Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Một cái nhìn về Hội Thánh của tôi tại Việt Nam hôm nay

Trong tinh thần “Tỉnh thức và cầu nguyện”, tôi nhìn Hội Thánh Việt Nam của tôi. Tôi thấy mấy điểm sau đây có thể gợi ý cho tôi những đường hướng mục vụ thích hợp với chặng đường lịch sử bước vào năm 2000.

 Một Hội Thánh hiệp thông

Nhiều sự kiện nổi bật xảy ra mấy năm gần đây trong Hội Thánh Việt Nam đã gây nên nơi nhiều người cảm tưởng này: Tại Việt Nam, việc xây dựng một Hội Thánh phẩm-trật nhấn mạnh đến đức vâng lời được quan tâm nhiều hơn là việc xây dựng một Hội Thánh hiệp-thông nhấn mạnh đến đức yêu thương.

Tôi nghĩ rằng vì nhu cầu của một thời điểm lịch sử, Toà Thánh những năm qua và cho đến bây giờ, đã và đang chú trọng nhiều đến việc chọn và phân bổ các giám mục, cũng như đến việc nhắc nhở các giám mục, linh mục hãy vâng lời Toà Thánh. Nhưng không vì thế mà ta nên nghĩ rằng xây dựng một Hội Thánh phẩm-trật là cần thiết hơn xây dựng một Hội Thánh hiệp-thông. Bởi vì, trong Hội Thánh Việt Nam khắp nơi đức vâng lời vốn mạnh, đôi khi quá mức đòi hỏi, còn đức bác ái tại nhiều nơi vẫn chưa sâu, chưa rộng, chưa đúng phẩm chất Phúc Âm. Ngoài ra, Hội Thánh hiệp-thông là một mô hình được Công Ðồng Vatican II đề cao, được thần học hiện đại hỗ trợ, được kinh nghiệm tu đức và mục vụ làm chứng là giúp đi vào chiều sâu Phúc Âm, có nhiều sức truyền giáo.

Hội Thánh hiệp-thông chú trọng đến việc chia sẻ và đón nhận chia sẻ trong tinh thần bác ái liên đới.

Chia sẻ cho nhau những cái nhìn của mình về các vấn đề đặt ra cho Hội Thánh mình.

Chia sẻ cho nhau những kế hoạch mục vụ, những kinh nghiệm và những thông tin.

Chia sẻ cho nhau sự thông cảm, nâng đỡ, tài liệu. Nhất là chia sẻ trách nhiệm.

Hội Thánh hiệp-thông vẫn giữ nhiều ranh giới: giáo phận, giáo xứ, giáo quyền. Tuy nhiên, không nên coi những ranh giới đó là những hàng rào cản trở, để loại trừ kẻ khác, nhưng nên coi đó là những điểm liên hệ, hội tụ, để phong-phú-hoá lẫn nhau.

Từ ít lâu nay đã thấy xuất hiện đó đây những hiện tượng không phù hợp chút nào với tinh thần hiệp-thông, như khuynh hướng cục bộ, sự ghen tương, tính hẹp hòi. Ðó là những biên giới mới trong nội bộ, chia cắt Hội Thánh địa phương ra từng mảnh, từng khối, gây hại cho Hội Thánh hiệp thông và cũng chẳng lợi gì cho Hội Thánh phẩm trật.

 Một Hội Thánh đối thoại

Mấy nhượng bộ mới rồi của Toà Thánh trong các cuộc hội đàm với Chính Phủ Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, chứng tỏ điều này là một Hội Thánh đối thoại nhiều khi phải có những lựa chọn khó khăn hơn là một Hội Thánh đối kháng.

Trong một thời điểm mà Hội Thánh Việt Nam chỉ có thể phát triển được một cách nhẹ nhàng tương đối nhờ biết đối thoại với xã hội, thì khả năng đối thoại phải là một tiêu chuẩn quan trọng trong việc chọn các người đứng đầu các cộng đoàn. Phải có kiến thức, biết người, biết ta, biết vấn đề, phải có tài, nhất là phải có sự khôn ngoan do ơn Chúa Thánh Linh.

Trong đối thoại, nhiều khi có thương lượng. Và trong thương lượng thường có tương nhượng. Nhưng có những tương nhượng, nếu được thực hiện sớm sủa đúng lúc và với tư thế chủ động, thì sẽ không bị coi là những nhượng bộ của kẻ kém vế, mà trái lại, sẽ được coi là những sáng kiến của kẻ chủ động, nắm trước nhiều lợi thế lớn hơn.

Rồi đây, Hội Thánh Việt Nam sẽ phải đối thoại với nhiều chủ nghĩa khác với Chủ Nghĩa Xã Hội, nhất là với các tôn giáo mạnh. Ðề tài đối thoại sẽ không phải là những điều phải tin, mà là các giá trị đạo đức. Cách đối thoại sẽ không phải là tranh luận, mà là làm chứng bằng đời sống. Chủ nghĩa nào, đạo nào có những người của mình toả sáng về lương thiện, công bình, bác ái, khiêm nhu, đạo đó, chủ nghĩa đó sẽ được đánh giá cao.

Một kiểu đối thoại như thế có thể sẽ gây nên những bất ngờ to lớn.

 Một Hội Thánh Tin Mừng

Từ vài năm nay, khi tình hình mở ra, nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam đã có bộ mặt mới. Nhiều xây cất mới, nhiều lễ lạc lớn, nhiều tài liệu học hỏi hơn trước, nhiều cuộc đào tạo hơn trước, nhiều của cải hơn trước, nhiều hình thức dấn thân hơn trước. Tại nhiều nơi, các sinh hoạt tôn giáo nối tiếp nhau suốt tuần, suốt tháng, nhộn nhịp, giòn giã.

