Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Những bùng nổ hiện tượng mang tính chất tôn giáo

Hiểu biết tình hình Hội Thánh trong thế giới hôm nay, đó là một đòi hỏi quan trọng của mục vụ. Ðòi hỏi này đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại trong Tông Huấn “Pastores dabo vobis”.

Ngày nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chuyển biến liên tục và mau lẹ. Giữa dòng tiến hoá ấy, Hội Thánh sẽ không là một con tàu cắm neo, đức tin cũng sẽ không là một kho tàng khoá kín.

Vì thế cần tỉnh thức. Cần trao đổi cho nhau những hiểu biết về tình hình Hội Thánh trong thế giới nói chung và trong địa phương nói riêng. Những suy nghĩ và những việc làm mục vụ thích hợp có thể được gợi lên từ những thông tin mặc dầu rất giới hạn.

Trong nhận thức ấy, hôm nay tôi xin chia sẻ nhận xét của tôi về một nét tình hình xã hội đáng được mục vụ quan tâm, đó là sự bùng nổ những hiện tượng mang tính chất tôn giáo. Sự bùng nổ này xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau và với những mức độ không đồng đều. Phải nói là tình hình phức tạp. Ở đây, tôi muốn lựa ra một số hiện tượng, mà tôi cho là mang nhiều tiềm năng tích cực.

 1/ Hiện tượng tìm đến các vị thần thiêng

Từ vài năm nay, hiện tượng thần thiêng bùng lên đó đây. Ðặc biệt là chuyện hành hương. Có nhiều điểm hành hương. Thí dụ: Những điểm đã có từ lâu như chùa Hương ở Miền Bắc, Vía Bà ở núi Sam, miền Nam, những điểm mới mọc lên như chùa Ðạo Nằm ở Cù-Lao-Giêng, mộ Cha Diệp ở Tắc-Sậy. Hành hương kéo dài suốt năm. Trong những tháng cao điểm, xe lớn nhỏ tới lui địa phương tôi từng trăm mỗi ngày. Khách hành hương thuộc đủ loại. Giới trung lưu, thành thị cũng rất đông. Ðúng là hiện tượng quần chúng.

Sẽ là sai lầm lớn, nếu nói rằng họ đi hành hương chỉ vì mục đích du lịch. Bởi vì hầu hết đi vì nhu cầu tâm linh. Họ phải tốn hao của cải, thời giờ. Nhưng họ chấp nhận vì một niềm tin. Họ đến vì tin. Vì tin, nên họ cầu khấn. Ða số đã có lần đến các nơi ấy. Nay họ trở lại, để tạ ơn. Nhiều người, để tạ ơn, đã thay đổi nếp sống, cải thiện hoàn lương. Có thể gọi hiện tượng này là một làn sóng tâm linh.

Các vị thần thánh mà làn sóng quần chúng tìm đến đều do quần chúng tự phong lên. Nếu hỏi tại sao, đám đông sẽ trả lời: Bởi vì các vị ấy rất thiêng. Thiêng ở chỗ có lòng nhân ái và có quyền năng, gần gũi với hoàn cảnh từng người, hay ra tay cứu giúp những kẻ khốn khó.

Các vị thần thánh này không là những vị vô danh, nhưng là những con người có lịch sử. Theo dư luận, các vị ấy thuở sinh thời, đã sống tốt với mọi người, nay chết rồi, vẫn hiện diện cách thiêng liêng giữa lớp người khổ đau, tiếp tục cứu giúp họ.

Tôi có cảm tưởng quần chúng phong thần thánh như chọn lựa bạn bè. Họ chọn những kẻ thương họ. Tín ngưỡng của họ chủ yếu là tin vào những đấng thiêng liêng giàu tình thương cứu độ.

Cũng vì thế mà các liên hệ của họ với thần thánh của họ đều rất hồn nhiên. Không qua khuôn khổ nghi lễ. Không qua trung gian tư tế. Lời cầu của họ là lời nói của trái tim. Nói tự đáy lòng.

