Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Gặp Gỡ Chúa

Mt 14,22-36

Giờ đây, tôi xin chia sẻ với anh chị em một số tâm tư của tôi, khi suy gẫm về một chi tiết nhỏ trong bài Phúc Âm hôm nay. Chi tiết nhỏ đó là: Khi thánh Phêrô cảm thấy mình sắp chìm dưới biển, Ngài kêu cầu Ðức Kitô, và Ðức Kitô đã đến cầm lấy tay Phêrô, dắt Phêrô đứng lên.

Ðây là một hình ảnh gợi ý, giúp cho tôi nhớ tới thân phận của tôi, của anh chị em. Tôi đã nói với Chúa Giêsu rằng: Lạy Chúa, con và bao người của con cũng đang ở trong cuộc đời chìm nổi. Xin Chúa hãy đến, cầm lấy tay chúng con, mà dắt đi, để chúng con biết theo đường thánh ý Chúa.

Tôi nói với Chúa Giêsu như vậy một cách rất thân tình, và Chúa Giêsu trả lời tôi trong lòng: Ðúng như con nói. Con và bao người đang sống trong cuộc đời chìm nổi. Cha sẽ không đưa chúng con ra khỏi cuộc đời này. Nhưng, Cha sẵn sàng cầm tay chúng con, dắt chúng con đi theo con đường thánh ý Chúa, miễn là chúng con biết gặp gỡ Cha, miễn là chúng con biết lắng nghe Cha.

Qua lời Chúa soi sáng trong lòng tôi, tôi thấy vấn đề trở thành quan trọng đối với tôi, đó là gặp gỡ Chúa, lắng nghe Chúa.

Gặp gỡ Chúa và lắng nghe Chúa thế nào đây?

Theo kinh nghiệm các thánh và những người sống nội tâm, tôi thấy chúng ta có thể gặp gỡ Chúa và lắng nghe Chúa bằng nhiều cách. Nhưng có 3 cách này rất hiệu quả và rất phổ thông.

Cách thứ nhất là hãy đón nhận lời Chúa.

Khi tôi đọc lời Chúa, khi tôi lắng nghe lời Chúa, thì tôi phải đón nhận lời Chúa. Ðón nhận thế nào? Thưa là, tay nghe, mắt đọc, nhưng lòng mình nhìn thấy Chúa trước mặt và nhận ra rằng: Chính Chúa đang nói lời ấy với tôi. Rồi cầu xin Chúa Thánh Linh mở lòng ra để ta hiểu được lời Ðức Kitô dạy. Bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Chính Thánh Thần sẽ dạy chúng con những điều Thầy đã nói với các con”. Có nghĩa là Ðức Kitô nói, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ chúng ta trong lòng.

Khi chúng ta làm như vậy để đón nhận lời Chúa, thì chúng ta sẽ cảm thấy lời Chúa toả ra ánh sáng, tiết ra sự sống và thấm vào tâm hồn ta, vừa dạy dỗ, vừa uốn nắn, vừa thanh luyện để chúng ta cảm thấy chúng ta trở nên mới.

Ðón nhận lời Chúa là như vậy, chứ không phải chỉ nghe qua. Khi đón nhận như vậy, chúng ta sẽ thấy bàn tay Thiên Chúa cầm lấy bàn tay ta, để dẫn ta đi theo con đường thánh ý Chúa.

Cách thứ hai là cầu nguyện.

Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa, là lắng nghe Chúa. Nhiều người cứ tưởng rằng: Cầu nguyện là nói với Chúa. Cái đó cũng đúng, nhưng không hẳn là đúng. Chủ yếu cầu nguyện là đặt mình trước tôn nhan Chúa, là gặp gỡ Chúa, nhờ Chúa Thánh Linh giúp mình, để nhận ra Chúa là Cha, để nhận ra Ðức Kitô là Ðấng Cứu Ðộ. Mà điều này thì thánh Phaolô nói rất rõ: Không ai có thể nói được Ðức Kitô là Chúa của mình, nếu không nhờ đến Chúa Thánh Linh. Chính Chúa Thánh Linh đến, làm cho ta thấy mình là con Thiên Chúa, và lúc ấy khi cầu nguyện, con người ta sẽ cảm thấy có một liên hệ mật thiết với Chúa Cha, với Chúa Con, với Chúa Thánh Thần. Và từ đó, cảm thấy một hương vị ngọt ngào của tình yêu Chúa Ba Ngôi. Lúc ấy, con người ta sẽ thấy Thiên Chúa là trên hết, Thiên Chúa là cùng đích. Và bấy giờ, linh hồn cảm thấy như được bàn tay của Chúa dắt dìu để đi đúng thánh ý Chúa.

