Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Năm gia đình nhìn về gia đình

Liên Hiệp Quốc đã chọn năm 1994 là năm gia đình cho cả thế giới. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã tuyên bố năm 1994 là năm gia đình cho Hội Thánh toàn cầu.

Lý do khiến Liên Hiệp Quốc năm nay quan tâm nhiều hơn đến gia đình là vì gia đình, tế bào của xã hội, tại nhiều nơi đang bùng nổ dưới nhiều hình thức.

Lý do khiến Ðức Thánh Cha năm nay lo lắng nhiều hơn cho gia đình là vì, ngoài tình hình do Liên Hiệp Quốc đưa ra, gia đình, con đường của Hội Thánh, tại nhiều nơi đang xa rời đạo đức Phúc Âm.

Cả đời cả đạo cùng coi khủng hoảng hiện nay về gia đình là khủng hoảng lớn.

Với lòng ưu ái đặc biệt, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mới gửi một bức tâm thư cho các gia đình (02/02/1994). Trong tâm thư này, cách đặt các vấn đề có tính cách thời sự. Hình thức mới, nhưng nội dung vẫn đề cập đến những giá trị truyền thống của nền đạo đức Kitô giáo về gia đình. Sức mạnh chủ yếu để thuyết phục người đọc hầu hết được rút ra từ lời Kinh Thánh, lời Toà Thánh, lời các thánh.

Ðây là một tài liệu quý của Huấn Quyền.

Ở đây, tôi không dám đưa ra lời khuyên nào cho các gia đình. Tôi chỉ xin chia sẻ cái nhìn của tôi về gia đình.

Tôi thấy gia đình là một thực tại rất phức tạp, rất xưa và rất mới. Nó mang ba mấu chốt chính. Ðó là con người, tình yêu và hôn nhân. Cả ba mấu chốt đều là những thế giới biến động.

 Một con người với nhiều cái tôi

Riêng khoa tâm lý học với các ngành của nó cũng đã phân tách nhiều cái tôi trong một con người. Ở đây tôi chọn cách phân tách đơn giản nhất. Theo đó, mỗi người đều có ba cái tôi: cái tôi của hiện tại, cái tôi của quá khứ và cái tôi của tương lai.

Cái tôi của hiện tại trước hết gồm những sự kiện thể xác riêng của mỗi người. Như những yếu tố sinh lý nền tảng tạo nên loại tính tình, bản năng, bản lãnh, những cảm giác do tiếp cận với môi trường vật chất. Có những cảm giác dễ chịu, thoải mái; có những cảm giác khó chịu, bực bội. Cảm giác thay đổi từng người. Và trong một người, cảm giác cũng thay đổi theo tình hình bên trong và bên ngoài của họ.

Rồi sức khoẻ, lúc mạnh lúc yếu. Thế giới cảm giác ảnh hưởng rất nhiều đến quân bình tâm lý, cả đến thượng tầng tâm linh. Tình yêu và các giá trị về hôn nhân, gia đình không tách rời khỏi những cấu trúc hạ tầng.

Ngoài ra, cái tôi của hiện tại còn gồm những sự kiện xã hội riêng của từng người. Ai cũng có những người cùng trong gia đình, cùng trong địa phương, cùng trong đất nước, cùng trong nghề nghiệp, cùng trong tôn giáo. Họ có nếp sống riêng, cách suy nghĩ riêng, cách đánh giá riêng. Họ quen nhìn nhau qua một góc độ nào đó là riêng của họ. Họ quen đánh giá nhau theo một cái chuẩn nào đó là riêng của họ. Trong môi trường xã hội của họ, những việc họ làm cho người khác, cho sự chung, được người ta đón nhận với những thái độ có thể rất khác nhau: Hoan nghênh, nghi kỵ, ghen tương, dửng dưng. Thái độ đón nhận phản ánh mầu sắc, và trình độ tinh thần xã hội. Những va chạm, tiếp cận với xã hội sẽ tạo nên trong mỗi người những mặc cảm, những hình ảnh về mình, về người khác, về cuộc đời. Chúng ảnh hưởng rất mạnh đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có tình yêu và đời sống hôn nhân, gia đình.

