Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Trở về với Ðức Kitô

Tuần Thánh là thời gian đặc biệt mời gọi các tín hữu đi vào sa mạc tâm hồn. Tôi đi vào đó, với ước mong đón nhận ơn trở về. Trong thinh lặng nội tâm, tôi nhìn ngắm Ðức Kitô, và đi theo Ngài. Ngài gọi tôi trở về.

 Trở về với một Ðức Kitô chia sẻ thân phận con người đau khổ

Ðức Kitô cho thấy Ngài chia sẻ trọn vẹn thân phận con người yếu đuối. Trong đêm cầu nguyện tại vườn Cây Dầu, khi thấy giờ tử nạn sắp tới, Ngài đã rất lo sợ buồn phiền, đến nỗi đổ mồ hôi máu ra, và đến nỗi đã nài xin Ðức Chúa Cha, nếu được, hãy cất chén đắng khỏi Ngài. Bóng tối sợ hãi kinh hoàng tràn ngập Ngài từ bên trong. Ngài cảm thấy yếu đuối là không của riêng ai.

Ngài cũng đã chia sẻ trọn vẹn thân phận con người thất thế. Ðang là người được trọng vọng vì những phép lạ lẫy lừng, nay Ngài bị bắt, bị điệu đi, bị xỉ vả nhạo báng, bị hành hạ, bị coi là người nguy hiểm hơn một tên cướp, bị kết án tử hình, bị coi là thua cuộc. Bao đợt sóng nhục nhã dơ bẩn thi nhau vùi dập Ngài. Ngài nếm mùi thất bại.

Ngài cũng đã chia sẻ trọn vẹn thân phận con người cô đơn. Dân chúng ruồng bỏ Ngài. Người thân từ chối Ngài. Ðức Chúa Cha cũng làm thinh. Ngài chìm xuống vực thẳm cô đơn hãi hùng. Ngài cảm thấy cô đơn là một sự thiếu vắng nặng nề.

Ngài cũng đã chia sẻ trọn vẹn thân phận con người có tội. Bị bỏ đói khát, bị đánh, bị tù, bị bêu xấu, bị loại trừ. Ngài bị bầm dập bởi những vết thương tàn khốc trên thể xác và trong tâm hồn. Ngài cảm nghiệm thấm thía số phận thê thảm dành cho người có tội.

Khi thấy Ðức Kitô chia sẻ một cách triệt để thân phận con người đau khổ, tôi đã nhận ra Ngài là hy vọng quý báu của tôi. Bởi vì tôi cũng cùng thân phận với những người yếu đuối, thất bại, cô đơn, tội lỗi. Những lúc cảm thấy mình như vậy, tôi tin Ðức Kitô ở bên tôi. Ngài chia sẻ với tôi.

Khi biết địa chỉ của Ngài là những kẻ khổ đau, tôi sẽ đi theo Ngài tới địa chỉ đó, để cùng với Ngài, tôi chia sẻ nỗi khổ đau của người khác. Lúc ấy, chia sẻ là thông cảm, là cùng nếm, cùng chịu, cùng nuốt chung nỗi niềm cay đắng. Chia sẻ như thế là việc của trái tim hơn là của trí khôn. Trái tim dửng dưng, cứng cỏi, ích kỷ, tự mãn, không có khả năng chia sẻ. Ðể có khả năng chia sẻ, tôi phải trở về với trái tim Ðức Kitô. Tôi uống tình yêu tận nguồn mạch, từ đó tôi sẽ có sức dấn thân. Ðức Kitô không ngừng kêu gọi.

 Trở về với một Ðức Kitô đón nhận những việc tốt của con người mang thân phận hèn kém

Tiêu biểu cho con người mang thân phận hèn kém là những ai trong Tuần Thánh?

Thưa là những người sau đây:

Ông Simon, người vô đạo, kẻ đã vác thập giá đỡ cho Ðức Kitô. Bà Veronica, người phụ nữ tầm thường, đã lấy khăn lau mặt cho Chúa đang vác thập giá. Nhóm phụ nữ thành Giêrusalem đón đường khóc thương Chúa đến pháp trường. Bà Madalena, người phụ nữ hối cải, đã theo Chúa đến cùng, và đã được Chúa chọn làm người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Người ăn trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa, đã công khai bênh Chúa và tin Chúa. Ông Giuse Arimathia và ông Nicôdemô, là hai môn đệ ban đêm đã giúp chôn cất Chúa.

