Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Kinh nghiệm về tâm lý giới trẻ

Tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi học được một số kinh nghiệm về tâm-lý giới trẻ. Tâm lý này đang chuyển biến. Những chuyển biến tâm lý giới trẻ sẽ ảnh hưởng nhiều đến tương lai đời đạo, nơi bản thân họ và trên quê hương. Trong cái nhìn đó, tôi xin chia sẻ một vài chi tiết về kinh nghiệm giới trẻ của tôi. Những kinh nghiệm này là những gợi ý khiêm tốn cho giáo dục và mục vụ.

 1/ Giới trẻ hôm nay có khuynh hướng quan tâm tìm kiếm những gì có thể giúp họ phát triển con người họ và đời sống họ, hơn là quan tâm xem xét cái gì đúng cái gì sai

Không phải họ coi thường các hệ thống luật lệ đạo đời. Nhưng trên thực tế, họ quan-trọng-hoá tối đa việc phát triển con người họ và đời sống họ. Theo họ, gọi đó là quyền lợi hay là bổn phận cũng được.

Phát triển, để có thể thành công trong cuộc sống, để không thua kém bạn bè, để có hạnh phúc theo sở thích, để đền ơn đáp nghĩa gia đình, đất nước.

Ham muốn phát triển là chính đáng và rất mạnh. Nó là một động lực tâm lý. Từ đó họ muốn bung ra, vươn lên, xoay xở. Bằng đủ cách trong tầm tay. Nhiều khi không phân biệt đúng sai.

Hầu hết nhắm tới thành công, trước khi nghĩ tới thành nhân. Nhiều người lại muốn thành công dễ dàng, sớm sủa.

Có những tham vọng đúng đắn. Không ít trường hợp, ước vọng chỉ là ảo tưởng, đôi khi bệnh hoạn.

Trong việc phát triển, muốn cho cái đúng cái sai đạo đời được giới trẻ chấp nhận và nội-tâm-hoá, tất nhiên phải chứng minh. Nhưng chứng minh bằng lý lẽ mà thôi sẽ không đủ thuyết phục. Họ có khuynh hướng lựa chọn những gì kinh nghiệm xung quanh và bản thân họ cho là đúng.

Nhưng kinh nghiệm vốn có tính chủ quan. Ngay nội dung phát triển và cách phát triển cũng chẳng được mọi người suy nghĩ và cảm nghiệm như nhau. Nơi người này, phát triển có nghĩa là kiếm được nhiều tiền của. Nơi người nọ, phát triển lại có nghĩa là nếm được nhiều lạc thú, là biết nói năng tỏ ra mình quan trọng. Nơi người khác, phát triển phải có nghĩa là có văn hoá hơn, có đạo đức hơn, v.v... Vì thế, trong một thời điểm đề cao phát triển với đủ thứ mời mọc, giới trẻ nếu không được hướng dẫn đúng, sẽ dễ rơi vào lối sống tự do quá trớn, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ.

Với một tâm trạng tự hào với lối sống đó, và với những bước đi tự đắc theo một nhịp độ không còn kiểm soát nổi, một số ít người trẻ sẽ mau quay lưng lại quá khứ đời đạo khuôn khổ. Họ muốn tự chọn những gì họ thích. Cả những giá trị truyền thống đã được chọn sẵn cũng bị tương-đối-hoá theo cái nhìn mới.

Chính tại chỗ đó, sẽ xảy ra khủng hoảng về quyền bính. Ðồng thời cũng tại nơi đó sẽ xảy ra những khủng hoảng về văn hoá và tôn giáo do các loại phát triển sai trái gây ra.

Tôi có cảm tưởng là hiện nay, nhiều nhà hoạt động tôn giáo đã thấy trước được những khả năng đáng ngại ấy, nên đang để ý nhiều đến việc phát triển con người giới trẻ, với một kế hoạch quân bình, có bề sâu và có chiều cao, có tính Hội Thánh và có tính Dân Tộc, nắm vững những nguyên tắc khách quan và cũng kính trọng những kinh nghiệm chủ quan. Làm thế, không phải để kéo giới trẻ gắn bó với các ngài, nhưng là để họ được chuẩn bị tốt cho việc đón nhận Nước Trời, cho dù các ngài rồi sẽ phải nhỏ đi, như Thánh Gioan Tiền Hô đã nói.

 2/ Giới trẻ hôm nay dễ bị thu hút bởi mô hình người dễ thương, hơn là mô hình người thánh, người hùng

Họ vẫn kính người thánh. Họ vẫn trọng người hùng. Nhưng họ chạy theo những người dễ thương. Người dễ thương của giới trẻ không hẳn phải là thánh, cũng không hẳn phải là hùng. Nhưng nơi họ vẫn có cái gì đó là giấc mơ của giới trẻ. Giấc mơ nhỏ bé thôi, nhưng là giấc mơ đẹp. Ðẹp ở nét tươi mát cho cuộc sống đời thường.

