Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Lời Chúa trong một chuyến đi

Tôi mới đi Âu Châu, qua Ðức, Ý, Pháp. Từ ngày 10/09/1993 đến ngày 17/10/1993. Thời gian vội vã. Hình ảnh qua mau. Nhưng vẫn còn lại trong tôi vài kỷ niệm để nhớ để thương.

Tôi nhớ thương những gì là vẻ đẹp Lời Chúa mà tôi đã gặp. Những vẻ đẹp ấy đang biến đổi lòng tôi. Tôi xin chia sẻ.

 Một lời tạ ơn cảm động

Ðối với tôi, một lời tạ ơn của Ðức Kitô mà tôi đã cảm nghiệm được một cách sâu sắc nhất trong chuyến đi vừa qua, đó là “Lạy Cha, Con tạ ơn Cha đã giấu những mầu nhiệm Nước Trời cho những người thông thái, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn" (Mt. 11,25).

Thực vậy, tôi đã gặp rất nhiều người bé mọn đang sống Tin Mừng Nước Trời. Họ bé mọn do thái độ tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Họ làm chứng đức tin trong đời thường. Thấy họ, tôi có cảm tưởng gặp được nụ cười của Ðức Kitô, một nụ cười trao tặng bình an và niềm trông cậy. Trao đổi với họ, tôi có cảm tưởng bắt gặp cái nhìn của Ðức Kitô, một cái nhìn thân thương đầy sức mạnh đổi mới tâm hồn.

Ðặc điểm của họ là luôn sống thân phận người con bé nhỏ đối với Cha trên trời, tuyệt đối tin vào tình yêu Cha, luôn sống theo mẫu gương duy nhất là Ðức Kitô.

Họ thuộc đủ mọi thành phần. Có những người âm thầm như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Có những người khó nghèo như thánh Phanxicô Assisi. Có những người ẩn mình như cha Charles Foucauld. Có những người đơn sơ như Ðức Thánh Cha Gioan XXIII.

Một hôm, tại Ðức, tôi đang trò chuyện giữa đám đông, thì một phụ nữ tới chào tôi. Chỉ sau một phút, chúng tôi đã vào đề “phong trào canh tân cầu nguyện”. Tôi hỏi cô: "Nghe như hoàng hậu Fabiola cũng thuộc phong trào đó, phải không?" Cô thưa: "Ðúng. Hoàng gia hay tới sinh hoạt trong nhóm của cháu."

Ba ngày sau, tại Ý, tôi gặp lại một ông bạn cũ người Ðức. Trong cuộc đàm luận về dung mạo Hội Thánh hôm nay, ông cho biết: Cách đây hai năm, ông đi tĩnh tâm chung với một nhóm 10 người trong một tu viện trên núi. Qua trò chuyện, ông phát giác ra một người trong nhóm chính là vua Baudouin, hoàng đế vương quốc Bỉ. Hai người trở thành bạn thân. Ông đã được nghe nhà vua chia sẻ những kinh nghiệm về đức tin trong đời sống gia đình, văn hoá và xã hội.

Trong thế giới Tây phương hôm nay đang bị tục hoá, tôi vẫn nhìn thấy vô số những đốm sáng Tin Mừng qua các tâm hồn phúc âm như thế.

Có lúc tôi tưởng rằng giữa nền văn minh đa dạng hôm nay và đức tin truyền thống có một vực thẳm phân cách không sao nối liền được. Nhưng nay tôi đã gặp được những chiếc cầu bắc qua vực thẳm ấy. Ðó là những tâm hồn đơn sơ, sống say mê tinh thần của Ðức Kitô. Họ lắng nghe tiếng Chúa, dễ phân biệt được tiếng Chúa gọi họ, để rồi mau mắn đáp ứng bằng hành động cụ thể.

Gặp họ, tôi có cảm tưởng gặp được Tin Mừng. Và cùng với họ, tôi nghe Ðức Kitô hôm nay đang tiếp tục tạ ơn Chúa Cha vì đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho các tâm hồn nghèo khó, đơn sơ khiêm tốn.

 Một lời gọi tha thiết xót xa

Ðức Kitô, mà tôi gặp được trên chuyến đi này, cũng còn là Ðức Kitô trong vườn Cây Dầu đêm xưa, thứ năm tuần thánh. Ðêm đó, Ngài lo âu khắc khoải cho phần rỗi các linh hồn. Ngài cầu nguyện với trái tim ngột ngạt mùi cay đắng hãi hùng của tội lỗi nhân loại. Trong cô đơn, Ngài bước tới các môn đệ thân tín nhất, và hỏi họ: “Các con ngủ sao?" (Mc 14,37).

Lời gọi ấy nhỏ nhẹ, tha thiết nhưng xót xa vô vàn. Lời gọi ấy vẫn văng vẳng bên tai tôi trên chuyến đi vừa qua. Nghe lời gọi ấy tôi hiểu Ðức Kitô muốn nói gì với tôi và các môn đệ Ngài.

