Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Chia sẻ mục vụ trong ngày cuối năm

Trong mấy tháng qua, nhiều người đã nói với tôi rằng: Tấm hình nhà thờ cũ Tràm Chẹt in trên tuần báo “Công Giáo và Dân Tộc” số 845 ra ngày 23-2-1992, coi thê thảm quá. Thêm vào đó, mấy lời cha Nguyễn Văn Thược, chánh xứ Tràm Chẹt, ghi dưới tấm hình, cũng thê thảm không kém. Cha nói: “Công việc xây dựng thánh đường mới sẽ kéo dài nhiều năm, vì không có kinh phí, mà giáo dân lại quá nghèo!”. Thực là đáng thương!

Và thực đã được thương. Bằng chứng là nhiều người xa gần đã giúp đỡ. Tân thánh đường khởi công ngày 22-2-1992, hôm nay được khánh thành với lễ tạ ơn long trọng. Thế là thời gian dự trù nhiều năm bây giờ rút lại 10 tháng. Công trình đẹp, vững, có nhiều nét dân tộc, rất đáng mừng. Tôi xin Chúa trả ơn bội hậu cho mọi người đã góp công của vào việc xây dựng ngôi thánh đường này.

Thánh đường mới này là một niềm vui. Không chỉ riêng cho họ đạo Tràm Chẹt, mà còn chung cho cả địa phương này: Từ Rạch Sỏi đến Chắc Kha, rồi vô Tràm Chẹt, tuyến đường này là một cảnh đẹp của các chùa chiền. Nay mọc lên một thánh đường khang trang. Ðó là một đóng góp nhỏ bé vào vẻ đẹp chung đa dạng của một miền nhiều sắc tộc.

Tất nhiên, tôi vui mừng, khi thấy một tân thánh đường được mọc lên. Nhưng đây không phải là niềm vui lớn nhất của tôi. Niềm vui lớn nhất của tôi trong mục vụ là được chứng kiến sự mọc lên những mầm sống thiêng liêng mới. Hôm nay, nhân dịp làm phép thánh đường mới ở một giáo điểm vùng sâu, trong một ngày cuối năm, tôi muốn chia sẻ với anh chị em niềm vui lớn mục vụ của tôi, về một số những mầm sống thiêng liêng đang mọc lên lớn mạnh tại giáo phận trong năm 1992 này.

Thực vậy, một mầm sống thiêng liêng mới đang mọc lên và đang phát triển, đó là hiện tượng nhiều môn đệ Chúa sang bờ bên kia.

Tôi nói: “Sang bờ bên kia” là tôi theo một gợi ý trong Phúc Âm (x. Mt 14,22) để ám chỉ những địa hạt không Công Giáo. Xưa, có lần Chúa Kitô bảo các môn đệ Ngài hãy chèo thuyền sang bờ bên kia, và họ đã vâng. Nay, Chúa Kitô cũng vẫn tiếp tục bảo các môn đệ Ngài ra đi như vậy, và họ đã vâng.

Khi đến với những vùng khác đạo, các môn đệ Chúa không sống như những người rao giảng, cho bằng sống như những người làm chứng. Họ làm chứng về một Thiên Chúa là tình yêu cứu độ. Họ tuyên xưng đức tin không bằng cách đề cao một Hội Thánh cơ chế, bởi vì cách này dễ đào sâu khoảng cách giữa họ và các tôn giáo bạn. Nhưng họ tuyên xưng đức tin bằng cách sống noi gương Thánh Gia xưa tại Ai Cập. Ai Cập đối với Israel là nước ngoại đạo. Sống tại đây, Thánh Gia đã khiêm tốn khám phá và đón nhận những giá trị của nền đạo đức địa phương, đồng thời chia sẻ tình liên đới của mình. Nhờ đó, Thánh Gia đã được chấp nhận, được nâng đỡ chở che.

Hôm nay cũng vậy. Chỉ trong hai tháng cuối năm này, tôi đã đi thăm 9 giáo điểm chơi vơi giữa các vùng sâu khác đạo. Ðối với các địa hạt đa số Công Giáo, thì đây chính là bờ bên kia. Tại các nơi này, cũng như hôm nay chính tại Tràm Chẹt đây, tôi ghi nhận được những tình cảm sâu đậm của anh chị em khác đạo đã dành cho giáo đoàn Công Giáo. Tôi có cảm tưởng là đồng bào tại những vùng này rất đơn sơ, hài hoà, bao dung, chân thành. Sống với nhau như chỉ có một món nợ phải trả cho nhau, đó là món nợ tình thương. Ðến tận nơi, tôi mới thấy rõ những tiềm năng thiêng liêng, mà Chúa Thánh Thần đang khơi dậy. Thực là lớn lao. Ðúng là những mầm sống thiêng liêng đang mọc lên tươi tốt.

