Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Cảm Tạ Ngợi Khen Chúa

Lc 10, 21-24

 

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại sự Ðức Kitô hoan lạc trong Chúa Thánh Thần và Người đã ca tụng Thiên Chúa Cha. Ở đây, có một chi tiết đã làm tôi chú ý: Ðó là Kinh Thánh liên kết sự Ðức Kitô hoan lạc trong Chúa Thánh thần với sự Ðức Kitô chúc tụng Thiên Chúa Cha.

Sự liên kết này cho phép tôi nghĩ rằng: Chính Chúa Thánh Linh đổ tràn ơn hoan lạc vào Ðức Kitô, và trong bầu khí hoan lạc nội tâm ấy, Ðức Kitô đã chúc tụng Thiên Chúa Cha.

Sự hoan lạc trong Chúa Thánh Thần và chúc tụng Thiên Chúa, đó là một sự kiện được nhắc đi nhiều lần, nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh:

Tôi thí dụ, bài Phúc Âm hôm qua, bà thánh Isave được đầy ơn Chúa Thánh Thần, bà đã hoan lạc, và như đã nhìn thấy, như đã gặp được Thiên Chúa toàn năng trong công trình Ðức Mẹ, nên đã chúc tụng Thiên Chúa.

Rồi cũng trong bài Phúc Âm hôm qua, Ðức Mẹ khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, tâm hồn được mở ra, như gặp được chính bản tính Thiên Chúa tốt lành, và trong bầu khí hoan lạc, Ðức Mẹ đã chúc tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi chúc tụng Thiên Chúa”.

Rồi trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ, khi vừa được ơn Chúa Thánh Thần ngự xuống, tâm hồn các Ngài mở ra, như nhìn thấy một chân trời mới đầy hoan lạc, các Ngài đã chúc tụng Thiên Chúa. Và những lời các Ngài chúc tụng Thiên Chúa, đã lôi kéo dân chúng đến. Và chính những lời chúc tụng ấy đã làm cho dân chúng tin vào lời các tông đồ giảng dạy.

Rồi trong sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại thánh Phaolô và Sila bị giam trong tù. Khi các Ngài được ơn Chúa Thánh Thần, tâm hồn mở ra đầy hoan lạc, các Ngài chúc tụng Chúa. Lời chúc tụng của hai môn đệ vang tới những lính canh. Lính canh đến, quỳ xuống, trở lại với Chúa, cũng vì những lời chúc tụng của hai tông đồ đang bị giam.

Hoan lạc trong Chúa Thánh Thần và chúc tụng Thiên Chúa, đây cũng là một yếu tố đang làm đổi mới nhiều cá nhân, đang làm đổi mới nhiều cộng đoàn.

Tôi có dịp tham dự nhiều thánh lễ, nhiều buổi cầu nguyện, nhiều buổi chia sẻ lời Chúa, trong các nhóm, trong các cộng đoàn nhỏ... Tôi nhận thấy có hai loại cộng đoàn: Một cộng đoàn hay hát và đọc những kinh có tính cách xin xỏ, có những lời ca sầu muộn. Và một loại khác, năng hát những bài ca, năng đọc những lời kinh, có tính cách tạ ơn Thiên Chúa, chúc tụng Thiên Chúa, ngợi khen Thiên Chúa. Khi so sánh thì thấy: Loại cộng đoàn thứ hai được biến đổi nên đạo đức hơn nhiều. Tâm hồn họ thường cởi mở, dễ đón nhận lời Chúa. Họ có sức đổi mới chính mình và tạo nên một bầu khí yêu thương cởi mở, bác ái đối với những người chung quanh, khác với loại người trước, hay đọc kinh xin xỏ, hay hát những bài u buồn, than trách, làm cho tâm hồn của mình hẹp hòi lại, nhỏ nhen lại, và nhiều khi đạo đức như là một thứ đạo đức ích kỷ.

