Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Lời Chúa trên núi

Lindenberg là một quả núi thuộc “Rừng Ðen” (Schwarzwald) miền nam nước Ðức. Trên đỉnh núi này có một nhà tĩnh tâm, cạnh một đền thờ nhỏ cổ kính dâng kính Ðức Mẹ.

Ðầu tháng 6 vừa qua, tôi từ Việt nam tới đây và ở lại 3 tuần.

Nơi đây rất vắng. Xung quanh toàn là núi đồi, dài từng trăm cây số, phủ màu xanh đen của rừng cây đồng cỏ.

Thời gian tôi tĩnh tâm trên núi trùng với những thánh lễ mang loạt bài Phúc Âm có tên là Bài Giảng Trên Núi. Sự trùng hợp thích thú này giúp tôi hiểu hơn những gì Ðức Kitô đã dạy. Ðiều rõ nhất tôi nhận được từ thánh ý Chúa là lúc này cần quan tâm nhiều hơn đến những giá trị tâm linh.

 Tin Mừng

Ðọc Phúc Âm thánh Matthêu, đầu đoạn V, tôi có cảm tưởng là Ðức Kitô, khi dẫn đám đông lên núi, cũng đã chuyện trò hỏi han người này người nọ về các vấn đề đời sống. Nhưng khi bắt đầu dạy dỗ, Người đã chuyển tư tưởng của Người sang một hướng khác. Người nói nhiều đến các giá trị thuộc tâm linh.

Người hứa hạnh phúc cho những tấm lòng nghèo khó, khiêm tốn, hiền lành, thương xót, nhịn nhục, khát khao sự công chính và xây dựng hoà bình (x. Mt 5,1-12).

Người nhấn mạnh đến tấm lòng bao dung, biết tha thứ, biết sống thuận hoà, biết dành tình thương xót cho mọi người, kể cả những kẻ ghen ghét mình (x. Mt 5,20-26).

Người kêu gọi tất cả hãy gắn bó với Cha trên trời bằng tĩnh tâm cầu nguyện chân thành và niềm phó thác cậy trông (x. Mt 6,7-5,24-34).

Rõ ràng là Ðức Kitô chú ý nhiều đến cái tâm, đến cõi lòng.

Ðọc thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma, đoạn 12, trong thánh lễ ngày 21/6, tôi thấy kẻ tin theo Ðức Kitô sẽ rất có lỗi, nếu không thường xuyên rèn luyện trái tim mình nên giống trái tim Ðức Kitô, hiền lành, khiêm tốn, bao dung, tha thiết với thánh ý Chúa Cha trên trời.

Trong 3 tuần tĩnh tâm trên núi, tôi đã gặp nhiều người mang tâm thức ấy. Nhà tĩnh tâm tuy rộng, nhưng không mấy khi đáp ứng đủ số người xin đăng ký. Ðền thờ tuy âm thầm nhưng lúc nào cũng có người chầu Mình Thánh. Họ đến đây vì nhu cầu tâm linh, và họ hài lòng vì ở đây có bầu khí cầu nguyện và bác ái.

Qua trao đổi, tôi thấy ba giá trị tâm linh sau đây được hầu hết mọi người tĩnh tâm cảm nghiệm như những khám phá ngọt ngào.

Một là gặp gỡ Chúa Giêsu. Nhận ra Người là Ðấng cứu độ giàu lòng thương xót, dẫn con người về với Cha trên trời.

Hai là gặp gỡ chính mình. Nhận ra mình là kẻ yếu hèn, nhưng được Chúa xót thương, nên trong thống hối có nhiều tâm tình tạ ơn và phó thác.

Ba là gặp gỡ tha nhân. Nhận ra họ là anh chị em cùng một Cha trên trời, nên trong cái nhìn có rất nhiều cảm thông cởi mở.

Khi gặp nhau, họ thường chào nhau bằng một câu vắn: “Chúc tụng Chúa”.

Khi chia sẻ, họ trình bày kinh nghiệm và ý nghĩ của mình, mà không bài bác chỉ trích bất cứ ai.

Khi cầu nguyện, họ hay tạ ơn Chúa và cầu bình an cho thế giới.

Thấy những người như vậy, tôi nhận ra họ là muối, là men, là đèn, là nhà xây trên núi, mà Ðức Kitô đã ám chỉ (x. Mt 5, 13-16). Tôi nghĩ rằng, tuy họ là con số rất nhỏ, họ sẽ là những người Chúa dùng để hồi sinh những nơi đang cằn cỗi do phong trào tục hoá, hưởng thụ và chia rẽ hận thù.

Những giá trị tâm linh của họ sẽ được Chúa ghi nhận và tích trữ trên kho tàng trên trời (x. Mt 6, 19-23). Chúng sẽ sinh ích muôn vàn cho họ và cho những kẻ thuộc về họ. Sống để đức lại cho con cháu thiết tưởng là như thế đó.

 Cảnh giác

Trong thời gian ở đây, ngày nào các phương tiện truyền thông cũng nói đến Rwanda như một địa điểm nóng của thời sự. Hai sắc tộc trong một nước chém giết nhau một cách man rợ. Hầu hết họ đều theo Thiên Chúa Giáo.

Gặp vài giám mục và linh mục Phi Châu đang nghỉ tại đây, tôi được các ngài cho biết, hai bên tàn sát nhau, không phải vì họ không có những thao thức về các giá trị tâm linh. Nhưng vì đã có những người quá khích lợi đụng nhu cầu tâm linh của quần chúng, khích động họ lao mình vào cuộc chiến tranh tương tàn với ảo tưởng sẽ giải quyết được vấn đề công bình xã hội. Ðàng khác, nhiều cộng đoàn tín hữu có thói quen chỉ quan tâm đến việc lôi kéo người ta vào đạo cho đông, cứ tưởng hễ chịu phép rửa rồi là thành Kitô hữu, chứ không lo rèn luyện tâm linh biết sống Phúc Âm, chân thành thực thi thánh ý Chúa trong đời thường.

