Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Trở Về Với Ðức Kitô

Ga 3,31-36

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra bằng chứng giúp cho Nicôđêmô dễ nhận ra Ngài là Ðấng Thiên Chúa sai đến. Chúa Giêsu nói: “Ðấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, và có Thần Linh khôn lường”.

Với những lời trên đây, Ðức Kitô giới thiệu hai đặc điểm của Ðấng được Chúa Cha sai đến. Ðặc điểm thứ nhất là nói lời của Thiên Chúa. Ðặc điểm thứ hai là có Thần Linh khôn lường. Người ta căn cứ vào hai dấu chỉ đó để nhận ra ai là Ðấng Thiên Chúa sai đến.

Lời của Thiên Chúa là thế nào?

Thưa là lời chân lý cứu độ. Thưa là những lời đem lại niềm hy vọng cứu độ. Thưa là những lời đem lại tình yêu cứu độ. Thưa là những lời đem lại sự bình an cứu độ. Khi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, thì chính Ngài trở nên Lời của Thiên Chúa, chính Ngài là Lời của Thiên Chúa. Mọi việc Người làm, mọi Lời Người nói đều là Lời của Thiên Chúa.

Còn Thần Linh khôn lường là gì?

Thưa tóm tắt là Thần Linh sáng tạo, là Thần Linh biến đổi, giúp con người đi vào con đường về với Chúa, qua thân phận người con Thiên Chúa, qua thân phận con người là anh em với nhau.

Ðức Kitô đã làm chứng Ngài có hai đặc điểm ấy: Nói Lời của Thiên Chúa và có Thần Linh khôn lường.

Khi Ðức Kitô về trời rồi, các môn đệ của Ðức Kitô cũng có hai đặc điểm ấy:

Thứ nhất là các Ngài nói Lời của Thiên Chúa, tức là các Ngài giảng về Ðức Kitô. Chính Ðức Kitô là Lời của Thiên Chúa. Khi đọc sách Tông Ðồ Công Vụ và các thư của các tông đồ, chúng ta thấy các Ngài luôn luôn giảng Ðức Kitô, vì Ðức Kitô là Lời của Thiên Chúa. Các Ngài không giảng sự gì khác.

Thứ hai là các Ngài có Thần Linh khôn lường, giúp cho các Ngài có một phong cách giảng Phúc Âm, có một phong cách khôn ngoan, biết lúc nào nên làm cái gì, biết lúc nào nên tránh cái gì. Nghĩa là một Thần Linh giúp cho các Ngài biết sáng tạo, để áp dụng kế hoạch cứu độ mà Ðức Kitô đã truyền đạt cho các Ngài.

Trong suốt lịch sử Hội Thánh cho đến hôm nay, Hội thánh nói chung và các môn đệ của Hội Thánh nói riêng, đều đi theo Ðức Kitô, đều theo gương các tông đồ buổi sơ khai, để sống và làm chứng hai đặc điểm: Ðức Kitô là Lời Thiên Chúa, và Hội Thánh có Thần Linh khôn lường.

Nhưng dần dà chúng ta thấy, nhiều nơi, hai đặc điểm ấy bị lu mờ đi. Người ta không còn nói nhiều đến Lời Chúa. Người ta không còn đào sâu Lời Chúa. Người ta không còn là Thần Linh khôn lường của Chúa. Mà người ta sống theo thần tiền, thần danh vọng, thần thế tục.

Ít lây nay tại Việt Nam, tôi thấy xuất hiện một số nhà truyền giáo của các giáo phái. Họ đang cố gắng trình bày là họ có hai đặc điểm của môn đệ Chúa. Họ nói Lời Chúa một cách rất thông thạo, rất sâu sắc, và họ đi về phía dân nghèo như Chúa Kitô xưa, được hướng dẫn theo Thần Linh của Thiên Chúa.

Thần Linh Chúa ngự trên tôi. Người đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành cho những người bệnh tật, băng bó những tâm hồn đau thương”.

