Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Gặp Gỡ Ðức Kitô

Mt 19,13-15

Bài Phúc Âm hôm nay tuy rất vắn, nhưng dạy tôi một điều quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng. Tôi thấy rằng: Sở dĩ các tông đồ xưa, đã quở trách và cản ngăn các trẻ em đến với Ðức Kitô, là vì các Ngài cho rằng: Trẻ nhỏ chưa đủ trí khôn, để hiểu những việc Ðức Kitô làm và những lời Ðức Kitô dạy. Các tông đồ cho sự suy biết của trí khôn, là một tiêu chuẩn về đức tin, có thể như vậy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không nghĩ như các tông đồ. Ngài bảo các tông đồ hãy để các trẻ em đến với Người. Không những Người đặt tay trên chúng mà còn ôm chúng vào lòng.

Thái độ trên đây của Ðức Kitô đề cao sự gì?

Thưa, đề cao sự gặp gỡ Chúa. Ðức Kitô muốn nhấn mạnh đến sự gặp gỡ Chúa, là việc quan trọng hơn việc hiểu biết về Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự gặp gỡ Ðức Kitô là tình yêu cứu độ, thì quan trọng hơn là học những giáo lý cao sâu về mầu nhiệm Nước Trời. Khi các trẻ em, tuy còn non nớt đến với Ðức Kitô, chúng nhìn thấy đôi mắt hiền hậu của Ðức Kitô, chúng cầm được bàn tay nâng đỡ của Ðức Kitô, chúng nghe được giọng nói ngọt ngào của Ðức Kitô, chúng đứng bên một người mà chúng cảm thấy là người đã bênh vực chúng, là người đã thương yêu chúng, thì bấy giờ, chúng đã nhận ra Ðức Kitô là tình yêu, là điểm tựa, là Ðấng Cứu Ðộ, là hy vọng của nó. Nó không dựa trên lý lẽ nào, nó chỉ dựa vào thái độ của Ðức Kitô do sự nó gặp gỡ Ðức Kitô, để nó nhận ra Ðức Kitô là Ðấng đã thương yêu chúng nó. Ðây là điều căn bản nhất của đức tin.

Nếu chúng ta hiểu tất cả những sự sâu xa của giáo lý, mà chưa lần nào gặp gỡ được Ðức Kitô, mà tin rằng Ðức Kitô là Ðấng thương yêu mình, cứu độ mình bằng tình yêu và lòng thương xót của Người, thì chưa phải là đức tin sống động.

Gặp gỡ Chúa, đó là điều Kinh Thánh nhắc lại nhiều lần. Có nơi Chúa nói: “Hãy đến mà xem”. Có nơi Chúa nói: “Hãy nhìn và hãy nếm thử sự tốt lành của Thiên Chúa bao la thế nào?”. Có nghĩa là cần phải gặp gỡ thôi. Thánh Mađalêna, con người tội lỗi, đã đến với Ðức Kitô, đã xem thấy Ðức Kitô, đã đứng gần Ðức Kitô. Và có thể nói là đã nếm được sự ngọt ngào của tình yêu cứu độ của Ðức Kitô. Chỉ thế thôi, Madalene đã trở lại, đã nên người mới, đã có một đức tin sắt đá, để vững tâm theo Ðức Kitô đến giây phút cuối cùng.

Những gì Kinh Thánh dạy về sự gặp gỡ Chúa, thì nay cũng đang được thực hiện khắp nơi. Tôi thấy tại nhiều giáo xứ, đang có phong trào dạy giáo lý cho trẻ em. Ðang khi dạy giáo lý như vậy, các giảng viên không quên giúp cho trẻ em gặp gỡ Ðức Kitô, gặp gỡ qua sự đón nhận lời Chúa, gặp gỡ qua sự thực thi lời Chúa, gặp gỡ qua sự cầu nguyện với Chúa. Phải làm thế nào cho người học giáo lý gặp được Ðức Kitô là Ðấng cứu độ bằng tình yêu sâu thẳm.

Có một lần, khi tham dự cuộc chia sẻ của những người tĩnh tâm, tôi đặt ra một câu hỏi: “Trên một chuyến xe, tôi gặp một người khách lạ ngoại giáo. Họ hỏi tôi về đạo Công Giáo. Chuyến xe chỉ kéo dài chừng 15 phút. Ðặt trong trường hợp đó, tôi phải nói thế nào để có thể thuyết phục được người khách lạ đó về niềm tin của tôi?”.

Trước câu hỏi tôi đặt ra, những người trong nhóm đều nói lên ý nghĩ của mình. Người nói thế này. Nguời nói thế kia, nhưng có một người đã trả lời vắn tắt: Chính con đã gặp trường hợp như vậy. Chuyến xe không phải là 15 phút mà chỉ có 10 phút. Một người đã hỏi con về đạo Công Giáo. Con chỉ thưa đơn sơ thế này: “Chính tôi đã được gặp gỡ Ðức Kitô. Ðức Kitô thương yêu tôi. Ðức Kitô đã làm cho tôi cảm thấy tình thương của Ngài thật bao la. Khi tôi đau yếu, khi tôi tội lỗi, khi tôi cô đơn, tôi cầu nguyện với Ðức Kitô. Và Ðức Kitô đến với tôi một cách vô hình, nhưng thật sự như là Ngài chạm đến tôi. Tôi không thể nào quên được Ðức Kitô là tình yêu của tôi”. Con chỉ nói lại những gì con đã kinh nghiệm về sự gặp gỡ Ðức Kitô. Và sau 10 phút, người khách lạ ấy phần nào đã tin vào những gì con đang tin.

Như vậy, có nghĩa là khởi sự bao giờ cũng phải tập trung vào Ðức Kitô, phải gặp gỡ Ðức Kitô. Gặp gỡ Ðức Kitô ví như là tiếng chuông, còn giáo lý cắt nghĩa sau này chỉ là tiếng vang, tiếng ngân của một tiếng chuông đó. Nếu chúng ta chỉ để ý tiếng vang, tiếng ngân, mà không có tiếng chuông, tức là không có sự gặp gỡ Ðức Kitô, thì giáo lý chỉ là một mớ kiến thức suông mà thôi.

Hôm nay tôi chia sẻ với anh chị em mấy điều trên đây, vớ hy vọng anh chị em để ý nhiều hơn đến sự gặp gỡ Ðức Kitô.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu và càng ngày càng hiểu hơn sự gặp gỡ Ðức Kitô quan trọng thế nào trong việc đổi mới chúng ta và Hội Thánh chúng ta. Amen.

Lễ Thêm sức, Vàm Cống ngày 13/8/1994