Đức cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Giáo Hội Việt Nam : Tinh thần hoà giải là dấu chỉ một tín hữu tốt

Dịp các Ðức Cha sang Toà Thánh, là dịp tốt nhất để có một số liệu tương đối chính xác về số người Công giáo của từng giáo phận. Cộng tất cả, thì tổng số người Công giáo hiện nay tại Việt Nam là vào khoảng 4 triệu người.

Với 4 triệu người trong tổng số 65 triệu dân, Giáo Hội Việt Nam là một thiểu số bé nhỏ. Lượng là thế, còn phẩm thì sao? Dĩ nhiên mình cho là mình tốt, với mức tương đối cao. Nhưng với hơn 60 triệu người đồng bào ngoài Công giáo có đánh giá Giáo Hội Việt Nam ta như ta tự đánh giá không. Còn nếu theo dư luận thu lượm được từ các tiếp xúc thì có khen, có chê, có thiện cảm, và có nhiều dửng dưng bất cần.

Dư luận chung quanh cho rằng: Công giáo Việt Nam rất tốt ở chỗ đông người đi lễ, nhiều người thuộc kinh, và dễ qui tụ theo một nề nếp có sẵn, được tổ chức chặt chẽ, vững vàng. Ðang khi đó, Công giáo Việt Nam lại rất bị chỉ trích về tinh thần công bình bác ái. Mà nếu tinh thần công bình bác ái lại được coi là một tín hiệu có sức lôi kéo người ta đến với Ðức Kitô, thì ta phải nghĩ sao đến những cộng đoàn dễ an tâm và hãnh diện với thói quen đi lễ đọc kinh đông nhưng lại đứng nhất nhì về chuyện trái đức công bình bác ái? Không thiếu cộng đoàn đúng là như thế, và nếu thói quen suy nghĩ đó đã trở thành một não trạng, một cơ chế, thì còn gì là bản chất đạo Công giáo, và làm sao đạo Công giáo có thể được đồng bào ngoài Hội Thánh nhìn nhận là một ngôi sao dẫn đường về Thiên Chúa được?

Ở đây, tôi nhớ tới một ý của Simone Weil: Người thời nay đánh giá đức tin kẻ có đạo không ở thái độ và lời nói của người đó đối với Chúa, mà là thái độ và lời nói của người đó đối với người khác.

Ở đây, tôi cũng nhớ tới một đoạn trong bản Tuyên ngôn của Hội nghị VII Hội đồng các giáo phận Á Châu (CCA): “Tại Á Châu đang nảy sinh một tình trạng mới của tinh thần, đó là sự thức tỉnh của quần chúng. Một lịch sử mới đang được viết ra trong thời đại chúng ta. Những điểm chính của lịch sử không còn là những cuộc chiến thắng và nhờ khám phá của các quyền lực, nhưng là những hoạt động sâu rộng của tinh thần con người, cũng như sự liên đới giữa các người trong dân chúng với nhau”.

Nếu để ý theo dõi tình hình tại Việt Nam, chúng ta cũng phải thấy một sự thức tỉnh của quần chúng đang trở thành một sức mạnh tinh thần mỗi ngày mỗi lớn mạnh. Quần chúng Việt Nam hôm nay đang đọc lịch sử hôm nay với cái nhìn mới.

Theo tôi thấy, thì đồng bào Việt Nam hôm nay cũng rất mong muốn và hoan nghênh những hành động sống tình thương như Ðức Kitô, nhưng đâu là những dấu chỉ sống động cộng tác vào ơn mạc khải của Chúa? Hội Thánh phải là dấu chỉ, mỗi cộng đoàn đức tin phải là dấu chỉ. Nhưng trên thực tế, dấu chỉ đó chưa được rõ nét. Tôi không có tham vọng được thấy ở Giáo Hội Việt Nam nhiều dấu chỉ rực sáng như Mẹ Têrêsa Calcutta, nhưng tôi khát mong ít là các giáo sĩ, tu sĩ và các tông đồ giáo dân quyết tâm rèn luyện chính mình và đào tạo những kẻ thuộc về mình theo gương Mẹ Têrêsa. Ðó là ngôi sao Phúc Âm đích thực.

Trong bài diễn văn đọc trước Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 29/11/1990, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II quả quyết: “Không ai có thể nghi ngờ rằng người Công giáo không thật sự sẵn sàng hiến thân phục vụ các người nghèo khổ, các người xấu số, các bệnh nhân, trong viễn tượng một xã hội có công lý, tình yêu thương, và nền thịnh vượng”. Lời khẳng định trên đây của Ðức Thánh Cha là một lời khen và là một lý tưởng.

Nhưng cách đây ít ngày, tôi đã nghe một số người cả Lương lẫn Giáo phát biểu là họ thật sự nghi ngờ về lòng bác ái công bình của người Công giáo Việt Nam đối với những kẻ mình không ưa, kể cả không ưa chỉ vì lý do khác quan điểm, khác gốc gác, và vì những thành kiến hẹp hòi. Cách trả lời tốt nhất cho những nghi ngờ như thế là hãy tỏ ra mình thực sự công bình bác ái qua những việc làm và thái độ cụ thể.

Một trong những việc cụ thể, mà Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong bài diễn văn trên, là việc hoà giải. Ngài nói: “Ước gì các tín hữu luôn luôn hành động cho việc canh tân Giáo Hội và xứ sở họ, trong tinh thần hoà giải giữa các người Công giáo tại những nơi cần đến hoà giải, giữa người Công giáo và những người đồng hương thuộc các tín ngưỡng khác nhau tại những nơi còn có những chống đối gay gắt. Ðừng để lại một sự cắn đắng nào giữa anh chị em của một dân tộc. Tất cả mọi người hãy cởi mở tâm hồn tiếp theo giáo huấn mới mẻ của Phúc Âm, và tiến đến hy vọng về một thế giới được hoà giải trong bình an”.

Tôi cảm tạ Ðức Thánh Cha đã nói lên ý đó. Ðây là những lời nhắc nhở ân cần có liên hệ mật thiết đến mục vụ tại Việt Nam lúc này. Tôi nghĩ rằng đã đến thời điểm mà tinh thần hoà giải sẽ được coi là dấu chỉ của một tín hữu tốt. Ðã đến thời điểm, mà một giáo sĩ thiếu tinh thần hoà giải sẽ bị coi là phản chứng, phản lại Phúc Âm và phản lại Hội Thánh.

Sự hoà giải đích thực phải xuất phát từ lòng trung tín trưởng thành đối với Ðức Kitô và Phúc Âm Người, và từ lòng trung tín trưởng thành đối với Tổ quốc Việt Nam, cũng như từ lòng trung tín trưởng thành đối với mọi sự thực.

Long Xuyên, ngày 2/2/1991