Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV



 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1993
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1994
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 2 - 1995
 

Ðạo Tình Yêu

Ga 8,51-59

Bài Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu giảng đạo cho người Do Thái. Chúa Giêsu giảng một cách trực tiếp, một cách rõ ràng, một cách sốt sắng. Ngài giảng dựa theo Cựu Ước. Khi giảng xong, dân Do Thái nói với Ðức Kitô thế này: “Bây giờ chúng tôi mới thấy rõ ông là người bị quỉ ám”.

Ðây là một kết quả rất ngỡ ngàng, rất đáng kinh sợ, rất đáng suy nghĩ: Sau một giờ giảng đạo, mà người giảng đạo chính là Ðức Kitô, người nghe đã kết luận: Ông chính là người bị quỉ ám.

Nếu trước khi giảng đạo, người ta coi Ðức Kitô là một người bình thường thì không có vấn đề. Nhưng khi thấy Ngài rồi, khi nghe Ngài rồi, người ta lại nói ông chính là người bị quỉ ám, thì đó mới là có vấn đề.

Mà vấn đề, đó là dân Do Thái quá tự tín, mang nặng thiên kiến. Họ là người cứng lòng. Vấn đề là như vậy. Nhận xét của họ rất sai lầm. Và từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ chỗ cho Ngài là người bị quỉ ám, dân Do Thái toan tính đem Ngài đi ném đá. Một sự sai lầm đem đến độc ác.

Trước hoàn cảnh bi đát như vậy, Ðức Kitô đã phản ứng thế nào?

Chúng ta vừa nghe: Ngài không oán giận. Ngài không trừng phạt. Ngài không làm phép lạ để ra tay áp lực họ tin Ngài. Ngài khiêm tốn rút lui, đi vào âm thầm. Rồi sau đó, Ngài lại để cho dân Do Thái đến bắt Ngài, kết án Ngài, treo Ngài lên thập giá.

Phản ứng của Ngài như vậy, là để tỏ rõ lập trường của đạo Ngài: Ðạo Ngài giảng là đạo tình yêu. Ngài làm chứng cho tình yêu, một tình yêu nhẫn nhục, một tình yêu khiêm tốn, một tình yêu tha thứ, một tình yêu đợi chờ. Ngài trở nên một tình yêu âm thầm như một hạt giống, cứ ở đấy, đợi có ngày sinh ra cây tốt.

Tình thương của Ngài cũng giống như một tấm men, bé nhỏ thôi, nhưng lan dần, để sau này, biến dân tộc, biến nhân loại, trở thành những người khao khát tình thương và chân lý.

Kết quả của đạo Ðức Kitô rao giảng là làm chứng nó sâu sắc, nhưng cần phải có kiên trì, đợi chờ, một năm, nhiều năm, nhiều thế hệ.

Những điều tôi nói trên đây soi sáng cho tôi nhìn Ðức Kitô tại họ đạo Hòn Chông này:

Tại đây, tôi đã thấy Ðức Kitô cũng đã nhiều lần bị xua đuổi, bị hiểu lầm, bị khai trừ. Ðức Kitô trong Hội Thánh tại đây, đã có những thời như hồi xưa, bị khốn khó. Nhưng Ðức Kitô tại đây cũng như xưa, đã khiêm tốn rút vào âm thầm, đã phản ứng lại bằng thái độ yêu thương, luôn cầu nguyện cho tất cả mọi người chung quanh, luôn tha thứ cho mọi người làm khổ mình, luôn sẵn sàng làm ơn cho những kẻ gần gũi và cần đến mình.

Tình thương Ðức Kitô trong Hội Thánh tại địa phương này cũng đã là một hạt giống, cũng đã là một tấm men. Hạt giống ấy đang mọc lên tươi tốt. Tấm men ấy cũng đang lan rộng trong địa phương này. Kết quả như chúng ta thấy hôm nay.

Họ đạo chúng ta đang phát triển. Và phát triển có nghĩa là đổi mới, đổi mới hầu như hoàn toàn, về tinh thần cũng như về vật chất. Nhất là đổi mới trong bầu khí quan hệ đạo đời, lương giáo, đổi mới trong cái nhận định, trong cái não trạng giữ đạo cho thích hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Hồi nãy, khi đi viếng tượng Ðức Mẹ, tôi có tạ ơn Ðức Mẹ vì sự đổi mới này. Và tôi có hỏi Ðức Mẹ trong lòng tôi: Chúng con phải làm gì hôm nay và trong tương lai, để cho hạt giống Phúc Âm tình thương cứu độ được phát triển? Tôi nghe Ðức Mẹ trả lời: Hãy làm như Mẹ đứng ở đây trong suốt mấy chục năm nay. Mẹ vẫn đứng đây dưới trời mưa trời nắng, ban ngày ban đêm, bốn mùa, chứng kiến mọi sự, chịu đựng mọi sự, chia sẻ mọi sự, đón nhận mọi sự, gắn bó với con người địa phương này. Ðấy là tình thương của người mẹ, đấy là tình thương của Hội Thánh Ðức Kitô. Nếu chúng con muốn làm chứng cho tình thương cứu độ của Ðức Kitô trong thời điểm mới này, hãy bắt chước Mẹ như một tình thương người Mẹ.

Lúc nãy trước lễ, tôi nghe đọc những lời hướng dẫn về Chúa Thánh Linh. Có một câu làm tôi suy nghĩ. Câu đó là: “Xin Chúa Thánh Linh cho chúng con được can đảm làm chứng cho Chúa”. Khi nghe câu đó, tôi tự nghĩ trong lòng rằng: Cần can đảm, nhưng mà cần khôn ngoan hơn.

Lúc này là lúc cần khôn ngoan. Trong thời gian bắt bớ thì cần can đảm để đừng bỏ đạo. Nhưng trong thời gian phải làm chứng cho Ðức Kitô, thì phải khôn ngoan, để biết lựa chọn cách nào hợp hơn với tâm lý, với yêu cầu, với lịch sử của địa phương mình. Khôn ngoan mới là ơn mà trong thánh lễ Thêm Sức hôm nay, mà tôi cầu xin cách riêng cho tôi, cho các cha, cho tất cả anh chị em, để trong nhiều cái mời gọi, trong nhiều dự án, trong nhiều trường hợp, ta biết chọn lựa cái nào thích hợp nhất, hữu hiệu nhất, để làm chứng cho tình yêu cứu độ của Ðức Kitô.

Trong tâm tình đó, tôi xin Chúa Thánh Linh, vì công nghiệp Ðức Mẹ truyền tin, ban cho chúng ta hết thảy được ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Linh, để chúng ta, một cộng đoàn Hòn Chông bé nhỏ, giữa một địa phương bao la ngoại giáo, biết làm chứng cho Chúa, làm chứng một cách âm thầm, nhưng hữu hiệu, làm chứng như một trái tim người mẹ đứng ở ngoài kia, giữa sương gió của thời gian. Và như vậy, tôi thiết tưởng, lễ hôm nay của chúng ta, cũng sẽ là một cái mốc, để chúng ta nhận định cách sống đạo trong thời điểm mới bây giờ. Amen.

Lễ Thêm Sức, Hòn Chông ngày 24/3/1994