Bên cạnh đó, có một mầm sống thiêng liêng khác, cũng đang phát triển. Ðó là hiện tượng nhiều người tín hữu dấn thân làm công việc người Samaritanô tốt lành.

Trong Phúc Âm (x. Lc 10,33-35), người Samaritanô tốt lành là một người đi xa, khi thấy một nạn nhân nằm bên vệ đường, ông đã dừng lại, để chăm sóc nạn nhân một cách vị tha. Hôm nay, tôi cũng đang thấy vô số người như vậy. Họ đang tích cực xoá đói, giảm nghèo. Họ đang hoạt động âm thầm ở các lớp học tình thương. Họ đang lui tới thăm viếng các bệnh nhân, giúp các gia đình nghèo túng. Người ta không thấy họ mang dấu chỉ nào minh chứng họ là Công Giáo. Họ chỉ sống giới luật yêu thương. Và như thế là đẹp rồi, vì Chúa đã phán: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Cũng từ kinh nghiệm trên đây, tôi có cảm nghĩ là: Ðiều kiện để trở nên người Công Giáo tốt, là phải có một trái tim mở rộng, nhạy bén trước mọi tiếng gọi của Chúa trong các người nghèo khổ. Những người như vậy, đang là những mầm sống thiêng liêng được Chúa Thánh Thần trồng vào lịch sử Việt Nam hôm nay.

Sau cùng, tôi không thể không nhắc tới một mầm sống thiêng liêng khác đang mọc lên tươi xanh. Ðó là hiện tượng những người mộ mến Chúa Thánh Linh, tích cực làm chứng cho nguồn hy vọng trong những hoàn cảnh xuống cấp.

Giống như các tông đồ xưa khi được đầy tràn Thần Linh Chúa, những người nầy càng bị khổ đau, càng tạ ơn Chúa vì được chia sẻ với Ðức Kitô. Càng thấy Hội Thánh bị chối từ, họ càng cố gắng sống mãnh liệt tinh thần hiệp thông mật thiết của lời Chúa phán: “Cha là cây nho, các con là ngành” (Ga 15,5-16). Càng thấy đức tin bị tàn phá, họ càng thêm cậy tin vào một mình Thiên Chúa. Ðể bênh vực Hội Thánh, họ không đặt các hàng rào cản, nhưng họ theo Ðức Kitô đi tới cùng tình yêu cứu độ. Ðể làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa cứu độ, họ không loại trừ ai, hơn nữa họ tìm đến những người cần được cứu mà không mấy ai muốn cứu. Ðể đổi mới con người, họ không làm ngập lụt con người bằng các luật lệ, nhưng họ tăng cường tu đức và giới thiệu với con người Phép Rửa của Chúa Thánh Linh. Họ là những người tự do, không chịu áp lực nào và cũng không áp lực ai. Nhờ Thần Linh Chúa, họ sống hoàn toàn sự tự do nội tâm của con cái Chúa, chỉ là tuân phục thánh ý Ngài (x. Lc 2,32).

ù

Hôm nay, nhìn thánh đường mới này và bao nhà thờ mới là những dấu chỉ bất động, rồi nhìn các mầm sống thiêng liêng mới là những dấu chỉ sống động, tôi thấy anh chị em và tôi thực là những người có phúc, bởi vì được thấy những ơn lạ lùng mà bao người muốn thấy, đã không được thấy (x. Lc 10,2). Với nhận thức ấy, tôi sẽ cùng anh chị em, cảm tạ Thiên Chúa đã đoái nhìn đến thân phận hèn mọn chúng ta. Trong tâm tình cảm tạ, tôi cầu xin Chúa mở rộng tầm nhìn của ta, để ta nhìn Năm Mới trong ánh sáng đức tin. Hướng đi của ta đã rõ ràng. Hãy vững bước đi lên, trong niềm vui và hy vọng, vì Chúa luôn luôn là Emmanuel, Người ở với chúng ta (x. Mt 1,23).

Lễ làm phép nhà thờ Tràm Chẹt, ngày 30/12/1992.