Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Những sức mạnh đang công phá thế giới sự thiện

Giáo xứ không đứng ngoài đất nước và thế giới. Thế giới đang chuyển biến. Ðất nước Việt Nam đang chuyển biến. Thì tất nhiên cộng đoàn tín hữu của ta cũng đang và sẽ chuyển biến theo.

Do đó, sẽ không có ổn định về nhân sự. Bởi vì có những người từ những nơi khác tới giáo xứ mình, đồng thời có những người của giáo xứ mình đi nơi khác. Giống như một cuộc di dân lặng lẽ. Khi kinh tế phát triển, khuynh hướng bỏ đồng ruộng tuốn về thị thành sẽ thấy rõ, như kinh nghiệm các nước đang phát triển làm chứng.

Người không đi đâu cũng sẽ coi như thường xuyên di chuyển. Bởi vì sẽ được thấy nhiều, sẽ được nghe nhiều, do các tiếp xúc và các nguồn thông tin báo, đài. Rồi đây, lượng thông tin sẽ rất phong phú và đa dạng, đổ vào khắp các gia đình mỗi ngày, như những trận mưa hình ảnh, quảng cáo, tin tức, bình luận, chuyện phim, ca hát vv...

Tất cả các chuyển biến ấy sẽ tạo nên những chuyển biến về não trạng. Con người, nhất là giới trẻ, dù ở nông thôn, sẽ có cách suy nghĩ mới, sẽ có cách đánh giá mới, sẽ có những ham muốn mới. Chính các giáo sĩ, tu sĩ cũng vậy.

Ở đây, tôi xin nêu lên ba chuyển biến lớn, theo gợi ý của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Chritifideles laici. Ðây là 3 sức mạnh đang nổi dậy khắp nơi có tính cách công phá thế giới sự thiện.

Sức mạnh công phá thứ nhất là khuynh hướng tục hoá đang nhắm vào tinh thần Kitô-hoá

Tục hoá là khuynh hướng muốn gạt Thiên Chúa ra. Nó đi từng bước. Bước đầu là gạt Thiên Chúa ra khỏi lãnh vực chính trị, khoa học, nghệ thuật, xã hội. Mục tiêu này xem ra đã đạt được một cách vẻ vang tại nhiều nước Âu Mỹ. Tiếp đến, là gạt Thiên Chúa ra khỏi gia đình. Mục tiêu này xem ra cũng đã đạt được một cách khả quan tại các nước của thế giới tự do. Tiếp đến, là gạt Thiên Chúa ra khỏi đời tư cá nhân. Ai muốn tin gì, làm gì thì hoàn toàn tự do, bất chấp Lời Chúa, luật Chúa. Mục tiêu này xem ra cũng đã đạt tới mức độ cao, đến nỗi tôi nhìn vào đó mà thấy choáng váng. Hiện nay, khuynh hướng tục hoá đang bước thêm một bước mới, đó là muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi chính Thiên-Chúa-giáo, để sẽ là một Thiên-Chúa-giáo không Thiên Chúa. Một Thiên-Chúa-giáo chỉ còn là một hệ thống tư tưởng, nguyên tắc, mà không lo gặp Chúa. Một Thiên-Chúa-giáo chỉ còn là một bó lề luật lớn nhỏ, như một căn nhà luật pháp, mà vắng Chúa. Một Thiên-Chúa-giáo chỉ còn là một mớ lễ nghi bề ngoài mà không làm chứng được là để thờ phượng Chúa.

Trên đây là một bước tục hoá rất nguy hiểm, có tính cách tàn phá quyết liệt.

Trước tình hình này, chúng ta phải làm gì, để đức tin của giáo đoàn ta và của chính ta khỏi bị tàn phá?

Thưa xin để ý hai việc.

Một là ta đừng vô tình, nông nổi cộng tác vào khuynh hướng tục hoá đó. Phải nói là chúng ta sẽ mắc tội cộng tác vào việc gạt Thiên Chúa ra khỏi Thiên-Chúa-giáo chúng ta, nếu chúng ta tục hoá bài giảng, khi nội dung bài giảng chỉ làm xàm những chuyện thế gian. Và nếu chúng ta tục hoá thánh lễ, khi thánh lễ bị lợi dụng như những phương tiện để kiếm tiền và phô trương quyền lực. Và nếu chúng ta tục hoá chức linh mục, khi chức linh mục được coi như một nghề, một cách thăng tiến xã hội. Và nếu chúng ta tục hoá các lễ nghi phượng tự, khi chúng ta coi các lễ nghi đó là chính, còn cầu nguyện và gặp Chúa là phụ.

Hai là ta tích cực nắm bắt một khuynh hướng mới đang mọc lên, có tính cách đẩy lùi khuynh hướng tục hoá. Khuynh hướng mới này là khuynh hướng trở về với thần thánh. Hiện nay khuynh hướng này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Nhìn chung thì khuynh hướng trở về với thần thánh có một nét chung này là diễn tả tình cảm của mình với thần thánh một cách tự phát, hồn nhiên. Ðồng thời nó cũng có một nét chung nữa, đó là thao thức về ý nghĩa cuộc đời, muốn đời mình được bảo đảm hơn, nhờ tựa vào một Ðấng thiêng liêng ở trên mình, nhưng mình không rõ Ngài là ai.

