Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Một kỷ niệm lớn

Ngày 12 tháng 10 năm nay, 1992, là một kỷ niệm lớn của Châu Mỹ Latinh và Tây Ban Nha. Có người gọi kỷ niệm này là kỷ niệm 500 năm truyền giáo Châu Mỹ. Có người gọi kỷ niệm này là kỷ niệm 500 năm khám phá Mỹ Châu. Có người gọi kỷ niệm này là kỷ niệm 500 năm gặp gỡ giữa Châu Âu và Châu Mỹ.

Ðài BBC, chiều ngày 8 tháng 8 vừa qua, khi nói tới kỷ niệm này, đã nhiều lần nhắc tới quyền lực Thiên Chúa giáo. Lịch sử còn ghi lại nhiều sự kiện mang mầu sắc ấy.

 Những bước đi của quyền lực

Ngày 2/1/1492, Tây Ban Nha xua đuổi thành công các người Hồi giáo ra khỏi nước mình.

Ngày 31/3/1492, tất cả mọi người Do thái đều bị trục xuất ra khỏi Tây Ban Nha.

Triều đình Tây Ban Nha bấy giờ là một triều đình rất Công giáo, với Nữ hoàng Isabella mang biệt danh là Nữ hoàng Công giáo.

Ngày 3/8/1492, được sự chấp thuận của Nữ hoàng, Ông Christophe Colomb, rời Tây Ban Nha, ra khơi, đi tìm đất mới. Ông này là người gốc Ý, quốc tịch Tây Ban Nha, theo đạo Công giáo. Ðoàn thuỷ thủ dưới quyền ông gồm 90 người theo đạo Công giáo.

Ba chiếc tàu của đoàn thám hiểm đều căng những chiếc buồm gắn huy hiệu thánh giá.

Ngày 12/10/l492, đoàn đặt chân lên Châu Mỹ Latinh, nơi hiện nay gọi là El Salvador. Lập tức, các thuỷ thủ đã cắm lên vùng đất mới những cây thánh giá lớn, để nói lên niềm tin của mình và cũng để đánh dấu sự mở rộng ranh giới của quyền lực nước mình.

Năm 1494, hiệp định Tordesillas phân chia Tân-thế-giới ra hai phần. Một phần dành cho Tây Ban Nha, và một phần dành cho Bồ Ðào Nha.

Năm 1519, Hernando Cortes đem quân chiếm thủ đô Tenochtitlan của nước Aztèque, thuộc Trung Mỹ, bắt sống vua Montezuna.

Năm 1532, Francois Pizarro đánh chiếm nước Inca, nắm quyền kiểm soát một vùng đất mênh mông gồm các nước Columbia, Peru và Equador hiện nay.

Cũng vào thời đó, Bồ Ðào Nha xua quân tràn vào phía tây Châu Mỹ Latinh, đánh chiếm vùng đất bao la sau này là nước Brasil. Mục đích của các cuộc thám hiểm và các cuộc viễn chinh là tìm kiếm các kim loại quý và tìm đường mở rộng việc buôn bán với các nước ngoài. Công cuộc truyền giáo tại Châu Mỹ đã bắt đầu từ đó.

Những bước đi của quyền lực trên đây đã được phản ánh phần nào trong cuộn phim “Christophe Colomb” được trình chiếu năm rồi tại Việt Nam. Như đã thấy ở trên, lịch sử năm 1492 của Tây Ban Nha mang khí thế thừa thắng xông lên. Khí thế ấy đã mang lại những gì cho các dân bản xứ Châu Mỹ Latinh? Hẳn là đã có những cái tốt, nhưng cũng đã có rất nhiều cái không tốt.

 Khai phá và tàn phá

Tạp chí Présence Mariste, số 191, 2e trimestre, 1992, với chủ đề: “500 năm Phúc-Âm-hoá Châu Mỹ Latinh” đã cho thấy một tình hình như sau:

Năm l492, số thổ dân tại Hispaniola, nơi Christophe Colomb đã đổ bộ lên, ước lượng là 300.000 người. Nhưng chỉ 50 năm sau, số đó giảm xuống còn chừng 1.000 người.

Chỉ trong một thế kỷ, số thổ dân tại Mexico đã từ 25 triệu giảm xuống còn hơn một triệu. Và tại Pêru, cũng trong thời gian ấy, số thổ dân đã từ 10 triệu giảm xuống còn 1 triệu 3. "Tính tổng cộng, sự đụng độ giữa các người thổ dân với các người Âu Châu mới tới đã làm biến đi khoảng 75 triệu người Amérindiens tại Châu Mỹ Latinh trong vòng 50 năm” (Tạp chí nói trên, trang 10).

Lý do sự tàn lụi này là vì các thổ dân một phần bị các người thuộc địa bắt đi, đem bán làm nô lệ tại các nước Âu Châu, một phần bị khống chế lao động trong các điều kiện cực kỳ tồi tệ, một phần bị chết do các thứ bệnh dịch đem tới từ Âu Châu.

