tri đã loan báo trên suốt lịch sử từng ngàn năm.

Xem ra có một cái then vô hình đã chặn cửa lòng họ, xem ra có một cái chốt vô hình đã đóng chặt lòng họ, không cho Tình-Yêu-Cứu-Ðộ của Thiên Chúa đi vào. Cái then đó, cái chốt đó, chính là sự tự mãn. Họ cho rằng sống đức tin như họ sống với những lề luật và các lễ nghi là đủ rồi. Họ không thấy đức tin của mình cần phải được cứu. Và cho dù họ thấy đức tin của mình cũng cần được cứu, họ lại tưởng rằng chỉ cần đánh đuổi quyền lực đế quốc Rôma ra khỏi bờ cõi là xong. Họ không nghĩ rằng cái cần phải đánh đổ trước hết chính là tính tự mãn của họ. Không những họ không nghĩ tới chuyện đó, mà còn làm nhiều cách để bảo vệ và nuôi dưỡng cái tự mãn truyền thống ấy. Chính vì vậy mà lòng họ không mở ra được. Họ vẫn là người có đức tin, một đức tin vững, nhưng là một đức tin đã trở thành khô cằn, cứng cỏi, khép kín.

Còn viên sĩ quan ngoại đạo, ông rất ít biết về đạo, chỉ nghe nói sơ sơ về Chúa Giêsu. Ông là người ngoại quốc thuộc thành phần quân đội đế quốc Rôma. Ông nắm trong tay một số quyền lực. Ông có thể lợi dụng địa vị của ông để mời công dân Giêsu tới nhà ông. Nhưng ông đã không làm như vậy, ngược lại, tuy là người có địa vị, có quyền lực, ông đã lên đường đi đến với Chúa Giêsu.

Khi nghe tin Chúa Giêsu có nhã ý đến nhà ông, ông đã khiêm tốn nói: “Tôi không đáng Ngài bước chân vào nhà tôi”. Ông không ngại nói lời đó trước mặt nhiều người. Ông nhận biết mình không có gì gọi được là xứng đáng để Chúa đến cả. Ông không là người có đạo. Ông không chịu phép cắt bì. Ông không biết luật đạo. Mặc dầu ông có làm đôi việc lành, nhưng ông không chút tự mãn nào về các việc lành ấy. Ông càng không tự mãn mảy may nào về địa vị của ông. Ông chỉ cậy tin vào quyền năng vô biên của lòng thương xót Chúa mà thôi. Thái độ khiêm tốn của ông vừa sâu sắc trong nội tâm, vừa can đảm trong diễn tả.

Với thái độ khiêm tốn chân thành ấy, ông đã đặt hết niềm cậy trông vào Chúa Giêsu. Niềm cậy trông này không phải chỉ là một tiếng kêu cầu mà còn là một tình nghĩa chân tình gởi tới Chúa Giêsu. Tình nghĩa ấy là một lựa chọn. Bởi vì ông có thể dành tình nghĩa ấy cho kẻ khác. Nhưng ông đã dành tình nghĩa ấy cho Chúa Giêsu. Tình nghĩa ấy không phải chỉ là chung chung, mà là một tình nghĩa đề cao Chúa Giêsu. Việc làm của ông có thể đụng tự ái các thầy cả, các luật sĩ, các biệt phái. Việc làm của ông cũng có thể gây rắc rối cho ông do chính quyền thực dân đế quốc của ông. Thái độ của ông rõ ràng là do sức thúc đẩy của tình mến yêu chấp nhận liều lĩnh. Ông mến thương người đầy tớ bệnh hoạn của ông, và cũng rất mến thương Chúa Giêsu. Ðức ái nơi ông là rất mạnh.

Niềm cậy tin của ông không diễn tả bằng một công thức giáo lý, mà bằng một tâm tình xuất phát từ đáy lòng.

Niềm cậy tin của ông không phải là sự chấp nhận những giáo điều, mà là sự chấp nhận chính Ðấng Kitô, một vị đang sống như một tình yêu cứu độ, như một nhân chứng cho chân lý, bất chấp được khen hay bị chê.

Niềm cậy tin đầy khiêm tốn và chân tình ấy có thể ví như chiếc chìa khoá riêng có sức mở lòng Chúa và Người đã mở lòng ông để đón nhận ơn Chúa.

Người ngoại đạo này không những tin cậy vào bản thân Chúa Giêsu, mà còn đi xa hơn nữa. Ông đã tin vào lời Chúa Giêsu. Ông tin rằng Lời Chúa tự nó có sức mạnh. Ông nói: “Xin Ngài chỉ nói một lời, là đầy tớ của tôi sẽ được mạnh”. Với câu nói khiêm tốn đầy cậy tin đó, ông biểu lộ ý nghĩ của ông, đó là không cần Chúa cầm tay bệnh nhân, cũng không cần Chúa tới gần bệnh nhân, Chúa chỉ nói một lời, thì dù cách xa ngàm dặm, bệnh nhân cũng sẽ được khỏi bệnh.

