Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC - 1990
 MỞ LÒNG RA VỚI NGƯỜI NGHÈO -1991-
 KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO -1992-
 ÐỨC TIN CẦN VIỆC LÀM KÈM THEO -1993-
 HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN -1994-

Tâm sự của người quá cố

Tháng 11 phụng vụ là tháng các đẳng linh hồn. Trong tháng này, người tín hữu được mời gọi nhớ về những người quá cố. Nói với người chết và cầu nguyện cho họ, đó là chuyện bình thường. Nhưng nghe hồn người chết nói và làm theo lời họ, đó là chuyện ít được nhắc tới.

Ở đây, tôi sẽ không kể lại những gì các linh hồn người chết đã nói với riêng tôi. Tôi chỉ đề cập tới vài điều họ, đã nói chung cho mọi người. Chuyện này được kể trong Phúc Âm thánh Luca, tựa đề là “Người phú hộ và người ăn mày Lagiarô

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người Biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Lagiarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lagiarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạỵ Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này”. Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lagiarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lagiarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được”. Người đó lại nói: “Ðã vậy, tôi nài xin Cha sai Lagiarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môi sen và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ. Thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môi sen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu” (Lc 16,19-30, CN 26 TN.C).

Những trao đổi giữa tổ phụ Abraham và người phú hộ trong thế giới bên kia dạy tôi nhiều điều:

 Có trật tự mới

Khi còn sống trên đời này, người phú hộ được coi là người rất mạnh, mạnh về của cải, mạnh về chức tước, mạnh về tự do. Với các thế mạnh ông muốn làm gì cũng được. Ông được kính nể, bạn bè nhiều. Ông là người sung sướng. Còn ông Lagiarô, không có của cải, không có thế lực, không có tự do, nên dù muốn làm đôi chút việc nghĩa cũng không dễ thực hiện được. Ông bị khinh, không có bạn bè, ngoài một con chó. Ông là người ăn mày, bị đẩy ra lề cuộc sống. Trật tự giữa hai người là ông phú hộ phải được ở trên, kẻ ăn mày phải bị ở dưới, kẻ sung sướng, người khổ. Trật tự ấy không đảo ngược lại được.

Thế nhưng, khi đời này đã mãn, hai người đi vào kiếp sau, thì một trật tự mới được thiết lập. Người phú hộ bị quăng vào vực lửa, để mãi mãi phải khốn khổ. Còn người ăn mày Lagiarô được lên Trời, để mãi mãi hưởng hạnh phúc vẹn toàn.

 Người phú hộ đó là ai?

Thưa, ông tiêu biểu cho loại người chủ trương sống sung sướng, hưởng thụ, theo con đường rộng rãi tự do ích kỷ, mặc dù Chúa đã cảnh giác: “Anh em hãy bước qua cửa hẹp, vì đường rộng đưa đến hư hỏng” (Mt 7,13).

Ông cũng tiêu biểu cho loại người chỉ thích sống đạo đức phô trương, trục lợi, theo kiểu riêng của mình, bất cần qui chiếu vào gương Chúa, Lời Chúa, và thánh ý Chúa, mặc dù Chúa đã cảnh cáo rất rõ: “Ðến ngày phán xét, chẳng phải mọi người kêu rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người làm theo ý Cha Ta trên trời mới được vào Nước Trời. Ngày ấy sẽ có nhiều người kêu cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi đã chẳng nhân danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỷ, nhân danh Ngài mà làm nhiều sự lạ sao? Bấy giờ Ta sẽ trả lời: Ta không hề biết các người. Hãy lui xa, hỡi những kẻ gian ác” (Mt 7,21-23).

Người phú hộ cũng tiêu biểu cho loại người tỏ ra nhiệt tâm với một vài việc phượng thờ Chúa, nhưng lại vô tâm đối với những người cùng cực, mặc dù Chúa đã nói rõ thái độ đối với kẻ khổ đau mới là điều Chúa sẽ căn cứ vào, để phân loại kẻ lành người dữ trong ngày phán xét: “Hỡi những kẻ khốn nạn, hãy đi vào lửa đời đời dành cho quỷ dữ, vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn... Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi đã không làm những việc tốt cho các kẻ hèn mọn, là các ngươi đã không làm cho Ta” (Mt 25,41-46).

