Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện

Một người mới hỏi tôi rằng: “Trong chức vụ mục tử của Cha, lời nào của Chúa là lời cần thiết nhất cho Cha?”.

Tôi đã trả lời: Trong đời mục vụ của tôi, Chúa hay nhắc bảo tôi, lúc lời này, lúc lời kia. Nhưng có một lời Chúa nhắc bảo nhiều nhất, đó là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 24,41). Ðồng thời tôi được thúc đẩy phải tỉnh thức và cầu nguyện cách riêng trong hai lãnh vực văn hoá và đức tin.

Với tinh thần hiệp thông, tôi xin chia sẻ đôi chút tâm tình về lời Chúa dạy.

Trước hết, tôi coi lãnh vực sự sống văn hoá là địa bàn, mà người mục tử phải rất quan tâm với tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện.

Tôi nói sự sống văn hoá, có nghĩa là nền văn hoá đã trở thành sự sống nơi con người. Sự sống văn hoá là sự sống mang những giá trị cao quý có liên hệ đến chân, thiện, mỹ. Người có sự sống văn hoá là người có những nhận thức đúng, những ước muốn tốt, những tình cảm đẹp, những thái độ tế nhị, những việc làm ngay chính. Sự sống văn hoá như vậy càng ngày càng trở thành bộ mặt xã hội của mỗi người. Nó rất quan trọng.

Bởi vì thời nay, yếu tố mà người ta đang căn cứ vào để đánh giá một người, chính là trình độ văn hoá. Thời nay sức mạnh lớn nhất đang biến đổi cá nhân, gia đình và xã hội, chính là bầu khí văn hoá. Thời nay, phương tiện mà đức tin cần dùng hơn nhất để diễn tả và để đi vào lòng người, chính là các hình thức văn hoá.

Cần có văn hoá trong cách nói năng, đi đứng, ăn mặc. Cần có văn hoá trong cách sử dụng tự do, tiền của, quyền chức và những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật. Cần có văn hoá trong cách phản ứng trước những gì xảy ra hợp ý hay trái ý mình. Nhất là cần có văn hoá trong cách đối xử với người khác.

Ðọc Phúc Âm, tôi có cảm tưởng Ðức Kitô không tách rời đức tin ra khỏi văn hoá. Chẳng hạn, Chúa dạy: “Ai tự tôn sẽ bị hạ xuống, ai tự hạ sẽ được tôn lên” (Mt 23,12), thì lời đó nhắm vào đạo đức nhân bản. Ai sống lời đó là người có văn hoá, một nền văn hoá được nâng đỡ bởi đức tin và được tập trung vào đức ái, để trở thành một nền văn hoá của tình yêu thương.

Tại Việt Nam hiện nay, sự sống văn hoá đang phát triển rất mạnh, rất mau và rất đa dạng. Có dạng thích hợp và có dạng không thích hợp. Trước tình hình đó, Hội Thánh nói chung và người chủ chăn nói riêng cần phải bén nhạy, để phân định, để chọn lựa, để nắm bắt, để mình không bị thua kém, lạc lõng, nhưng biết thăng tiến kịp thời đúng hướng. Muốn được như vậy, phải “tỉnh thức và cầu nguyện”.

Một lãnh vực khác tất nhiên cần phải dấn thân vào với tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện, đó là lãnh vực sự sống đức tin.

Ở đây tôi cũng nói về một sự sống. Sự sống đức tin là sự sống gặp gỡ Ðức Kitô, là sự sống nên giống Chúa Kitô, là sự sống đi theo Ðức Kitô, là sự sống được Ðức Kitô biến đổi, như lời thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 3,20). Theo quan điểm trên đây, tôi nghĩ rằng: Giá trị đích thực của một sự sống Kitô hữu là biết đón nhận những sự Chúa làm cho mình, hơn là thích tăng thêm những việc mình làm cho Chúa.

Nhiều việc ta nói là ta làm cho Chúa, nhưng thực sự không do động lực sự sống Thiên Chúa và cũng không có sự sống Thiên Chúa ở trong các việc đó. Nhiều khi ta làm theo đòi hỏi của thói quen, đòi hỏi của tư lợi, đòi hỏi của dư luận. Và trong các việc đó, cái tôi vẫn chiếm đoạt hầu hết tâm tình, thiếu sự tự do tâm hồn, thiếu sự từ bỏ mình đích thực, không có sự gặp gỡ Chúa đích thực. Bao sinh hoạt tôn giáo thiếu bầu khí sự sống Ðức Kitô. Bao nếp sống tôn giáo thiếu tinh thần Ðức Kitô. Chỉ khi tỉnh thức và cầu nguyện, ta mới nhận ra được những thiếu sót đau buồn đó.

Ðang khi ấy, Ðức Kitô vẫn âm thầm bước đi trong lịch sử và vẫn lặng lẽ gieo vãi hạt giống Tin Mừng trong mọi đời thường. Những ai tỉnh thức và cầu nguyện sẽ nhận ra được bước đi của Người. Những ai tỉnh thức và cầu nguyện, sẽ đón nhận được các hạt giống Tin Mừng trong đời thường của mình.

Cầu nguyện thì trong hoàn cảnh nào thiết tưởng cũng sẽ thực hiện được. Còn tỉnh thức là việc không luôn dễ. Tỉnh thức nói đây có nghĩa là một thái độ khiêm tốn, biết cởi mở, biết theo dõi thời thế, biết học hỏi không ngừng, biết lắng nghe, biết đọc “các dấu chỉ của thời đại”, biết nhận định một cách khôn ngoan. Nếu tỉnh thức là việc phải như thế, thì tôi không thể không lo ngại cho tôi. Nhất là tôi lại nghĩ rằng: Tỉnh thức là bổn phận quan trọng nhất của người mục tử. Tỉnh thức cũng sẽ là điều quan trọng nhất Chúa sẽ phán xét các mục tử. Nguy cơ lớn nhất đối với người mục tử là không còn khả năng nhạy bén với các biến chuyển của sự sống đoàn chiên trong lãnh vực đức tin và văn hoá. Cũng như cơn cám dỗ lớn nhất của người mục tử là bỏ tỉnh thức trước tình hình đức tin và văn hoá, nhất là bỏ tỉnh thức trước sự yếu đuối của chính mình.

Tỉnh thức và cầu nguyện, đó là điều Chúa đã dạy tôi, nhưng tôi còn thiếu sót. Xin Chúa tha tội cho tôi. Xin Hội thánh cầu nguyện cho tôi.

Long Xuyên, ngày 30/4/1994