Ngoài những vị thần thánh ở đền, ở chùa, ở am, còn có các đấng thiêng liêng trên bàn thờ gia đình. Hầu như gia đình nào nay cũng có bàn thờ để kính nhớ những người thân quá cố. Hình ảnh các ngài, hộp tro các ngài đặt trên đó không phải chỉ là những kỷ vật quý, mà còn là một sự hiện diện thiêng liêng đầy thân thương, mà người sống tin rằng sẽ đem lại cho bầu khí gia đình niềm hy vọng cứu độ.

Thêm vào hiện tượng bàn thờ gia đình, còn có hiện tượng bàn thờ Ông Thiên được lập ở trước sân và hiên nhà. Bàn thờ đó chỉ là biểu tượng. Còn Ông Thiên ngự trên cao, khắp bốn phương trời. Vái lạy Ngài, khấn cầu Ngài, thắp nhang thờ Ngài, đó là những việc thảo hiếu đối với Ðấng Tạo Hoá sinh thành, an bài, phù trợ.

Quần chúng không cần biết những việc mình làm trên đây thuộc về dạng văn hoá dân tộc, hay thuộc về dạng tín ngưỡng dân gian, hay thuộc về dạng tôn giáo nào. Riêng tôi thấy rằng những hiện tượng trên là những cánh cửa, mà quần chúng tự sáng tạo, để mở vào thế giới thần thiêng, trong đó có những điểm tựa đáng tin, đáng mến. Những sáng tạo này khởi đi từ tầng sâu lương tâm người Việt vốn rất giàu tính chất tôn giáo.

Hiện tượng trên đây nói lên khuynh hướng quần chúng Việt Nam hôm nay muốn tự giải quyết vấn đề hạnh phúc của mình. Họ cho thấy hạnh phúc của họ không thể thiếu chiều kích thiêng liêng. Họ tự mở ra chiều kích ấy. Chiều kích này sẽ phát triển mạnh. Có thể gọi sự phát triển này là một bùng nổ, một cuộc cách mạng tầng sâu.

Khuynh hướng này, khi mạnh lên và lan rộng, cũng sẽ là một thách đố lớn cho các nhà hoạt động tôn giáo. Ðối với những ai bén nhạy, biết đáp ứng một cách sáng tạo, nó sẽ trở thành một sức sống tinh thần góp phần không nhỏ vào việc phát triển con người và xã hội. Ðồng thời nó cũng sẽ giúp cho các tôn giáo cơ chế bớt đi lối sống câu nệ luật lệ, cứng nhắc, hình thức máy móc, quyền lợi hẹp hòi, để quan tâm nhiều hơn đến thực chất của đạo, là gặp gỡ sống động thân mật, cung kính với Ðấng Tối Cao thiêng liêng là Tình Yêu cứu độ.

 2/ Hiện tượng đi tìm ý nghĩa cao thiêng cho cuộc đời

Hiện tượng này được thấy ở cách suy nghĩ của quần chúng hôm nay. Ðọc các sách báo, nghe các bài ca, xem các kịch bản, tôi thấy cách suy nghĩ của đồng bào xung quanh đã chuyển biến nhiều. Ít còn nhớ tới cảnh máu lửa chiến tranh hồi nào, ít còn muốn nhắc đến hận thù, tranh chấp xưa kia. Ðiều họ năng đề cập tới bây giờ là ý nghĩa cuộc đời.

Hiện nay một ý nghĩa cuộc đời đang được đề cao, mến mộ, đó là sống cho kẻ khác. Sống cho kẻ khác bằng nhiều cách. Như bằng những nâng đỡ cứu độ dành cho những kẻ thiếu may mắn, bằng tình người được chia sẻ cho những người xung quanh, nhất là bằng cách làm tốt bổn phận đối với gia đình, lối xóm.