Như thế có nghĩa là Châu Mỹ Latinh, mà người ta gọi là Ðất-Ðược-Khám-Phá năm 1492, thực ra là những đất vốn có chủ. Chủ là từng triệu thổ dân. Họ mọi rợ, nhưng sống có nề nếp gia đình, trật tự xã hội theo truyền thống của họ. Họ có tín ngưỡng và văn hoá riêng của họ. Nhất là họ có tự do, độc lập và chủ quyền. Bỗng dưng có những người văn minh tới, chiếm đất nước họ, bất họ làm nô lệ, gọi là để khai phá. Khai phá kiểu đó, đối với họ, chính là tàn phá. Vì thế, đối với họ lịch sử từ năm 1492 trở đi là một đêm dài đầy tủi nhục. Cuộn phim nhiều tập mang tựa đề: “Nô tỳ Isaura” phản ánh khá đúng tình hình thời hậu-khám-phá Châu Mỹ Latinh.

May mà trong đêm dài hãi hùng ấy đã loé lên nhiều tia sáng. Ðó là sự xuất hiện những người Công giáo tốt, nhất là các vị Thừa sai. Họ can đảm bênh vực các thổ dân bị áp bức, cố gắng đấu tranh cho một trật tự xã hội công bình. Tiêu biểu là Linh mục Montésinos, dòng Ðaminh, năm 1511, và sau đó là Bartolomé de las Casas năm 1545. Nhờ họ chiến đấu mà chính quyền thực dân đã phải ban hành luật tôn trọng quyền lợi dân bản xứ, nhưng các luật này không được thi hành nghiêm chỉnh.

Từ năm 1817 tới năm 1825, do ảnh hưởng phong trào tự do của các cuộc cách mạng tại Âu Châu, các dân gốc Âu Châu tại các thuộc địa Châu Mỹ đã nổi dậy, chống lại các Mẫu quốc, thành lập các quốc gia độc lập. Nhưng không vì thế mà những bất công xã hội đã được giải quyết. Cho tới nay, cảnh bất công xã hội vẫn là một tình hình bình thường tại đa số các nước Châu Mỹ Latinh.

 Những cố gắng mới về Phúc-Âm-hoá

Cảnh bất công xã hội tại Châu Mỹ La-tinh đã bị Ðức Giáo-Hoàng Gioan-Phaolô II nêu lên trước thế giới. Ngài nói: “Năm thế kỷ Phúc Âm có mặt tại Châu Mỹ La-tinh đã không thực hiện được việc phân chia của cải trái đất một cách công bình. Ðiều đó đang được cảm thấy với biết bao đau dớn, khi người ta nghĩ tới những người nghèo nhất trong những người nghèo, các nhóm thổ dân và những người vùng quê. Họ bị thương tổn về danh dự, bởi vì họ bị tước đoạt quyền được hưởng những lợi lộc sơ đẳng nhất về những của cải dành chung cho mọi người. Hoàn cảnh của những người này là anh chị em chúng ta đang kêu gào công bình lên Thiên Chúa" (Thư Mùa Chay 1992).

Cùng với cảnh bất công xã hội, còn có vô số hiện tượng phức tạp đang diễn ra tới tấp. Thí dụ: Nạn buôn bán ma tuý, nạn khủng bố, sự bùng nổ các giáo phái, phong trào quần chúng bỏ Hội Thánh, não trạng tục hoá tôn giáo, não trạng tương-đối-hoá các chân lý đức tin, não trạng mê tín dị đoan, não trạng tự do hưởng thụ, não trạng khai thác phái tính, vv... Trong bản nghiên cứu tình hình chuẩn bị cho Hội nghị thứ IV của Liên Hội Ðồng Giám Mục các nước Châu Mỹ La-tinh sẽ khai mạc tại Santo-Domingo ngày 12 tháng 10 này, người ta thấy sau 500 năm truyền-giáo, Châu Mỹ La-tinh hôm nay đang chịu những sức tàn phá mới.

Trước một thực tế như vậy, các thành phần Công giáo tốt đã và đang phản ứng mạnh mẽ. Ðiển hình như đường hướng mục vụ dành ưu tiên cho người nghèo, được Liên Hội Ðồng các Giám mục Châu Mỹ La-tinh (CELAM) chọn lựa. Thư chung Hội nghị Medellin 1968 và thư chung Hội-nghị Puebla 1979 là những bằng chứng hùng hồn. Ưu tiên cho người nghèo cũng là đường hướng tu đức mà Liên tu sĩ Châu Mỹ La-tinh (CLAR) đã chọn. Thư của Hội Ðồng các dòng tu Nam Mỹ tại Fusagatuga, Columbia, tháng 8, 1991 là một tài liệu tu đức mang dấu ấn thời đại của Châu Mỹ La-tinh. Rồi đã mọc lên một thứ thần học giải-phóng mà Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II đã khen là “Không những thức thời mà còn là ích lợi và cần thiết" (Thư gửi Hàng Giám mục Brasil, tháng 4, 1986). Rồi đang thổi lên những luồng gió canh tân, nhằm vào việc xây dựng các cộng đồng cơ bản, vào việc học hỏi Thánh kinh, vào việc cầu nguyện, vào việc dấn thân thực hành công tác từ thiện, vào việc đào tạo lớp người ưu tú, đặc biệt là các linh mục, vào việc phát triển một nền tu đức về liên đới và hiệp thông, vv...