Thêm vào những sự kiện trên, cái tôi của hiện tại còn gồm những sự kiện tâm linh riêng của mỗi người. Ðó là những gì thuộc nội tâm. Như tư tưởng, quan điểm, kiến thức, ước muốn, tự do, lương tâm, các giá trị tinh thần. Thế giới nội tâm có thể rộng hay hẹp, sâu hay nông, tuỳ người. Có những người nghèo, ít học, quê mùa nhưng lại có nội tâm sâu sắc phong phú, nhìn đúng, làm đúng. Ðang khi đó, có những người giàu, học cao, văn minh, nhưng lại có nội tâm nghèo thấp, hẹp hòi, nhìn sai, làm sai. Mọi thứ lời khuyên đóng vai kỹ sư và tham mưu của tình yêu, hôn nhân, gia đình, thường sẽ đi vào nội tâm, để được duyệt xét và lựa chọn. Do đó, vai trò của nội tâm là rất quan trọng.

Như thế, trong con người, cái tôi của hiện tại quả là phức tạp. Nhưng chưa hết. Bởi vì con người, khi xét về quá khứ, vẫn mang một cái tôi cũng phức tạp.

Cái tôi của quá khứ là những gì thuộc về mỗi người nhưng đã qua rồi. Nó là thế giới của những kỷ niệm. Có những kỷ niệm, khi nhớ lại, vẫn thấy ấm áp, vẫn thấy xót xa, vẫn thấy đau buồn. Chứng tỏ chúng khó mà quên được. Có những kỷ niệm còn rõ hình ảnh, nhưng không gợi lại chút tình cảm nào. Có những kỷ niệm đã mờ nhạt cả về hình ảnh, cả về tình cảm. Có những kỷ niệm kể như mất tích. Thật ra, tất cả mọi thứ kỷ niệm đều vẫn hoạt động, kể cả những kỷ niệm đã chìm sâu vào tiềm thức. Các kỷ niệm tạo nên một lực lượng ngầm, lặng lẽ chi phối hiện tại con người, không loại trừ lãnh vực tình yêu, hôn nhân, gia đình. Vì thế mà không thiếu trường hợp, tình yêu hôm nay vẫn mang hình ảnh một người đã khuất. Cũng như không thiếu trường hợp, có những hận thù và ác cảm vô lý chỉ giải thích được từ những kỷ niệm đã chôn vùi trong tiềm thức. Trong con người quả là có những phức tạp về hiện tại và về quá khứ. Nếu xét về tương lai, con người cũng mang một cái tôi không đơn giản.

Cái tôi của tương lai là hình ảnh mà mỗi người mơ ước cho chính mình, khi nhìn về phía trước. Tôi muốn tôi sẽ là thế này. Tôi muốn tôi sẽ làm được việc kia. Có những ước muốn cụ thể rất rõ, có những ước muốn chung chung xô bồ. Ước muốn thường là đẹp. Nó vừa là thực vừa là ảo. Nó được tạo nên một phần do sở thích riêng, một phần do nhu cầu cuộc sống, và một phần do kích thích của xã hội xung quanh. Qua điều tra quan sát, tôi thấy nơi phần đông giới trẻ, cái tôi của tương lai mà họ dự phóng về phía trước, lại gồm nhiều cái họ muốn tránh khỏi, hơn là những cái họ muốn phấn đấu đi tới. Chẳng hạn muốn không bị thua kém, không bị cô đơn lạc lõng, không phải túng nghèo, không bị ăn hiếp, không bị đau ốm. Một số người, tuy có nhắm một đích điểm, nhưng rất khiêm tốn, thí dụ muốn đủ ăn, đủ mặc, có nghề nghiệp, biết làm ăn có lợi, để giúp gia đình, có ích cho bà con họ hàng thân thuộc. Cái tôi an phận. Cái tôi trôi nổi. Một số người hiện nay lại nhắm tới một cái tôi tương lai rất thực dụng. Muốn sẽ giàu sang, có nhiều của cải, tiền bạc. Rất ít người nhắm tới một cái tôi tương lai phấn đấu cho những giá trị tuyệt đối, vì lợi ích chung. Tất cả những mộng ước như thế của cái tôi tương lai sẽ tác động đến toàn thể cuộc sống, trong đó có tình yêu, hôn nhân, gia đình.

Những phức tạp trình bày trên đây mới chỉ là một phần rất bé nhỏ của vô vàn phức tạp trong con người. Mỗi người là một vũ trụ nhiệm mầu. Riêng tình yêu, coi như đơn sơ, nhưng đâu có đơn giản.

