Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Làm chứng cho Chúa

Trong một buổi chia sẻ giữa những người tĩnh tâm, một bà đứng lên kể một câu chuyện nhỏ mới xảy ra tại họ đạo của bà. Ðại khái như sau: Hôm đó, lớp giáo lý khá đông. Mấy chục em nhỏ lắng nghe cha phó giảng bài. Cha nói về thiên đàng với nhiều hình ảnh hấp dẫn. Cha đang hùng hồn nâng hồn trí lên cao, thì một em nhỏ giơ tay hỏi: "Thưa cha, cha có lên thiên đàng chưa, và cha có xem thấy những điều cha đang kể không?"

Mọi người đều cười. Tôi có mặt trong buổi chia sẻ đó. Tại Cộng Hoà Liên Bang Ðức. Một người ngoại quốc ngồi bên cạnh tôi, ghé vào tai tôi khẽ nói: "Giới trẻ bên này thích nghe những chứng nhân hơn những người giảng dạy".

Trên đây là một mẩu chuyện nhỏ, nhưng chứa đựng một bài học lớn.

Khi trao đổi với những nhà truyền giáo, tôi được các ngài cho biết: Chứng từ là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc Phúc-Âm-hoá con người thời nay. Người loan báo Tin Mừng có uy tín là người biết làm chứng về Tin Mừng bằng chính con người của mình, với những kinh nghiệm mình đã trải qua.

 Làm chứng về sự mình đã gặp gỡ Ðức Kitô

Ðọc Phúc Âm, tôi thấy Ðức Kitô hay mời gọi người ta đến gặp gỡ Người. “Hãy đến mà xem” (Ga1,39), Người chú trọng đến việc gặp gỡ.

Các trẻ em, khi gặp được Ðức Kitô, thấy Người dễ thương, chúng đã mến Người, đã tin vào Người, đã nhớ nhung Người, đã kể lại cho bao kẻ khác hình ảnh dễ mến của Người. Mặc dù lúc đó chúng chưa hiểu gì về đạo lý của Người.

Cô Madalena, người phụ nữ tội lỗi công khai, khi gặp được Ðức Kitô, thấy Người cao thượng bao dung đầy tình thương cứu độ, cô đã ăn năn trở lại, làm lại cuộc đời. Mặc dù lúc đó cô chưa đi vào những buổi giáo huấn của Người.

Kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Ðức Kitô, khi nhận ra Ðức Kitô là người lành thánh bị chết oan, đầy khiêm tốn, nhịn nhục, hiền từ, yêu thương vô vàn, ông đã tự hối, xin ơn thương xót. Mặc dù lúc đó ông rất dốt về giáo lý Phúc Âm.

Ông Saolô trên đường Ðamas, khi gặp được Ðức Kitô, thấy Người rất khác với hình ảnh mình đã có về Người, thấy Người thực là Ðấng cứu độ giầu tình yêu thương xót, ông đã được đổi mới, quyết tâm đi theo Người. Mặc dù lúc đó ông chưa rõ hết những gì Ðức Kitô đã làm và đã giảng dạy.

Bao người cũng đã và đang như vậy.

Yếu tố chính lôi kéo họ tin vào Ðức Kitô không phải đạo lý của Người, cho bằng chính bản thân Người. Họ đã được gặp Người, nên họ tin Người.

Ðối với họ, đức tin không phải chỉ là chấp nhận những giáo điều, mà cốt yếu là tin vào chính Ðức Kitô. Tin không phải chỉ là tin có Chúa, mà là tin vào Chúa. Niềm tin như thế là một gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô sống động, gần gũi, riêng tư.

Ðức Kitô trở thành trung tâm đời họ. Chính nhờ Người, với Người, trong Người, và cho Người mà họ sống và hoạt động.

Ðức Kitô lôi cuốn họ, nhưng vẫn để họ tự do đầy đủ. Làm gì, nghĩ gì, họ cũng quy chiếu về Người. Người là mẫu gương, nhưng họ rập theo mẫu gương đó bằng cả sự tự do của mình, với những sáng kiến đầy trách nhiệm.

Ði theo Ðức Kitô, họ không nghĩ đến thành công hay thất bại. Họ chỉ lo duy nhất một điều là làm sao hợp với thánh ý Chúa. Ðức Kitô là động lực thúc đẩy hiện tại, là hy vọng mời gọi của tương lai. Không có động lực nào khác. Không có hy vọng nào khác. Bởi vì trong đức tin, họ đã gặp được Người là Ðấng cứu độ của họ, là Chúa của họ.

Bằng những gì họ đã có kinh nghiệm, đã trải qua, họ làm chứng về cuộc gặp gỡ của họ với Ðức Kitô. Ðơn sơ thế thôi.

 Làm chứng về sự mình đang cùng Ðức Kitô yêu thương con người

Con người, đó là địa chỉ mà Chúa Cha đã sai Ðức Kitô đến. Ðến địa chỉ đó, không phải để luận phạt, nhưng để đồng hành, để chia sẻ, để cứu độ. Nói tắt là để chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu bao la cao cả đã yêu thương con người, đang khi con người còn chìm trong tội lỗi.