Chết rồi, người phú hộ mới thấy mình quá dại. Cái dại nhất là đã không biết đi vào con đường lên trời ngay bên cạnh nhà mình. Con đường đó là thương yêu cứu giúp người ăn mày Lagiarô.

 Người ăn mày Lagiarô đó là ai?

Thưa, ông là hình ảnh loại người lấy đời sống để loan báo rằng: Thực chất con người không do tiền bạc, áo quần, nhà cửa, chức vị, nhưng do tâm hồn. Có những người túng nghèo phần xác, nhưng giầu có phần hồn.

Ðây cũng là hình ảnh loại người lấy đời sống làm chứng rằng: Sức mạnh tinh thần mạnh hơn mọi sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự. Cũng như tự do tâm hồn lớn hơn mọi tự do được ghi trong các hiến chương, hiến pháp.

Ðây cũng là hình ảnh loại người lấy đời sống khẳng định rằng: Trong một hoàn cảnh thiếu thốn nhất, người ta vẫn có thể sống xứng đáng một người đạo đức, vẫn có thể mến Chúa hết lòng, vẫn có thể tha thứ, hiền lành, quảng đại đối với mọi người, kể cả đối với những ai đối nghịch với mình. Lagiarô chính là hình ảnh kẻ tin vào Tám mối phúc.

Thì ra ngay trên cõi đời này, vẫn có một trật tự vô hình được xây dựng bởi những người tốt, đầy quả cảm như Lagiarô. Ai biết lo cho trật tự đạo đức được xây dựng trên chân lý sẽ được lên thiên đàng. Ai không quan tâm đến trật tự đạo đức ấy, sẽ bị trầm luân đời đời. Kết quả sẽ như người phú hộ: “Tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này”.

 Thức tỉnh do tiên tri

Tiếng kêu trên đây của người phú hộ trong hoả ngục là một thức tỉnh muộn màng. Ông muốn nhắn gởi lời kêu than của ông tới bà con ông còn sống, mong họ sẽ thức tỉnh kịp thời. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời là trên cõi đời này đã có Maisen và các tiên tri, các ngài không ngừng đánh thức các lương tâm. Không thức tỉnh do lời tiên tri, thì sẽ không thức tỉnh do lời người chết hiện về.

 Các tiên tri kêu gọi sự thức tỉnh là ai?

Thưa các ngài thuộc đủ loại người. Lịch sử cứu độ nói chung và lịch sử Hội thánh nói riêng cho thấy sự thật ấy. Trong lịch sử Hội thánh, kẻ được Chúa sai vào một thời điểm, để thức tỉnh lương tâm nhân loại, hoặc lương tri một địa phương, đã là một Ðức Giáo Hoàng, một Ðức Giám mục, một linh mục, một tu sĩ, một giáo dân thường.

Cách đây 500 năm, thời Christophe Colomb khám phá Mỹ Châu cũng là thời rất suy thoái đạo đức tại Âu Châu, kể cả trong giáo triều Rôma. Trong thời điểm ấy đã xuất hiện một số tín hữu sống mạnh mẽ ơn tiên tri. Họ không thuộc về cấp trung ương. Họ chỉ là tu sĩ. Họ lên tiếng báo động về một tình hình đạo đang bị thần dữ thao túng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Họ kêu gọi mọi người nhất là các loại phú hộ trong cơ chế Hội Thánh hãy thức tỉnh, hãy ăn năn trở về. Một số người trong họ đã bị quyền đời, quyền đạo săn đuổi. Trường hợp nhà giảng thuyết Savonarola, dòng Ða Minh, bị toà đạo kết án thắt cổ và hoả thiêu năm 1498 là một thí dụ.

Lịch sử Hội thánh cũng cho thấy sức mạnh tiên tri làm thức tỉnh một thế hệ, đã khởi đi từ một vài nhóm nhỏ, một vài phong trào đạo đức. Các nhóm nhỏ này cũng như các phong trào đạo đức này có khi xuất phát từ trên, nhưng rất nhiều khi đã xuất phát từ dưới, từ các miền xa và nhỏ của các giáo hội địa phương. Chẳng hạn, tinh thần đạo đức thế kỷ 20 này đã và đang được thức tỉnh mạnh mẽ nhờ những luồng sinh khí mới, phát xuất từ thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, từ Charles de Foucauld. Thêm vào đó là những phong trào đạo đức tươi trẻ, như Focolare của chị Chiara Lubich, Emmanuel của Pierre Goursat, các nhóm cầu nguyện khác và các cộng đoàn cơ bản.

