Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Ðạo đức theo mô hình Ðức Kitô khiêm nhường bác ái

Năm gia đình gợi ý cho tôi nghĩ tới việc tái-Phúc-Âm-hoá gia đình.

Ở đây, tôi xin được hiểu gia đình theo nghĩa rộng, tức là các nhóm thuộc cùng một cơ chế, cùng một não trạng.

Loại gia đình mà tôi thấy cần tái-Phúc-Âm-hoá trước hết là loại gia đình được coi là đạo đức. Họ được coi là đạo đức, vì họ giữ đúng luật lệ và được cơ chế cộng đoàn xếp vào loại tốt.

Ðôi lúc tôi đã bắt gặp mình thích thú, khi thấy mình được vài người coi là đạo đức. Tôi tưởng rằng hễ đạo đức là tất nhiên đẹp lòng Chúa. Thế nhưng, khi hồi tâm cầu nguyện theo Phúc Âm, nhất là khi đi theo Ðức Kitô trong Tuần Thánh, tôi mới rõ sự thật không đơn giản như thế. Tôi đang cố gắng trở nên người đạo đức. Nhưng đạo đức theo mô hình nào? Bởi vì Phúc Âm cho thấy: Có một mô hình đạo đức cũ thời ấy được nhiều người theo, đó là mô hình đạo đức của giới biệt phái. Và có một mô hình đạo đức mới thời ấy được ít người để ý, đó là mô hình đạo đức của Chúa Kitô.

 Ðạo đức của giới biệt phái

Nhóm biệt phái được coi là giới đạo đức. Bởi vì, nếu đạo đức là tuân giữ các luật lệ, thì họ là những người tuân thủ cả một hệ thống luật lệ phức tạp, một cách cặn kẽ chu đáo. Họ có thể tự hào về nếp sống đó. Và thật sự họ đã tự hào, tự mãn, đến độ khinh chê những ai kém họ, và ghen ghét những ai hơn họ. Ðạo đức của họ là giữ đầy đủ các luật lệ. Họ chỉ thiếu tinh thần khiêm tốn và yêu thương. Thế là hư chuyện. Muốn thấy sự thiếu khiêm tốn và yêu thương có thể đẩy người đạo đức vào những cơn độc ác thế nào, ta nên đọc lại Phúc Âm. Ðức Kitô là đàng, là sự thật và là sự sống. Thế mà Ngài đã bị chống đối, bị ghen ghét, bị loại trừ. Không phải do những người vô đạo, khô đạo, lạc đạo và ghét đạo, mà là do những người biệt phái ngoan đạo, tốt đạo, mến đạo, nhiệt thành với đạo.

Phúc Âm thánh Marcô cho thấy: Quan Philatô biết rõ chỉ vì ghen tương mà các đại-tư-tế đã nộp Chúa Kitô, chỉ vì ghen tương mà họ đã xúi dân đòi Philatô ra lệnh giết Ðức Kitô (x. Mc 15,6-15).

Việc hại người một cách độc ác của những bậc đạo đức này không phải là một việc đột xuất, nhưng là một kết quả được sản sinh dần dần do tinh thần kiêu ngạo, quen khinh chê và kết tội người khác. Họ quá quen, đến nỗi cả khi cầu nguyện trước mặt Chúa, họ vẫn hiên ngang, nói lời khinh miệt kẻ khác, và đề cao chính mình. “Lạy Chúa, tôi đội ơn Ngài, vì tôi không phải như những người gian tham, bất lương, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia. Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, tôi nộp thuế thập phân về hết mọi hoa lợi tôi có” (Lc 18,9-12).

Lịch sử Hội Thánh không thiếu những giai đoạn khốn khổ do những người gọi là đạo đức chủ xướng. Thí dụ giáo đoàn Carthage khoảng năm 252.

