Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Giới Thiệu Ðức Kitô

Ga 1,43-51

Bài Phúc Âm hôm nay vừa kể lại một cuộc trao đổi vắn tắt giữa hai môn đệ Chúa:

Philipphê rủ Nathanael đến Nagiarét. Nghe vậy, Nathanael nói: “Ở Nagiarét nào có gì hay đâu?”. Philipphê trả lời: “Hay, hay không hay, cứ đến mà xem!”. Cuộc trao đổi vắn tắt trên đây trong bài Phúc Âm, gợi lại cho tôi nhớ một cuộc trao đổi khác xảy ra mới rồi.

Người ta rủ nhau đến xứ Hợp Châu để dự khánh thành nhà thờ mới. Một người đã nói: Ở Hợp Châu, đâu có gì hay đâu? Nhưng người kia đáp lại: Hay, hay không hay, cứ đến mà xem!.

Riêng tôi đã đến đây. Tôi đang xem và cảm tưởng của tôi là vui mừng, là hài lòng. Bởi vì, tôi thấy ở đây, trong nhà thờ mới đã đạt được hai điều kiện căn bản của một nhà thờ, theo quan niệm của Hội Thánh hôm nay.

Ðiều kiện căn bản thứ nhất của một nhà thờ, là nhà thờ ấy phải được xây cất thế nào, sắp xếp thế nào, để đáng được gọi là nhà Chúa.

Cụ thể có nghĩa là nhà thờ ấy phải có Ðức Kitô làm chủ. Sẽ được như vậy, nếu nhà thờ xây cất có những điều kiện giúp cho những người vào nhà thờ cảm thấy nhà thờ ấy là có Ðức Kitô đang hiện diện, chính Ðức Kitô quy tụ giáo đoàn, chính Ðức Kitô chủ toạ giáo đoàn, chính Ðức Kitô giảng huấn cho giáo đoàn, chính Ðức Kitô nuôi dưỡng giáo đoàn.

Một nhà thờ như vậy phải toả ra một chiều kích thiêng liêng, một bầu khí siêu nhiên, thúc bách người ta muốn tìm gặp Chúa, muốn lắng nghe lời Chúa, muốn tâm sự với Chúa.

Tôi thấy điều kiện căn bản vừa kể trên đã được thực hiện phần nào trong nhà thờ này.

Khi bước vào nhà thờ, tôi bắt gặp ngay tượng Chúa Kitô chịu nạn và sống lại. Tôi hiểu ngay Người đang dạy chúng tôi ý nghĩa cuộc đời. Cuộc đời tôi là phải đi qua thánh giá để được sống lại.

Rồi nhìn lên Nhà Tạm, tôi thấy Ðức Kitô trở nên lương thực cho tôi. Nhìn lên bàn thờ, tôi thấy Sách Thánh. Tôi biết Ðức Kitô nuôi dưỡng giáo đoàn bằng lời của Ngài, bằng mình của Ngài. Chính Ngài đang giảng huấn cho giáo đoàn Giới Luật Yêu Thương: Hãy yêu thương nhau như chính Cha đã yêu thương chúng con, đến nỗi đã vác thánh giá mình chịu chết cho chúng con.

Ðiều kiện tập trung vào Ðức Kitô trên đây đã cho thấy tương đối đạt được trong thánh đường này. Và nhờ vậy, thánh đường này đã tỏ cho thấy đây là nhà Chúa. Ðó là điều kiện căn bản thứ nhất.

Ðiều kiện căn bản thứ hai của một nhà thờ, theo quan niệm của Hội Thánh hôm nay, đó là: Nhà thờ phải được gọi là nhà Hội Thánh.

Cụ thể, nhà thờ nói đây phải có những nét của Hội Thánh, là dấu chỉ và là dụng cụ của sự hợp nhất. Sẽ được như vậy, nếu những người đến nhà thờ, đến khuôn viên nhà thờ cảm thấy mình được kính trọng, thấy mình được đón tiếp, thấy mình được yêu thương, thấy mình được chia sẻ. Một nhà thờ như vậy sẽ toả ra một chiều kích hiệp thông, một bầu khí hiệp thông. Nó thúc đẩy người ta phục vụ lẫn nhau, yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, giúp đỡ nhau thăng tiến nhau.

Tôi thấy điều kiện ấy đã đạt được ở đây. Tôi nhìn thấy chiều kích hiệp thông, bầu khí hiệp thông trong nhà thờ này, trong khu nhà thờ này. Bước vào đây, mỗi người thấy mình được kính trọng, có chỗ dành cho mình, một chỗ lịch sự khang trang, ở đâu cũng ngang nhau, cũng được chia sẻ Lời Chúa, cũng được mời gọi hát lên cùng bài thánh ca.

Bước ra ngoài khuôn viên, tôi thấy mặt bằng rộng, với cảnh sinh thái thiên nhiên tươi mát, với những ghế, bàn, tất cả đều gợi lên rằng: Người đến đây được kính trọng, được đón tiếp, được yêu thương chia sẻ.

Hai điều kiện trên đây, giúp cho nhà thờ anh chị em đáng được gọi là nhà Chúa, nhà Hội Thánh. Và cái kết quả mà tôi muốn nhìn vào một cách đặc biệt hôm nay bây giờ, đó chính là hai chiều kích, là hai kết quả tốt đẹp đối với Chúa, đối với Hội Thánh, đáng chúng ta vui mừng, đáng chúng ta cảm ơn Chúa, đáng chúng ta cảm ơn nhau.