Ơn tiên tri để thức tỉnh lòng người do Chúa Thánh Thần ban cho. Ngài muốn ban cho ai tuỳ ý Ngài. Như lời thánh Phaolô đã dạy: “Chính Ngài đã cho kẻ này làm tông đồ, kẻ khác làm tiên tri, kẻ này đi rao giảng Phúc Âm, kẻ khác chăn chiên hay dạy dỗ. Ngài sắp đặt như vậy, để các tín hữu nên trọn lành và xây dựng nhiệm thể Ðức Kitô” (Eph. 4,11).

 Truyền thống và sáng tạo

Khi nói tới các phong trào đạo đức có tính cách tiên tri đang đánh thức lòng đạo nơi này chỗ nọ, tôi liên tưởng tới một số hiện tượng gọi là tôn giáo mới xuất hiện trên đất nước Việt Nam. Sự du nhập các thứ phong trào gọi là “tôn giáo” sẽ không thể tránh được, khi đất nước mở ra cho kinh tế thị trường. Có thứ phong trào mang thực chất tôn giáo. Có thứ phong trào chỉ mang nhãn hiệu tôn giáo mà thôi. Có thứ phong trào, tuy mang nội dung tôn giáo, nhưng chỉ là những tạp giáo.

Trong một tình hình như vậy, đức tin người Thiên Chúa giáo cần được thức tỉnh theo đúng hướng. Cần phân biệt cái đúng cái sai. Muốn được như vậy, thiết tưởng nên nắm vững một nguyên tắc mà câu chuyện người phú hộ và tổ phụ Abraham cho thấy, nguyên tắc đó là phải trung thành với truyền thống Thiên Chúa giáo.

Tôi coi tổ phụ Abraham là vai trò bảo vệ truyền thống. Tổ phụ Abraham ôm ông Lagiarô vào lòng. Tổ phụ Abraham lắng nghe nguyện vọng của người phú hộ. Tổ phụ Abraham quyết định không thực hiện sáng kiến của người phú hộ, nhưng đồng thời tín nhiệm mọi sáng tạo của Maisen và của các tiên tri.

Tổ phụ Abraham là hình ảnh người duy trì tính chất liên tục của giáo lý tinh tuyền đã nhận được từ Thiên Chúa. Truyền thống, khi đồng hành với nhân loại diễn biến, sẽ phải có những sáng tạo thích ứng, nhưng mọi sáng tạo đều phải mang bản chất truyền thống, chứ không được là những phủ nhận truyền thống. Bảo vệ truyền thống và sáng tạo không phải là hai việc đối nghịch, loại trừ nhau. Nhưng là hai việc bổ túc cho nhau. Cần có vai trò tiên tri với những sáng kiến, và cần có vai trò Abraham bảo vệ truyền thống.

Khi nghe Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II hô hào công cuộc tân-Phúc-Âm-hoá,với sinh khí mới, với cách diễn tả mới, với phương pháp mới, tôi tin chắc rằng Ngài nhiệt tình khích lệ những sáng tạo. Chúng ta nên tích cực hưởng ứng lời hô hào của Ðức Thánh Cha. Riêng tôi, cách sáng tạo hợp với truyền thống nhất, đồng thời cũng rất hợp với thời điểm hôm nay, đó là thực sự trở về với đức ái nói chung và đức ái đối với những kẻ khổ đau nghèo túng nói riêng. Nếu người phú hộ được Chúa cho sống lại, trở về trần gian, để làm lại cuộc đời, chắc việc quan trọng nhất ông sẽ ra tay thực hiện, là sáng kiến ra nhiều cách để giúp đỡ thăng tiến những người ăn mày như Lagiarô. Khi đọc cuốn Les morts nous parlent của tác giả Francois Brune (NXB Félin, Paris,1988) tôi thấy tất cả mọi tâm sự mà các linh hồn từ cõi bên kia gửi về cho bà con thân thuộc còn sống, đều tóm tắt được trong một lời khuyên nầy là hãy biết quên mình, phục vụ, giúp đỡ, yêu thương người khác với tình bác ái chân thành quảng đại như Chúa Cứu thế đã dạy và đã làm gương.

Thiết tưởng đó cũng là đều Chúa muốn chúng ta thực hiện, để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Long Xuyên, tháng 11/1992