Thần tượng của giới trẻ bao giờ cũng phải có nét dễ thương. Họ có nhiều thần tượng. Thần tượng của giới trẻ nông thôn khác thần tượng của giới trẻ thị thành. Thần tượng của nhóm này khác thần tượng của nhóm khác. Có nghĩa là các thần tượng được tạo hình một phần lớn do ảnh hưởng môi trường, và các điều kiện tiếp cận.

Tình hình tiếp cận nay mỗi ngày mỗi tiến bộ. Hằng đêm, qua các đài truyền hình, từng chục hình ảnh dễ thương ung dung đi vào từng gia đình, trong một bầu khí thân mật nhất. Hằng ngày, khắp nơi, qua các sản phẩm và các con người, vẫn sôi nổi những thị trường hình ảnh dễ thương, mới mẻ.

Trong nền văn minh thị trường, người ta cạnh tranh nhau ở cái dễ thương. Khéo tạo nên cái dễ thương, để dễ bán, dễ mua, để mở rộng ảnh hưởng.

Nếu đúng như thế, thì đây sẽ là một vấn đề khó cho việc giáo dục nói chung và cho việc huấn luyện đức tin nói riêng.

Khó ở chỗ phải tìm cách trình bày các chân lý thế nào để cho dễ thương, mà không phản bội nội dung chân lý. Bởi vì có những chân lý Phúc Âm chẳng dễ thương gì lắm theo tính tự nhiên loài người, như mầu nhiệm thánh giá, và các điều kiện của Tám mối phúc.

Rồi khó ở chỗ phải tìm cách huấn luyện giới trẻ, để họ biết đón nhận và thực thi toàn bộ chân lý cứu độ, chứ không chỉ nhận và giữ những gì họ thích và cho là dễ thương.

Rồi còn khó ở chỗ phải làm thế nào, để chính người rao giảng chân lý cứu độ, mặc dầu đã làm hết sức mình để sống dễ thương, cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận bị chê là khó thương, để trung thành với sứ mạng bảo vệ chân lý.

Những cái khó tôi vừa kể hiện nay chưa xuất hiện nhiều. Tôi hy vọng tương lai không đến nỗi trầm trọng, nếu vẫn tiếp tục duy trì được não trạng tôn trọng nề nếp như truyền thống.

Hơn nữa, dù trong những hoàn cảnh có nhiều xáo trộn, tôi thấy đa số các bạn trẻ cho tới bây giờ vẫn nhận thức về mô hình người dễ thương một cách thực tế và tương đối đúng đắn. Ðối với họ, kẻ dễ thương là kẻ yêu đời. Yêu đời là yêu toàn bộ cuộc đời, với những khía cạnh tươi vui và với cả những khía cạnh bi đát của nó. Yêu đời là yêu mọi người đã góp phần xây dựng đời mình. Yêu đời là yêu Ðất Nước này đang có mặt trong máu xương mình. Yêu đời là yêu việc bổn phận mình, là phấn đấu cho đời mình và đời những kẻ thuộc về mình được tốt đẹp hơn. Tôi cho rằng chỉ thế thôi cũng dễ thương lắm rồi, và nếu thực sự trung thành với mô hình dễ thương đó một cách sáng suốt can đảm và kiên trì, người ta cũng đã bước sang mô hình người hùng, người thánh rồi đó.

 3/ Giới trẻ hôm nay mang tâm trạng bất ổn hơn là ổn định

Kẻ ở vùng quê có khuynh hướng bỏ quê ra thị, tỉnh, thành. Kẻ ở thị, tỉnh, thành cũng phải chạy ngược chạy xuôi để tìm chỗ học, và để kiếm công ăn việc làm. Xem ra bất ổn.

Ðiều đáng nói ở đây là lớp trẻ có nhiều thao thức mới. Họ bén nhạy với những gì là mới. Họ thích mới. Sự kiện đó làm cho họ không yên.

Ở điểm này, họ khác với người lớn tuổi. Người lớn tuổi dễ có khuynh hướng không ưa thay đổi. Vì thích ổn định, và vì lo ngại, nếu thay đổi, lỡ ra sẽ phạm lỗi lầm. Khuynh hướng đó không phải là xấu. Nhưng nếu vì thế cứ khư khư bảo vệ cái ổn định phải là cái cố định, thì làm sao tiến bộ được. Một cuộc đời không chấp nhận tiến bộ và không phấn đấu tiến bộ đã là một lỗi lầm lớn rồi. Còn người trẻ thì khác. Họ dễ nôn nao trước những cái mới nhiều khi một cách quá đáng.

