Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Vài kinh nghiệm truyền giáo

Tại địa phương này, trong mấy năm nay, số người vào đạo Công Giáo tăng lên đáng kể.

Tôi coi việc vào đạo chỉ là bước đầu, còn việc Phúc-Âm-hoá, thay đổi con người nên tạo vật mới, đó mới là mục đích chính yếu của việc truyền giáo.

Sau khi phân tích hành trình vào đạo và những chuyển biến nơi các người được Phúc-Âm-hoá tại địa phương này, tôi có nhận định như sau: Kết quả việc truyền giáo tuỳ thuộc rất nhiều vào một số hình ảnh trong trái tim người được truyền giáo. Trước hết là hình ảnh người truyền giáo.

 Hình ảnh người truyền giáo

Người truyền giáo ở đây được hiểu về những ai đưa người ta vào đạo, những ai dạy giáo lý cho họ, những ai huấn luyện họ về đời sống đạo.

Người truyền giáo ảnh hưởng đến người được truyền giáo qua nội dung bài vở mình giảng dạy và nhất là qua chính con người của mình.

Nội dung các sách tôn giáo rất là mênh mông. Người truyền giáo có kinh nghiệm sẽ biết nhận định những gì cần nêu lên trước và cần nhấn mạnh hơn, cũng như cần nhận thức việc truyền giáo không chỉ đơn thuần là truyền đạt các chân lý tôn giáo, mà còn là chia sẻ lửa tin yêu trong lòng mình, và nhất là biết cởi mở đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, Ðấng soi sáng cho mình và cho người nghe hiểu đúng được những gì Ðức Kitô đã làm và đã dạy.

Lúc đó, người nghe sẽ không cảm thấy mình tiếp thu một mớ lý thuyết vô hồn, nhưng là đón nhận những chân lý sự sống, như một dòng chảy sức mạnh giải thoát tâm hồn.

Sức hấp dẫn của một chiếc máy thường phát xuất từ những hoạt động của nó. Chiếc máy không chạy sẽ chẳng hấp dẫn gì. Tương tự cũng thế, sức hấp dẫn của đức tin hoạt động của người truyền giáo đối với Chúa và đối với con người sẽ minh chứng đức tin của mình có sức hấp dẫn hay không.

Do đó, hình ảnh đẹp của người truyền giáo là hình ảnh con người làm chứng hơn là con người giảng dạy.

Bằng đời sống, họ làm chứng họ vâng lời Ðức Kitô, luôn trở về với Cha trên trời bằng những cố gắng thường xuyên bỏ đàng tội lỗi, sống đời sống mới của người con Chúa.

Khi làm chứng đúng lúc, đúng nơi, đúng cách những gì cần phải làm chứng, người truyền giáo sẽ tạo ra được một hình ảnh đẹp và dễ thương trong tâm hồn kẻ được truyền giáo. Hình ảnh này được coi là yếu tố đáng kể trong việc truyền giáo.

Bên cạnh hình ảnh này là hình ảnh cộng đoàn của người truyền giáo. Hình ảnh này cũng ảnh hưởng lớn đến người được truyền giáo.

 Hình ảnh cộng đoàn của người truyền giáo

Tất nhiên hình ảnh này cũng phải đẹp mới gây được ảnh hưởng tốt. Ðẹp ở điểm nào? Có thể ở những cơ sở vật chất văn minh, ở những tổ chức lễ lạy đông đảo, trật tự, ở những qui tụ có mục tiêu lợi ích chung. Nhưng hầu hết những người được hỏi đều nhận rằng vẻ đẹp lôi cuốn nhất có nhiều khả năng cải thiện con người là ở chỗ cộng đoàn gồm những người ưa thích đi sâu vào đời sống nội tâm, đồng thời cũng hăng hái dấn thân thực thi bác ái, tích cực giúp nhau phát triển về mọi mặt, nhất là về mặt đạo đức. Vẻ đẹp như thế sẽ toả ra được bầu khí hiệp thông, giúp con người hướng về Thiên Chúa, và gây niềm tin tưởng lẫn nhau.

Dựa vào kinh nghiệm trên đây, người truyền giáo tốt thường rất quan tâm đến việc đưa người được truyền giáo vào cộng đoàn. Cộng đoàn không nhất thiết phải lớn. Một cộng đoàn nhỏ mà tốt thường dễ lôi kéo con người về đàng lành hơn một cộng đoàn lớn mà tầm thường.