Một đức tin như vậy không phải chuyện dễ. Nó không phải là kết quả tất nhiên của những giờ học hỏi giáo lý. Kinh Thánh cho thấy để có một đức tin như vậy, người ta phải cầu xin ơn Chúa giúp đỡ. Các tông đồ xưa, mặc dầu sống cạnh Chúa, cũng đã có lần cảm thấy đức tin Chúa đòi là chuyện quá khó, nên đã cầu xin với Chúa rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5). Người cha đứa bé bị quỷ ám cũng cảm thấy cái khó khăn của đức tin thực là quá lớn, nên đã cầu xin với Chúa rằng: “Lạy Thầy, tôi tin, nhưng xin Thầy giúp tôi tin, vì tôi kém lòng tin” (Mc 9,23).

Ðức tin của ta và của giáo đoàn ta có như vậy không? Thực ra, ta đã nhận được đức tin, ngay khi ta lãnh bí tích Rửa tội. Nhưng đó mới là một hạt giống, một cái mầm non. Hạt giống ấy, mầm non ấy sẽ chỉ lớn lên nếu được chăm sóc. Hãy dùng cách chăm sóc truyền thống rút từ Kinh Thánh, đó là chăm chỉ cầu nguyện, phụng vụ Lời Chúa, tham dự bí tích Thánh Thể, và chia sẻ đời sống huynh đệ của cộng đoàn dân Chúa (x. Cv 6,4).

ù

Dửng dưng với Hội Thánh và bỏ Hội Thánh, đó là một hiện tượng hiện nay đang trở thành một phong trào có tính cách quần chúng tại các nước Âu Châu. Henri Denis đã bàn về phong trào này trong cuốn Chrétiens sans Église (Giáo hữu không Giáo Hội). Ðọc cuốn sách dày 147 trang này, tôi thấy một phong trào như thế có thể thấm nhập vào Giáo Hội Việt Nam trong tương lai. Bởi vì nó có liên hệ mật thiết với các trào lưu văn minh đang đi vào đất nước chúng ta. Thử coi đây. Thời điểm hiện nay là thời điểm tinh thần khoa học đang dâng cao, càng ngày con người càng ưa chuộng những gì là chính xác, là kiểm chứng được, là có hệ thống. Ðang khi đó, có thể là người ta lại ít gặp được những tính cách khoa học trong các lời giảng dạy của các đấng bậc Hội Thánh của họ, nên dần dần họ coi thường và dửng dưng.

Thời điểm hiện nay là thời điểm tinh thần thực dụng đang rất mạnh, càng ngày con người càng ưa chuộng những gì là thực tế, là thiết thực, là thực chất, có lợi cho cuộc sống. Ðang khi đó có thể là người ta ít gặp được thực chất trong con người các đấng bậc và trong các lời giảng dạy, các luật lệ tôn giáo. Nên dần dần họ xa cách.

Thời điểm hiện nay là thời điểm tinh thần tự do dân chủ đang rất phổ biến, càng ngày con người càng ưa chuộng những gì là tôn trọng tự do, là khích lệ dân chủ. Ðang khi đó có thể là người ta lại ít gặp được những tính cách tự do dân chủ trong nếp sống đạo và nếp suy nghĩ của giáo đoàn mình, nên dần dần họ bỏ.

Thời điểm này là thời điểm tinh thần hoài nghi đang len lỏi cùng khắp, càng ngày con người càng nghi ngờ những ai tự xưng mình là tốt. Ðang khi đó có thể là người ta thấy Hội Thánh tự xưng mình là tốt, nhưng vô số người trong Hội Thánh lại không tốt. Nên họ hoài nghi chính Hội Thánh.

Tôi nghĩ rằng các lý do người ta vịn vào để dửng dưng với Hội Thánh và bỏ Hội Thánh đều không đủ chính đáng. Tuy nhiên, khi thấy một người bỏ Hội Thánh bất cứ vì lý do nào và bất cứ ở đâu, đều làm tôi đau đớn xót xa. Phương chi khi thấy cả triệu người.

Nếu ta cho rằng trong giáo đoàn của ta chắc chắn sẽ không có ai ra đi như thế, ta cũng không nên vì thế mà tự phụ quá sớm. Thánh Phêrô cũng đã rất tự mãn với đức tin của mình, nhưng rồi ngài đã ngã một cách thê thảm.

Dù sao, cách tốt nhất nên làm để tránh cho giáo đoàn ta khỏi những bước ra đi sau này, là ngay từ bây giờ giáo đoàn ta và chính bản thân ta nên tích cực hơn trong việc chỉnh đốn lại nếp sống đức tin.

ù

Tối thứ năm, 9/1/1992, vừa qua, đài truyền hình Cần Thơ chiếu một chương trình phóng sự tựa đề: “Vươn lên từ nỗi bất hạnh”. Nội dung tường thuật những thành công của các trẻ em mồ côi tàn tật, nhờ ý chí phấn đấu và sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Khi theo dõi chương trình ấy, tôi đã nghĩ tới các giáo đoàn chúng ta. Với con số 71 linh mục được thụ phong sau giải phóng, nhất là với niềm tin vào Ðức Kitô, chúng ta không sống trong nỗi bất hạnh, mà là sống trong một mùa hồng ân Thiên Chúa. Từ mùa hồng ân ấy, chúng ta chỉ có một lựa chọn, đó là phải vươn lên. Nếu không vươn lên, thì đó là nỗi bất hạnh lớn, ta sẽ phải chịu trước mặt Chúa.

Long Xuyên, tháng2/1992