Trên đường đi gặp gỡ những cái mới mẻ, giới trẻ thường không đi một mình. Họ thích đi với những người khác. Họ muốn có những điểm tựa. Ðiểm tựa của họ là gia đình, nhà trường, các nhóm bè bạn, các đoàn thể xã hội, tôn giáo, những cá nhân mà họ tin tưởng.

Tôi thấy rằng lúc này hơn lúc nào hết, giới trẻ rất muốn tựa nương. Họ muốn có điểm tựa. Họ đi tìm điểm tựa. Ai đáp ứng được khát vọng đó là nắm bắt được hy vọng cho tương lai Tổ Quốc và Hội Thánh.

Ðiểm tựa ở đây không nhắm mục đích kiểm soát và chế ngự giới trẻ, nhưng nhắm mục đích đồng hành với họ, giúp họ có những bước đi đúng đắn và hữu ích trong một tình hình bất ổn.

Trong tình hình bất ổn, người trẻ thích sáng tạo những giải đáp cho các vấn đề. Nếu không ai giúp họ, họ sẽ tự mình chọn lấy những gì họ sáng tạo. Chính chỗ này cũng đã gợi ý cho chúng ta thấy, ai muốn là điểm tựa của giới trẻ thì phải thế nào để được họ tin tưởng.

Kinh nghiệm cho tôi thấy các điểm tựa được giới trẻ tin tưởng đều là những người đạo đức thông minh và khôn ngoan, có uy tín về những kiến thức cũ mới, cũng như giầu kinh nghiệm đa dạng về cuộc đời.

Người trẻ bây giờ hay suy nghĩ từ các sự kiện, chứ không từ những nguyên tắc bất biến. Các sự kiện mà họ quan tâm là những gì xảy ra trong cuộc sống lúc này, nơi bản thân họ, trên quê hương và trên thế giới. Qua các luồng thông tin hằng ngày, họ biết rất nhiều sự kiện. Từ chuyện Siđa, tham nhũng, tội ác, cho đến chuyện giá cả, tình yêu, thể thao, văn hoá, nghệ thuật. Từ chuyện địa phương, cho đến chuyện Nước và quốc tế. Từ chuyện đời cho đến chuyện đạo. Hằng ngày hằng đêm vẫn có những trận mưa tin tức đổ xuống. Họ phải bơi lội trong những dòng sự kiện thăng trầm phức tạp, để sinh tồn và để phát triển. Có những loại sự kiện dễ trôi đi. Nhưng có những sự kiện cứ ở lỳ đó, như những thách đố, đòi họ phải giải đáp.

Một tình hình như trên không thể không làm cho tâm trạng người trẻ bồn chồn bất ổn. Nhưng nhờ mối tương giao chân thành với các điểm tựa có uy tín, giới trẻ tập sống trưởng thành giữa những bất ổn không sao tránh được. Họ sẽ trưởng thành về mặt sáng suốt lượng giá các sự kiện, không dựa vào dư luận khen chê, nhưng dựa vào lương tâm ngay chính, một lương tâm được huấn luyện thường xuyên sống chiều sâu với các chân lý mạc khải, nhất là một chiều sâu với sự gặp gỡ thân mật chính Ðức Kitô là Ðấng Cứu Chuộc loài người. Họ sẽ trưởng thành, nhất là về mặt khiêm nhường công bình bác ái, biết hoà mình, thứ tha, bao dung, dấn thân phục vụ, trở thành dụng cụ bình an của Chúa.

ù

Ba kinh nghiệm trên đây giúp tôi hiểu phần nào lý do thành công của nhiều nhà truyền giáo hiện nay trên Ðất Nước Việt Nam này. Qua chính cuộc sống thực tế của các ngài, các ngài đã giới thiệu Hội Thánh Công Giáo như một kẻ chuyên lo phát triển con người và đời sống, như một kẻ dễ thương, như một điểm tựa có uy tín. Nếu nhờ vậy mà từng triệu đồng bào Việt Nam ngoài Công Giáo nói chung và bao người trẻ Việt Nam nói riêng đã có một cái nhìn thiện cảm đối với Hội Thánh Công Giáo, thì kết quả đó phải kể là rất lớn, thật đáng mừng cho việc truyền giáo và cho việc xây dựng tình đoàn kết dân tộc. Thiết tưởng đây cũng là một góp phần có ý nghĩa vào hội nghị giới trẻ Công Giáo toàn cầu sẽ diễn ra tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ, trung tuần tháng tám năm nay.

Long Xuyên, tháng 8/1993