Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Ðọc báo

Ðọc báo là một nhu cầu quan trọng đối với nhiều người. Nhu cầu đó càng ngày càng mạnh. Số người đọc báo càng ngày càng tăng.

Trong việc đọc báo, mỗi người có những lý do riêng và những lựa chọn riêng. Tôi cũng thế. Trong tinh thần hiệp thông, tôi xin chia sẻ trường hợp của tôi.

Tôi đọc báo, không do sở thích tự nhiên, cho bằng do động lực “ơn gọi”. Ðộng lực này là kết tinh của nhiều khát vọng sau đây:

Trước hết là khát vọng có một sự quân bình nhân cách

Trong tông huấn Pastores dabo vobis, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc nhở các vị chủ chăn phải trường kỳ đào tạo mình nên những người xứng đáng với chức vụ của mình. Một trong những chiều kích huấn luyện mình là đời sống nhân bản. Ðức Thánh Cha viết: “Ðể cho chức linh mục được người ta dễ tín nhiệm và dễ chấp nhận hơn, linh mục cần rèn luyện nhân cách của mình nhằm trở nên một nhịp cầu - chớ không phải một cản trở - cho người khác gặp gỡ Chúa Kitô, Ðấng cứu độ con người. Muốn theo gương Chúa Giêsu là Ðấng biết có gì nơi con người ta, linh mục nhất thiết phải có khả năng hiểu biết chiều sâu tâm trí con người, trực giác về những khó khăn và những vấn đề của họ, mở đường cho gặp gỡ và đối thoại, phát biểu những nhận định bình tĩnh và khách quan. Sự giao tiếp với người khác có một tầm quan trọng đặc biệt. Ðó là một nhân tố thật là thiết yếu cho kẻ được gọi đảm trách một cộng đoàn và trở nên con người hiệp thông... Ngày nay hiệp thông trở thành một trong những dấu chỉ hùng hồn nhất và một trong những con đường kiến hiệu nhất của sứ điệp “Tin Mừng”.

Kinh nghiệm mục vụ giúp hiểu hơn những lời dạy trên đây của Ðức Thánh Cha. Dù trong bài giảng, dù trong tiếp xúc, người chủ chăn sẽ khó có thể có được những nhận định bình tĩnh và khách quan về chiều sâu tâm trí con người, với những vấn đề của con người, nếu không theo dõi con người qua báo chí.

Mỗi ngày các hãng thông tấn trên thế giới phát đi khoảng 35 triệu từ. Nội dung là những sự việc mới xảy ra với những bình luận. Bản tin hôm nay khác bản tin hôm qua. Luôn luôn có những cái mới. Mỗi tờ báo sẽ đăng một phần rất nhỏ, tuỳ theo lựa chọn do khả năng, chiều hướng, và các nguồn tin riêng của mình. Người đọc lựa chọn lại. Và sự lựa chọn này được thực hiện trên các trang báo mình đọc. Nghĩa là phải đọc, để có thể lựa chọn. Và trong lựa chọn hẳn phải có những suy nghĩ riêng và những khám phá riêng đàng sau các sự kiện. Những việc tinh thần như vậy sẽ góp phần huấn luyện nhân bản, cân đối những phát triển về trí thức và về tình cảm, giúp cho người chủ chăn dễ trở thành con người hiệp thông có quân bình nhân cách. Ðiều đó, không những mọi chủ chăn đều mong muốn có, mà các cộng đoàn tín hữu của các ngài cũng rất mong muốn các ngài phải có.

Thêm vào mong muốn đó là khát vọng gặp gỡ Ðức Kitô

Tìm gặp Ðức Kitô, để sống mật thiết với Người, để bắt chước gương Người, để cùng với Người tiếp tục sứ mạng Chúa Cha trao cho, đó là thao thức của người chủ chăn. Tìm gặp Ðức Kitô ở đâu? Ðể trả lời câu hỏi này, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc lại ba con đường phải đi vào, mà Công Ðồng Vatican II đã vạch ra cho các chủ chăn, đó là trung thành tâm niệm Lời Chúa, tích cực tham dự các mầu nhiệm thánh của Giáo Hội, thi hành bác ái phục vụ những người bé mọn. Ðức Thánh Cha gọi con đường thứ ba này là “tìm gặp Chúa Kitô nơi con người”. (Tông huấn Pastores dabo vobis).

Tất nhiên, người chủ chăn có thể đi vào con đường thứ ba này bằng những tiếp xúc hằng ngày. Nhưng nếu chỉ bằng cách đó để thấy được Ðức Kitô hôm nay đang hoạt động thế nào trong lịch sử cứu độ trên thế giới nói chung và trong đất nước Việt Nam nói riêng, thì sẽ không đủ.