Cách thứ ba là học hành, tra cứu, tìm hiểu.

Học hành các sự thật tự nhiên, các sự thật tôn giáo. Ðó cũng là cách Chúa soi dẫn lương tâm mỗi người. Bởi vì Chúa là chủ các chân lý, những chân lý siêu nhiên cũng như những chân lý tự nhiên. Học về những sự thực con người, học về những chân lý xã hội, học về những chân lý khoa học. Tất cả đều là do Thiên Chúa. Nếu ta học, tra cứu, tìm hiểu với tinh thần làm sáng danh Chúa, mở Nước Chúa, thì Chúa sẽ đến soi sáng lương tâm, để biết chọn lọc cái đúng, cái không đúng, cái nên làm, cái không nên làm. Với sự thực tự nhiên, con người ta nhờ Chúa Thánh Linh, vẫn có thể đạt tới phần rỗi linh hồn.

Anh chị em thân mến,

Sáng nay, đài phát thanh Vatican, có loan đi một nhận xét của một Ðức Cha người Ý, từ Việt Nam mới về. Nhận xét đó là: Theo Ngài, nhiều khó khăn của Hội Thánh Việt Nam hôm nay là do nội bộ. Những khó khăn ấy là những khó khăn nội bộ nhiều hơn là những khó khăn ngoại cảnh.

Tôi cho nhận xét đó là đúng. Những khó khăn nội bộ đó là: Tại nhiều nơi trong Việt Nam, người ta không đủ khả năng để ứng phó với những vấn đề mới, với những hoàn cảnh mới, với những thách thức mới. Không đủ khả năng, bởi vì không chuẩn bị kịp, không huấn luyện đúng, không có cán bộ trong tôn giáo từ trên xuống dưới.

Nhiều khi tôi có cảm tưởng rằng: Nhiều cuộc lễ được tổ chức rất trọng thể, đông đảo. Nhưng hình như Chúa vẫn là một bóng mờ. Chúa vẫn vắng mặt. Cộng đoàn vẫn có không bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Bởi vì thiếu học hành, thiếu tra cứu, thiếu đón nhận lời Chúa, thiếu cầu nguyện. Và những điều kiện ấy hình như đã trở thành thói quen.

Tại Rạch Giá đây, phải nói rằng: Các cha và những người cộng tác của các cha đã giúp cho cộng đoàn của anh chị em đang đi theo con đường thánh ý Chúa. Học hành, đón nhận lời Chúa, và biết cầu nguyện. Tuy nhiên, chúng ta không nên tự mãn về những kết quả nhỏ nhoi đó. Chúng ta cần phải bám vào Thiên Chúa nhiều hơn. Cần phải biết đón nhận, gặp gỡ Chúa nhiều hơn. Cần phải biết lắng nghe Chúa nhiều hơn trong tâm hồn mình, khi đọc lời Chúa, khi cầu nguyện, khi học hành, tiếp xúc, tra cứu, tìm hiểu.

Tương lai trước mặt chúng ta sẽ khó khăn. Tôi nói lại: Tương lai trước mặt chúng ta sẽ rất khó khăn, nhất là về mặt tôn giáo, đức tin.

Vì thế, nếu chúng ta không để cho bàn tay Chúa cầm bàn tay ta dẫn dắt, tôi sợ có ngày chúng ta sẽ mất đức tin, sẽ suy giảm đức tin. Ðây là những tâm tình chân thành nhất tôi chia sẻ với anh chị em.

Thánh lễ hôm nay, tôi cầu Chúa Thánh Linh đến với chúng ta, vào trong tâm hồn chúng ta và làm chủ tâm hồn chúng ta. Amen.

Lễ Thêm sức, Rạch Giá ngày 02/8/1994