 Một tình yêu với nhiều cung điệu

Không có tình yêu trừu tượng. Mỗi tình yêu là một lịch sử. Chuyện tình là một biến cố. Tình yêu nảy sinh và phát triển trong những con người cụ thể với những cái tôi cụ thể. Nó được chớm nở do những nguyên do chủ quan và khách quan. Nó được hình thành theo những định luật riêng của nó. Nó có một cấu trúc riêng, với những hướng phát triển riêng.

Tình yêu nào cũng có sắc thái riêng và hương vị riêng, tuỳ theo liều lượng những yếu tố sau đây:

Tình cảm và ý chí, Thể xác và tâm linh, Vị kỷ và vị tha, Chiếm đoạt và dâng hiến, Lãnh nhận và cho đi, Tự do và trách nhiệm, Cái tôi và cái ta, Giữ lại và thăng tiến, Ðau khổ và hạnh phúc.

Trong tình yêu thấp kém nhất vẫn có chút nào đó của tâm linh đẹp. Trong tình yêu cao thượng nhất vẫn có chút âm vang xa xôi nào đó của phái tính thông thường. Tình yêu là một bài ca có nhiều cung điệu.

Khi nói “Tôi yêu anh”, thì mỗi từ đều có hương vị riêng, trọng lượng riêng, bầu trời riêng. Và khi ba từ ấy làm thành một câu, tuy ngắn ngủi, câu đó có thể mang ý nghĩa vượt không gian và vượt thời gian. Chỉ người trong cuộc mới cảm được. Và nhiều khi cảm được, mà không diễn tả được. Lúc đó, sứ điệp sâu sắc nhất của tình yêu có thể chỉ là cái nhìn câm nín. Một ánh mắt mang cả cõi đời đời.

Do tiềm năng phong phú và đa dạng, tình yêu đã là đề tài gợi hứng, đề tài suy niệm, đề tài nghiên cứu. Văn chương, mỹ thuật, ca nhạc về tình yêu đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Và cũng từ lâu đã có triết học về tình yêu. Nay đang nói tới thần học về tình yêu.

Như thế lĩnh vực tình yêu là không biên giới. Trong lĩnh vực bao la ấy thường có sự sống và sự chết. Ở đây sự sống và sự chết được hiểu theo nghĩa bóng. Làn ranh giữa sự sống và sự chết trong địa hạt tình yêu là rất mong manh. Ðể khỏi chết một cách nào đó, và để sống một cách có ý nghĩa trong tình yêu, con người phải biết phấn đấu. Và để biết phấn đấu thành công, tình yêu hay nhờ đến tín ngưỡng. Ðạo đức tôn giáo không thay thế khoa học, nhưng là một sức mạnh rất đáng kể, để bảo vệ và phát triển những giá trị cao đẹp của tình yêu, nhất là khi tình yêu đi vào khuôn khổ của hôn nhân.

 Một hôn nhân với nhiều thời tiết

Một cuộc thăm dò mới đây tại Pháp cho thấy quá nửa số thanh niên nam nữ được hỏi, đã cho biết họ rất sợ hôn nhân. Họ thích yêu nhau, nhưng họ không thích đi tới hôn nhân. Bởi vì họ thấy cuộc sống hôn nhân gia đình càng ngày càng phức tạp, số các đôi hôn nhân không được hạnh phúc càng ngày càng tăng.

Vì thế mà đang nảy sinh ra nhiều dạng hôn nhân, từ hôn nhân không giấy tờ cho đến hôn nhân giữa hai người cùng phái tính.

Ðang khi đó các dạng gia đình mới cũng đang xuất hiện. Gia đình một mẹ một con, gia đình một cha một con, gia đình hai vợ chồng không con, gia đình mẹ và con nuôi, gia đình cha và con nuôi, gia đình những con mồ côi sống chung.

Trong cuốn “Làn sóng thứ ba”, tác giả Alvin Toffler cho thấy các dạng gia đình mới đang trở thành những hiện tượng quần chúng tại Âu Mỹ. Hiện tượng đó có chiều hướng tăng. Ðể dám nói là đang có sự tan vỡ về gia đình, chứ không phải chỉ là khủng hoảng về gia đình. Nhất là khi kiểu gia đình truyền thống cũng đang biến hoá, trở thành những thứ “câu-lạc-bộ” tình yêu, gặp nhau dễ dàng và rồi bỏ nhau cũng dễ dàng. Hoặc đang trở thành những thứ “tổ hợp” tình yêu, ăn chia sòng phẳng, của cải chia đều. Louis Roussel đã nói nhiều về những hiện tượng biến hoá gia đình trong cuốn Famille incertaine.

