Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

Nhân lễ Quốc Khánh

SUY NGHĨ VỀ CHIỀU KÍCH TÂM LINH

 

Năm nay, lễ Quốc Khánh được tổ chức trọng thể khác thường. Thời gian mừng không chỉ ngày lễ, mà còn trước lễ và sau lễ. Chương trình mừng rất đa dạng. Điều khiến tôi để tâm suy nghĩ nhiều nhất trong dịp trọng đại này là chiều kích tâm linh.

 1/ Chiều kích tâm linh

Bầu khí lễ, dù với hương sắc nào, vẫn có một cái gì đó được gọi là linh thiêng.

Linh thiêng ở chỗ phần đông tưởng nhớ tới tổ tiên và những người đã có công dựng Nước, và bảo vệ Nước. Tưởng nhớ này rất sâu. Họ như đối diện với các hồn những người đã khuất. Như tin rằng các hồn ở cõi bên kia, vẫn thấy được tâm tình con cháu mình đang sống. Họ như cảm được niềm vui của các hồn trước những thành tựu của thế hệ đi sau.

Linh thiêng ở chỗ phần đông hướng về hồn Đất Nước. Sông núi như có hồn. Hồn Đất Nước như thiêng liêng và hũng vĩ, đùm bọc chở che, lắng nghe và khen thưởng.

Linh thiêng ở chỗ phần đông cảm nhận được tình nghĩa giữa đồng bào là linh thiêng quý báu. Tình nghĩa ấy bắt đầu từ những cội nguồn thần thánh, trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm nghi ngút khói hương, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác những tâm tình thờ tự, khấn cầu và đạo lý.

Linh thiêng ở chỗ phần đông được thúc đẩy bởi động cơ đạo Hiếu. Hiếu với tổ tiên và những ân nhân, trung với Đất Nước và đồng bào, đó là những giá trị cao cả như từ trên ban xuống.

Linh thiêng ở chỗ phần đông ý thức được vấn đề trách nhiệm và danh dự. Trách nhiệm cống hiến, đáp đền. Danh dự được phục vụ, hy sinh.

Những yếu tố linh thiêng trên đây dễ gây nên cảm xúc. Cảm xúc tác động đến phán đoán. Rồi đưa tới ước muốn và chọn lựa. Chọn lựa đúng đắn nhất sẽ là một lý tưởng. Lý tưởng ấy là một niềm tin chan chứa tình thương đối với Tổ Quốc và đồng bào.

Tất cả những linh thiêng nói trên đều góp phần làm nên chiều kích tâm linh.

Chiều kích tâm linh này, dù gọi được là một tín ngưỡng hay không, nó vẫn giúp nhiều người có một lẽ sống. Cuộc sống của họ trở nên cao thượng với những dấn thân chan hoà.

Suốt thời gian dài mừng Quốc Khánh, các phương tiện truyền thông đều đồng loạt phổ biến những dấn thân đủ loại dành cho lớp người nghèo túng, bệnh tật, cô đơn.

Các việc từ thiện được kể như mảng thời sự làm đẹp lễ Quốc Khánh. Thời sự ấy được coi như thước đo chiều kích tâm linh của từng cá nhân, từng đoàn thể, từng địa phương. Chính chế độ chính trị cũng được đánh giá theo thước đo chiều kích tâm linh ấy.

Tâm thức quần chúng coi chiều kích tâm linh là một yếu tố quan trọng cần thiết của con người Việt Nam. Tâm lý ấy càng trân trọng mến yêu những nhân vật lãnh đạo nào có chiều kích tâm linh toả sáng.

Với một thoáng nhìn trên đây, chúng ta đánh giá chiều kích tâm linh của dân tộc ta là một gia tài quý giá.

Gia tài đó sẽ tồn tại mãi, chúng ta ước mong như vậy. Chúng ta nuôi hy vọng, nhưng cũng cần tỉnh táo. Điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là sẽ có nhiều thử thách.

 2/ Thử thách đe doạ chiều kích tâm linh

Những thử thách đe doạ chiều kích tâm linh phải kể là nhiều và mạnh.

Trước hết chúng đến từ ngoài bờ cõi. Bờ cõi bây giờ chỉ là ranh giới địa lý, chứ đâu còn là ranh giới của các nền văn hoá, các trào lưu tư tưởng và các lối sống. Thực tế là bờ cõi nước ta đang mở rộng, để các luồng văn hoá tư tưởng đủ loại nhập vào. Một số các luồng văn hoá tư tưởng đó đang tập trung vào cuộc sống hưởng thụ.

Hưởng thụ khi trở thành lẽ sống, sẽ dễ đi vào chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi.

Chủ nghĩa cá nhân gây nên nhiều xung đột với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Những xung đột này sẽ rất nguy hiểm, khi cá nhân nhắm tới mục đích tìm lợi ích riêng cho riêng mình bằng những bất công và giả dối.

Khi mục đích hưởng thụ lấn át mục đích phục vụ, nó sẽ không ngại phá hoại các giá trị cao quý về đạo đức.

Từ đó, sẽ nảy sinh ra khuynh hướng thực dụng. Cái gì có lợi trước mắt cho mục đích hưởng thụ, đều được chạy theo, nắm bắt, bất kể cái lợi trước mắt đó có hại cho đạo đức hay không.

Hưởng thụ nói đây tìm sung sướng vật chất. Một cuộc đời cốt tìm sung sướng đó sẽ không chấp nhận những giao tranh khổ cực, mà đạo đức đòi hỏi.

Phong trào khuyến khích hưởng thụ đang tràn vào Việt Nam một cách dễ dàng. Hơn nữa, nó lại đang được đón nhận với nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là một thử thách lớn cho chiều kích tâm linh của dân tộc.

Ngoài thử thách từ ngoài, còn có thử thách từ trong. Đó là lãng quên quá khứ.

Quá khứ của dân tộc dày đặc những gian khổ. Những ai đã từng trải qua những gian khổ đó đều coi chiều kích tâm linh gian khổ của dân tộc là một yếu tố cần thiết, để không mất Nước và đánh mất chính mình.

Nhưng, khi đời sống hôm nay đã nhàn hạ, thì người ta dễ quên đi quá khứ gian khổ. Nhất là những ai chưa hề biết quá khứ đó trên thực tế, mà chỉ biết sơ sơ trên sách vở, họ sẽ chẳng có gì để quên. Số những người như thế có thể sẽ tăng dần. Do đó, sự lãng quên quá khứ sẽ trở thành một thử thách lớn.

Sự lãng quên quá khứ sẽ dẫn tới sự đứt đoạn với quá khứ, hoặc đoạn tuyệt với quá khứ. Mà nếu thực sự sẽ xảy ra như vậy, thì sớm muộn những giá trị đạo đức làm nên chiều kích tâm linh của dân tộc sẽ chỉ còn là những tài liệu trong thư viện mà thôi.

Nói tóm lại, nếu chẳng may, sự suy thoái và băng hoại đạo đức trở nên bình thường, thì vận mệnh của dân tộc sẽ mãi là nỗi lo âu của nhiều tâm hồn yêu nước thương nòi.

Cũng vì thế, mà khi lễ Quốc Khánh được coi như dịp để tôn vinh và chỉnh đốn đạo đức, thì những hy vọng chính đáng sẽ được thắp sáng lên, tạo nên được một sức sống mới đầy hứa hẹn.

Long Xuyên, ngày 27/8/2010