Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

HIẾN TẾ CHÍNH MÌNH

 

Tội lỗi là một sự dữ ác độc. Tội lỗi là một tai hoạ khủng khiếp.

Vì thế, người tin theo Chúa phải làm hết sức để khỏi sa vào tội lỗi.

Nếu đã bị tội lỗi khống chế, thì phải làm hết sức để được giải thoát.

Nếu đã bị tội lỗi làm hư hại mình và kẻ khác, thì phải làm hết sức để sửa lại.

Những ý thức trên đây thường đi kèm với kinh nghiệm.

Kinh nghiệm là: Không sa vào đường tội được cảm nghiệm như một hạnh phúc.

Giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi được cảm nghiệm như một sự gặp gỡ Chúa cứu thế.

Sửa lại đời mình bằng đền tội được cảm nghiệm như một sự thuộc về Chúa.

Tham gia vào công trình cứu độ lấy thiện thắng ác, được cảm nghiệm như một hy lễ.

 1/ Sứ mệnh dâng mình làm hy lễ nơi Chúa Giêsu

Những ý thức trên đây cũng như những cảm nghiệm trên đây đều phát sinh từ sự chúng ta được tham gia vào sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian là để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, đưa loài người về hạnh phúc thực.

Người cứu nhân loại bằng những lời giảng, bằng những đào tạo, bằng những gương sáng. Nhưng đặc biệt nhất là bằng sự hy sinh mạng sống mình, để đền tội cứu chuộc.

"Đức Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta. Không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, mà còn vì tội lỗi cả thế gian nữa" (1 Ga 2,2).

Phạm tội thì phải đền tội. Đền tội là việc rất nặng nề. Nhưng vì thương xót, Thiên Chúa đã sai chính Con của Người đền tội thay cho chúng ta. "Tình yêu cốt ở chỗ này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến, làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4,10).

Để làm của lễ đền tội, Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống mình, chịu khổ hình, chịu chết trên thánh giá.

"Tôi hy sinh mạng sống cho đoàn chiên" (Ga 10,15).

Hy sinh mạng sống mình là một việc tự nguyện. "Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình" (Ga 10,18).

Hy sinh mạng sống mình là tình yêu vô cùng cao cả, có sức mạnh thiêng liêng vô giá, rất đẹp lòng Chúa. "Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình" (Ga 10,17).

Sứ mạng trên đây của Chúa Giêsu là một khích lệ cho mọi người, nhất là cho các môn đệ Chúa.

 2/ Sứ mạng dâng mình làm hy lễ nơi các người Chúa chọn

Sứ mệnh hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc và đền tội cho người khác được in trong Phúc Âm. Sứ mệnh đó cũng được in trong lòng chúng ta. Sứ mệnh đó in trong lòng chúng ta, trở thành tiếng gọi tha thiết, sống động. Tiếng gọi vừa thúc bách, vừa ngọt ngào. Tiếng gọi đó đi liền với sự hiện diện của Chúa Giêsu. Nó thoát ra từ một tình yêu cứu độ. "Không tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình" (Ga 15,13).

Như thế, trong sự ta dâng mình làm của lễ cứu chuộc và đền tội, ta thấy có tình yêu đối với Hội Thánh, với những người thân yêu, với dân tộc mình.

Chiều kích hiến tế được tỏ rõ như một chiến thắng của tình yêu, có sức đẩy lùi sự dữ.

Phản ứng tự nhiên của chúng ta trước chiều kích hiến tế đó là sự sám hối và thanh luyện.

Càng đi sâu vào tinh thần hiến tế, chúng ta càng cảm thấy ý nghĩa của sự đau đớn. Đau đớn lúc đó hiện lên như một sự thiện tham gia vào những đớn đau của Chúa cứu thế, có sức giải thoát và đền tội. Nó là một sự chiến thắng của tình yêu.

 3/ Hy lễ trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay

Tới đây, tôi nhớ tới những người đang sống tinh thần hiến tế tại Việt Nam hôm nay.

Tinh thần hiến tế được thực hiện với nhiều mức độ và với nhiều khuôn mặt khác nhau.

Đáng để ý nhất là những người tự ý hiến tế mạng sống mình thường xuyên trong những cảnh sống phục vụ âm thầm lặng lẽ. Sự sống của họ không là cái gì có sẵn, nhưng là một sự giải thoát khỏi tội lỗi, vượt qua chính mình và hy sinh cho người khác.

Họ được Chúa yêu thương một cách đặc biệt. Họ thuộc về Chúa một cách sâu sắc. Họ tham gia vào chương trình cứu độ của Chúa một cách quảng đại.

Họ đang ở giữa chúng ta. Chúng ta nên biết ơn họ. Biết đâu chúng ta cũng phải nhờ họ phần nào mà được ơn Chúa cứu độ.

Cùng với họ, chúng ta nhìn sang Đức Mẹ Maria đang đứng dưới chân thánh giá. Mẹ là mẹ khổ đau. Mẹ lặng lẽ chia sẻ cơn hấp hối của Chúa Giêsu. Mẹ cảm nhận tất cả những khổ đau tinh thần và thể xác của Chúa Giêsu.

Chính trong tình trạng đó, Chúa Giêsu đã trối chúng ta cho Mẹ. Mẹ trở thành mẹ của chúng ta trong những đớn đau hiến tế.

Chúng ta được Mẹ ôm vào lòng, để hấp thụ một sự sống mới. Mẹ biết những yếu đuối của chúng ta. Nhưng Mẹ cũng biết tình yêu vô biên của Chúa có sức cứu độ chúng ta.

Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá từ nay và mãi mãi sẽ là nơi chúng ta ở lại, để đón nhận ơn cứu độ và ơn trở thành hiến tế.

Chính từ đó, tôi nhận ra sứ mạng của nhiều người trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Được cùng với Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá, họ "ra khơi" một cách thiêng liêng. Họ xác tín rằng: Ơn cứu độ không đến với con người nhờ các hoạt động trần thế, nhưng nhờ mầu nhiệm thánh giá. Từ thánh giá, họ cùng Đức Mẹ Maria loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót.

Long Xuyên, ngày 21/2/2010