Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Suy nghĩ về mục vụ thời hậu cấm vận

Trước mắt tôi là hai bài báo trích từ mấy tạp chí xuất bản ở nước ngoài. Một bài của một tôn giáo không phải là Công giáo. Một bài của một giáo phái gốc Thiên Chúa giáo. Cả hai nội dung đều phác hoạ kế hoạch hoạt động tôn giáo tại Việt Nam thời hậu-cấm-vận. Kế hoạch nào cũng nhắm mục đích mở rộng tôn giáo của mình.

Ðáng chú ý là những hướng đi mới như:

- Không xây cất cơ sở vật chất, nhưng lặng lẽ đào tạo nhân sự.

- Không mở lễ hội ồn ào, nhưng âm thầm mở rộng màng lưới từ thiện xã hội.

- Không phổ biến tôn giáo trong các nơi thờ tự, nhưng nói chuyện về tôn giáo trong các gia đình và trên sách báo.

- Không giới thiệu tôn giáo như một quyền lực và bằng quyền lực, nhưng như một tình thương và bằng các việc tình thương.

Ðọc các kế hoạch đó, tôi thấy có sự nhạy bén nắm bắt tình hình và có sự thông minh chọn lựa cách sử dụng tiền bạc để hoạt động tôn giáo trong một thời điểm rất phức tạp.

Có thể nhiều cộng đoàn tôn giáo khác cũng đã nghĩ tới thời hậu-cấm-vận, và cũng đã có nhiều phương án được phác hoạ. Tôi mong muốn được học hỏi những phương án ấy.

Nơi tôi, mọi phương án mục vụ thời mở ra, đều được thai nghén từ nhận định sau đây:

Sự tự do và tiền bạc có thể trở thành phương tiện tốt cho việc truyền giáo, nếu người truyền giáo có sức khoẻ tâm hồn và sức khoẻ mục vụ.

 Sức khoẻ tâm hồn

Tôi hiểu sức khoẻ tâm hồn là khả năng tâm hồn đón nhận các giá trị đạo đức, nhất là biết đón nhận sự sống Thiên Chúa, để mình được đổi mới, nên người tốt, có khả năng hiệp thông với Chúa và đoàn kết với tha nhân.

Hình ảnh sau đây giúp dễ hiểu. Cây nho có nhiều cành. Cành nào đón nhận được nhiều nhựa sống từ thân cây, tiếp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ môi trường, chia sẻ được dễ dàng với các cành khác, cành đó là cành khoẻ. Cành nào không đón nhận được gì, hoặc đón nhận được ít, hoặc không chia sẻ được sự sống với các cành khác, cành đó là cành bệnh.

Tương tự cũng thế. Các giá trị đạo đức và sự sống Thiên Chúa được ban tặng cho tôi từ trong tôi và từ ngoài tới. Nếu tôi nhận được nhiều, chia sẻ được nhiều, đó là dấu tâm hồn tôi khoẻ mạnh. Nếu ngược lại, đó là dấu tâm hồn tôi bệnh hoạn.

Không bao giờ tôi dám cho mình là khoẻ mạnh tâm hồn. Bởi vì tôi có thể giống như những người thành Nagiarét xưa, ở chỗ không đón nhận được Tin Mừng. Họ thấy Ðức Kitô trước mắt, nghe tiếng Ðức Kitô bên tai, chạm đến Ðức Kitô bằng xương bằng thịt. Thế nhưng, họ không nhận ra Ngài là Tin Mừng cứu độ.

Họ chứng kiến các việc Ngài làm, thế nhưng họ không nắm bắt được các tín hiệu về Nước Trời trong các việc đó.

Tôi cũng nghĩ rằng: Tôi cũng giống như thánh Phêrô xưa về mặt không đón nhận được ý Chúa. Ngài được chọn làm đầu Hội Thánh, sống bên cạnh Ðức Kitô, thế mà có lúc ngài đã không đón nhận nổi kế hoạch cứu độ của Ðức Kitô, khiến Ðức Kitô phải mắng ngài là “Satan”.

Tôi cũng đã từng kinh nghiệm thấm thía lời thánh Phaolô nói: “Ðiều tôi muốn thì tôi không làm. Ðiều tôi không muốn thì tôi lại làm”.

Một hôm, trên chiếc phà Mỹ Thuận, giữa đám đông chen chúc, một người lạ mặt đứng cạnh nói với tôi: "Xin lỗi, tôi coi chú có vẻ giống ông cha nhà thờ?" Tôi thưa: "Phải, tôi là ông cha nhà thờ." Người lạ tiếp: "Chú ơi, rồi đây mọi tôn giáo đều sẽ mất, chỉ có ma giáo là còn."

