Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Ðức Kitô Là Ðấng Cứu Ðộ

Thánh lễ hôm nay có một quang cảnh đặc biệt. Bởi vì trong thánh lễ này có sự hiện diện của nhiều cặp hôn nhân. Thánh lễ hôm nay cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Bởi vì trong thánh lễ này, tất cả chúng ta sẽ cầu nguyện cho đời sống các gia đình được an vui, hạnh phúc. Ðời sống các gia đình bề ngoài, coi như giống nhau, nhưng thực sự rất khác nhau. Mỗi người chúng ta đều đã có những kinh nghiệm riêng. Khi nhìn lại những kinh nghiệm đó với con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy đâu là ơn của Chúa và đâu là hy vọng của những ngày còn lại đời ta.

Riêng tôi, để góp phần vào những kinh nghiệm gia đình của anh chị em hôm nay, tôi xin chia sẻ hai kinh nghiệm mà tôi nhận được trong chuyến đi nước ngoài vừa qua.

Kinh nghiệm thứ nhất là kinh nghiệm về một người chồng, người cha.

Tôi đến Ðức ngày thứ bảy, thì hôm sau Chủ Nhật, tại nhà thờ tôi đang tĩnh tâm, có tổ chức một lễ Rửa Tội cho đứa bé. Tham dự thánh lễ giờ ấy chỉ chừng 50 người, nhưng toàn là thân nhân của đứa bé. Sau thánh lễ, là bữa tiệc mừng của gia đình, được tổ chức cách nhà thờ chừng 10 cây số. Cha sở và tôi được mời đến tham dự. Qua trao đổi, truyện vãn với các người trong gia đình, tôi được biết người đứng tổ chức cuộc lễ hôm nay là ông nội đứa bé.

Ông có 5 người con, 4 đứa đã lập gia đình. Tôi thấy tất cả đều rất thuận hoà. Sau bữa ăn, chúng tôi được mời đến một nhà nguyện gần đấy để cầu nguyện. Bắt đầu cha sở đọc Phúc Âm, rồi các người trong gia đình chia sẻ Lời Chúa. Tiếp đó, là gia đình hát những bài thánh ca chúc tụng Thiên Chúa và dâng mình cho Ðức Mẹ. Kết thúc là phép lành của Ðức Giám Mục hiện diện.

Tôi hỏi ông chủ nhà: “Lý do nào ông tổ chức lễ Rửa Tội cho đứa cháu của mình một cách trang trọng như vậy?”. Ông trả lời tôi: “Con làm như vậy, là để có dịp cho tất cả các con, các cháu, và những người thân có dịp gặp nhau, gắn bó với nhau. Và cũng là dịp để các con, các cháu của con, có dịp liên hệ với cha sở, có dịp gắn bó với họ đạo, và nhất là để gia đình con biết mở ra về phía Chúa, gắn bó với Chúa”.

Tôi hỏi thăm cha sở, thì cha sở cho biết: Gia đình này không giàu có, không có địa vị nào, nhưng rất có lòng đạo, đức tin sâu sắc. Hạnh phúc của họ là thương yêu nhau. Hạnh phúc của họ là tham gia các sinh hoạt trong Hội Thánh và các việc truyền giáo.

Hiện giờ, tôi biết ông ta cùng các con, mỗi tháng trích ra tiền lương của mình, để yểm trợ cho dự án huấn luyện các nữ tu tại một giáo phận ở Phi Châu. Tôi có cảm tưởng là một người giáo dân ấy đang làm tông đồ cho cả một vùng bề ngoài đang dửng dưng với Thiên Chúa. Ðó là kinh nghiệm thứ nhất.

Kinh nghiện thứ hai của tôi là kinh nghiệm về một người vợ, một người mẹ mà tôi gặp ở bên Pháp vừa qua.

Bà có một hoàn cảnh rất đau đớn. Bà kết hôn với một người chồng ly dị, chúng ta gọi bà là một người ở trong tình trạng rối rắm. Bà nói với tôi là bà rất đau khổ về tình trạng rối của bà. Mỗi lần thấy người con gái của mình và những người khác lên rước lễ, còn bà thì quỳ ở dưới, bà rất đau khổ. Nhưng bà nói rằng: “Giờ ấy, con cầu nguyện rất sốt sắng, xin Chúa đoái thương đến con, đến những người trong hoàn cảnh khổ đau như con. Con dâng sự đau đón của con cho Chúa. Xin Chúa giúp đỡ giải quyết trường hợp của con”. Bà là một người rối, nhưng lại là một người hay lui tới cầu nguyện trong nhà thờ và dự thánh lễ hơn nhiều người khác. Hơn nữa, bà còn là người rất nổi tiếng, vì đã tham gia tích cực các sinh hoạt họ đạo và Hội Thánh ở vùng đó.

