Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Cách Truyền Giáo Thích Hợp

Mt 24,42-51

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức, bởi vì chúng ta không biết ngày Chúa đến, nhưng chỉ biết rằng: Chúa đã đến gần. Những ai không tỉnh thức đón Chúa sẽ bị loại bỏ. Và loại bỏ có nghĩa là không được cứu rỗi.

Khi suy gẫm bài Phúc Âm hôm nay, tôi nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì đã nhắc cho con điều quan trọng là phải tỉnh thức đón Chúa đến với con. Xin Chúa dạy con và những người thuộc về con biết tỉnh thức đón Chúa bằng những việc làm. Và tôi nghe Chúa soi sáng trong lòng rằng: Hãy biết tỉnh thức đón Cha bằng những việc truyền giáo thích hợp. Tôi cho đây là một câu trả lời rất rõ mà giáo phận Long Xuyên chúng ta nói chung, giáo hạt Chợ Mới cũng như xứ Mỹ Luông này nói riêng, phải hết sức quan tâm.

Hãy tỉnh thức đón Chúa bằng những việc truyền giáo thích hợp. Bởi vì truyền giáo là một bổn phận hàng đầu Chúa đã trao cho mọi người, nhất là những kẻ đại diện Chúa, những người tin vào Chúa.

Truyền giáo là một bổn phận bắt buộc, chứ không phải là một bổn phận ai muốn làm thì làm. Truyền giáo đó là một bổn phận bó buộc, mà Chúa sẽ đưa ra để tra hỏi chúng ta trong ngày phán xét. Khi Chúa đến trong giây phút bất ngờ, Chúa sẽ hỏi ngay công việc hàng đầu Chúa đã trao phó: Con có nghĩ tới bổn phận truyền giáo không?. Thao thức về việc truyền giáo, đó là một sự tỉnh thức Chúa đòi chúng ta như một bổn phận. Ði theo với bổn phận tỉnh thức về truyền giáo, là biết tỉnh thức tìm xem những cách truyền giáo thích hợp.

Trao đổi với những người truyền giáo, tôi được biết là có một số việc truyền giáo với những cách được coi là thích hợp nhất trong mọi thời, mọi nơi. Tôi xin chia sẻ vắn tắt ở đây những cách truyền giáo gọi là thích hợp nhất, và quan trọng nhất.

 Cách truyền giáo thích hợp nhất, bước đầu là sự ăn năn thống hối trở về với Chúa.

Ðọc Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu, khi truyền giáo bao giờ cũng nói đến: Hãy ăn năn thống hối trở về. Ðọc truyện Ðức Mẹ hiện ra đó đây, bao giờ chúng ta cũng thấy Ðức Mẹ nhấn mạnh: Hãy ăn năn thống hối trở về. Chúng ta là những người có tội. Hội Thánh xét về mặt nhân loại, xét về mặt dân Chúa, cũng là một cộng đoàn, gồm những người tội lỗi. Chúng ta chẳng bao giờ tự mãn cho chúng ta, hay cộng đoàn chúng ta, là những người không có thiếu xót, không có tội lỗi, không có lầm lẫn. Chúng ta khởi sự thánh lễ bằng việc sám hối thế nào đó, thì chúng ta cũng cần phải khởi sự việc truyền giáo bằng thống hối như vậy. Và khi đã cho sự thống hối ăn năn trở về là cách truyền giáo hàng đầu, thì chúng ta sẽ tránh xa những cách truyền giáo đắc thắng, khoe khoan, phô trương bề ngoài, vì nó không hợp với tinh thần ăn năn sám hối trở về. Và một thái độ thật khiêm tốn và chân thành ăn năn sám hối trở về, đó là cách truyền giáo thích hợp trước hết.

 Cách truyền giáo thích hợp thứ hai là hãy rao giảng Ðức Kitô, tập trung vào Ðức Kitô, toả sáng đời sống Ðức Kitô, và thực thi truyền vẹn giới răn Ðức Kitô truyền lại.

Ðọc sách Tông Ðồ Công Vụ, chúng ta thấy: Trong Giáo Hội sơ khai, các tông đồ và những kẻ kế vị các tông đồ đều chỉ làm chứng về Ðức Kitô. Ðức Kitô đã chịu nạn chịu chết, đã sống lại, và đang được hiển vinh trên trời. Chỉ có Ðức Kitô là Ðấng cứu độ loài người. Muốn được rỗi, hãy đón nhận ơn cứu độ của Ngài bằng niềm tin tuyệt đối, bằng sự trở về, bằng những việc hợp với thánh ý Chúa.

Các tông đồ không rao giảng gì khác. Bây giờ chúng ta cũng phải như vậy. Các tông đồ đã thấy Ðức Kitô, còn chúng ta, tuy không thấy Ngài, nhưng vẫn có thể có kinh nghiệm về Ngài.