Trong hai tác phẩm Instructiones, và Carmen Apologeticum viết cuối thế kỷ thứ ba, tác giả Commodio cho biết: Năm 249, vua Ðeciô ra lệnh bách hại đạo Chúa. Ðây là cuộc bách hại lần thứ bảy xảy ra cho Hội Thánh Công Giáo. Cuộc bách hại này kéo dài hơn hai năm. Sau khi Hội Thánh được tự do, các tín hữu thuộc giáo đoàn Carthage mau chóng qui tụ lại.

Lúc đó, giáo đoàn gồm ba thành phần:

Thành phần thứ nhất, gồm những tín hữu trong thời bách hại, đã trốn tránh được, nay trở về. Họ được gọi là fideles (những người trung tín).

Thành phần thứ hai, gồm những tín hữu trong thời cấm đạo, đã chối đạo vì không chịu nổi tra tấn. Nay họ ăn năn sám hối. Họ bị gọi là lapsi (những người sa ngã).

Thành phần thứ ba, gồm những tín hữu trong thời cấm cách, đã thà chịu tra tấn chứ không chịu bỏ đạo. Họ còn mang trên mình những thương tích làm chứng cho đức tin. Họ được gọi là martyres (những người làm chứng cho đức tin).

Loại chứng nhân này được coi là đạo đức hơn hai loại người kia. Họ tự cho mình có quyền lợi hơn hai loại đó. Họ tự phong cho mình những chức vị có quyền xét xử hai loại người kia. Do đó, trong giáo đoàn nổi lên từng loạt chuyện chia rẽ. Nội bộ sợ nhau, thách thức nhau, loại trừ nhau. Sau cùng đi tới việc thành lập bè rối Novatus và Felicissimus.

Bình luận về thái độ của những chứng tá đức tin trên đây, cha Tadeusz Dajczer đã viết: “Chính những người trước đây đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô, nay lại là những người phá hoại nền móng Hội Thánh Ðức Kitô. Họ cho chúng ta một cảnh giác. Ðiều chứng tỏ ta thật sự gắn bó với Ðức Kitô, không phải là sự ta can đảm sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Ðức Kitô, nhưng chính là sự ta khiêm tốn từ bỏ ý riêng mình để tuân phục thánh ý Ngài” (A l'école de la Sainte Famille, 1993, trang 33). Thánh ý Ðức Kitô là các môn đệ Ngài hãy yêu thương nhau một cách bao dung khiêm nhường như Ngài đã yêu thương họ.

 Ðạo đức của Ðức Kitô

Trong bữa Tiệc Ly, Ðức Kitô đã nói rất rõ ý muốn của Ngài: “Ðây là giới răn của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

Ðức Kitô gọi luật tình thương của Ngài là giới răn mới. Ngài coi tình yêu thương liên đới là dấu chỉ của các kẻ tin theo Ngài: “Thầy cho các con một giới răn mới, đó là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con thế nào, các con hãy yêu thương nhau như vậy. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Như vậy, tôi phải yêu thương kẻ khác, như Ðức Kitô đã yêu thương tôi: Ðó là châm ngôn đạo đức của người môn đệ Ðức Kitô.

Vì xót thương tôi, Ðức Kitô đã chấp nhận tôi, mặc dầu tôi bất xứng. Tôi cũng phải như thế đối với kẻ khác. “Các con hãy biết chịu đựng nhau với tất cả tình bác ái, với tất cả lòng khiêm tốn hiền từ và kiên nhẫn” (Ep 4,2).

Vì xót thương tôi, Ðức Kitô đã gánh tội và nết xấu của tôi, bao tội rất nặng, bao nết xấu lớn. Tôi cũng phải như thế với kẻ khác. “Các con hãy vác những gánh nặng của nhau, và như vậy, các con sẽ giữ trọn luật Ðức Kitô” (Ga 6,2).

