Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

Nhân năm Linh Mục
TÍNH SỔ LINH HỒN

 

Dịp giáp năm, mỗi môn đệ Chúa nên tính sổ linh hồn mình. Sổ linh hồn là sổ ghi lại những đòi hỏi của Chúa và mình đã đáp lại ra sao. Ở đây, tôi xin phép gợi ý một số điểm, mà Phúc Âm cho là quan trọng trong tu đức, mục vụ và truyền giáo.

 1/ Sống mật thiết với Chúa

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ điều này là: Hãy sống mật thiết với Người. Người tả cuộc sống mật thiết ấy bằng những lời như sau:

"Hãy ở lại trong Thầy
như Thầy ở lại trong anh em.
Cũng như cành nho không thể
tự mình sinh hoa trái,
nếu không gắn liền với cây nho,
anh em cũng thế,
nếu không ở lại trong Thầy.
Thầy là cây nho, anh em là cành.
Ai ở lại trong Thầy
và Thầy ở lại trong người ấy,
thì người ấy sinh nhiều hoa trái,
vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được
" (Ga 15,4-5).

Sống mật thiết với Chúa đòi phải có đức tin. Nhưng tin ở đây không phải chỉ là chấp nhận những điều Chúa dạy, nhưng chủ yếu là thiết lập một liên hệ riêng tư, sống động với chính Đức Giêsu Kitô. Liên hệ ấy là một sự dấn thân trọn vẹn cho Người.

Đôi khi chúng ta hiểu sự sống mật thiết với Chúa là một thứ vượt qua chính mình, để bắt đầu lại hằng ngày. Không hẳn là thế. Thực sự, sống mật thiết với Chúa là để Chúa dẫn ta đi. Ta như đứa con nhỏ bé phó thác trong tay Người.

Sự sống mật thiết, mà Chúa nói đây, phải là sự sống sản sinh ra trái thiêng liêng.

Trái thiêng liêng đầu tiên là chính bản thân ta được biến đổi, được thấm nhuần, được nên mới nhờ suy niệm và lắng nghe Lời Chúa.

Một trái thiêng liêng khác luôn được cảm nghiệm thấy, đó là sự ta biết cầu nguyện. Lúc đó, chúng ta sẽ là những người thờ phượng Chúa thực sự, nghĩa là "trong tinh thần và trong chân lý" (Ga 4,23). Bởi vì chúng ta sẽ "cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần" (Rm 8,26).

Một trái thiêng liêng khác thường được thấy nơi người sống mật thiết với Chúa, là Thánh thần của Chúa Cha sẽ nói trong họ, khi họ phải rao giảng Tin Mừng (x. Mt 10,19-20).

Sự sống mật thiết với Chúa, như vừa mô tả vắn tắt, là một ơn rất quý Chúa hứa ban cho các con cái Chúa. Nhưng thực tế cho thấy: có người nhận được ơn đó, có người không nhận được ơn đó. Thái độ khiêm nhường, khát khao là điều kiện cần để đón nhận. Trong năm qua, chúng ta có đón nhận ơn đó không?

 2/ Nhận ra Thiên Chúa là Tình yêu giàu lòng thương xót với những hệ luỵ

Phúc Âm luôn có những cái mới mẻ. Một cái mới mẻ của Phúc Âm là càng ngày người ta càng khám phá ra tình yêu bao la của Thiên Chúa.

Thánh tông đồ Gioan quả quyết: "Thiên Chúa là Tình yêu" (1 Ga 4,8). Tình yêu ấy có mấy đặc điểm. Thí dụ:

- Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước (1 Ga 4,10).

- Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đến nỗi đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (1 Ga 4,10).

Chính ở điểm "Chúa Giêsu dâng mình làm của lễ đền tội cho nhân loại" mà một chuỗi những mâu thuẫn đã xảy ra. Một số người nhận ra tình yêu vô biên của Chúa trong cuộc tử nạn của Chúa. Nhưng một số người lại coi cuộc tử nạn đó là một sự yếu kém, đáng khinh chê, không thể chấp nhận được.

Trên thánh giá, Chúa Giêsu bị trêu chọc nhục mạ bởi những quân lính (x. Mt 27,49), bởi những người qua đường (x. Mc 15,29), bởi những nhà đạo đức thông thái (x. Lc 23,35), bởi tên trộm cướp (x. Lc 23,39).

Những hậu quả mâu thuẫn gây nên do tình yêu tự hạ của Chúa xưa là thế. Mà nay cũng vậy. Năm đã qua và đang qua cũng đã chứng kiến những sự kiện đó.

Một phong trào muốn bản thân mình và Hội Thánh Chúa ở Việt Nam phải luôn được vinh quang bằng chiến thắng. Một phong trào khác chấp nhận con đường tự hạ từ bỏ để làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót. Phong trào này có nơi bị khinh chê, ruồng bỏ. Đang khi phong trào trên có nơi được đề cao, ca tụng.

Đó là một thử thách, Chúa đòi chúng ta phải lựa chọn. Chúng ta đã chọn phong trào nào, như một ơn Chúa ban?

 3/ Giới răn yêu thương

Một điều rất tha thiết Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ là: Giới răn yêu thương: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34).

Yêu thương nhau là dấu ấn của người môn đệ Đức Kitô: "Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em có lòng thương yêu nhau" (Ga 13,35).

Yêu thương nhau là dấu chỉ của sự yêu mến Thiên Chúa: "Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình" (1 Ga 4,21).

Yêu thương nhau là phản ảnh ánh sáng cứu độ: "Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng" (1 Ga 2,10).

Nói thế không có nghĩa là yêu thương là việc dễ. Thực tế cho thấy: Có nhiều người làm việc trong các cơ quan từ thiện bác ái một cách hăng say, nhưng lại không có tâm hồn bác ái. Nhiều khi chỉ là máy móc, hoặc đơn thuần là dịch vụ, hoặc vì tư lợi.

Thiết tưởng điều quan trọng trong yêu thương phục vụ là làm như Chúa Giêsu đã yêu thương phục vụ. Nói cách khác, đó là phải yêu thương phục vụ theo thánh ý Chúa, theo lương tâm tốt lành.

Không thiếu trường hợp, yêu thương phục vụ đã làm hư người được phục vụ, hay đã làm hư chính người phục vụ. Yêu thương mà không hy sinh là yêu thương giả. Hy sinh mà thiếu yêu thương là hy sinh thừa.

Hiện nay, yêu thương phục vụ đang trở thành một khủng hoảng cả trong đạo lẫn ngoài đời. Trong năm qua, chúng ta đã làm gì đối với khủng hoảng đó?

Một thoáng nhìn trên đây về sổ linh hồn sẽ giúp chúng ta biết sự thực về tình hình sức khoẻ linh hồn. Xin Chúa thương ban cho chúng ta ơn bình an, trên con đường trở về với Chúa. Ơn bình an của Chúa sẽ được ban cho ta, khi ta , ít là tạm thời, bỏ cuộc sống đôn đáo và phân tán, để tập trung vào một mình Chúa mà thôi.

Long Xuyên, ngày 8/1/2010