Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Chuyển biến về đạo đức

Ðịa phương ta coi như ổn định, nhưng đang chuyển biến.

Bởi vì đang có đụng chạm giữa hai nền văn minh. Một bên là nền văn minh nông nghiệp và một bên là nền văn minh công nghiệp.

Cũng đang có đụng chạm giữa hai hệ thống thế giá. Một bên là thế giá dựa trên chức vị và một bên là thế giá căn cứ trên khả năng chuyên môn.

Cũng đang có đụng chạm giữa hai loại tiêu chuẩn. Một bên là những tiêu chuẩn dân gian, quốc gia và một bên là những tiêu chuẩn khoa học, quốc tế.

Cũng đang có đụng chạm giữa hai loại đổi mới. Một bên là những đòi hỏi của quan niệm đời và một bên là đòi hỏi của quan niệm các tôn giáo khác nhau.

Cũng đang có đụng chạm giữa hai khuynh hướng đạo đức. Một bên là khuynh hướng đạo đức nhấn mạnh đến kỷ cương nề nếp tập thể và một bên là khuynh hướng đạo đức đề cao sự lựa chọn tự do của mỗi cá nhân.

Còn nhiều đụng chạm khác nữa.

Tất cả những đụng chạm ấy có thể được gọi là đụng chạm giữa các giá trị.

 Khủng hoảng về các giá trị đạo đức

Các giá trị cũ mới đụng độ nhau, cạnh tranh nhau, có nơi hoà hợp được, có nơi lấn phá nhau, trong từng cá nhân, trong từng gia đình, trong từng địa phương.

Có những dấu hiệu cho phép tiên đoán: Trong tương lai không xa, nếu không biết đề phòng, sẽ nổ ra một cuộc khủng hoảng lớn về các giá trị đạo đức trên một qui mô rộng.

Khủng hoảng có nghĩa là sẽ có thái độ dửng dưng, thái độ nghi ngờ, thái độ bất cần, thái độ tương-đối-hoá đối với mọi giá trị đạo đức.

Có nhiều lý do gây nên khủng hoảng. Xin nêu lên vài lý do dễ thấy.

Một cuộc sống nhắm lý tưởng làm giàu hơn lý tưởng làm người sẽ dần dà tạo nên một não trạng thực dụng. Suy nghĩ thực dụng và hành động thực dụng.

Thực dụng là chọn cái gì có lợi trước mắt. Cái lợi trước mắt đối với chủ nghĩa cuộc sống là tiền của, danh vọng, những gì đem lại hạnh phúc chủ quan. Lúc đó người ta sẽ quý trọng những cách sống có thu nhập cao, chứ không để ý đến những cách sống có đạo đức cao. Tiền của sẽ là giá trị cao nhất. Ðịa vị, danh vọng, tư lợi cũng sẽ là những giá trị gây nhiều thao thức hơn là những nhân đức khó nghèo, khiêm tốn, công bình, bác ái.

Trong một tình hình như vậy, nếu chẳng may các người giảng dạy đạo đức cũng thực dụng, cũng bị kẹt vào các chuyện hưởng thụ, ham mê tiền bạc, chạy theo giới giàu, tranh giành quyền lợi, lạm dụng địa vị, thì các bài đạo đức sẽ mất đi sức mạnh thuyết phục. Quần chúng sẽ giảm bớt đi niềm tin vào các điểm tựa đạo đức.

Ngoài ra, kinh tế thị trường với những cạnh tranh cũng mở ra một chân trời mới. Từ trước tới giờ, đa số dân chúng, vì ít được biết những gì xảy ra trên thế giới, nên cứ tưởng mình là khá tốt lành. Nay nhờ thấy nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều, tiếp xúc nhiều, họ nhận ra không ít cuộc sống rất khác mình, văn minh khác mình, đạo đức khác mình. Họ so sánh, và thường có cảm tình với lối sống có giá hơn theo họ nghĩ. Họ bị giằng co giữa lối sống cũ và những lối sống mới.

Cũng trong đà tiến của lịch sử, càng ngày tự do càng được công nhận là yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên nhân phẩm và đạo đức. Khi điều đó được phổ biến rộng, hầu hết mọi người, nhất là giới trẻ, sẽ khó chấp nhận một thứ đạo đức gò bó, cứng nhắc, rập khuôn, ưa ổn định, nặng về cấm kỵ, không cởi mở. Họ muốn sống đạo đức, nhưng là đạo đức theo lối sống mà họ tự chọn theo xác tín của mình.

Hơn nữa, với sự phát triển của trào lưu dân chủ và khoa học, óc phê phán cũng sẽ mạnh lên. Thích phê phán và thích nghe phê phán. Có những phê phán đúng và cũng có những phê phán không đúng. Có những phê phán để làm rõ chân lý và cũng có những phê phán chỉ nhắm bôi lọ người khác. Ðáng ngại là khi trình độ văn hoá còn thấp, thói quen phê phán sẽ dễ ngả sang hướng tiêu cực, ưa bới móc, thích đưa mình lên và hạ kẻ khác xuống. Phê phán đạo đức bằng những cách không đạo đức.