Tôi cho đó là một lời nói đùa. Nhưng lời nói đùa ấy đã gợi cho tôi nhớ tới tên ma giáo số một là Satan. Xưa, Satan đã cám dỗ Ðức Kitô trong sa mạc. Nó khôn khéo đề nghị Ðức Kitô dùng quyền lực kinh tế, chính trị, thần thánh để làm sáng danh Thiên Chúa. Nhưng Ðức Kitô đã từ chối. Ngài đã thắng tên ma giáo Satan.

Nay Satan vẫn tiếp tục cám dỗ các người theo Ðức Kitô. Chúng ta có thắng nó không? Phải nhận là không luôn luôn thắng. Hơn nữa nhiều lúc chúng ta không những không thắng mà còn có vẻ mong muốn được thua, nhất là khi kẻ cám dỗ lại là “Thần tài” và “Thần tự do”.

Do đó, tôi nghĩ rằng kẻ ma giáo đáng ngại nhất chính là cái tôi phàm tục vẫn mai phục trong con người mỗi cá nhân chúng ta. Khi nó được hỗ trợ tích cực bởi thần tự do và thần tài, nó sẽ vùng lên rất mạnh. Như Chúa Giêsu đã dạy và đã làm gương, ta chỉ thắng được nó, chỉ huy được nó nếu ta có sức khoẻ tâm hồn, một sức khoẻ được tôi luyện bởi cầu nguyện, chay tịnh và tinh thần sa mạc.

 Sức khoẻ trí khôn

Tôi hiểu sức khoẻ trí khôn là khả năng trí khôn đón nhận các sự thực bất cứ từ đâu tới, biết tiêu hoá chúng, biết biến đổi chúng thành văn hoá con người.

Xin tạm đưa ra ví dụ con tằm. Con tằm nào ham ăn dâu, mau tiêu hoá, mau nhả tơ, con tằm đó là con tằm khoẻ. Con tằm trái ngược là con tằm yếu.

Với hình ảnh đó, tôi nhớ lại cách rèn luyện trí thức của mấy thầy dạy tôi. Ðể hướng dẫn tôi làm luận án, các ngài đã hỏi tôi đôi ba điều:

- Một là xác định đề tài với một nội dung tự hạn chế rõ.

- Hai là đệ trình các sách tham khảo, phải ít là trên vài chục tên sách.

- Ba là phải có những suy nghĩ riêng, độc lập.

Cách làm việc trên đây buộc tôi phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, để có những phân tích và lựa chọn đúng.

Cách làm việc đó nay đang trở nên thông thường đối với trí thức.

Năm rồi, tôi được mời tham dự một cuộc họp của Uỷ ban Mục vụ phụ trách ngoại kiều thuộc Hội đồng Giám mục Pháp. Sau bản thuyết trình, mỗi thành viên tham dự được mời phát biểu. Mỗi phát biểu không dài quá 10 phút. Phần lớn, các phát biểu đều có 3 phần: Một phần kể ra các ý kiến thu thập từ các sách báo và từ các nguồn thông tin khác về khía cạnh nào đó của vấn đề đang thảo luận. Một phần là những kinh nghiệm riêng. Một phần là kết luận vừa qui chiếu vào các nguyên tắc, vừa dựa trên thực tế các sự kiện phản ánh tâm lý, xã hội, kinh tế, khoa học, chính trị, môi trường. Phải chính xác, mạch lạc, vắn gọn. Cách làm việc trên đây rất khác với một lối làm việc trí thức xưa kia, hay đề cao việc thông hiểu các nguyên tắc, rồi từ đó phán ra, bất cần thực tế các sự kiện hoàn cảnh.

Dựa theo lối làm việc đã được học, để suy nghĩ về vai trò tự do và tiền bạc trong Hội Thánh khắp nơi, tôi tìm đọc các sách báo phản ánh tình hình đạo đức trong các thời điểm, nhất là trong thời điểm gần đây. Các thông tin đó cho thấy tiền bạc và tự do là thuốc bổ cho nhiều hoạt động tôn giáo. Nhưng tại nhiều nơi, chúng đã là thuốc độc làm suy yếu đức tin và làm biến dạng nếp sống đạo đức. Lý do là vì không có sự cân đối giữa các hướng phát triển. Mặt vật chất thì phát triển mạnh và mau. Mặt tinh thần thì phát triển yếu và chậm, nhiều khi lại thụt lùi. Kinh tế thì được đề cao, giáo dục thì bị xếp vào hàng thứ yếu, để rồi văn hoá với các giá trị truyền thống dần dà biến dạng thành một thứ văn hoá đề cao hưởng thụ.