Cha sở nói với tôi về bà thế này: Bà là một dấu chỉ.

Dấu chỉ thứ nhất là sự bà khiêm tốn thẳng thắn, nhận mình có tội, không lên rước lễ. Dấu chỉ ấy nhắc nhở cho những người hay lên rước lễ hãy tự xem xét mình có xứng đáng không?

Dấu chỉ thứ hai là sự bà năng lui tới cầu nguyện, tham dự thánh lễ và tham gia các sinh hoạt tôn giáo, khiến cho những người trong hoàn cảnh như bà thấy rằng: Mình tuy tội lỗi, nhưng vẫn có chỗ đứng trong Hội Thánh, mình đừng tự loại trừ mình ra khỏi Hội Thánh.

Dấu chỉ thứ ba là sự bà thẳng thắn với lương tâm của mình và cố gắng làm việc lành. Tính cách đó đã kêu gọi những người trong họ đạo nên có một thái độ tế nhị đối với bà, và biết mở ra, để biết sống tế nhị kính trọng đối với những người ngoài Công Giáo, đối với những người trong hoàn cảnh rối rắm. Bà tâm sự với tôi: “Con sống trong tình trạng rối, con cầu nguyện và con cảm thấy rất thắm thía lời Chúa phán xưa: “Cha đến không phải cho những người công chính, mà Cha đến cho những người tội lỗi như con”. Và kết quả, là trước đây chồng bà rất ác cảm với Hội Thánh. Bây giờ, ông ta có thiệm cảm với đạo Chúa và còn khích lệ bà tham gia các việc trong họ đạo.

Anh chị em thân mến,

Qua hai kinh nghiệm trên đây, tuy rất khác nhau, nhưng đều nói với tôi điều này, đó là ơn quí nhất của một người nhận được từ Thiên Chúa, không phải là mình đã làm được cái gì, mà chính là đã gặp được Ðức Kitô, đã nhìn thấy Ðức Kitô là ai đối với mình. Ðức Kitô đối với họ, chính là Ðấng Cứu Ðộ giàu lòng thương xót. Họ nhìn thấy Ðức Kitô trong nội tâm, trong đời sống của mình. Ðó là điều an ủi nhất của họ. Ðó là hy vọng lớn nhất của họ. Ðó là quà tặng quí giá nhất Chúa gởi cho họ. Ðang khi, như bài Phúc Âm hôn nay đã nói: Nhiều người nghe về Thiên Chúa mà không hiểu, nhiều người đến dự thánh lễ mà không gặp được Ðức Kitô, thì Chúa lại ban cho một số người gặp được Ðức Kitô, hiểu được Ðức Kitô, coi Ngài là hy vọng của đời mình, là Ðấng Cứu Ðộ của đời mình.

Tôi thiết tưởng sự thật ấy rất đúng và đang thực hiện nơi anh chị em. Tôi cũng đã gặp nhiều người trong anh chị em có những cái kinh nghiệm như những người tôi mới nói. Và khi đã gặp được Ðức Kitô, khi đã nhìn thấy dung mạo của Ðức Kitô, anh chị em đã sống trọn vẹn cho niềm tin, để niềm tin ấy giúp cho mình, cho con cháu mình được vững vàng trong bể khổ đời này.

Trong thánh lễ hôm nay, nếu có điều gì ta cần phải tạ ơn Chúa hơn hết, thì điều đó là Chúa đã mạc khải cho ta, cho gia đình ta: Ðức Kitô là Ðấng Cứu Ðộ, và ta đã gặp được Ðức Kitô là hy vọng đời ta. Rồi nếu có điều gì ta cần cầu nguyện hơn hết trong lễ hôm nay, cho chính mình, cho con cháu của ta, thì điều đó là xin Ðức Kitô hãy mở mắt linh hồn ta, để ta nhìn thấy Người, để ta gặp được Người, để ta cảm được tình yêu của Người. Thiết tưởng đó là điều bảo đảm chắc chắn nhất cho hạnh phúc gia đình chúng ta.

Lễ thánh Gioakim và Anna, ngày 26/7/1994