Chỉ mấy tình hình trên đây tưởng cũng đủ cho thấy khủng hoảng về các giá trị đạo đức đang được hình thành. Nó xuất phát một phần do sự xuất hiện nhiều giá trị khác biệt cạnh tranh nhau, và một phần do sự giảm bớt niềm tin đối với những người và những cơ chế giảng dạy đạo đức. Theo tôi, lý do giảm bớt niềm tin phải kể là quan trọng hơn. Nhận định này sẽ giúp chúng ta biết phải làm gì để đối phó với cuộc khủng khoảng về các giá trị đạo đức.

 Bầu khí tin cậy

Thiết tưởng việc nên làm trước tiên, là xây dựng bầu khí tin cậy, trong gia đình, trong lối xóm, trong cộng đoàn, trong các lớp giảng dạy đạo lý, trong các cuộc hội họp và tiếp xúc.

Bầu khí tin cậy là bầu khí có sức khơi dậy niềm tin đối với người dạy đạo đức và có sức lôi kéo lòng người đặt tin tưởng vào các giá trị đạo đức.

Bầu khí tin cậy sẽ được xây dựng thế nào?

Thưa trước hết bằng chính niềm tin của ta. Ta cần xác tín rằng: Mọi người đều được Chúa tạo dựng, đều được Chúa yêu thương, Chúa muốn mọi người đều được cứu độ. Sự cứu độ là việc của ơn Chúa. Ơn Chúa mạnh không thể lường. Kẻ nào càng yếu đuối lỗi lầm, càng đáng thương. Ơn cứu độ của Chúa sẽ được chứng minh hùng hồn nhất, khi thực hiện việc đổi mới nơi những con người khó nhất và trong những hoàn cảnh khó nhất. Ta tin vào con người, là vì ta tin vào ơn Chúa cứu độ. Ta tin vào con người, bởi vì Chúa đã tin và thương ta là những người đầy bất xứng.

Niềm tin của ta đặt vào người khác tất nhiên phải đi đôi với sự khôn ngoan của Chúa Thánh Linh, và nhất là phải phát xuất từ lòng khiêm nhường bác ái hiệp thông với trái tim Chúa Giêsu, Ðấng đã thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người, Ðấng đã hy sinh cho ta, khi chúng ta còn chìm trong tội lỗi.

Một niềm tin yêu như thế sẽ là một giá trị đạo đức rất lớn. Nó có khả năng góp phần tích cực vào việc xây dựng bầu khí tin cậy. Không phải vì nó là sức mạnh tâm lý, mà vì nó mang sự sống Thiên Chúa Tình Yêu.

Khi một người nghĩ rằng họ bị ta khinh, họ bị ta nghi, họ bị ta ghen ghét, thì đủ để họ không dám tin cậy vào giá trị đạo đức của ta, dù ta có tỏ vẻ đạo đức về nhiều mặt khác.

Một yếu tố khác không kém quan trọng trong việc xây dựng bầu khí tin cậy, đó là tinh thần tôn trọng sự thực. Bất cứ sự thực nào, từ bất cứ đâu, của bất cứ ai, cũng cần được tôn trọng, chỉ vì nó là sự thực. Không thể nào gọi được là đạo đức, nếu người ta kiêu căng tự mãn hẹp hòi và thiên kiến trong lãnh vực sự thực. Chẳng hạn sự thực này được tôn trọng, vì nó là của mình. Còn sự thực kia không được tôn trọng, vì nó là của người khác. Thiếu công bình bác ái như thế thì còn đâu là đạo đức.

Nhiều người, nhất là giới trí thức và giới trẻ hôm nay, dễ nghi ngờ uy tín các người phê phán và giảng dạy đạo đức, nếu thấy không ít các vị ấy là những người không thực.

Sự thực gần gũi nhất, dễ thấy nhất, đó là sự thực về chính bản thân ta, với những yếu đuối, thiếu sót, lầm lỗi. Nếu ta không nhìn thấy sự thực hiển nhiên đó thì làm sao người ta tin ta được, khi ta nói về các sự thực xa vời, mãi tận trời cao, cũng như khi ta nói là ta nhìn thấy sự thực này nọ trong tâm hồn kẻ khác.

Một điều nữa phải rất thực, để gây bầu khí tin cậy, đó là thái độ đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa là tuyệt đối. Thái độ thờ phượng của ta đối với Người phải rất thực. Thờ phượng trong tinh thần và trong chân lý. Ðừng bôi bác, đừng giả hình, đừng tục hoá các mầu nhiệm thánh và Lời Thiên Chúa. Nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ Hội Thánh, chứ không bỏ Chúa, chỉ vì nhà thờ, và Hội Thánh ở đó bị tục hoá. Trái lại, nhiều người đã đến nhà thờ, trở về Hội Thánh, vì họ tìm được ở đó bầu khí tin cậy, do thái độ thờ phượng sốt sắng có chiều sâu nội tâm và đức ái chan hoà. Ðó là những giá trị đạo đức sống động có sức cảm hoá lòng người.