Bầu khí tôn giáo đúng là vui hơn trước. Nhưng trong bầu khí vui vẻ đó, Hội Thánh có Tin Mừng không?

Tôi hiểu Tin Mừng là Ðức Kitô, Ðấng cứu độ loài người.

Nếu thế thì câu trả lời phải rất thận trọng. Bởi vì nhiều sinh hoạt không được khởi đi từ động lực Phúc Âm, không qui chiếu về Ðức Kitô, nhất là không nhắm mục đích tham dự vào mầu nhiệm cứu độ của Ðức Kitô, Ðấng mang tên là Ðấng cứu chuộc nhân loại.

Mọi đổi mới tôn giáo phải tập trung vào Ðức Kitô, đó là đòi hỏi căn bản của Phúc Âm, của giáo huấn các tông đồ, của Công Ðồng Vatican II.

Ðể biết sự thật đó nơi ta, ta nên coi lại xem, các chọn lựa của ta có dựa trên Lời Chúa không? Nếp sống đạo của ta, các thao thức của ta có tính cách trở về với Ðức Kitô, để sống theo gương Người, và để gắn bó mật thiết với Người như cành với cây không?

Dung mạo Ðức Kitô, mà các người ngoài công giáo Á Ðông nói chung và tại Việt Nam nói riêng rất kính trọng mộ mến, đó là dung mạo một Ðức Kitô nhân hậu, hiền từ, khiêm tốn, từ bỏ mình, chia sẻ thân phận kẻ nghèo.

Họ muốn nhìn thấy dung mạo như thế qua các người tin theo Chúa, đặc biệt là qua các nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo.

Chúng ta có làm họ thất vọng không, nếu chúng ta trình bày Ðức Kitô với một dung mạo khác, vừa không đúng với Phúc Âm, vừa không đáp ứng khát vọng chính đáng của họ?

Chúng ta có làm họ nghi kỵ Hội Thánh Chúa không, nếu Tin Mừng chúng ta giới thiệu chỉ là cái tôi cá nhân hay cái tôi tập thể với chủ nghĩa anh hùng, với chủ nghĩa đắc thắng?

Rất may là hiện nay phong trào đọc Kinh Thánh, học hỏi và suy niệm Lời Chúa đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nơi. Cũng rất đáng mừng là hiện nay những cuộc đào tạo nhân sự nhắm vào sự đi sâu vào đời sống nội tâm và sự đi ra dấn thân theo gương Ðức Kitô đang được xúc tiến đó đây khắp Hội Thánh Việt Nam. Hy vọng lớn của Hội Thánh Việt Nam là ở đó.

 Một Hội Thánh phấn đấu hiện diện

Bầu khí tưng bừng của tôn giáo có nơi mới bắt đầu, có nơi đang tiếp tục, và có nơi đang giảm bớt. Bầu khí đó là rất khiêm tốn, so với Ðất Nước Việt Nam này.

Thật vậy, Hội Thánh Việt Nam chỉ là một thiểu số bé nhỏ, với khoảng 7 triệu tín hữu trong số 70 triệu rưỡi đồng bào. Hội thánh Việt Nam cũng rất bé nhỏ, so với số dân Á-Châu, hiện nay chiếm quá nửa dân số thế giới. Á-Châu qua bao thế kỷ, chưa bao giờ đã là một lục địa Thiên Chúa giáo. Hiện nay Á-Châu có hơn 100 triệu người công giáo, nghĩa là chưa tới ba phần trăm của tổng dân số Á-Châu. Rõ ràng Á-Châu có một thái độ dửng dưng đối với Công Giáo. Hầu hết các nước Á-Châu đều rất gắn bó với các tín ngưỡng truyền thống. Họ nghĩ rằng, với các tín ngưỡng truyền thống, họ có thể phát triển về mọi mặt, kể cả mặt khoa học và đạo đức, mà không cần đến Hội Thánh Công Giáo. Thực tế cho thấy nhiều nước Á-Châu giàu mạnh hiện nay như Nhật, Singapore, Ðài Loan đã có kinh nghiệm đó. Nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam dần dà rồi cũng muốn có kinh nghiệm đó.

Trong một tình hình mà thái độ dửng dưng trở nên mạnh, Hội Thánh Việt Nam, nếu không khéo phấn đấu sẽ bị đẩy dần vào hệ thống “vắng mặt”. Sẽ bị vắng mặt trong nhiều cơ quan, sẽ bị vắng mặt trên các phương tiện thông tin báo chí, đài truyền thanh, truyền hình, sẽ bị vắng mặt trong nhiều hội nghị, v.v... Nếu Hội Thánh Việt Nam tự mình cũng lại chủ trương vắng mặt, co cụm lại, thì chắc chắn không phải vì thế mà phá được thái độ dửng dưng đối với Hội Thánh Việt Nam. Kết quả là đã dửng dưng càng dửng dưng thêm.

Vì thế cần phải phấn đấu bằng cách sống sao cho thật tốt, có nhiều khả năng phục vụ, có nhiều đức tính cao đẹp khả dĩ băng bó được những vết thương cho dân tộc. Phấn đấu bằng cách có giầu bản sắc dân tộc được phong-phú-hoá bởi các giá trị Phúc Âm. Nhất là bằng cách tha thiết nguyện xin Chúa ban cho chúng ta một trái tim giống như Ðức Kitô, hiền lành khiêm tốn và nhân hậu.

Long Xuyên, tháng 7/1994