Tại Việt Nam nói chung, hôn nhân và gia đình còn đẹp, còn vững. Nhưng không vì thế mà không phải quan tâm. Bởi vì đang xảy ra nhiều thứ bùng nổ đáng ngại.

Bùng nổ về dân số, khiến việc sinh sản, giáo dục con cái dễ trở thành gánh nặng.

Bùng nổ về kinh tế, khiến đồng tiền trở thành yếu tố quyết định số mệnh, đẩy lùi các giá trị đạo đức xuống.

Bùng nổ về thông tin, khiến người ta phải so sánh, phải bon chen, dễ đua đòi, dễ tìm cách hưởng thụ ngoài phạm vi đạo đức cho phép.

Bùng nổ về văn minh thực dụng khiến người ta dễ đảo ngược bậc thang giá trị, cứ cái gì có lợi trước mắt là chộp bắt.

Ðang khi đó, chính đời hôn nhân, gia đình càng ngày càng gặp nhiều khó khăn, do áp lực của cuộc sống. Một năm chỉ có bốn mùa xuân hạ thu đông, chia đều thành quý. Nhưng một đời hôn nhân lại có hơn bốn nùa. Còn có mùa giông bão, mùa hạn hán, mùa gió chướng. Ðối với nhiều đôi, đông hạ thì quá dài, mà xuân thu lại quá ngắn.

Ai cũng muốn sống tốt. Nhưng trong nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt, sự bị coi là vi phạm đạo đức chưa hẳn bao giờ cũng do lòng xấu, muốn chọn điều xấu, mà do bế tắc, do sai lầm và do yếu đuối mà thôi.

Nhìn như vậy là để chia sẻ gánh nặng đời sống hôn nhân, gia đình vốn nhiều phức tạp.

ù

 Kết luận

Ðể kết, tôi muốn nói lên một suy nghĩ nhỏ đó là: Các nguyên tắc luôn rất cần để hướng dẫn, nhưng bầu khí đạo đức mới là sức mạnh có nhiều khả năng nhất, để giúp con người và gia đình trong hoàn cảnh khủng hoảng.

Trong rất nhiều trường hợp, khủng hoảng gia đình đã xuất hiện do khủng hoảng xã hội. Có nơi xã hội theo đuổi những chủ trương chính sách không đạo đức. Có nơi, tuy xã hội cũng nhắc nhở đến những nguyên tắc đạo đức, nhưng trên thực tế vẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên bầu khí ô nhiễm về đạo đức. Bầu khí đó thấm dần vào con người và gia đình. Trong bầu khí đó, bản tính con người bị băng hoại lúc nào không biết, đạo đức gia đình bị xuống cấp lúc nào cũng không hay. Khủng hoảng về các giá trị. Khủng hoảng về nhận thức. Khủng hoảng về ý chí.

Trong những hoàn cảnh như vậy, nếu tôn giáo gây được một bầu khí đạo đức trong các nơi thờ phượng, trong các cộng đoàn, trong các liên đới xã hội, thì nhờ ảnh hưởng bầu khí đạo đức ấy, con người và gia đình sẽ tìm được những điểm tựa đáng tin cậy, để nâng tâm hồn lên cõi bình an trong sáng ngay giữa cuộc đời, có sức đối phó trước muôn vàn cám dỗ của sự ác. Nhưng nếu tôn giáo đã bị suy thoái, cái vỏ dán đầy những nguyên tắc rất hay, còn bên trong trống rỗng, bị tục hoá, thì tôn giáo sẽ không còn là điểm tựa cho ai.

Bầu khí đạo đức trong tôn giáo là bầu khí của các đức tính nhân bản của kinh Hoà Bình thánh Phanxicô, của đức tin khiêm tốn bác ái. Nếu thiếu bầu khí đạo đức ấy, thì khủng hoảng vẫn cứ còn đó, vẫn cứ tăng. Vì thế, vấn đề nên đặt ra lúc này là làm thế nào để tạo ra được một bầu khí thực sự đạo đức có tinh thần Ðức Kitô và có tinh thần Dân Tộc.

Long Xuyên, tháng 5/1994