Vì xót thương tôi, Ðức Kitô đã tha thứ các lỗi lầm của tôi, bao lỗi lầm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Tôi cũng phải như thế với kẻ khác. “Nếu các con tha thứ cho người ta những điều họ sai lỗi, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, cũng sẽ tha thứ cho các con” (Mt 6,14).

Vì xót thương tôi, Chúa đã không nỡ loại trừ tôi, mặc dầu tôi đáng phải loại trừ. Tôi cũng phải như thế với người khác. “Dù các con là ai đi nữa, hễ các con kết án người khác là các con tự kết án mình... Các con nghĩ rằng, các con xét xử các kẻ lỗi phạm, đang khi chính các con cũng lỗi phạm như họ... Sao các con lại coi thường lòng nhân từ, nhịn nhục và khoan dung khôn lường của Chúa?” (Rm 2,1-3).

Vì xót thương tôi, Ðức Kitô đã bao lần phục vụ tôi, không như kẻ trên ban phát ơn huệ, nhưng như kẻ dưới quỳ xuống rửa chân tôi. Tôi cũng phải như thế với kẻ khác. “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).

Vì xót thương tôi, Ðức Kitô đã bao lần áp dụng cho tôi quan điểm bác ái của Ngài là ngày Sabbat vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabbat (x. Mt 2,27). Tôi cũng phải như thế với kẻ khác. “Các con hãy biết xót thương, như Cha các con trên trời là Ðấng hay xót thương” (Lc 6,36).

Trong thông điệp “Chân lý sáng ngời” (06/08/1993), Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nêu lên giới luật yêu thương của Ðức Kitô như một chân lý đạo đức rực sáng. “Bởi vì tất cả lề luật đã được nên trọn ở một lời này: Các con hãy yêu thương nhau như chính mình” (Ga 5,14).

Ðến ngày phán xét, mỗi người sẽ được xét xử căn cứ trên luật bác ái. Ðó là: Bất cứ việc gì ta làm cho người khác, thì được Chúa kể như là làm cho chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

Tôi thấy rằng: Luật bác ái của Ðức Kitô là luật đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, đầy đủ nhất, nhưng không dễ nhất. Tôi tin vào thánh ý Chúa, vào giáo lý đạo đức của các thánh tông đồ, vào giáo huấn luân lý của Giáo Quyền. Nên tôi cố gắng thực hiện bác ái. Chứ thực hiện bác ái không dễ chút nào. Cái khó là ở chỗ phải rất khiêm tốn. Có thực hiện mới thấy: Bác ái thật phải đi liền với khiêm tốn, khiêm tốn thật phải đi đôi với bác ái. Cứ theo sát Ðức Kitô trong Tuần Thánh sẽ thấy đạo đức theo mô hình Ðức Kitô là phải yêu thương đến cùng, là phải khiêm hạ đến cùng. Khó khăn lắm! Vì thế, nhiều người thời nay vẫn thích kiểu đạo đức cũ theo mô hình người biệt phái. Ðang khi giới luật yêu thương, lý tưởng của nền đạo đức theo mô hình Ðức Kitô vẫn kể như mới, ngay cả đối với nhiều gia đình Công Giáo.

Sự thật đáng buồn đó cũng là lý do thúc giục ta phải tái-Phúc-Âm-hoá chính mình, và những kẻ thuộc về ta. Ðây là đòi hỏi của tiếng gọi cứu rỗi. Và đây cũng là đòi hỏi của thời điểm truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

 Những tín hiệu

Thật vậy, những ngày đầu năm Giáp Tuất này, quan sát cuộc sống đó đây, tôi thấy nhu cầu tâm linh của đồng bào ta được biểu lộ rõ rệt qua ba hiện tượng sau đây:

Hiện tượng thứ nhất là số người cầu nguyện tại chùa chiền, thánh thất, nhà thờ, và tư gia ngày đầu năm là hết sức đông. Ðấng họ cầu khấn là một vị thiêng liêng, mà họ tin là rất hiểu họ, rất thương họ.