Họ đang làm chứng rằng: Họ có Thần Linh ấy. Họ đang đi đến với những người nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật, để mà băng bó, để mà giúp đỡ.

Với hai hoạt động ấy, Lời Chúa và đi tới những người nghèo khổ, họ đã hoạt động khá tích cực và hôm nay phải nói kết quả là rất đáng kể.

Trước hoàn cảnh này Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II của chúng ta, đã kêu gọi khắp Hội Thánh hãy trở về với Ðức Kitô, hãy biết tân-Phúc-Âm-hoá.

Tân-Phúc-Âm-hoá không phải là một cái gì mới, mà là hãy trở về với những Lời Ðức Kitô đã giảng dạy: Hãy giảng Lời Chúa. Hãy học Lời Chúa. Hãy đi sâu vào Lời Chúa. Rồi hãy sống Thần Linh của Thiên Chúa, để biết sáng tạo ra những gì thích hợp, giúp cho con người trở về với Thiên Chúa, giúp cho con người biết yêu thương nhau.

Khi nhìn về phía trước, tôi thấy rằng: Việt Nam, Hội Thánh trong Việt Nam, đang đi vào một tình hình phức tạp, có những cạnh tranh tôn giáo, có những sáng tạo về mọi mặt: Kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng. Trong hoàn cảnh có nhiều chọn lựa mới này, nếu chúng ta giữ đạo mà không bám vào Lời Chúa, mà không có Thần Linh khôn lường của Chúa soi dẫn, tôi sợ rằng, chúng ta dần dần sẽ mất đạo. Không phải vì chúng ta muốn, nhưng vì chúng ta đã không đi sâu vào những điều căn bản, những điều căn cốt, mà hôm nay Ðức Kitô đã nói đặc điểm của người Chúa sai đến: Lời Chúa là Thần Linh khôn lường.

Tôi có cảm tưởng rằng, trong những năm sắp tới, những sinh hoạt tôn giáo nào có chiều sâu Lời Chúa, có chiều sâu Thần Linh của Chúa, sẽ đứng vững, sẽ phát triển. Những giáo dân nào, những giáo xứ nào, những gia đình nào có một đức tin, có chiều sâu Lời Chúa, và có một cách sống đạo theo Thần Linh khôn lường của Chúa, thì sẽ phát triển, sẽ trở nên Tin Mừng cho những người chung quanh, và sẽ cảm thấy có một hạnh phúc khôn lường giữa một thế giới chao đảo. Tôi nói lại, chỉ có một cuộc sống có chiều sâu Phúc Âm, chiều sâu Lời Chúa, và chiều sâu Thần Linh của Chúa, mới có thể giúp cho Hội Thánh vững được và phát triển được, trong những hoàn cảnh sắp tới.

Chính vì vậy, trong thánh lễ Thêm Sức hôm nay, tôi với các cha, cùng với anh chị em, xin Chúa Thánh Linh giúp cho chúng ta, và nhất là con em chúng ta, biết trọng Lời Chúa, biết đi sâu vào Lời Chúa, và biết đón nhận Thần Linh của Chúa.

Mà muốn được như vậy, chúng ta cần có một tâm hồn đón nhận, đó là tâm hồn cầu nguyện, tâm hồn khiêm tốn, tâm hồn từ bỏ chính mình, thì Lời Chúa mới đi vào được, và Thần Linh của Thiên Chúa mới đi vào được, để biến đổi lòng chúng ta.

Tôi mong rằng, mỗi khi đến làm lễ ở các họ đạo, tôi sẽ cảm thấy một bầu khí đạo đức, thấm nhuần Lời Chúa và Thần Linh của Chúa, giúp cho mọi người, kể cả tôi, cảm thấy rằng: Chúa đang ngự giữa chúng ta. Chúa đang biến đổi chúng ta. Và Chúa đang dùng chúng ta để thành Tin Mừng trong xã hội Việt Nam hôm nay. Amen.

Lễ Thêm Sức, họ Martinô kinh E1 ngày 14/4/1994