Thảm kịch Rwanda là một cảnh giác. Những nhu cầu tâm linh khi không được hướng dẫn đúng hoặc khi bị lợi dụng, sẽ dễ trở thành mê tín, cuồng tín, và các thứ đạo đức bệnh hoạn.

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đã cảnh giác về một số nhu cầu tâm linh lệch lạc. Người đặc biệt lưu ý ba tính xấu sau đây.

Tính xấu thứ nhất là tính thích phô trương, ngay cả khi cầu nguyện ăn chay và bố thí (x. Mt 6, 1-18).

Tính xấu thứ hai là tính hẹp hòi, hay bắt bẻ, kết án người khác (x. Mt 7,1-5).

Tính xấu thứ ba là tính hay theo ý riêng mình, không tìm theo thánh ý Chúa (x. Mt 7, 21-28).

Nhìn chung ba tính xấu trên đây, tôi thấy chúng đều phát xuất từ một nguồn gốc, đó là cái tôi xấu nơi con người. Trong mỗi người, vẫn có cái tôi tốt và cái tôi xấu. Cái thiện và cái ác xen lẫn nhau, tranh giành nhau. Cái thiện mạnh thì cái ác phải yếu đi. Phải lấy thiện thắng ác. Cuộc chiến đấu mà Chúa muốn là cuộc chiến đấu nội tâm. Mỗi người phải chiến đấu với chính mình, phải rèn luyện chính mình, phải thanh tẩy chính mình. Nếu không coi sự chính mình phải trở về với Chúa là bổn phận quan trọng bậc nhất, thì nguy cơ rối loạn sẽ còn trọn vẹn đó.

Vì thế, vấn đề xây dựng và phát triển các giá trị tâm linh không đơn giản sẽ được giải quyết, khi Hội Thánh và xã hội được đổi mới về cơ chế, nhân sự, luật lệ, đường hướng. Hãy lo đổi mới chính bản thân mình trước đã. Bài giảng trên núi nhắm vào việc đổi mới trái tim mỗi người. Việc này rất khó. Nhưng Chúa hứa sẽ giúp thực hiện công việc khó khăn đó cho những ai khiêm tốn, cậy trông, phó thác nơi quyền năng giàu tình yêu thương xót của Cha trên trời (x. Mt 6,24-34).

 Chiều sâu

Một ngày tháng 6 vừa qua, cũng trong chương trình tĩnh tâm, tôi đi thăm một ông bạn già ở biên giới Thuỵ Sĩ, đó là Heinrich Spaemann. Heinrich sinh năm 1903 trong một gia đình Tin Lành, theo học ngành nghệ thuật tại Berlin, tham gia ban biên tập tờ nguyệt san của Ðảng Xã Hội, kết hôn với cô giáo dạy khiêu vũ Mary Wigman. Năm 1927 sinh hạ người con trai nay là bác sĩ đã có cháu. Heinrich cùng vợ lo việc từ thiện cho các người đau bệnh. Năm 1930 hai vợ chồng trở lại Hội Thánh Công Giáo. Năm 1936 vợ Heinrich chết. Heinrich muốn phục vụ trong hàng giáo sĩ. Năm 1942 Heinrich được thụ phong linh mục, sau đó làm phó xứ, linh hướng cho nhiều nhà dòng. Heinrich thường xuyên viết báo, sách và đi giảng tĩnh tâm. Từ 1969, vì lý do sức khoẻ, cha Heinrich được nghỉ hưu, nhưng vẫn làm tuyên uý cho một bệnh viện các người khuyết tật cạnh nhà cha.

Chúng tôi họp nhóm tại nhà cha Heinrich. Nhóm của tôi gồm 7 người. Chương trình là một ngày. Rất khít khao. Suy gẫm Lời Chúa nửa giờ, chầu Mình Thánh một giờ, nghe cha Heinrich chia sẻ cái nhìn của ngài về tương lai Giáo Hội Tây phương, thánh lễ nhóm, đi thăm các người khuyết tật.

Tôi mộ mến cha Heinrich, vì đời cha là một hành trình dài trở về theo Ðức Kitô. Và bây giờ Ðức Kitô đang dẫn cha đi sâu vào mầu nhiệm cứu chuộc. Cha say mê Kinh Thánh, rất tôn sùng phép Thánh Thể, và tận tình thương yêu những người bệnh tật, nghèo khó. Cha chia sẻ thân phận của Ðấng Cứu Thế trong kẻ nghèo khó, trong phép Thánh Thể, và trong Kinh Thánh.

Chúa Cứu Thế chia sẻ cho cha những giá trị tâm linh cao đẹp sâu sắc của Người, cũng qua Kinh Thánh, qua phép Thánh Thể, và qua những kẻ khổ đau.

Ði sâu vào mầu nhiệm cứu chuộc bằng tình yêu và thánh giá, đó cũng là điều Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mới rồi đã chia sẻ, dịp Ngài ra khỏi bệnh viện.

Thế là Ðức Kitô đã rót bài giảng trên núi của Người vào lòng tôi qua một cuộc tĩnh tâm 3 tuần lễ trên núi. Chúa Thánh Linh mở lòng tôi ra, giúp tôi đón nhận ơn trở về.

Trước bàn thờ để ảnh Ðức Mẹ đứng dưới chân thánh giá tại Lindenberg, tôi nhìn lên Ðức Mẹ và cùng với Ðức Mẹ, tôi nói với Chúa lời “Xin vâng”.

Long Xuyên, tháng 8/1994