Khi tôi nói, ta nên tích cực nắm bắt khuynh hướng trở về với thần thánh, là tôi muốn nói tới sự theo dõi những diễn tả của nó. Ðừng coi thường, đừng vội chối từ, đừng vội cản ngăn. Nếu thấy những diễn tả của nó là tốt, thì nên tạo cho nó có những điều kiện để phát huy. Nếu thấy những diễn tả của nó là sai lạc thì cần cản ngăn một cách khôn ngoan. Ðể làm như vậy, người lãnh đạo giáo đoàn cần có ơn Chúa Thánh Thần, giúp phân biệt cái gì là tốt, cái gì là xấu. Tiêu chuẩn chắc chắn nhất để phân biệt, là tinh thần bác ái và khiêm nhường.

Nhiều nơi, để đáp ứng nhu cầu sinh thái và khuynh hướng diễn tả đức tin một cách hồn nhiên tươi mát, thích hợp với tâm lý con người thời nay, người ta đã quan tâm một cách đặc biệt đến không gian xung quanh nhà thờ. Cần một không gian rộng với thiên nhiên đẹp, như cây cối, vườn bông, thảm cỏ. Tại đó, người ta gặp Chúa, gặp nhau, và gặp thiên nhiên trong bầu khí đức tin cởi mở. Một không gian như vậy, khi biết lợi dụng, sẽ là nơi bắt gặp và đón nhận được nhiều khuynh hướng về nhu cầu đi tìm tôn giáo, và tìm gặp Chúa ngoài chế độ đền thờ.

Sức mạnh công phá thứ hai là khuynh hướng nô-lệ-hoá con người đang nhắm vào mục đích băng hoại con người

Tất nhiên, chẳng ai sẽ nói rằng: Tôi làm việc này việc nọ là để nô-lệ-hoá con người. Nhưng những việc họ làm, dù với ý ngay lành, cũng sẽ tự nó đi tới mục đích biến con người thành một thứ nô lệ. Trong Christifideles laici, Ðức Thánh Cha cho thấy một số sức mạnh khi nhằm khai thác con người, thì chính là những quyền lực nô-lệ-hoá con người. Chẳng hạn, khi một mạng lưới thông tin nhắm vào việc đầu độc con người, khi một bộ máy tiền của nhắm vào việc sai bảo con người, khi một hệ thống chính trị nhắm vào việc uy hiếp con người, khi một kế hoạch giải trí nhắm vào việc kinh-tế-hoá con người, thì dù họ có những lời hoa mỹ tới đâu, kết quả việc làm của họ vẫn là làm cho con người bị băng hoại.

Trước tình hình trên đây, chúng ta phải làm gì, để con người của giáo đoàn và của chính ta khỏi bị băng hoại, trở thành một thứ nô lệ?

Thưa, cũng xin để ý đến hai việc.

Một là, ta đừng vô tình nông nổi cộng tác vào khuynh hướng nô-lệ-hoá đó. Ở đây, tôi nghĩ tới những tệ đoan vẫn còn tồn tại ở một số giáo đoàn: Như tệ đoan ăn uống chè chén dịp ma chay, tệ đoan cờ bạc say sưa, tệ đoan hay nói xấu nói hành, tệ đoan hay nghi kỵ kết án. Nhiều người coi những tệ đoan đó là những cái làm thoái hoá con người, thế mà chúng vẫn tồn tại một cách ung dung vững chắc, nhờ sự dung dưỡng của các vị có chức quyền trong giáo đoàn. Cũng đừng quá khắt khe gay gắt, gây cho bầu khí giáo đoàn sự sợ hãi, như thể đạo là một gánh nặng tâm hồn.

Hai là ta nên tích cực nắm bắt một khuynh hướng mới đang mọc lên có tính cách đẩy lùi khuynh hướng nô-lệ-hoá con người. Ðó là khuynh hướng bảo vệ, kính trọng và phát triển con người. Khuynh hướng này cũng đang xuất hiện dưới nhiều hình thức: Như bảo vệ nhân quyền, nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người nghèo, an ủi giúp đỡ những người kém cỏi, khổ đau.

Một số người đã nói với tôi rằng: Nơi nhiều người tín hữu, mặt đức tin thì không rõ tốt hay xấu, nhưng mặt nhân bản thì rõ ràng là suy thoái. Con người của họ xem ra bị băng hoại. Ngay từ cái sơ đẳng nhất, như tính thực thà. Họ lươn lẹo, gian dối, giả tạo, hai mặt, bôi bác, giả hình. Khi quan sát, tôi có cảm tưởng nhận xét trên đây là đúng. Không phải đúng cho phần đông, nhưng đúng cho một số nhỏ đáng kể. Như vậy trong chương trình xây dựng và phát triển con người, chúng ta đừng quên rằng: Sẽ không làm chứng được cho đức tin vào Thiên Chúa, nếu ta và những người thuộc về ta thiếu những đức tính nhân bản, như sự chân thành đối với người khác.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một điều vắn tắt, nhưng rất cần, trong việc đối phó với khuynh hướng nô-lệ-hoá con người, đó là chính chúng ta phải sống thế nào để chúng ta làm chứng mình có tự do không làm nô lệ thói hư nết xấu nào.

