Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Mừng kỷ niệm thành lập địa phận Tây Ðàng Trong (1844-1994)

Ðối với lịch sử dân tộc, 150 năm là thời gian ngắn. Nhưng đối với lịch sử Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam, 150 năm là một thời gian rất đáng kể. Vì thế Hội Thánh tại Việt Nam coi năm 1994 này là một kỷ niệm lớn, khi nhìn năm nay là chẵn một thế kỷ rưỡi thành lập địa phận Tây Ðàng Trong.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mở Năm Thánh cho kỷ niệm này. Nhờ đó các cộng đoàn có liên hệ đang mừng kỷ niệm lịch sử này một cách long trọng với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Riêng tôi, khi mừng kỷ niệm này, tôi đã tập trung vào ba việc sau đây. Xin chân thành chia sẻ.

 1/ Biết ơn mọi tấm lòng đã góp phần trồng Hội Thánh vào địa phương này

Xưa địa phương này vốn có chủ, có dân, có tín ngưỡng và có văn hoá. Các vị thừa sai đã đến đây, sống giữa dân, để phục vụ họ, rồi sau đó chia sẻ Tin Mừng cho họ. Những ai tình nguyện đón nhận Tin Mừng dần dần qui tụ lại thành nhóm, để dễ sinh hoạt tôn giáo. Với thời gian, nhiều nhóm như thế làm nên cộng đoàn, có tên riêng, có tổ chức riêng, có cơ sở riêng. Và như vậy, Hội Thánh ăn rễ vào địa phương, gia nhập vào địa phương, trở nên thành phần của địa phương. Tôi gọi tiến trình đó là trồng Hội Thánh vào một địa phương.

Trồng Hội Thánh Công Giáo vào giữa một địa phương khác đạo là việc không dễ chút nào. Thế mà, mặc dầu rất khó, việc trồng Hội Thánh Công Giáo vào địa phương này đã thành công tốt đẹp.

Tất nhiên đó là ơn Chúa và ơn Toà Thánh. Mọi người đã rõ. Tôi miễn nói lại. Ở đây tôi chỉ nhắc tới những yếu tố con người.

Trước hết phải đề cao công ơn các vị thừa sai. Ðể có một hình ảnh về các Ngài, tôi thường đọc đi đọc lại huấn thị Bộ Truyền Giáo gởi cho các Ðức Giám Mục đại diện Tông Toà tại Việt Nam năm 1659. Trong đó có đoạn viết: “Ðiều đòi hỏi các ngài nhất là các ngài phải có một đức bác ái cao và sự khôn ngoan. Các ngài phải là người phong hoá đàng hoàng, lịch thiệp, hiền từ, kiên nhẫn, khiêm nhường, lo làm gương sáng các nhân đức về đức tin Công Giáo, mà các ngài tuyên xưng. Các ngài phải là những người được huấn luyện theo luật đức ái Phúc Âm, biết thích nghi với những phong tục và tính tình kẻ khác...”. (L'Esprit missionnaire de la S.C. de Propaganda Fide d'après les instructions aux vicaires apostoliques des Royaumes du TonKin et du Cochinchine).

Nếu chọn tiêu biểu cho các vị thừa sai đã hoạt động trong 150 năm qua tại địa phương này, tôi phải nghĩ đến Ðức Cha Cassaigne. Một vị Giám Mục đã hiến cuối đời mình cho các người cùi. Ngài sống với những người cùi, và chết giữa anh chị em cùi. Các thừa sai đã trồng Hội Thánh vào địa phương một cách như thế đó.

Cùng với các Ngài là dân Chúa người Việt thuộc mọi tầng lớp. Họ sống đức tin một cách mãnh liệt, và phiên dịch đức tin ra đức ái chan hoà. Nhờ các nhân đức xã hội họ gây được thiện cảm với đồng bào khác đạo. Những dây liên hệ đạo đời tốt đẹp chính là cách họ đã dùng để trồng Hội Thánh vào địa phương này.