Ngày lễ tạ ơn hôm nay, rồi sẽ qua đi thôi, chúng ta cần phải nhìn về phía trước. Phía trước là một tương lai quan trọng. Tương lai ấy phải dành cho việc xây dựng con người. Xây dựng con người sẽ còn khó hơn xây dựng nhà thờ. Xây dựng con người cũng cần phải có một chiều kích thiêng liêng, cũng cần phải có chiều kích hiệp thông. Nếu chúng ta thiếu chiều kích thiêng liêng, nếu chúng ta thiếu chiều kích hiệp thông, thì khi chúng ta giao tiếp với con người, chúng ta sẽ trở nên rất tầm thường, không giới thiệu được Ðức Kitô Thiên Chúa của chúng ta.

Hôm qua, trên đường đến đây, tôi ghé thăm họ đạo Láng Sen. Bên cạnh một nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn, tôi thấy có một phòng đọc sách. Tôi thấy tại đó, thường xuyên có 6 tờ báo tạp chí hàng tuần, có 500 quyển sách khác nhau. Và mỗi ngày, thanh niên, thiếu niên lai vãng đến đó đọc sách, đông nhất là vào buổi tối, từ 6 giờ đến 9 giờ. Người có đạo cũng như người không có đạo thường hay đến đây để đọc sách báo.

Sự kiện này giúp cho tôi thấy rằng, cái chiều kích thiêng liêng của tôi, của anh chị em, cũng như là cái chiều kích hiệp thông của chúng ta, sẽ không thể xây dựng được, đơn thuần chỉ bằng sinh hoạt bí tích, sinh hoạt giáo lý, sinh hoạt Lời Chúa, mà còn cần phải được xây dựng bằng những sinh hoạt văn hoá. Bởi vì, nhờ những sinh hoạt văn hoá đó, ta mới hiểu được Thiên Chúa đang là Ðấng tác tạo trong lịch sử hôm nay, ta mới hiểu được Thiên Chúa hôm nay vẫn đang tiếp tục công việc cứu độ của Người, bằng khoa học, bằng nghệ thuật, bằng chính trị, bằng kinh tế.

Qua những sinh hoạt văn hoá đó, tôi mới có thể nhập cuộc vào lịch sử hôm nay, tôi mới có khả năng đồng hành với dân tộc Việt Nam, tôi mới có thể đối thoại được với tất cả những ai tôi gặp trong cuộc sống.

Như vậy ngoài những sinh hoạt thường xuyên mà chúng ta có trong khuôn viên nhà thờ, tôi nhắc lại, xây dựng cái chiều kích thiêng liêng và thông hiệp hiện nay, đòi chúng ta phải có những sinh hoạt về văn hoá.

Sáng nay trước thánh lễ này, tôi đi thăm giáo điểm Tân Lập gần đây. Ðây là một giáo điểm rất nghèo, phần lớn là tân tòng. Họ đạo được mở ra về phía người lương. Họ đạo mà tôi thăm sáng nay giúp tôi nhớ lại lời của một Ðức Cha người Pháp nói trong cuốn sách mới xuất bản về cái chiều kích Hội Thánh hôm nay. Ngài nói rằng: Cái chiều kích hiệp thông, cái chiều kích thiêng liêng của con người Hội Thánh hôm nay sẽ không thể nào hoàn hảo được, nếu thiếu mở ra về phía những người không Công Giáo. Bởi vì bản chất Hội Thánh là đi về hướng những người chưa có đạo. Bản chất Hội Thánh là truyền giáo.

Chính vì vậy tôi cũng nghĩ rằng: Việc xây dựng bản thân tôi, việc xây dựng anh chị em sau này, cần phải có một cái nhìn rộng hơn và nhiều khi phức tạp hơn. Tôi nghĩ rằng trong tương lai đến năm 2000, vai trò của những nhà thờ sẽ đứng thứ yếu, còn vai trò quan trọng hơn, ảnh hưởng nhiều hơn, chính là những thánh đường thiêng liêng, những nhà thờ lưu động, đó là bản thân mỗi người chúng ta. Ði đâu, gặp ai, chúng ta sẽ là nhà thờ mang chiều kích thiêng liêng, mang chiều kích hiệp thông. Nhờ đó, địa phận ta, giáo phận ta, xứ đạo ta, con người của ta, sẽ là một lễ Hiển Linh mới. Nhờ đó, Chúa Kitô sẽ được tỏ mình ra, tỏ mình ra nhờ cái chiều kích thiêng liêng và hiệp thông của chính chúng ta. Người không có đạo, người không tín ngưỡng, khi nhìn cái chiều kích siêu nhiên và hiệp thông của chúng ta, họ sẽ nhận ra Ðức Kitô, mặc dầu họ không đến nhà thờ.

Anh chị em thân mến,

Trong thánh lễ này, một thánh lễ trọng đầu năm, chúng ta gặp nhau trước Chúa để tạ ơn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp cho chúng ta trong tương lai, biết xây dựng những thánh đường thiêng liêng, có chiều kích thiêng liêng, có chiều kích hiệp thông, với những giá trị mà Chúa gởi cho chúng ta trong thánh lễ này, để trong tương lai, thế hệ chúng ta sẽ giúp cho con em chúng ta còn nhỏ, biết sống đạo thế nào trong thế kỷ XXI sắp tới, một thế kỷ sẽ có nhiều thử thách, một thế kỷ sẽ có nhiều khó khăn, nếu chúng ta biết sống như vậy hôm nay, dẫn đường cho con cháu mai này, thì tôi nghĩ, Chúa sẽ thương chúng ta. Chúa sẽ thương chúng ta hơn, bởi vì chúng ta là những người giới thiệu Ðức Kitô cho con cháu, cho những người chung quanh, không phải chỉ bằng nhà thờ bất động, nhưng bằng nhà thờ thiêng liêng của chúng ta. Amen.

Khánh Thành nhà thờ Hợp Châu (Kinh 5b), ngày 5/1/1994