Khi chúng ta dâng lễ, tham dự thánh lễ, rước lễ, nghe Phúc Âm, nghe đọc bài thánh thư, nếu chúng ta có lòng tin, Chúa sẽ mở con mắt linh hồn ta, để chúng ta gặp được Ðức Kitô, một Ðức Kitô sống động, một Ðức Kitô gần gũi, một Ðức Kitô là riêng tư của ta.

Khi gặp được Ðức Kitô như vậy, chúng ta có kinh nghiệm về Ngài: Ngài là trung tâm, Ngài Ðấng cứu độ. Chúng ta sẽ chia sẻ những kinh nghiệm đó cho những người chung quanh một cách xác tín, chứ không phải chúng ta chỉ đưa ra truyện này, truyện nọ, trong sách này, trong báo kia, như là những chứng từ. Cái đó không phải là vô ích, nhưng cốt yếu, chúng ta phải tập trung vào Ðức Kitô sống động mà chúng ta đã gặp gỡ, chúng ta đã có kinh nghiệm về Ngài. Mà điều đó, chúng ta phải nhờ ơn Chúa mở linh hồn ra. Gặp gỡ Ðức Kitô, tập trung vào Ðức Kitô, thực thi lời Ðức Kitô dạy, đó là cách truyền giáo thích hợp thứ hai.

 Cách truyền giáo thích hợp thứ ba, đó là phải biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.

Ðọc sách Tông Ðồ Công Vụ, anh chị em còn nhớ các tông đồ biết nhiều điều Chúa Giêsu dạy, xem thấy nhiều việc Ðức Kitô làm, nhưng trước khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các tông đồ không hiểu rõ lắm, cho tới khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các ngài mới thấy ứng nghiệm lời Ðức Kitô đã nói xưa: “Cha sẽ sai Thần Linh của Cha xuống. Người sẽ nhắc lại và sẽ cho chúng con hiểu những điều Thầy đã dạy chúng con”. Mặc dầu đã biết lời Chúa, nhưng nếu không có ơn Chúa Thánh Thần, ta không thể hiểu hết. Cũng như trong bài Thánh Thư hồi nãy chúng ta nghe: Không ai có thể nhận ra Ðức Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ của mình, nếu không có ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta hiểu và nhìn rõ khuôn mặt của Ðức Kitô, đồng thời Ngài sẽ giúp cho chúng ta biết phải nói gì, trong trường hợp nào, Ngài sẽ giúp cho chúng ta biết phải làm gì trong từng trường hợp cụ thể, như các thánh tông đồ xưa đã trao phó việc truyền giáo cho Chúa Thánh Linh, và Chúa Thánh Linh đã hướng dẫn phải đi đâu, nói gì làm chứng cách nào cho Ðức Kitô.

Anh chị em thân mến,

Trao đổi với những người tỉnh thức trong việc truyền giáo hôm nay, tôi được biết là: Nhiều tôn giáo bạn và nhiều giáo phái hiện nay đang tích cực truyền giáo theo chiều hướng của họ, và kết quả phải nói là rất đáng kể.

Tôi cũng được các người truyền giáo hôm nay cho biết rằng: Ðang có những tài liệu, sách báo phát ra, để bắt bẻ, chê trách Hội Thánh công giáo hiện nay. Kết quả cũng là rất đáng kể.

Rồi qua những người truyền giáo có kinh nghiệm hiện nay, những vị rất có ý thức, các ngài cũng cho biết, nhiều người công giáo hiện nay, mặc dầu còn giữ đạo bề ngoài, nhưng bên trong không có sâu, rất dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu vật chất thực tế.

Qua những kinh nghiệm của những người tỉnh thức trong việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay, tôi thấy rằng: Nếu chúng ta không vâng lời Chúa khuyên dạy hôm nay, là tỉnh thức với tinh thần truyền giáo, nếu chúng ta không vâng lời Chúa khuyên dạy hôm nay là tỉnh thức trong sự tìm ra những cách truyền giáo thích hợp như tôi vừa nêu lên ba điều, thì tôi sợ khi những phong trào vật chất, giàu có, tự do, hưởng thụ, tục hoá tràn vào như nước lũ, nó sẽ kéo trôi hết, sẽ cào bằng hết. Và bấy giờ, đức tin chỉ còn lại trong những người biết ăn năn hối cải thực tình, biết ăn sâu vào Ðức Kitô như cành với cây, biết phó thác cậy trông nơi Chúa Thánh Linh là nguồn sống thật sự.

Tôi chia sẻ với anh chị em những điều đó hôm nay để chúng ta nhìn về tương lai với một con mắt tỉnh thức, với một trái tim tỉnh thức, với một lương tri tỉnh thức, để xin Chúa Thánh Linh đốt lên trong lòng ta lửa truyền giáo đích thật, để xin Chúa Thánh Linh cho chúng ta một tâm hồn truyển giáo đích thật, để xin Chúa Thánh Linh cho chúng ta biết chọn lựa nhũng cách truyền giáo hữu hiệu đích thực. Tôi tin rằng, nếu chúng ta thành tâm, Chúa sẽ giúp cho chúng ta. Amen.

Lễ Thêm sức, Mỹ Luông ngày 25/8/1994