Sức mạnh công phá thứ ba là khuynh hướng tranh-chấp-hoá cuộc sống, đang nhắm vào mục đích phá hoại nền hoà bình là dấu chỉ đẹp nhất của Nước Trời

Tranh-chấp-hoá cuộc sống là coi việc tranh chấp quyền lợi như một sinh hoạt thường xuyên của cuộc sống. Tranh chấp để mình phải thắng, kẻ khác phải thua. Tranh chấp bằng bất cứ phương tiện nào, dù phải dùng tới những cách bất công. Tranh chấp đến độ muốn tiêu diệt nhau. Khuynh hướng tranh-chấp-hoá đôi khi cũng tràn vào lãnh vực đạo đức. Theo đó, có người cho rằng phải tranh chấp bất cứ với giá nào, vì lý do đạo đức... Khi tranh-chấp-hoá cuộc sống lại đươc hỗ trợ bởi tranh-chấp-hoá đạo đức, thì tình hình dễ trở nên bi đát. Như đang xảy ra tại nhiều điểm nóng hiện nay trên thế giới, nhất là tại Ðông Âu, Ấn Ðộ, Phi Châu, và Trung Ðông.

Trước tình hình trên đây, chúng ta phải làm gì, để giáo đoàn và ta khỏi bị sức mạnh công phá ấy lôi cuốn?

Thưa cũng xin để ý đến hai việc:

Một là ta đừng nhẹ dạ cộng tác vào khuynh hướng tranh-chấp-hoá cuộc sống và tranh-chấp-hoá đạo đức. Ở đây, tôi nghĩ tới tinh thần tranh chấp đang bùng nổ tại một số giáo đoàn, và còn đang âm ỉ tại một số cộng đoàn khác. Ðiều đáng buồn là tinh thần tranh chấp này càng ngày càng leo thang, biến tình hình đời sống tôn giáo trở thành phản chứng. Khích động tự ái, lợi dụng người có của, gây nên khoảng cách tâm lý giữa kẻ giàu người nghèo. Khích động tự mãn tự tôn, gieo nghi kỵ thù hận đối với những người không cùng quan điểm đạo đức và chính trị với mình, phải chăng đó cũng là những hình thức đi vào khuynh hướng tranh-chấp-hoá cuộc sống, và tranh chấp hoá đạo đức.

Hai là ta nên tích cực nắm bắt một khuynh hướng mới đang mọc lên, có tính cách đẩy lùi khuynh hướng tranh-chấp-hoá, đó là khuynh hướng hoà giải, hoà bình. Khi hát bài “Kinh Hoà Bình”, tôi thấy đó là tóm tắt Phúc Âm của hoà giải, hoà bình. Tôi khỏi cần nói thêm. Chỉ có một điều thiết tưởng nên nói, tuy nói lên sẽ không mấy hợp với tính tự ái chúng ta, đó là tôi có cảm tưởng rằng: Trong thời gian tới, cái khó lớn nhất xảy ra cho một số giáo đoàn, sẽ không do ngoại cảnh, mà sẽ do nội bộ gây nên. Bởi vì sẽ có những tranh chấp nổi lên. Thường lại là những tranh chấp giữa những người đạo đức. Nếu hôm nay không quen sống tinh thần hoà giải, hoà bình của Tám-mối-phúc-thật, với ý chí tuân phục thánh ý Chúa và làm chứng cho Chúa, thì khi bị thử thách, bất cứ do đâu, chúng ta sẽ không dễ trở thành dấu chỉ và dụng cụ của việc xây dựng, bảo vệ và phát triển sự bình an của Chúa Kitô.

ù

Những chia sẻ trong ba bài nói chuyện của tôi, tuy chỉ là những chứng từ, nhưng khi được anh em đón nhận như những món quà tinh thần tôi thân tặng anh em trong tình huynh đệ, thì tôi tin rằng: Chúa Kitô đang ở giữa chúng ta. Thế là đủ rồi. Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp.

Lời cầu chúc hôm nay tôi thân ái gửi tới anh em và các cộng đoàn là cầu chúc một mùa xuân nở rộ hoa Tân-Phúc-Âm-hoá. Bởi vì Tân-Phúc-Âm-hoá chính là phong cách của người linh mục đang đi về năm 2000. Tân-Phúc-Âm-hoá chính là vẻ đẹp đặc điểm của các cộng đoàn Hội Thánh tích cực đồng hành với một thế giới đang chuyển mình bước sang kỷ nguyên mới.

Long Xuyên, tháng 01/1993