Các con ngủ sao, đang khi những lực lượng bắt Chúa đã tới gần. Tôi thấy lực lượng đó rất đông, rất mạnh. Ðó là những khuynh hướng xấu đang nổi dậy khắp nơi, như tự do hưởng thụ, tự do ích kỷ, tự do hận thù, tự do tục hoá, tự do tranh giành quyền lực.

Các con ngủ sao, đang khi bao người xung quanh bị đẩy vào cảnh cô đơn, thất vọng, giống như cảnh Ðức Kitô xưa lo buồn đến đổ mồ hôi máu ra, lo buồn, đến độ có thể chết được. Tôi thấy hiện nay những người đau khổ đã tăng hơn nhiều, nếu so với những chuyến đi trước đây của tôi.

Các con vẫn ngủ sao, đang khi Ðức Kitô hấp hối cầu nguyện cho nhân loại. Tôi thấy hiện tượng xa rời Hội Thánh vẫn tiếp tục tăng, hiện tượng nghi kỵ nhau đang nổi dậy mạnh.

Một buổi sáng nọ, tại Pháp, tôi đang từ sân chủng viện đi vào nhà, thì thấy một người ngoại quốc đàng xa vội vã bước tới. Tôi mở cửa, nhường cho người đó vào trước. Gặp tôi, người lạ niềm nở chào và hỏi: "Thưa, có phải đây là Ðức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần không?" Tôi thưa: "Phải, tại sao biết tôi?" Họ đáp: "Chiều qua, con thấy ảnh Cha treo ở một cộng đoàn tại Paris này, con đã cầu nguyện cho Cha, và mong ước gặp được Cha. Con thuộc Cộng Ðoàn Tám Mối Phúc. Con nghĩ rằng cuộc gặp gỡ này là do Chúa sắp xếp." Thế là chúng tôi bắt đầu trao đổi. Qua trao đổi, tôi thấy những cộng đoàn như thế này đúng là những người tỉnh thức và cầu nguyện. Họ đã nghe Lời Chúa tâm sự: Các con ngủ sao. Và họ đang quảng đại đáp lại.

Họ cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung. Cầu nguyện rất nhiều trước Mình Thánh Chúa, và cầu nguyện rất nhiều bằng sự suy gẫm Lời Chúa.

Họ tỉnh thức, nên nắm bắt được những đòi hỏi khẩn cấp Phúc Âm của từng nơi và của từng thời điểm.

Họ tỉnh thức, nên có những sáng kiến riêng và biết học hỏi những sáng kiến đó đây, để đáp ứng kịp thời và đúng đắn những yêu cầu khẩn cấp của sứ mạng cứu rỗi các linh hồn trong thế giới hôm nay.

Một hôm, trên công trường thánh Phêrô, Vaticăng, tôi thấy rải rác những thanh niên thiếu nữ đang phân phát báo và trò truyện vui vẻ với khách du lịch. Gặp họ, tôi biết họ thuộc một phong trào mang tên “Những con đường của Chúa”. Tôi có cảm tưởng nhóm này không những cầu nguyện và tỉnh thức, mà còn đi đánh thức những tâm hồn còn ngủ. Họ đánh thức bằng nhiều cách hấp dẫn. Chính bản thân con người họ, với vẻ lịch sự vui tươi, cũng đã là một mùi hương thơm có sức đánh thức một số tâm hồn. Gặp họ, tôi có cảm tưởng gặp được hình ảnh Ðức Kitô hiền hoà, khiêm tốn, năng động, đi tìm gặp con người, để phục vụ họ.

 Một chọn lựa tiên tri

Ðức Kitô mà tôi gặp trong chuyến đi vừa qua cũng còn là Ðức Kitô xưa đã chọn các tông đồ: “Các con sẽ là những người đánh cá các tâm hồn" (Mt. 4,19).

Ðức Kitô là thợ mộc, nhưng không chọn những người thợ mộc. Ngài sống giữa miền đồng ruộng, nhưng không chọn những người làm nghề nông. Trái lại Ngài chọn một số người làm nghề cá. Vì những người này thường dễ có tâm thức mênh mông như biển cả, có một cái nhìn bát ngát tới tận chân trời.

Những người như thế cũng đang có mặt trên thế giới, mà tôi đã đi qua. Tại các nơi tôi nghỉ lại, tôi thường tìm đến các tiệm sách. Liếc qua các tên sách và mục lục các sách, tôi thấy được phần nào một loại tông đồ thời nay có tâm hồn rất bao la với những cái nhìn rất rộng rất xa.

Một buổi tối nọ, tôi dùng bữa tại một gia đình người Pháp. Bà chủ đã trình bày với tôi về ba chương trình truyền giáo có tầm cỡ quốc tế hướng về Việt Nam. Trên xe chở tôi về, bà đã tâm sự với tôi về những lo âu của bà trước tình hình Hội Thánh Việt Nam đang và sẽ phải đối phó với những thách thức mới của thời kinh tế xã hội mở ra.

