Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Thánh giá Ðức Kitô

Ðể chuẩn bị vào Tuần thánh, tôi xin chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ của tôi về Thánh giá Ðức Kitô.

Tất nhiên, nhìn lên thánh giá là phải nhìn với đức tin. Tôi đã thấy gì?

Thưa tôi thấy thánh giá là nơi Ðức Kitô đã làm chứng cho những giá trị thiêng liêng cao quý nhất. Theo tôi những giá trị này rất cần cho nền đạo đức cá nhân gia đình xã hội, làm nên hồn của truyền thống văn hoá Thiên Chúa giáo và là sức sống của tôn giáo từ xưa đến nay.

 Giá trị thứ nhất mà tôi thấy Ðức Kitô đã làm chứng trên thánh giá, đó là Tình yêu.

Thực vậy thánh giá là nơi Ðức Kitô đã biểu lộ những đặc tính sáng ngời của tình yêu Thiên Chúa.

 Yêu là đi tìm

Vì yêu thương, Chúa đi tìm mọi người. Ðặc biệt Ngài đi tìm những người hư hỏng để mà cứu độ. Ý hướng ấy được Ðức Kitô nói lên trong dụ ngôn “Người chăn chiên lành” bỏ lại 99 con chiên tốt, để đi tìm một con chiên lạc. Bao lần Ngài đã làm như thế, khi Ngài lui tới những kẻ tội lỗi, khi Ngài ngồi chung bàn với họ, Ngài chủ ý hoà mình vào giữa những kẻ đã mất hướng đi để giúp họ nhận ra con đường chính trực dẫn họ về hạnh phúc trường sinh. Thánh giá là tột điểm của tình yêu là hoà mình đó. Trên đồi Calvê lúc ấy, chỉ có vài người gọi được là trung thành với Ðức Kitô, còn đám đông toàn là những kẻ chống đối Ngài. Ngài hoà mình vào biển người ấy. Chính giữa biển người đang sôi sục hận thù ấy, Ngài đưa mắt yêu thương tìm thiện chí của họ và của chúng ta. Chính lúc Ngài bị nhục nhã nhất trên thánh giá, Ngài đã làm chứng cho chủ trương cố hữu của Ngài, đó là Ngài đến không phải để kết án, nhưng để tìm cách cứu độ. Ngài đi trên con đường đau đớn nhất, để tìm các anh em loài người, nhất là những kẻ ghen ghét Ngài. Ngài muốn mọi người hiểu Ngài. Ngài muốn chúng ta nhận ra Ngài là tình yêu cứu độ, Ngài thương yêu tất cả, Ngài là con Chúa Cha giàu lòng thương xót. Ngài mong mọi người hối cải, trở về đàng lành, mến Chúa và yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương. Ngài đã yêu thương như thế này đây:

 Yêu là phục vụ

Phục vụ con người, dù phải quên mình, để hy sinh, bị chết treo trên thập giá. Tuy đây là con đường hẹp, đầy trắc trở khổ đau, nhưng chỉ có con đường đó mới là con đường mà Chúa Cha muốn, để Ngài trở về với Chúa Cha. Ai muốn lên thiên đàng phải chấp nhận con đường đó, phải đi vào con đường đó. Mọi cách làm sáng danh Chúa ngoài con đường đó sẽ không được Chúa chấp nhận. Chân lý trên đây đã được Ðức Kitô nói lên nhiều lần, nhất là trong bài giảng về ngày phán xét chung, trong dụ ngôn người Samaritanô tốt lành, trong dụ ngôn người ăn mày Lagiarô và kẻ phú hộ. Giờ đây trên thánh giá, Ðức Kitô lấy máu mình đóng ấn vào chân lý ấy. Hãy coi Ngài phục vụ đến mức nào; Ngài chịu nạn chịu chết để gánh tội, đền tội cho nhân loại. Hy sinh của Ngài là tột đỉnh. Ngài chấp nhận bị tước lột hết, của cải, uy tín, danh dự, mạng sống. Cái chết của Ngài đáng lẽ mang ý nghĩa cao đẹp của sự hy sinh, thì ý nghĩa đó cũng bị tước lột, và thay vào đó là ý nghĩa ô nhục dành cho những tội nhân nặng nhất. Bị kết án, bị ruồng bỏ, Ðức Kitô rơi vào cô đơn thăm thẳm. Vết thương thể xác đau đớn lắm thực. Nhưng vết thương tâm hồn gây nên do cái nhục và cái cô đơn còn ghê gớm hơn bội phần. Nhưng Ðức Kitô đã chấp nhận tất cả. Ngài trao hiến trọn vẹn thân mình, đời mình, để phục vụ, vì muốn cứu độ loài người, theo ý Chúa Cha.