 Những hướng dẫn tế nhị

Ðôi chút trên đây về tình hình đạo tại Châu Mỹ La-tinh xưa và nay giúp ta nhận thức được tính chất phức tạp của ngày kỷ niệm 500 năm đang tới. Nếu coi đây là một kỷ niệm đáng mừng, thì mừng cho ai, mừng vì sao và mừng thế nào? Còn nếu coi đây là một kỷ niệm chỉ nên nhớ lại mà thôi, thì ai nên nhớ, nhớ những gì và nhớ để làm gì? Dù với cách nhìn nào, kỷ niệm 500 năm này cũng đang đặt ra một câu hỏi lớn. Câu hỏi đó có thể diễn tả như sau:

Tại Châu Mỹ La-tinh, với một số dân Công giáo chiếm gần nửa tổng số Công giáo hoàn cầu, với những Hội thánh địa phương tương đối có nhiều tự do và nhiều quyền lợi, với những chính quyền địa phương hầu hết là Công giáo, với một thời gian Phúc-Âm-hoá dài 5 thế kỷ, có thời điểm nào phần lớn dân chúng đã thực sự sống tốt, với những điều kiện khả quan của một cuộc sống tốt, theo tinh thần thăng tiến công bình bác ái của Phúc Âm không? Con người ở đó và cuộc sống ở đó, khi so sánh với con người và cuộc sống ở các nước ngoài Công giáo, có thể được coi là tốt hơn không? Hay là ngang bằng hoặc là thua kém? Chắc là sẽ không có câu trả lời chính thức nào cả.

Tuy nhiên, người ta có thể nhận ra thái độ đầy khiêm tốn và sáng suốt trong các hướng dẫn của Hàng Giáo Phẩm về kỷ niệm 500 năm này.

Ðể gợi ý cho việc kỷ niệm 500 Phúc-Âm-hoá Châu Mỹ, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra ba cái nhìn như sau :

1/. Quá khứ có nhiều điều cần phải sám hối.

2/. Hiện tại còn nhiều mâu thuẫn cần phải hoà giải.

3/. Tương lai có nhiều người nghèo cần phải thăng tiến.

Ðang khi đó, Liên Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La-tinh đã đưa ra ba nhận định sau đây :

a) Có những sự kiện mới đòi phải đổi mới việc Phúc Âm hoá.

b) Có những sự kiện mới đòi phải đổi mới việc thăng tiến con người.

c) Có những sự kiện mới đòi phải đổi mới việc xây dựng văn hoá Thiên Chúa giáo.

Trong tất cả 6 đường hướng trên đây có một điều được nhận thấy rất rõ, đó là các Hội đồng Giám mục Châu Mỹ đã không tự mãn. Hơn nữa, do tinh thần liên đới lịch sử, các ngài còn chính thức xin lỗi các thổ dân, vì những bất công họ đã phải chịu, vì những thành kiến đối với họ, vì những thái độ dửng dưng trước số phận hiện nay của họ.

Một điều khác cũng dễ nhận thấy trong các chỉ dẫn trên, đó là các vị lãnh đạo Hội Thánh đã không nhìn Hội Thánh như một toà nhà được xây dựng và bảo vệ, chỉ để giữ gìn các chân lý đức tin cho toàn vẹn. Nhưng các ngài đã nhìn Hội Thánh như nhóm môn đệ Chúa được sai đi, để lấy đời sống tin yêu, công bình, bác ái Phúc Âm, mà làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu.

Những đường hướng mục vụ trên đây chứng tỏ Hội thánh Châu Mỹ đang sống trong bầu khí tân-Phúc-Âm-hoá, mà Ðức Thánh Cha đã hô hào. Theo Ðức Thánh Cha, tân-Phúc-Âm-hoá hệ tại ở sự khơi dậy một nhiệt tình mới, tìm ra những cách diễn tả mới, sáng kiến ra những phương pháp mới (Bài giảng tại Haiti, 9/3/l983).

Và như vậy, phải chăng ngày kỷ niệm 500 năm truyền giáo Châu Mỹ La-tinh sẽ là điểm xuất phát một cuộc truyền giáo mới.

Và thiết tưởng, đây cũng là dịp để dân nước nghèo suy nghĩ về các cuộc mở rộng thị trường của các quyền lực xưa và nay. Ðã có những khai phá và đã có những tàn phá.

Long Xuyên, tháng 9/1992