Con người, đó cũng chính là địa chỉ của mọi kẻ truyền giáo, rao giảng Tin Mừng. Họ phải làm chứng rõ ràng dứt khoát điều đó. Nhất là họ phải làm chứng rằng: Họ đến với con người, chỉ để yêu thương con người, phục vụ con người, chứ không phải để lo cho quyền lợi riêng tư nào bất cứ, hoặc của bản thân, hoặc của cộng đoàn mình.

Mặc dù có rất nhiều giới hạn, họ cố gắng hết sức mình, để bằng thái độ và việc làm, họ làm chứng là họ có thể cùng với Ðức Kitô nói lại lời xưa: “Hãy đến với tôi, hỡi tất cả những ai đang vất vả vì gánh nặng cuộc đời. Tôi sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28).

Mặc dù rất dốt nát và bé mọn, họ cố gắng hết sức mình, để qua cách sống, họ làm chứng là họ có thể cùng với tiên tri Isaia nói lại lời xưa: “Mỗi sáng, Chúa đã đánh thức tai tôi, để tôi biết lắng nghe, như những người môn đệ Chúa” (Is 50,4). Lắng nghe ở đây là lắng nghe những khổ đau, thổn thức của đồng bào, nhất là của những người bị cuộc sống loại bỏ.

Mặc dù rất nghèo khó và vụng về, họ cố gắng hết sức mình, để qua những việc làm thường ngày khiêm tốn, họ làm chứng là họ có thể cùng với thánh Phaolô nói lại lời xưa: “Chúc tụng Chúa là Cha mọi tình thương xót, là Chúa mọi niềm an ủi, Người đã an ủi chúng tôi trong mọi cơn khốn khó, và đã giúp chúng tôi có khả năng an ủi những ai đang cơn khốn khó” (2 Cr 1,3).

Trong việc yêu thương con người, điều căn bản là tình thương chân thành. Biết bao lần những cái nhìn thinh lặng, đầy thông cảm, tuy chỉ là một giây, một phút, đã trao gởi được sức mạnh nâng đỡ cho suốt cả cuộc đời.

Trong một thế giới nhan nhản những nghi kỵ, tranh chấp, thành kiến, hận thù, kẻ loan báo Tin Mừng được mời gọi làm chứng cho sự hoà giải và tha thứ theo lời Phúc Âm và gương mẫu Ðức Kitô. Cũng như họ được mời gọi làm chứng cho Lời Chúa dạy: “Ðừng xét đoán kẻo bị xét đoán” (Mt 7,1).

Sự trở về với Chúa ngự trên trời sẽ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu, nếu không được làm chứng bằng sự trở về với con người, địa chỉ gắn bó của Ðức Kitô.

 Làm chứng về sự mình nhờ ơn Chúa Thánh Thần, đã có những chọn lựa ưu tiên trong thực tế cuộc sống

Thực tế cuộc sống gồm biết bao nhu cầu như cái ăn, cái mặc, cái ở, tình gia đình, tình bè bạn, tình yêu, công ăn việc làm, học vấn, tiền bạc, chính trị, tôn giáo v.v...

Mỗi nhu cầu đều đòi được giải quyết một cách cụ thể bằng những giải pháp cụ thể. Thí dụ nhu cầu phát triển, một đề tài lớn đang được đặt ra cho thế giới nói chung, cho các nước đang mở mang nói riêng, và đặc biệt cho mọi gia đình Việt Nam hiện nay. Muốn phát triển, tất nhiên phải để ý đến nhiều vấn đề, như nhân số, môi trường sinh thái, nghề nghiệp, tiền vốn, khoa học chuyên môn, lương tâm trách nhiệm, các mối dây liên đới, độc lập tổ quốc, văn hoá dân tộc, đạo đức cá nhân và tập thể vv... Những vấn đề này cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc trên cơ sở khao học, tâm lý, xã hội và luân lý.

Còn nhiều nhu cầu khẩn cấp khác của thực tế cuộc sống đang trở thành những thách đố hàng đầu đặt ra cho đức tin người công giáo Việt Nam. Họ có muốn giải quyết những nhu cầu khẩn cấp đó không? Giải quyết cách nào? và đâu là chọn lựa ưu tiên? Ðó là điều họ phải làm chứng một cách cụ thể.

Quan sát tình hình Giáo Hội tại các địa phương, tôi thấy nhiều người đã có những chọn lựa ưu tiên, sát thực tế và hữu hiệu. Chứng tỏ họ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ơn hiểu biết và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần đã được ban cho họ, qua tinh thần cởi mở của họ trong cầu nguyện, trong việc tôn trọng học hỏi các chân lý đạo đời, và trong việc xây dựng các liên đới tình thương.

Chúa Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định” (Cv 15,28). Xưa các thánh tông đồ đã nói như thế với các giáo đoàn. Nay nhiều người cũng có thể nói như thế với Hội Thánh về những lựa chọn ưu tiên của họ. Lời họ nói được làm chứng bằng chính con người của họ, khiêm tốn học hỏi, vị tha sẵn sàng từ bỏ ý riêng mình, chỉ thao thức tìm thực thi ý Chúa trong thái độ cởi mở, lặng lẽ đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.

ù

Tới đây, thiết tưởng đã khá rõ: Người làm chứng cho Chúa cần đặt nặng chứng từ hơn là lý lẽ. Các tông đồ thời xưa đã là những người như thế. Ước chi các tông đồ thời nay cũng là những người như vậy!

Long Xuyên, tháng 9/1994