Hình ảnh Ðức Kitô bị treo trên thập giá kêu gọi mọi người hãy lắng nghe chân lý cứu độ. Chân lý cứu độ là đồng hành với Ðức Kitô trên con đường phục vụ nhân loại theo ý Chúa Cha. Con đường phục vụ đòi nhiều từ bỏ, nhất là từ bỏ cái tôi ích kỷ, để sống hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nhục, quảng đại, nghèo khó. Bề ngoài coi đó là những mất mát, nhưng bề trong chính là Tám mối Phúc thật. Và đó chính là cái vé để vào thiên đàng. Trên cái vé ấy có ghi tất cả những gì thuộc về Tám-mối-phúc mà người cầm vé đã thực hiện trên con đường phục vụ tha nhân vì Chúa. Trong số các việc lành được ghi, có một việc lành rất sáng giá, đó là sự tha thứ.

 Yêu là tha thứ

Kinh nghiệm cho thấy tha thứ là điều rất khó. Người ta có thể quảng đại trong phương diện cho đi của cải, cho đi thời giờ, cho đi khó nhọc, cho đi sức khoẻ và đến cả mạng sống, nhưng người ta rất khó quảng đại trong phương diện tha thứ. Hơn nữa, tôi thấy vô số trường hợp người ta rất dễ bỏ qua những tội phạm đến Chúa, phạm đến Hội Thánh, phạm đến tha nhân, phạm đến Tổ Quốc, dù tội nặng đến đâu đi nữa, nhưng người ta rất khó bỏ qua những tội kẻ khác phạm đến danh dự và quyền lợi cá nhân họ, dù tội đó xét ra chẳng đến nỗi nào. Tha thứ cho kẻ phạm đến mình quả là điều khó. Ðó là sự thực.

Cũng chính vì Ðức Kitô hiểu sự thực ấy, nên khi bị treo trên thánh giá, Ngài đã tha thứ cho những kẻ đang làm hại Ngài. Như để làm chứng rằng: Tuy tha thứ là điều rất khó, nhưng đã yêu như Thiên Chúa yêu, thì phải thắng vượt cái khó ấy cho dù nó cực kỳ lớn lao.

Không những Ðức Kitô tha thứ, mà còn tìm cách giảm tội cho những kẻ cố tình ghen ghét Ngài. Ngài nói với Chúa Cha rằng họ phạm tội vì lầm không biết. Sự thánh thiện của Ðức Kitô được tỏ hiện sáng ngời ở tấm lòng khoan dung cao cả ấy.

Sự tha thứ của Ðức Kitô không chỉ ở tại sự xoá tội, mà còn là sự đưa con người tội lỗi biết đón nhận ơn tha thứ vào một cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc. Sự thực trên đây được minh chứng khi Ðức Kitô tha tội cho kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Ngài. Ngài tha mọi tội cho anh ta, đồng thời dẫn anh ta lên thiên đàng với Ngài. Ðối với Ðức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, tha thứ tội lỗi là dùng chính tội lỗi như vật liệu tồi tệ nhất, để xây dựng nên tác phẩm tuyệt vời. Trong chiều hướng đó, tình yêu của Ðức Kitô trên Thánh giá còn nói lên một điều nữa:

 Yêu là sáng tạo

Ðúng thế. Sáng tạo của tình yêu Ðức Kitô là dùng chính tình thương để kéo những người đang chìm dưới vực thẳm vô vọng lên bờ hy vọng. Tiêu biểu cho sự sáng tạo ấy, ngoài kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Ngài đã được chính Ngài phong thánh vì biết đón nhận ơn tha thứ, còn có thánh Phêrô vị tông đồ này đã chối thầy 3 lần, nhưng nhờ ơn tha thứ, đã trở thành người lãnh đạo Hội Thánh. Rồi cũng còn vị sĩ quan ngoại đạo nữa. Ông này vừa mới chỉ huy việc đóng đinh Chúa, nhưng nhờ biết đón nhận tín hiệu Chúa gởi qua các biến cố dồn dập xảy ra lúc ấy, ông đã trở thành kẻ tuyên xưng công khai niềm tin vào chính kẻ mình đã hành hình.

Những sự kiện này cho thấy sự sáng tạo tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa cứu độ được thực hiện nhiều nhất trong các tâm hồn. Tâm hồn được đổi mới, trở nên hiền lành, khiêm nhượng, bao dung, nhẫn nhục, hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa Cha, sẵn sàng phục vụ con người, dù phải hy sinh, phải từ bỏ. Những vẻ đẹp như thế không bao giờ là kết quả của những đấu tranh với những người khác, mà là kết quả của những đấu tranh với chính mình, khi mình chấp nhận đi vào đường hẹp với những thanh luyện giúp tâm hồn mở rộng khả năng đón nhận các ơn Chúa, nhất là đón nhận chính Ðức Kitô là tình yêu Thiên Chúa.

Giá trị thứ hai mà tôi thấy Ðức Kitô đã làm chứng trên thánh giá, đó là sự tự do.

Xem ra có vẻ ngược đời khi nói rằng một người bị đóng đinh trên thập giá, bị tước đoạt mọi tự do, lại làm chứng về sự tự do. Nhưng sự thực là thế đó. Chính khi Ðức Kitô mất hết mọi tự do thể xác, Ngài đã làm chứng rằng Ngài vẫn có một sự tự do khác cao quý hơn, thiêng liêng hơn, đó là sự tự do tâm hồn.

Thực vậy, trên Thánh giá, Ðức Kitô đã sống trong các thứ áp lực dày đặc, chồng chất. Có áp lực của giáo quyền, khi toàn thể các thượng tế và các kỳ lão đều nhất trí kết án Ngài là kẻ nghĩ sai lầm sai. Có áp lực của dân chúng, khi từng ngàn người đồng thanh đòi trừng phạt Ngài, coi Ngài còn xấu hơn tên cướp Baraba. Có áp lực của các tông đồ, khi các vị này bỏ trốn, coi Ngài như kẻ thất bại. Có áp lực của quyền đời, khi quan Philatô trao Ngài cho quân lính giải ra pháp trường. Ðó là những áp lực tâm lý, pháp lý, xã hội, tôn giáo, tình cảm đè nặng trên Ðức Kitô. Tất cả các áp lực ấy muốn thúc ép Ngài phải thay đổi lập trường. Nhưng dù bị đủ thứ áp lực tấn công, Ðức Kitô vẫn giữ vững sự tự do tâm hồn. Ngài vẫn một mực trung tín với sứ mạng kẻ được Chúa Cha sai vào thế gian, để rao giảng Tin mừng “Thiên-Chúa-là-tình-yêu”, và con đường đón nhận Thiên Chúa tình yêu là con đường bác ái phục vụ con người theo gương mẫu Ngài, và cùng với Ngài là Ðấng cứu chuộc loài người.