Hiện tượng thứ hai là số người đến thăm nhau, nhớ tới nhau dịp tết, cũng rất đông. Họ nhớ tới nhau, họ gặp nhau vì họ nhìn nhau bằng con mắt tình thương.

Hiện tượng thứ ba là số người ham mộ những bài ca, những kịch bản, những điệu múa, những nghi lễ mang bản sắc dân tộc là rất đông. Chứng tỏ rằng, họ thương một Quê Hương Việt Nam êm đềm, chất phác, nhiều tình nhiều nghĩa.

Qua những hiện tượng trên đây, tôi thấy đồng bào ta rất quý trọng đời sống tâm linh. Ðời sống tâm linh này sẽ không dễ gì được thoả mãn bằng một nền văn minh vật chất. Nó đòi hỏi một nền văn minh của tình yêu thương. Nhu cầu đó là một tiếng gọi và là một đợi chờ. Biết đáp ứng bằng một trái tim đạo đức chan hoà sức sống Ðức Kitô sẽ là truyền giáo, và đồng thời cũng là Phúc-Âm-hoá chính mình.

Tới đây, tôi nhớ lại một kỷ niệm nhỏ dịp tết vừa qua. Ngày mùng hai tết, một nhóm mười người đến thăm tôi. Họ đến từ nông thôn vùng sâu. Họ đến bằng ghe. Họ rất nghèo, ít học. Món quà quý nhất họ tặng tôi là những chia sẻ.

Tất cả nhóm họ trước đây đều rất bê bối. Có thời họ bị coi như đồ bỏ. Thế rồi nhờ ơn Chúa, họ đã hoàn lương. Ðược ơn trở về, họ qui tụ lại thành nhóm thiện chí. Họ giúp nhau sống Tin Mừng. Hơn nữa họ hăng hái dấn thân làm việc tông đồ. Kết quả là nhiều người, nhiều gia đình, nhờ họ an ủi, đỡ nâng, nay cũng đã trở về như họ. Họ không có tiền bạc. Chỉ có tình thương chân thành. Ðơn sơ thế thôi. Nhưng hiệu nghiệm biết bao.

Gặp gỡ những nhóm nhỏ như thế này, tôi có cảm tưởng là Chúa đang gởi cho tôi những tín hiệu. Qua những tín hiệu này, tôi hiểu rõ hơn lời thánh Phaolô xưa: “Ở đâu có đầy tội lỗi, ở đó ơn thánh còn tràn đầy hơn” (Rm 5,20). Tôi cũng thấy rõ hơn sự thật trong lời Ðức Kitô: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì đã giấu những mầu nhiệm Nước Trời khỏi những người thông thái, mà chỉ tỏ ra cho những kẻ bé mọn” (Lc 10,21).

Tôi cũng hiểu rằng: Trong hoàn cảnh hiện nay, cần phải nhạy bén nắm bắt mọi cơ hội, để gieo vãi sứ điệp tình thương của Ðức Kitô. Ðừng đợi những cơ hội lớn, qui mô lớn, nhưng hãy lợi dụng những phương tiện nhỏ, những nhân sự khiêm tốn. Những thứ ồn ào inh ỏi không làm nên mùa Xuân. Hơn nữa chúng còn gây nên tai nạn. Cái làm nên mùa Xuân chính là những sự sống mọc lên trong khiêm tốn âm thầm, như những bông hoa thinh lặng, bé nhỏ nhưng thơm tho tươi mát.

Mùa Xuân Nước Trời đang đến trong thế giới tâm linh, trên quê hương Việt Nam. Chúa kêu gọi chúng ta cộng tác vào việc chuẩn bị cho mùa Xuân ấy, bằng việc tái-Phúc-Âm-hoá chính mình, biết đón nhận Ðức Kitô và thực thi giới răn mới của Ngài với tất cả tấm lòng yêu thương khiêm tốn.

Long Xuyên, tháng 3/1994