Những người mang thao thức như vậy không phải là ít. Họ là những thầy thuốc, những giáo sư, những nhà kinh doanh. Họ thuộc loại người truyền giáo không biên giới. Tâm hồn họ như những người đánh cá trên biển khơi, không bị giới hạn vào những mặt bằng chật hẹp như thửa ruộng của nhà nông, cũng không bị đóng chặt vào những công trình khô cứng như chiếc ghế chiếc bàn của thợ mộc.

Nhìn vào các thứ lưới, mà loại tông đồ này đang dùng để đánh cá các tâm hồn, tôi thấy có thứ là những chân lý, có thứ là những tâm lý. Họ lợi dụng mọi cách, nhất là sách báo và giao thiệp để truyền giáo. Họ loan báo chân lý qua con người của họ hiền lành, khiêm nhường, bao dung, thương xót..

Loại tông đồ đánh cá thường đơn sơ như chim bồ câu, nhưng trong nghề, họ cũng thường khôn ngoan như con rắn. Họ biết cá nào thích mồi nào, cá nào đi ăn vào giờ nào, cá nào hay tập trung ở vùng nào. Họ rất bén nhạy với những thay đổi của biển khơi và thời tiết. Nếu họ không khôn ngoan như thế, để biết linh động, thì không những không bắt được cá, mà còn thiệt hại cả đến ghe thuyền, và chính bản thân.

Tại Ðức, tôi thấy nhiều con đường mang tên các loài hoa, nhiều phố mang tên các nhạc sĩ, bác sĩ. Ði trên các đường phố đó, tôi nghĩ tới các đường lối truyền giáo của Hội Thánh tôi. Ước chi các đường lối ấy cũng toả ra được mùi thơm vẻ đẹp của Tin Mừng như những vườn hoa. Ước chi các đường lối ấy cũng gieo được vào lòng người bài ca Tin Mừng như những tiếng hát truyền cảm. Ước chi các đường lối ấy cũng đem lại cho con người những liều thuốc Tin Mừng như những thầy thuốc giỏi.

Một hôm, tại một nhà ga Paris, tôi gặp một chị nhân công đang dọn sân ga. Do tình cờ, tôi biết chị là thành viên của một nhóm truyền giáo. Chị là con một gia đình giàu có trí thức, chị đã là giáo sư trường trung học cấp ba. Nay chị từ bỏ hết, hiến thân cho việc tông đồ. Nhóm của chị chọn cách truyền giáo bằng sự có mặt của mình giữa những người lao động, những người nghèo, để phục vụ họ, nhất là để chia sẻ đời sống của họ. Thấy các chị này vui vẻ sống nghèo, giữa các xóm nghèo, tôi nghe lòng mình nao nao nhớ lại lời Chúa: “Thầy sẽ ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt. 28,20). Ðúng là Chúa đang ở giữa nhân loại qua những tông đồ âm thầm như thế đó.

Sáng ngày 05/10/1993, tôi được đồng tế với Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại nhà nguyện riêng của Ngài. Ðây là dịp giúp tôi càng xác tín Ðức Thánh Cha là vị tông đồ hết sứ quan trọng, có nhiều khả năng đánh cá các tâm hồn, và chính qua con người của Ngài, mà Chúa đang ở giữa chúng ta.

Ngày 10/10/1993, tôi chủ sự thánh lễ Chúa nhật lúc 9 giờ tại Lộ Ðức. Thánh lễ Chúa nhật vào giờ này tại Lộ Ðức vẫn được gọi là thánh lễ quốc tế, vì thường có đông người tham dự, và họ thuộc nhiều nước khác nhau. Hôm đó số linh mục đồng tế vào khoảng 50, và số người tham dự thánh lễ vào khoảng 5 ngàn. Trong khi chủ sự thánh lễ, tôi có cảm tưởng tôi đang bị một chiếc lưới vô hình của Chúa vây bắt tôi. Chiếc lưới đó là vô vàn ánh mắt, vô vàn trái tim, vô vàn lời nguyện, đang nâng đỡ tôi, đang khích lệ tôi. Và tôi cảm nghiệm được thế nào là sự hiệp thông trong Hội thánh. Chính sự hiệp thông này là một chiếc lưới Chúa đang dùng để tái-Phúc-Âm-hoá các tông đồ của Chúa hôm nay, và cũng là chiếc lưới Chúa muốn các tông đồ dùng để kêu gọi thực hiện Lời Chúa: “Thầy là cây nho, các con là ngành" (Ga 15,5).

ù

Thế là chấm dứt một chuyến đi dài trong một thời gian vắn. Giờ đây, tôi nhìn về phía trước. Tương lai cũng là một chuyến đi. Trong chuyến đi này, vấn đề lớn nhất của tôi vẫn là luôn luôn trở về với Ðức Kitô và giới răn của Ngài : “Thầy cho các con một giới răn mới là các con thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15,12).

Long Xuyên, tháng 11/1993