Trong cộng đoàn nhỏ thường dễ thực hiện những sinh hoạt cộng đồng có phẩm chất, và những giáo dục cộng đồng sâu sát có khả năng đi vào từng cá nhân, tạo ra được một bầu khí trẻ trung mà trưởng thành, tự do mà kỷ luật.

Cộng đoàn, dù là nhóm nhỏ, hội đoàn, giáo xứ, giáo phận, tất cả đều là những bộ phận của Hội Thánh, nhiều khi đóng vai người giới thiệu Hội Thánh, nên thường được ơn Chúa giúp, miễn là biết cởi mở đón nhận. Vì thế hình ảnh đẹp của một cộng đoàn đẹp không bao giờ mang cái đẹp riêng rẽ, nhưng luôn luôn phản ánh cái đẹp chung của Hội Thánh hiệp thông. Một hình ảnh cộng đoàn như vậy sẽ góp phần không nhỏ trong việc tái sinh con người vào đời sống mới. Việc đó Chúa đã trao cho Hội Thánh phải thực hiện khắp nơi, và được gọi là việc truyền giáo.

Trong việc truyền giáo, còn một hình ảnh khác cũng là yếu tố đáng kể, có ảnh hưởng lớn. Ðó là hình ảnh chính người được truyền giáo.

 Hình ảnh chính người được truyền giáo

Tôi có dịp được làm quen với nhiều người tân tòng, thuộc đủ loại người. Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy mỗi người đều mang trong lòng mình nhiều hình ảnh khác nhau về chính bản thân mình: Những hình ảnh thời quá khứ. Những hình ảnh thời hiện tại. Những hình ảnh thời tương lai.

Rất nhiều hình ảnh nặng nề và thương tích, do đủ thứ mặc cảm gây nên. Thí dụ mặc cảm tự tôn tự ty, mặc cảm bị thua thiệt, bị khinh, bị bắt bớ, bị hiểu lầm, mặc cảm bất mãn, bất lực, mặc cảm về tình yêu, về tiền bạc, về danh vọng, vv... Nhiều mặc cảm có sức tác hại hơn chính các tội lỗi. Vì thế, trong truyền giáo, việc giải thoát con người khỏi gánh nặng mặc cảm là việc không nên coi thường.

Một số người truyền giáo ít hiểu biết những khoa học về con người, đã vô tình làm cho các mặc cảm nơi người được truyền giáo càng thêm sâu, tạo nên trong họ những hình ảnh về chính mình rất méo mó tội nghiệp. Với những hình ảnh như thế, người được truyền giáo dễ có những phản ứng lệch lạc trước những sự việc xảy ra, ngay cả trước những ý nghĩa của Lời Chúa.

Tôi biết có một người, sau khoá giáo lý, đã biến đổi rõ rệt, ở chỗ họ đâm ra lo lắng, sợ sệt, bối rối, mất vẻ hồn nhiên trước đây. Hỏi ra mới hay họ bị ám ảnh quá mạnh bởi các bài giáo lý về tội. Họ tự tạo ra một hình ảnh nhầy nhụa về chính họ trong lúc đó, và một hình ảnh đạo đức phải nói là bệnh hoạn, mà họ định tâm sẽ vươn tới trong tương lai. Có thể là họ đã tiếp thu không đúng những bài đã giảng dạy. Tuy nhiên, một hình ảnh như thế về chính mình, sẽ rất sai với Tin Mừng.

Theo tôi, một hình ảnh đẹp về mình đúng với Tin Mừng, mà người được truyền giáo cần có trong mình, chính là hình ảnh họ được Chúa yêu thương. Không phải họ được yêu thương cách chung chung, nhưng được yêu thương một cách riêng biệt. Ðược yêu thương, đó là hình ảnh đúng nhất và đẹp nhất, giúp họ tin tưởng trở về.

Một hình ảnh khác cũng có ảnh hưởng đến việc truyền giáo, đó là hình ảnh xã hội của người được truyền giáo.

 Hình ảnh xã hội của người được truyền giáo

Người nào cũng có gốc rễ nhất định, cũng là con cháu của một dân tộc nhất định. Họ mang hình ảnh dân tộc, quê hương, đất nước của mình. Hình ảnh đó, dù sao đi nữa, vẫn là một phần thiêng liêng và thân thương của con người họ. Kính trọng hình ảnh đó, chính là một việc hợp lý hợp tình của người truyền giáo.