Lập trường trên đây của Ðức Kitô khác với lập trường của dân có đạo và giáo quyền hồi đó. Theo họ, chỉ có một con đường dẫn đến Thiên Chúa, đó là gắn bó với thể chế Ðền thờ và tuân giữ tất cả hệ thống luật lệ, kể cả những luật lệ lỗi thời, vô bổ chỉ còn là gánh nặng. Và theo họ, dung mạo Thiên Chúa là quyền uy, chứ không phải là Tình Yêu. Nếu Ðức Kitô bỏ lập trường của Ngài, để thuận theo lập trường đó của giáo quyền và của đám đông, thì ít ra Ngài cũng sẽ được tha, được an thân. Nhưng Ngài vẫn giữ được sự tự do theo đuổi sứ mạng của Ngài bất chấp mọi áp lực.

Những áp lực ấy cũng muốn dồn Ngài đến chỗ phải tức giận, oán ghét, nghi kỵ những kẻ đã bất công với Ngài. Nhưng Ngài vẫn giữ được trọn tự do của Ngài, sự tự do yêu thương phục vụ, kể cả phục vụ bằng việc tha thứ cho những kẻ ghen ghét Ngài.

Những áp lực ấy cũng muốn gieo vào lòng Ngài sự nghi ngờ đối với Chúa Cha, nhất là khi Ngài cảm thấy như bị Chúa Cha bỏ rơi. Nhưng Ngài vẫn giữ được sự tự do tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Chúa Cha đầy lòng thương xót.

Sự tự do tâm hồn của Ðức Kitô trên thánh giá còn được khẳng định một cách hùng hồn bởi việc Ngài chối từ lời thách thức của một số người quyền lực. Họ thách Ngài rời khỏi thánh giá. Mục đích thách thức của họ, theo họ nói, là tìm lý do để tin vào Ngài. Lý do xem ra rất hấp dẫn. Ngài lại có quyền năng. Nhưng Ngài đã không rời khỏi thánh giá. Ngài vẫn giữ được sự tự do của Ngài, sự tự do đi tới cùng lộ trình thương khó để làm chứng cho tình yêu hy sinh, theo sứ mạng do Chúa Cha trao cho.

Giá trị thứ ba, mà tôi thấy Ðức Kitô đã làm chứng trên Thánh giá, đó là sự hiệp thông.

Ðức Kitô trên thánh giá đã cho ta thấy: Dù chân Ngài không thể nào đi đâu được, dù tay Ngài không thể nào làm gì được, Ngài vẫn đưa trái tim hiệp thông của Ngài vào các tuyến đường muôn ngả.

Trước hết Ngài hiệp thông mật thiết với Ðức Chúa Cha. Dù coi như bị đoạ đày, Ngài vẫn tín nhiệm tuyệt đối nơi Chúa Cha. “Cha ơi, đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha”. “Cha ơi, con dâng phó linh hồn con trong tay Cha”. Ngài đón nhận thánh ý từ Chúa Cha, và Ngài trở về Chúa Cha.

Rồi Ngài hiệp thông với nhân loại một cách đặc biệt. Nhờ hy sinh thánh giá. Ngài giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Do đó sự hiệp thông của ngài với nhân loại mang tính cách sâu sắc hơn là tính cách đồng loại tính cách liên đới.

Sự hiệp thông của Ngài là liên kết và là qui tụ. Khi trối thánh Gioan cho Ðức Mẹ và trối Ðức Mẹ cho thánh Gioan, Ngài đã muốn liên kết mọi người trong một mối tình mới, đó là tình Mẹ Maria, Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá là Mẹ hiệp thông, Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của nhân loại, Mẹ của Hội thánh.

Trên thánh giá, Ngài hiệp thông cách riêng với mọi kẻ sau này sẽ được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ, lộ trình của họ rất có thể sẽ giống như chặng đường thánh giá đã đi qua. Nhiều thử thách sẽ chờ đợi họ. Có lúc họ cảm thấy bất lực và thất bại, như kẻ bị đóng đinh vào sự nhục nhã cô đơn đầy cay đắng.