Ðức Kitô hôm nay cũng là Ðức Kitô hôm qua. Ðức Kitô đang cứu độ tại lục địa này cũng là Ðức Kitô đang cứu độ tại các lục địa khác. Nhưng tại mỗi địa phương, và ở mỗi thời điểm, Ðức Kitô thể hiện mầu nhiệm nhập thể của Người một cách thích hợp, để Người trở thành một Người đương thời với con người bằng ngôn ngữ thích hợp, với phong cách thích hợp.

Ðọc báo chí, người chủ chăn sẽ thấy bao người tốt việc tốt, với những sáng kiến đa dạng, nhằm chia sẻ thân phận con người khổ đau, nhằm thăng tiến con người, nhằm cứu độ con người. Ðọc báo chí, người chủ chăn sẽ gặp được bao tâm hồn thiện chí phấn đấu cho con người được tốt hơn, cho đời sống được đẹp hơn. Ðọc báo chí, người chủ chăn cũng sẽ gặp thấy bao nạn nhân của túng nghèo, bệnh tật, dốt nát, của cường quyền áp bức, của bất công xã hội.

Qua những con người như thế, người chủ chăn gặp được Ðức Kitô hôm nay. Với đức tin và nhất là với tâm thức kẻ được sai đi, người chủ chăn sẽ nghe được tiếng Ðức Kitô hôm nay nhắc lại lời Người đã nói xưa với các tông đồ: “Hãy đến mà xem” (Ga 1, 37-39). Và họ cũng nghe được giọng nghẹn ngào của Thầy chí thánh “Ta xót thương dân này” (Mt 15,32).

Gặp được Ðức Kitô như thế, đó là khát vọng lớn lao của người chủ chăn.

Cùng với khát vọng đó, còn có một khát vọng khác cũng lớn lao không kém, đó là khát vọng được hiểu biết thế giới mà Hội Thánh đang cùng sống với.

Trong hiến chế Lumen Gentium, Công Ðồng Vatican II cho thấy thế giới hiện nay đang chuyển biến sâu sắc về mọi mặt: Tâm lý, khoa học, kinh tế, xã hội, gia đình, tôn giáo. Thế giới chuyển biến của Công Ðồng lúc đó là thế giới của năm 1965. Thế giới hôm nay của năm 1994 đã khác xa với thế giới năm 1965. Nước Việt Nam ta cũng thế.

Với những chuyển biến, dòng lịch sử ví như những dòng sông. Hội Thánh ví như con tàu trên dòng sông ấy. Dòng lịch sử có chiều dài, chiều rộng, chiều sâu riêng của nó. Các quãng của dòng lịch sử thường không giống nhau. Người lái tàu phải biết tình hình từng quãng dòng sông đó, với những dự báo “thời tiết” từng ngày, để có thể lái con tàu của mình qua những quãng đường một cách an toàn, và nhất là để biết gieo vãi Tin Mừng một cách thuận tiện và có hiệu quả.

Muốn được như vậy, người chủ chăn cần có một trình độ hiểu biết thích hợp, không phải chỉ trên lý thuyết, mà ngay cả trên thực tế. Cũng không phải chỉ là những hiểu biết có tầm nhìn gần, mà cũng cần có những hiểu biết có tầm nhìn xa. Báo chí sẽ cung cấp một phần đòi hỏi đó.

Tại Pháp, xét về báo chí Công giáo, hoặc chính thức của Giáo Hội hoặc không chính thức của các đoàn thể Công giáo, ta thấy số lượng rất dồi dào, và với hình thức rất đa dạng.

Với báo chí tầm cỡ quốc gia, Công giáo Pháp có một tờ nhật báo, 05 tờ tuần báo, 14 tờ nguyệt san, và 9 tờ chuyên đề định kỳ.

Với báo chí tầm cỡ địa phương, công giáo Pháp có 95 tờ thông tin của 95 địa phận, và 28 tờ báo của các nhóm địa phương.

Qua màng lưới báo chí như trên, người chủ chăn có thể rao giảng Tin Mừng dưới nhiều hình thức, người đọc cũng sẽ thấy được khá rõ Hội Thánh địa phương của mình đang đồng hành thế nào với lịch sử đất nước của mình.

ù

Mấy khát vọng trên đây là rất thời sự. Từ khát vọng đến thoả mãn khát vọng vẫn còn khoảng cách lớn. Rút ngắn khoảng cách đó lại là việc không dễ. Nhưng phải phấn đấu với ngoại cảnh, và nhất là với chính mình. Bởi vì báo chí là một vấn đề quan trọng của chức vụ người mục tử, như sắc lệnh “Inter Mirifica” của Công Ðồng Vatican II đã nhận định.

Long Xuyên, ngày 21/6/1994