Nhiều người ngoài công giáo cho biết lý do họ mến đạo Công Giáo, là vì họ thấy cộng đồng người công giáo xung quanh họ cũng giống như họ ở chỗ có lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, và có lòng kính trọng biết ơn đối với giới nghèo là thành phần quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Ðất Nước. Như thế có nghĩa là người được truyền giáo rất hài lòng vì được gặp gỡ người công giáo ở ngay chính những giá trị mà họ đang sống và vẫn từng tha thiết. Họ có cảm tình với đạo và bắt đầu tin vào Ðức Kitô, nhờ bước đầu đó. Một hình ảnh đẹp về xã hội của họ, với những giá trị thiêng liêng vốn có do người truyền giáo đưa ra, sẽ giúp họ hiểu sự trở về không có nghĩa là sự phủ nhận các giá trị truyền thống dân tộc cũng như những cái tốt của các tôn giáo ngoài Công Giáo.

Mới rồi, một người giảng dạy giáo lý đã có lời lẽ cường điệu sao đó, có tính cách đề cao Hội Thánh công giáo, xã hội công giáo, và hạ thấp Hội Thánh và xã hội các tôn giáo khác. Mấy ngày sau, họ nhận được một lô sách báo mang nội dung phê phán gay gắt đạo Công Giáo, Hội Thánh công giáo, và các chế độ công giáo nhất là tại Việt Nam. Tôi đã mượn đọc các tài liệu đó. Ðọc xong, tôi có ý nghĩ này: Bất cứ bên nào, khi đề cao tôn giáo mình bằng cách hạ tôn giáo khác xuống, sẽ phạm một sai lầm lớn, cả về đạo lý, cả về tâm lý. Biết kính trọng nhau, biết chấp nhận nhau, đó mới là một hình ảnh đạo đức. Muốn thể hiện điều đó, người truyền giáo phải rất tế nhị, phải rất công bình, tôn trọng mọi sự thật, trong các nhận định và trong mọi ứng xử đối với xã hội mà mình đến truyền giáo. Ðưa ra một hình ảnh thiếu trung thực về xã hội của người được truyền giáo với mục đích loan báo Tin Mừng, sẽ là điều khó có thể chấp nhận được đối với người được truyền giáo.

Một hình ảnh sau cùng, nhưng có tính cách quyết định trong việc truyền giáo, đó là hình ảnh Ðức Kitô.

 Hình ảnh Ðức Kitô

Trong một cuộc chia sẻ với giới trẻ, tôi đưa ra câu hỏi: “Ðối với con, Ðức Kitô là ai?”. Nhiều bạn trẻ trả lời khá tốt. Nhưng có một bạn đã trả lời rất đúng: “Ðối với con, Ðức Kitô là Ðấng cứu chuộc. Người cứu chuộc nhân loại và cứu chuộc con”. Trả lời đó đã cắt nghĩa động lực sâu xa của sự vào đạo nơi biết bao người.

Họ nói là họ nhận thấy mình yếu hèn, tội lỗi, cần được cứu độ. Và họ đã thấy Ðức Kitô đã đến cứu họ, đã đến biến cải họ. Ðức Kitô đã đến với họ, dưới hình ảnh Ðấng cứu độ. Ðức Kitô đang ở trong họ như một tình yêu đỡ nâng, cũng dưới hình ảnh Ðấng cứu độ. Ðức Kitô, Ðấng cứu độ là Ðấng đã bởi trời xuống thế, đã chịu tử nạn, đã sống lại và đang được vinh hiển. Ðức Kitô, Ðấng cứu độ, là Ðấng họ gặp gỡ trong đức tin, một cách sống động, gần gũi, riêng tư. Nhờ những gặp gỡ này, họ hiểu sự cứu rỗi là được Ðức Kitô cứu ra khỏi tội lỗi, được Ðức Kitô chia sẻ cho sự sống Thiên Chúa, và được Ðức Kitô đóng ấn Chúa Thánh Thần.

Hình ảnh Ðức Kitô cứu độ đã đưa họ vào mầu nhiệm cứu độ, giúp họ luôn tập trung đời sống mình vào Ðức Kitô, luôn trở về với Người và Phúc Âm của Người. Hình ảnh Ðức Kitô cứu độ càng rõ, càng sâu, càng đậm, càng sẽ có sức Phúc-Âm-hoá con người.

ù

Trên đây là một vài kinh nghiệm truyền giáo. Tôi cảm tạ Chúa hết lòng. Tôi cũng chân thành cảm ơn những người đã trở lại và đang được Phúc-Âm-hoá. Chính họ đã và đang góp phần Phúc-Âm-hoá bản thân tôi, khi họ chia sẻ cho tôi những gì Chúa đã làm nơi họ.

Long Xuyên, tháng 10/1994