Sẽ rất thiếu sót, nếu ở đây tôi quên sự giúp đỡ của đồng bào khác đạo. Theo kiểu nói của Ðức Gioan Phaolô II, thì trước khi các vị thừa sai đến vùng này, Chúa Thánh Thần đã có mặt tại đây từ rất lâu rồi. Nhờ vậy họ có những giá trị đạo đức tự nhiên, nhiều khi ở mức độ rất cao. Họ bao dung hiền hoà không loại trừ đạo Công Giáo. Hơn nữa, nhiều khi chính họ đã tích cực giúp đỡ để thành lập các giáo đoàn đạo Chúa, mặc dầu họ không theo đạo Chúa. Mục vụ hiện nay tại địa phương này có vô số chứng từ sống động về sự thực ấy.

Vì thế, tâm tình biết ơn cần được cởi mở, để đúng đạo công bình.

 2/ Xét mình về sự đón nhận Ðức Kitô và làm chứng cho Ðức Kitô

Là thành phần của Hội Thánh địa phương này, tôi có bổn phận bảo vệ và phát triển Hội Thánh này của tôi. Bằng nhiều cách. Cách tốt nhất thiết tưởng là biết đón nhận Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Tin Mừng có thể chia ra từng mảnh. Nhưng nền tảng phải là Ðức Kitô. Ðức Kitô chịu nạn và đã phục sinh chính là Tin Mừng căn bản của Hội Thánh tôi.

Sống Tin Mừng trước hết là biết đón nhận Ðức Kitô, Thần Linh của Ngài và kế hoạch cứu độ Ngài dành cho tôi.

Ðức Kitô đến với tôi mỗi ngày. Qua nhiều ngả khác nhau, như Kinh Thánh, thánh lễ, suy gẫm, cầu nguyện, biến cố, con người, các nguồn thông tin sách báo, các công việc bổn phận.

Ngài đến để nuôi dưỡng tôi, uốn nắn tôi, cứu độ tôi. Nói tắt là để Kitô-hoá bản thân tôi. Bằng muôn vàn cách. Nhưng cách thường xuyên nhất là cách sống thân mật giữa Ngài và tôi. Thân mật khăng khít như thân cây và cành cây.

Nhờ Ngài mở mắt linh hồn, tôi mới hiểu được ý Chúa trong Kinh Thánh. Nhờ Ngài tiếp sức, các việc bé nhỏ hằng ngày của tôi mới trở thành được của lễ đẹp lòng Chúa. Nhờ Ngài soi sáng, tôi mới khám phá được Tin Mừng Phúc Âm trong thời sự của mỗi ngày.

Ðôi chút kinh nghiệm trên đây cũng đủ để cảnh giác tôi về một Kitô giáo biến chất, nghĩa là không có Ðức Kitô, hoặc có Ðức Kitô trên bàn thờ, nhưng không ở trong tâm hồn kẻ tin.

Trong tông huấn Pastores dabo vobis (25/3/1992), Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc tới nhiều loại chủ nghĩa đang gây ảnh hưởng xấu trong người Kitô hữu. Chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vô thần thực tế, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tục hoá, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tính dục, chủ nghĩa tương đối. Ðó là chưa kể đến chủ nghĩa Biệt phái còn khá mạnh trong Hội Thánh.

Tôi thấy các chủ nghĩa này đang có mặt tại Việt Nam, và đang được đón nhận ở nhiều người, ở nhiều nơi. Kết quả thấy được là nhiều người nhiều nơi có đạo nay không còn thao thức đón nhận Ðức Kitô và Thần Linh Ngài, nhưng chỉ còn nhớ tới Ngài mà thôi.

Ðón nhận được Tin Mừng, tôi có bổn phận phải làm chứng cho Tin Mừng. Thời nay người ta tin người chứng hơn người rao giảng.

Người ta sẽ không tin lời tôi rao giảng về Chúa, nếu họ thấy tôi đọc kinh mà không cầu nguyện, làm lễ mà không gặp gỡ Chúa. Người ta sẽ không tin lời tôi rao giảng về Hội Thánh của tôi là dấu chỉ và là dụng cụ của sự đoàn kết nhân loại, nếu tôi chỉ biết lo cho quyền lợi riêng tư, mà không quan tâm đến hoàn cảnh cuộc sống đồng bào xung quanh.

Nếu tôi cuồng tín rồi coi đó là nhân đức can đảm, nếu tôi ù lỳ rồi coi đó là nhân đức phó thác, nếu tôi hẹp hòi rồi coi đó là nhân đức vâng lời, thì có lúc người ta, nhất là giới trẻ và trí thức, sẽ thấy rõ sự thực, để rồi sẽ không còn tin vào các giá trị tinh thần mà tôi rao giảng.

