Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Một thoáng nhìn về gia đình

Thời nay, chuyển biến là chuyện không dành riêng cho lãnh vực nào. Trong khoa-học, văn-hoá, kỹ thuật, kinh-tế, chính trị, tâm lý, xã hội, cả đến tôn giáo, người ta hôm nay thường nói: Không còn như trước nữa. Tình hình gia đình cũng vậy: Không còn như trước nữa.

Một vài thí dụ: Theo thống kê của giáo phận Rôma, thì trong năm 1991 có 13.641 đôi hôn phối được ghi vào sổ giáo phận, nhưng đồng thời số đơn xin ly dị cũng trong năm 1991 lên tới con số gần 6.000 (Tuần báo Osservatore Romano, no 27, 1992).

Tại Pháp, mỗi năm có khoảng 120.000 đôi ly dị. Trung bình, khoảng 1/3 cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Cũng tại Pháp, hiện nay có tới 12% tổng số trẻ em sống cảnh mất mát, do cha mẹ ly dị nhau (Les après-divorce, Cahiers Pour croire aujourd'hui, 15 Avril, 1990).

 Tại sao đến nông nỗi này?

Ta có thể hiểu được phần nào lý do trong một tài liệu của Uỷ-Ban Toà Thánh chuyên trách về gia đình: Tài liệu viết:

Con người và gia đình hiện nay sống trong một xã hội “bị động”, nghĩa là thiếu lý tưởng, muốn làm gì thì làm, bị tục hoá, và là nơi mà sự giải thoát mình được thực hiện bằng nhiều cách, mà một trong những cách đó là dùng ma tuý... Thời đại chúng ta đề cao tự do, một thứ tự do không còn được coi là tích cực hướng về sự thiện, mà là thoát ly khỏi mọi điều kiện cản ngăn mỗi người làm theo ý riêng mình... Người ta ca tụng chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa ích kỷ” (Tập Du désespoir à l'espérance, L.E. Vaticana, 1992).

Trước tình hình gia đình chuyển biến, huấn quyền trong Hội Thánh đã không ngừng nhắc bảo. Chỉ trong vòng 50 năm nay, đã có những văn kiện lớn về gia đình như: Casti Connubii của Ðức Piô XI, 1930, Humanae Vitae của Ðức Phaolô VI, 1968, Familiaris Consortio của Ðức Gioan Phaolô II, 1980, Persona Humana của Bộ Ðức Tin, 1976.

Nhưng dưới sức ép của các chủ thuyết thực dụng, khoái lạc, cá nhân, ích kỷ, biết bao người đã không còn đủ tự do để chọn lẽ phải. Gia đình truyền thống đang bị bùng nổ tại nhiều nơi, biến thành nhiều dạng gia đình khác nhau. Loại hôn nhân tự do, không có phép đời, cũng không có phép đạo, càng ngày càng tăng. Tại Pháp, năm 1975 loại hôn nhân tự do là 445.000 trường hợp. Ðến năm 1982, loại trường hợp tự do đó đã tăng gấp đôi, tức 809.000 đôi (Trích Nicolas Pigasse, Lettre d'un jeune à son Eglise, Desclée de Brouwer, 1992, trang 192).

Tại Hoa Kỳ, loại gia đình một cha mẹ càng ngày càng tăng. Tức là hoặc chỉ có người đàn bà là mẹ và đồng thời giữ vai người cha, hoặc chỉ có người đàn ông là cha và đồng thời giữ vai người mẹ. (Individualismes américains, Cahiers Pour croire aujourd hui, 15, juin, 1989). Nhưng khi gia đình vẫn còn giữ vẻ bình thường, thì nay diễn tiến của nó nhiều nơi không còn bình thường. Louis Roussel đưa ra bốn loại gia đình. Tạm gọi bằng những tên như sau:

Gia đình nối dòng”. Loại gia đình này được xây dựng trên nề nếp truyền thống. Con cái được giáo dục theo quĩ đạo dòng dõi cha mẹ ông bà.

Gia đình lãng mạn”. Loại gia đình này được xây dựng trên đam mê. Ðứa con sẽ được đón nhận nhưng với điều kiện nó đừng quấy rầy bầu khí say đắm của cha mẹ nó. Ðam mê tàn thì gia đình tan.

Gia đình câu lạc bộ”. Loại gia đình này được xây dựng trên những hợp đồng hoặc rõ ràng hoặc hiểu ngầm. Mạnh ai nấy lo. Con cái cũng vậy. Lợi dụng nhau, và chẳng cần phải lo cho nhau.

Gia đình lập thân”. Loại gia đình này được xây dựng trên ý chí cùng nhau theo đuổi một dự án chung. Con cái sẽ được huấn luyện, để sớm biết tự lập với dự án riêng của nó. (Louis Roussel, La Famille Incertaine, Ed. Odille Jacob, 1989).

Tình hình gia đình tại nhiều nước Âu-Mỹ đang có nhiều chuyển biến, tốt có, xấu có. Theo tôi, thì xấu đang có vẻ lấn lướt. Còn tại Việt Nam? Tôi thấy tại nhiều nơi, “Tình hình gia đình cũng không còn như trước nữa”. Có thêm nhiều rối rắm, có thêm nhiều lục đục.

Thiết tưởng phải vực nền đạo đức gia đình lên. Bằng những lý do khoa học và tôn giáo, nhất là bằng đời sống cầu nguyện, lui tới các bí tích và sự đỡ nâng của cộng đoàn. “Sự đó có thể xảy ra thế nào được?” Và tôi nhớ lại lời Thiên Thần đã trả lời Ðức Mẹ: “Không có gì là không có thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37). Thánh Gia là gia đình rất hạnh phúc, nhờ sự mỗi người biết sống tình yêu với tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân và đối với nhau. Thiên Chúa là Tình Yêu. Gắn bó với Ngài, gia đình sẽ có hạnh phúc đích thực và bền vững.

Long Xuyên, ngày 27/12/1992