Trong một tình hình như vậy, trí khôn con người không dễ nhận ra đâu là cái đúng, cái phải, đâu là cái sai, cái trái. Giữa sự thực và sự không thực hầu như không còn ranh giới, hay chỉ là những ranh giới tuỳ tiện.

Lúc đó, người truyền giáo phải là người say mê sự thực, biết tôn trọng các sự thực, bén nhạy với các sự thực, biết cởi mở đón nhận các sự thực mới, dù xa lạ đối với mình, và đặc biệt phải là người hăng hái làm chứng cho những gì là sự thực.

Một người có trí khôn ham mộ sự thực và thao thức với nền văn hoá của chân lý như thế sẽ thích dùng tiền bạc và tự do, để nâng cao dân trí, phát triển giáo dục. Họ không là loại người dễ dàng xài tiền bạc và tự do một cách phí phạm, ấu trĩ và tai hại.

 Sức khoẻ mục vụ

Tôi hiểu sức khoẻ mục vụ là khả năng nhìn xa thấy rộng, biết có những chọn lựa khôn ngoan trong việc chăm sóc đoàn chiên.

Một câu chuyện gợi ý. Hôm đó, thánh Phêrô và thánh Gioan vào thành Giêrusalem, đến cửa tên là Cửa Ðẹp, các ngài gặp một người bất toại ăn xin. Thánh Phêrô nói với người đó rằng: "Tiền bạc chúng tôi không có. Cái gì chúng tôi có thì chúng tôi cho. Vậy, nhân danh Ðức Kitô bạn hãy đứng dậy." Rồi ngài cầm lấy tay người bất toại, nâng anh đứng lên. Anh ta được lành mạnh, tự mình đi lại được, tự mình nhập vào cuộc sống xã hội, tự mình đối thoại được với các thượng tế và pharisêu.

Tôi coi việc làm trên đây của thánh Phêrô là một hình ảnh đẹp của sức khoẻ mục vụ.

Sức khoẻ mục vụ của ngài không phải là tiền bạc, nhưng là niềm tin tuyệt đối vào Ðức Kitô, và là tình thương vô biên dành cho kẻ khổ đau.

Sức mạnh mục vụ của ngài không phải là khả năng bao bọc và làm thay cho người bất toại, nhưng là giúp anh đứng lên, rồi tự mình anh bước đi, tự mình anh biết xoay xở ứng phó với từng hoàn cảnh cuộc sống.

Từ gương sức khoẻ mục vụ trên đây của thánh Phêrô, tôi thấy mục vụ của tôi và của nhiều môn đệ Chúa hôm nay còn yếu. Yếu ở chỗ mục vụ của ta còn quá lệ thuộc vào các phương tiện trần thế, như tiền bạc, tự do. Như thể hễ không có tiền bạc và tự do thì mục vụ sẽ hoàn toàn bế tắc. Tôi nghĩ rằng các phương tiện đó là cần thiết ở một mức độ tương đối nào đó. Cái tuyệt đối cần, chính là đức tin. Ðức tin mà Chúa đòi nơi ta là một đức tin mạnh của Apbraham, của Ðức Mẹ, của thánh Phêrô. Tin tuyệt đối, tin vô điều kiện, tin chắc chắn vững vàng vào lời Chúa, dù trước mắt, xung quanh chỉ toàn là bóng tối, và dù trong bóng tối ấy phải bước trên sóng biển mà đi.

Mục vụ của ta cũng còn yếu ở chỗ hoạt động của ta thường quá tập trung vào cái khung giữ đạo, chứ chưa quan tâm đủ đến việc cầm tay kẻ đau khổ bất lực, giúp họ đứng lên, bước ra khỏi cảnh mặc cảm, cảnh bị loại, cảnh dốt nát, cảnh khốn cùng.

Mục vụ của ta còn yếu, ở chỗ mọi sinh hoạt của ta, không thực sự là hoàn toàn nhân danh Ðức Kitô, mà thực sự đôi khi cũng vì mục đích kinh tế, xây dựng uy tín, phô trương quyền lực.

Mục vụ của ta cũng còn yếu, ở chỗ chưa làm cho nhiều người của ta được trưởng thành, tự mình bước đi được một cách hiên ngang giữa cuộc đời đổi mới, chưa tự mình đối thoại được một cách đạo đức và khoa học với xã hội tự do và tiền bạc.

Chăm sóc ba loại sức khoẻ trên đây, đó cũng là điều Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi trong tông huấn “Pastores dabo vobis”.

Thiết tưởng tông huấn này chính là một tài liệu quý giá giúp chúng ta thực hiện việc tân-Phúc-Âm-hoá thời hậu-cấm-vận.

Long Xuyên, tháng 10/1993