Xét mình sơ sơ như vậy thôi, tôi cũng đã thấy tôi có nhiều lỗi lầm trong việc đón nhận Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Nhận thức đó sẽ giúp tôi ăn năn sám hối. Năm tạ ơn của tôi cũng sẽ là năm tạ tội của tôi.

 3/ Tân-Phúc-Âm-hoá tương lai bằng việc cầu xin cho được một đức tin của những người xưa trong Kinh Thánh đã được ơn trở về

Tôi đang nghĩ tới đức tin của ông Giakêu, của bà Mađalêna, của người thu thuế cầu nguyện cuối nhà thờ, của Phêrô, của kẻ trộm lành, của Phaolô.

Những người trên đây đã tin Chúa. Nơi họ, tin Chúa không phải chỉ là tin có Chúa, mà là tin vào Chúa. Ðức tin của họ là một cuộc xuất hành. Họ ra khỏi cái tôi hẹp hòi, để phó thác mình cho Chúa quyền năng, giàu lòng thương xót.

Ðức tin của họ cho họ thấy rõ Chúa đã yêu thương họ, khi họ còn trong tội lỗi. Chúa đã chủ động đi tìm gặp họ, khi họ vẫn còn xa Chúa.

Ðức tin ấy không phải là một công trình do họ xây dựng nên bằng nghiên cứu học hỏi, nhưng là một ân huệ Chúa ban. Họ đón nhận ơn đó với lòng khiêm tốn biết ơn.

Ðức tin ấy không phải là một gánh nặng luật lệ áp đặt trên lương tâm họ, nhưng là một giao ước tình yêu, tự do, đơn sơ giữa họ và Chúa.

Ðức tin của kẻ trở về là một cuộc gặp gỡ sống động với Chúa. Nó là một bài ca cảm tạ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa nhân lành.

Ðức tin của kẻ trở về chẳng có gì để mà tự phụ. Nếu có cái gì nên khoe ra, thì cái đó là những yếu đuối của mình, nhưng đã được Chúa đoái thương cứu độ.

Ðức tin của họ dễ thông cảm bao dung với những kẻ tội lỗi, những người không tin. Bởi vì họ đã có kinh nghiệm. Nguyên nhân cuộc sống tội lỗi và không tin là rất phức tạp. Ðôi khi cách sống đạo hời hợt và hẹp hòi của người Công Giáo cũng đã gây ảnh hưởng tiêu cực trên họ.

Một đức tin khiêm tốn, bác ái, cởi mở như thế sẽ rất có lợi cho Hội Thánh địa phương này trong thời điểm mới.

Nói đến việc tân-Phúc-Âm-hoá, nhiều nơi đang thi nhau mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện trí khôn, mở rộng tầm nhìn văn học. Những hoạt động như thế là rất cần. Nhưng tôi vẫn coi việc tu đức và huấn luyện trái tim là cần hơn. Mấy số báo Pháp vừa qua (Témoignage Chrétien, 4 Décembre, 1993; Le Point, 4-10 Décembre, 1993) cho thấy nhiều người Pháp hiện nay muốn bỏ Công Giáo để sang các đạo khác, lý do, theo họ nói là, vì họ dễ tìm được trong Hội Thánh địa phương của họ những thầy dạy giỏi về giáo lý, về thần học, về Kinh Thánh, về giáo luật, nhưng ít tìm được những thầy dạy giỏi về tu đức, về đời sống nội tâm, về đức tin sống động, về việc đổi mới trái tim. Tôi lo hiện tượng đó cũng có thể sẽ xảy ra cho Hội Thánh của tôi tại địa phương này.

ù

Với ba việc trên đây, mà tôi vừa chia sẻ, tôi đang kéo dài việc mừng kỷ niệm 150 năm thành lập địa phận Tây Ðàng Trong. Chứ không chấm dứt bằng việc lãnh ơn toàn xá của Năm Thánh. Mừng kỷ niệm là nhìn lại quá khứ, là nhìn vào hiện tại, là nhìn tới tương lai.

Long Xuyên, ngày 18 tháng 01 năm 1994