 Ðổi mới chính mình

Những suy nghĩ trên đây đưa ta tới một việc làm có tính cách quyết định, đó là mỗi người chúng ta phải thường xuyên đổi mới chính mình, để nên tốt hơn. Nói một cách khác, người Kitô hữu chúng ta phải trở về với Ðức Kitô mỗi ngày. Ðó là việc làm có giá trị đạo đức hết sức quan trọng, để đối phó với cơn khủng hoảng về các giá trị đạo đức.

Trở về với Ðức Kitô là trở về tuân giữ các lời Người dạy, là trở về chia sẻ cuộc đời mà Người đã sống, là trở về bắt chước gương sáng các việc mà Người đã làm. Trở về với Ðức Kitô là gắn bó với Người, mật thiết như cành với cây. Trở về với Ðức Kitô là sống mầu nhiệm nhập thể của Người, là sống mầu nhiệm thánh giá của Người, là sống mầu nhiệm phục sinh của Người chính trong cuộc đời của ta hôm nay tại đây. Trở về với Ðức Kitô là đón nhận những cái nhìn của Người về Thiên Chúa Cha, về Chúa Thánh Linh, về Hội Thánh, về nhân loại, về Quê Hương Việt Nam ta. Cái nhìn của Ðức Kitô là cái nhìn của tình yêu thương, của hy vọng, và của an bình.

Theo các văn thư của Ðức Innocentê II để lại, thì thời đại của Ngài, tức thế kỷ XII, có thể gọi là thời kỳ Hội thánh suy thoái trầm trọng về đức tin và về luân lý. Tệ đoan tràn khắp. Các phe phái quá khích nổi dậy. Nhiều chỉ trích nhắm vào các đấng các bậc. Bởi vì xem ra các ngài đã quá xa mô hình Ðức Kitô.

Lúc đó Phanxicô xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, Ngài cho rằng kẻ phải ăn năn trở về trước hết chính là Ngài. Ðang khi nhiều người khác hung hăng tung lưỡi kiếm phê phán về phía kẻ nọ người kia, thì Phanxicô quay lưỡi kiếm phê phán đó về chính bản thân mình. Khi thấy tệ nạn phô trương, tiền bạc, danh vọng, ghen tương, gian dối hoành hành trong Hội Thánh, Phanxicô cố gắng sống sao cho thực sốt sắng, cho thực khó nghèo, cho thực khiêm tốn, cho thực bác ái bao dung, thành thực từ bỏ chính mình. Kết quả thực là tuyệt vời. Nhờ mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội, sự thánh thiện của Phanxicô đã được chia sẻ sang các thành phần khác. Hội Thánh được hồi sinh. Nhiều tâm hồn được đổi mới. Mùa xuân thiêng liêng được nở rộ trong nhiều thế kỷ.

Chuyện trên đây của thánh Phanxicô là một soi dẫn cho ta. Rồi đây, trong việc đổi mới chính mình và Hội Thánh, ta sẽ không ngạc nhiên, khi Ðức Kitô gọi ta chia sẻ cuộc sống xưa của Người. Với những giờ cầu nguyện âm thầm xin tuân phục ý Chúa Cha. Với những tháng năm chôn vùi mình vào cuộc đời khiêm nhường ẩn dật làm men làm muối tại Nagiarét. Với những năm tháng dấn thân phục vụ người nghèo, đi tìm chiên lạc, băng bó vết thương các tâm hồn, khắp các vùng được sai đi. Với những ngày lặng lẽ vác thánh giá đời mình, và hiến dâng bản thân mình làm hy lễ trên núi Sọ. Với những cuộc sống lại được giấu ẩn trong đêm phục sinh. Sức mạnh đổi mới sẽ không ồn ào. Những gì ồn ào thường là không tốt cho môi sinh thể xác lẫn tâm hồn.

Sự sống đổi mới chính là Ðức Kitô. Ngài là Tin Mừng Cứu Ðộ. Ðón nhận Người, trở về với Người, sống theo gương Người, thiết tưởng đó là cách giải quyết có giá trị nhất mà người Kitô hữu nên thực hiện, khi các giá trị đạo đức bị khủng hoảng trong gia đình, trong Hội Thánh và trong xã hội.

Sống theo mẫu gương Ðức Kitô, thiết tưởng đó cũng là cách làm chứng cho địa phương ta thấy Hội Thánh ta xứng đáng là một điểm tựa đạo đức, có lợi cho Tổ Quốc Việt Nam.

Long Xuyên, tháng 6/1994