Tất nhiên, khi hát hoặc đọc những kinh tạ ơn Thiên Chúa, thì phải hát hoặc đọc kinh ấy với đức tin: Tin rằng Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng nên ta. Tin rằng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ta. Tin rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở với ta. Tin như vậy là một cái nhìn. Sự tin như vậy là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và khi nhìn thấy Thiên Chúa, khi gặp được Thiên Chúa là Ðấng tốt lành, linh hồn sẽ cảm thấy mình không thể nào không ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa được, vì Người tốt lành vô cùng, vì Người khoan dung vô cùng.

Cả trong những trường hợp đầy khó khăn, những linh hồn quen ngợi khen Thiên Chúa, vẫn cảm thấy nhiều lý do để mà ca ngợi Chúa, hơn là để xin xỏ than trách Chúa. Bởi vì không có gì quý cho bằng được tin vào Thiên Chúa yêu thương mình, không gì quý cho bằng, mình yếu đuối, tội lỗi, hèn hạ, bé mọn, mà lại được Thiên Chúa yêu thương, phù trợ, nâng đỡ. Ơn đó lớn lắm, nên không thể nào mà không ca ngợi Thiên Chúa.

Riêng cộng đoàn anh chị em ở đây, tôi thấy tinh thần ca ngợi, cảm tạ Thiên Chúa cũng rất cao. Tôi đã đến đây nhiều lần, dự những thánh lễ tạ ơn. Và hôm nay, tôi cũng đã nhìn thấy anh chị em trong tinh thần cảm tạ Chúa. Mặc dầu anh chị em đang gặp nhiều khó khăn về đời sống, nhưng qua bài phát biểu của ông đại diện giáo xứ, tôi thấy ngay tinh thần cảm tạ trổi vượt hơn bất cứ tinh thần nào. Anh em vẫn biết cảm tạ Chúa trong cảnh khó khăn. Ðây là một điều làm tôi rất mừng. Và không phải tôi mừng, mà chính Thiên Chúa cũng rất mừng, vì anh em đề cao tinh thần cảm tạ Thiên Chúa. Khi anh chị em cảm tạ Thiên Chúa như vậy, thì lòng mình mở ra, thư giãn, và dễ đón nhận những ơn mới mà Chúa muốn ban cho chúng ta.

Trong thánh lễ hôm nay, tôi có lời khuyên anh chị em: Hãy phát triển thêm tinh thần cảm tạ Thiên Chúa và hãy biết dạy cho con em chúng ta biết cảm tạ Thiên Chúa. Trong thánh lễ hằng ngày, anh chị em đã thuộc câu: "Cảm tạ Chúa mọi nơi mọi lúc thực là chính đáng". Mọi nơi, mọi lúc, không trừ lúc nào cả, không trừ nơi nào cả, lúc nào, nơi nào cũng hãy cảm tạ Thiên Chúa. Khi đau ốm, khi khoẻ mạnh, khi giàu sang, khi túng thiếu, khi gặp khổ nhục, khi gặp vinh quang, luôn luôn cảm tạ ngợi khen Chúa mọi nơi, mọi lúc. Ðó là bổn phận chứ chẳng phải chỉ là một lời khuyên.

Nếu hôm nay chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta được ơn đó, và nhất là ban cho con em chúng ta được ơn đó, thì đời chúng ta, đời con em chúng ta được bảo đảm. Bởi vì, tôi đã từng có kinh nghiệm về nhiều người: Khi túng nghèo thì đến với Chúa, khi giàu sang đầy đủ thì quên Chúa, coi rằng chẳng còn gì để mà cảm tạ Thiên Chúa. Ðó là điều tôi đã gặp nhiều, nhất là ở bên Tây. Cho nên, tôi sợ rằng: Nếu anh chị em không để ý đến ơn cảm tạ Thiên Chúa, thì một ngày nào đó, hoặc là bản thân ta, hoặc là con em, chúng ta sẽ dần dần xa Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần, đến với chúng ta, mở tâm hồn chúng ta ra, để chúng ta nhìn thấy ơn Chúa, để chúng ta gặp được Thiên Chúa tốt lành. Từ đó, chúng ta sẽ hoan lạc và ngợi khen Thiên Chúa. Amen.

Lễ Thêm sức, Kinh H ngày 16/8/1994