Trên thánh giá, Ngài hiệp thông một cách sâu sắc với mọi kẻ khổ đau, với mọi áp bức, với mọi kẻ bị oan ức, mọi kẻ cùng cực, cô đơn.

Sự hiệp thông của Ngài là tấm lòng trắc ẩn, lắng nghe những nỗi thống khổ của từng người và kêu mời bất cứ ai đau khổ vì bất cứ lý do nào hãy đón nhận nơi Ngài niềm hy vọng phục sinh, bởi vì chính Ngài đã sống lại từ cái chết trên thánh giá. Sự hiệp thông của Ngài chính là chia sẻ kho tàng công phúc mà Ngài đã lập trên thánh giá. Một kho tàng vô giá, một kho tàng vô tận.

Sự hiệp thông của Ngài sẽ rất cần cho những ai quyết tâm bước theo Ngài, coi cái dại trên thánh giá còn khôn hơn cái khôn nhất của thế gian, coi cái yếu của thánh giá còn mạnh hơn cái mạnh nhất của phàm tục.

Sự hiệp thông của Ngài càng cần cho những ai muốn nên giống Ngài, sẽ chọn thánh giá như tờ căn cước, để ghi vào đó tình yêu của mình, sự tự do của mình, sự hiệp thông của mình.

Trên đây là mấy suy nghĩ của tôi về thánh giá Ðức Kitô. Tôi mong mấy suy nghĩ đó sẽ góp phần vào việc xây dựng nếp sống đạo, và tinh thần truyền giáo, nhất là trong thời điểm hiện nay đang có nguy cơ suy thoái đức tin và các giá trị luân lý.

Ở đây tôi xin nhắc lại một đoạn trong những lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cầu nguyện tại Fatima ngày 13/5/1991:

Lạy Mẹ Ðấng Cứu Thế, xin hãy tỏ ra là Mẹ chúng con. Vâng, xin Mẹ hãy tiếp tục tỏ mình ra là mẹ mọi người, bởi vì thế giới đang cần Mẹ. Hoàn cảnh mới của thế giới và của Hội Thánh còn tạm bợ và bất ổn. Có nguy cơ thay thế chủ nghĩa Má-xít bằng một hình thức khác của chủ nghĩa vô thần, một chủ nghĩa tôn sùng sự tự do, có khuynh hướng tiêu diệt các gốc rễ nền luân lý của đạo làm người và của Kitô giáo”. (Documentation catholique, n-2030,16 Juin, 1991)

Thiết tưởng lời cầu nguyện trên đây của Ðức Thánh Cha cũng là một lời báo động cho Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay. Bởi vì nguy cơ tiêu diệt gốc rễ nền luân lý tại đây, tuy hiện nay không lớn, nhưng đã khởi sự và đang phát triển.

Trong đời sống xã hội, tình yêu vị kỷ hưởng thụ đang có chiều hướng lấn át tình yêu phục vụ vị tha. Niềm trân trọng dành cho sự tự do tâm hồn bị thu hẹp lại một cách thê thảm, nhường chỗ cho phong trào đề cao các thứ tự do thân xác. Tinh thần hiệp thông chia sẻ giúp đỡ có vẻ yếu kém so với tinh thần hiệp thông cạnh tranh loại trừ, và chủ nghĩa cá nhân, kỳ thị.

Riêng trong đời sống nội bộ Hội Thánh xem ra càng ngày càng phát triển não trạng xa tránh con đường hẹp của thánh giá, và con đường hẹp làm chứng cho Tám Mối Phúc Thật.

Nếu những nhận xét trên đây không xa sự thực, thì câu hỏi sẽ đặt ra cho lương tâm mỗi người chúng ta là: Tôi phải làm gì đây? Tôi nghĩ rằng: Nếu ta biết lắng nghe Ðức Kitô trên thánh giá ta sẽ hiểu ta phải làm gì.

Long Xuyên, ngày 12/4/1992