Sống cho kẻ khác không đơn giản chỉ là cho đi, mà cũng là lãnh nhận. Mình giúp cho kẻ khác sống, và kẻ ấy cũng mang lại cho mình sự thăng tiến tâm hồn và màu xanh cho cuộc sống mình.

Mẫu người sống cho kẻ khác không tìm ở kho chuyện xa xưa, mà tìm ngay ở cuộc sống hôm nay. Họ cũng trong hoàn cảnh chung của đồng bào. Họ cũng sống nghèo, cũng sống vất vả. Nhưng lòng họ bao la thư thái, vì cảm thấy đời mình có ý nghĩa cao thượng.

Ðiều đáng suy nghĩ ở đây, đó là niềm tin của họ. Họ tin rằng sống cho kẻ khác là một thái độ đạo đức có ảnh hưởng sâu đậm đến đời con cháu mai sau, đến cả linh hồn những người thân quá cố. Ảnh hưởng đó không phát xuất từ một định luật tâm-sinh-lý, mà từ một luật hiệp thông của Ðấng An Bài công minh hằng sống.

Tin tưởng trên đây là một sự thức tỉnh tín ngưỡng. Nó vạch ra con đường cho cuộc sống, đem lại hướng vui vĩnh cửu cho cuộc đời chật hẹp. Với tin tưởng ấy, nhiều người sống cho kẻ khác một cách rất quảng đại, anh hùng, nhưng âm thầm kín đáo. Niềm tin của họ và lối sống của họ làm nên những tụ điểm mới. Những tụ điểm mới này, tuy lỏng lẻo nhưng rất năng động, tuy tự do nhưng rất gắn bó. Ðám đông sẽ được thu hút tới những tụ điểm mới đó, như một môi trường mầu xanh tươi mát. Ðơn giản chỉ vì họ nghĩ rằng: Ở đâu người ta thực tình sống cho kẻ khác, ở đó có tình yêu thương chân thành, và ở đó có Thượng Ðế là Tình Yêu Cao Cả.

 3/ Hiện tượng đi tìm chiều sâu nội tâm

Theo tôi, chiều sâu nội tâm được đo lường bằng tính chất và mức độ của những thao thức trước cảnh khổ đau của người khác, bằng khả năng chấp nhận đớn đau vì tình yêu cao cả, bằng nỗ lực xây dựng hoà bình ngay tự chính bản thân mình.

Với cái nhìn như thế, tôi gặp thấy vô số người có nội tâm sâu thẳm. Trong họ luôn có một sức thiêng liêng đang đổi mới một cái gì đó nơi họ và nơi các người gặp họ. Trong họ vừa có sự thú nhận những yếu đuối và những vết thương, vừa có sự mở ra về những khả năng mới.

Họ ăn chay trường hay chỉ ăn chay ít ngày hàng tháng, đó không chỉ là vẻ đẹp khẳng định một cội nguồn thiêng liêng, mà còn là một phương thế tu đức, để nội tâm bớt đi cái tôi, và thêm tình nhân ái. Cũng thế, thức khuya dậy sớm, tần tảo làm ăn, đó không chỉ là nhu cầu kiếm sống, mà còn là những lời kinh sống động, trong đó mỗi từ là từng nổi đau, từng tâm tình tha thứ, từng niềm vui và từng hy vọng, được se kết lại trong một tình yêu không biên giới.

Tôi có cảm tưởng là những chiều sâu nội tâm này sẽ làm nên một thành trì thiêng liêng, có khả năng đối phó với trào lưu văn minh thác loạn đang xúi giục bao người đi tìm một cuộc sống sung sướng hơn, bất chấp đạo đức.

Tuy nhiên, những người có khuynh hướng phát triển chiều sâu nội tâm nên tự cảnh giác. Họ cần được hướng dẫn đúng, để biết cởi mở, để có quân bình. Bởi vì không thiếu trường hợp, trong những chiều sâu nội tâm không được hướng dẫn đúng, đã phát sinh những cái nhìn khép kín, lệch lạc, thậm chí sai trái rõ ràng mà vẫn khăng khăng khẳng định mình đúng.