Trong số những người trên đây có kẻ thuộc loại bình thường, có kẻ dưới bình thường, có kẻ bị loại trừ. Ấy thế mà trong những giờ phút thê thảm nhất của Ðức Kitô, họ đã làm được những việc tốt, đang khi những người được coi là tốt hơn họ lại chẳng làm được gì.

Khi thấy họ xuất hiện trong hoàn cảnh căng thẳng nhất, để làm những việc tốt cho Ðức Kitô, tôi càng nhận rõ Ðức Kitô là Ðấng Cứu Thế. Vinh quang của Ðấng Cứu Thế là móc từ hố sâu lên những nắm bùn dơ bẩn, để làm thành những tác phẩm tuyệt vời, tác phẩm của lòng thương xót. Ai ngờ vị thánh đầu tiên do chính Ðức Kitô tuyên phong lại là một ông ăn cướp hối cải.

Ðối với Ðức Kitô, không ai quá tệ đến nỗi không còn hy vọng làm được việc tốt. Cũng như không ai quá vững, đến nỗi không còn cần đến ơn tha thứ. Nhiều khi việc tốt họ làm chỉ là việc tối thiểu, nhưng lại là việc tối cần, để được cứu rỗi. Họ chỉ xót thương kẻ khác, thế là họ được Chúa xót thương, bởi vì Chúa đã hứa như vậy.

Khi tôi trở về với một Ðức Kitô giàu tình yêu thương xót như vậy, tôi đã nhận ra đâu là con đường tôi phải chọn, để về Trời và giúp người khác đón nhận Nước Trời.

Nhưng trở về con đường đó không phải chuyện dễ.

 Trở về với một Ðức Kitô ban ơn trở về

Từ khi Ðức Kitô vào thành Giêrusalem cách trọng thể cho đến giờ phút Ngài tắt hơi thở cuối cùng trên núi Golgota, đã có từng vạn người thấy mặt Ngài, gặp gỡ Ngài, nghe tiếng Ngài, theo dõi chuyện của Ngài. Thế nhưng, không phải tất cả những người ấy đã tin mến Ngài. Số trở lại không nhiều. Ngay trong hai người trộm cướp bị đóng đinh hai bên tả hữu Ngài, cũng chỉ có người bên hữu đã trở lại tin Ngài.

Những sự kiện trên đây cho thấy trở lại là một ơn. Phải có ơn trở lại mới trở lại được. Nếu không được ơn trở lại, thì dù học hỏi đầy đủ về đạo, thông hiểu sâu sắc về Chúa, làm được nhiều việc công chính, người ta vẫn cứ trơ trơ, không trở về.

Ơn trở về do Chúa trao ban, con người đón nhận. Nhưng phải biết đón nhận, nghĩa là phải có một thái độ cộng tác với Ðức Kitô.

Phải nhận rằng Ðức Kitô có một đường lối đạo đức rất khác với đường lối đạo đức của nhiều người. Ðạo đức của Ngài là làm chứng cho Thiên Chúa là Cha giàu tình thương xót bằng cách hướng về con người hơn là hướng về đền thờ. Hướng về con người, nhất là những con người đau khổ, hèn kém thì phải khiêm hạ, thì phải nhường nhịn, phải nghèo. Nhịn thì phải nhục. Nghèo thì phải hèn, phải khổ.

Ðang khi đó, đạo đức của nhiều người khác là làm chứng cho Thiên Chúa quyền uy bằng cách hướng về đền thờ hơn là hướng về con người để phục vụ. Bám vào đền thờ thì dễ chịu. Bởi vì dễ có lợi lộc vật chất, dễ có uy quyền, dễ sòng phẳng với các bổn phận nghi lễ, kinh kệ.

Chính vì thế mà trở về cộng tác với một Ðức Kitô đích thực của Tuần Thánh là điều không thể thực hiện được, nếu không có ơn Chúa.

Ơn trở về chỉ có thể đón nhận được bởi những tâm hồn ăn năn, sám hối thật tình, khiêm tốn, khao khát và tin tưởng vào sức mạnh Phục Sinh của Ðức Kitô.

Tuần Thánh 1994