Lặn xuống tầng sâu nội tâm, để nghe tiếng lòng mình. Nhưng mọi tiếng lòng mình không luôn luôn là tiếng vọng của chân lý. Nhiều khi chúng chỉ là sản phẩm của một quá trình tâm-sinh-lý xã hội, thuộc khoa phân-tâm-học, chứ không dính dáng gì đến đạo đức học.

Ðôi khi một chiều sâu nội tâm không phát triển đúng hướng có thể trở thành một thứ đạo đức bệnh hoạn, với những ảo tưởng thần soi thánh phán.

 4/ Hiện tượng đi tìm những giá trị đạo đức mới

Quan sát các lễ cưới, lễ tang, lễ giỗ hiện nay, tôi thấy hầu như lễ nào cũng mang một bầu khí linh thiêng, phảng phất hương vị đạo đức cổ truyền.

Ðạo đức cổ truyền đề cao tam cương ngũ thường, nhân nghĩa lễ trí tín. Những giá trị ấy có lúc như bị xuống cấp, nay đang bắt đầu bước lên đài cao. Không do pháp luật, mà do phản ứng tự nhiên từ bên trong tâm hồn người Việt. Chứng tỏ lương tâm người Việt Nam ta rất gắn bó với những giá trị đạo đức truyền thống.

Bên cạnh những giá trị đạo đức truyền thống đó, tôi thấy đang vươn lên những giá trị đạo đức mới, được đồng bào đánh giá rất cao. Thí dụ tính tôn trọng sự thực, tính dân tộc hài hoà, tính bao dung liên đới, tính khiêm tốn cởi mở, tính đơn sơ chân thành.

Người dân bây giờ, nhất là giới trẻ, rất ưa các nhân vật tôn giáo và xã hội nào có những giá trị đạo đức mới đó. Họ rất dị ứng với những thái độ ngược lại.

Họ không coi thường những giá trị đạo đức cổ truyền, nhưng họ sống thực tế nhiều hơn với những giá trị mới. Bởi vì họ hướng tới tương lai nhiều hơn là vọng về quá khứ. Tương lai là đất của khoa học, của tự do, của phát triển, của hợp tác. Họ sẽ dễ thành công trên mảnh đất tương lai ấy, nếu họ biết phấn đấu bằng những giá trị mới.

Tôi nghĩ rằng những giá trị đạo đức mới cùng với những giá trị đạo đức truyền thống đang làm nên một nền văn hoá mới. Nền văn hoá mới này mang nhiều giá trị đạo đức tôn giáo, nhưng phát triển độc lập, ngoài tôn giáo. Chính nền văn hoá mới này sẽ hướng dẫn con người Việt Nam. Tôn giáo nào khéo góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá mới này, sẽ có được một chỗ đứng vinh dự trong lòng dân tộc. Ðể góp phần, tất nhiên cần phải hiểu biết nó, phải đồng hành với nó, phải cùng nhau trao đổi những cái đúng, những cái đẹp, những cái tốt, những cái hay. Tóm lại cần phải có khả năng, và thiện chí đối thoại với văn-hoá mới.

ù

Tôi vừa nêu lên bốn loại hiện tượng mà tôi cho là có những tính chất tôn giáo. Tất cả đều là những dấu chỉ thời đại cho quê hương Việt Nam. Những dấu chỉ ấy nên được hiểu trong ý nghĩa mầu nhiệm Phục Sinh. Ở đây tôi nhớ lại đoạn 37 sách Êgiêkien, trong đó mô tả bãi xương khô, nhờ thần khí Chúa nhập vào, nên đã sống lại trở thành dân thánh Chúa. Ðiều kiện chính yếu là phải có tiên tri thổi thần khí Chúa vào. Xưa là thế, nay cũng vậy.

Ai sẽ là những tiên tri như thế cho hôm nay?

Long Xuyên, tháng 7/1993