Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

Tiến tới Đại Hội Dân Chúa

NHÌN NGƯỜI, NGHE CHÚA,
MÀ NGHĨ ĐẾN TA

 

Từ mấy năm nay, một vấn đề hay được nhắc tới tại Việt Nam ta, đó là vấn đề đạo đức. Càng ngày vấn đề đạo đức càng được quan tâm. Trong mọi lãnh vực, trên khắp các địa phương, đâu đâu vấn đề đạo đức cũng được nêu lên. Chứng tỏ đạo đức đang được trân trọng như một yếu tố cần cho hạnh phúc của dân tộc.

Đại Hội Dân Chúa chắc sẽ không quên nhìn nhận tính cách bức xúc của vấn đề.

Việc nhận định và đánh giá đạo đức của dân Chúa cần sát với thực tế. Với ý thức đó, tôi xin phép nhìn sang những đạo đức ngoài Công giáo tại Việt Nam hôm nay. Tất nhiên phải căn cứ vào Lời Chúa. Nhìn người, nghe Chúa, là một cách giúp xét mình.

Nhìn bằng con mắt Phúc Âm, chúng ta thấy ngoài Công giáo tại Việt Nam có nhiều tia sáng được Phúc Âm kể là đạo đức đáng trân trọng. Sau đây chỉ xin nêu lên một số tiêu biểu.

 1/ Những tia sáng đạo đức ngoài Công giáo

a) Khi đưa ra Tám mối phúc, Chúa Giêsu đã đóng ấn đạo đức trên những người: "Tinh thần nghèo khó, hiền lành, chịu đau khổ, khát khao điều công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, bị bách hại vì lẽ công chính" (Mt 5,3-10).

Tại Việt Nam hôm nay, nhiều người ngoài Công giáo đang phấn đấu sống cho những giá trị tốt đẹp đó.

b) Khi nêu lên các hoa trái của Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô đã kể ra những khuôn mặt đạo đức này: "Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết kiệm" (Gl 5,22).

Tại Việt Nam hôm nay, không thiếu người ngoài Công giáo đang phấn đấu để toả sáng nơi chính mình sự hiện diện của những đạo đức đậm chất nhân bản đó.

c) Khi nói về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn bác ái đối với người khác, để thẩm định những người được chọn lên thiên đàng (x. Mt 25,40).

Tại Việt Nam hôm nay, biết bao người ngoài Công giáo đang coi việc làm từ thiện là lẽ sống đời mình.

d) Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nêu lên một số dấu chỉ của người môn đệ Người, đặc biệt là yêu thương nhau (x. Ga 13,35), hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11,29).

Tại Việt Nam hôm nay, người ta cũng dễ tìm thấy những dấu chỉ ấy nơi bao người ngoài Công giáo.

e) Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khen đức tin của viên đại đội trưởng ngoại đạo với những lời rất đặc biệt: "Tôi nói cho các ông hay: Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế" (Lc 7,9).

Tại Việt Nam hôm nay, nhiều người ngoài Công giáo đang có một đức tin mạnh, mà nhiều người công giáo không có.

f) Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã rất nhấn mạnh đến việc tha thứ cho nhau (x. Mt 18,21), thậm chí cũng phải yêu thương những kẻ ngược đãi mình (x. Mt 5,43-48).

Tại Việt Nam hôm nay, không thiếu người ngoài Công giáo đã vượt qua được những mối bất hoà và những mối thù, để sống hoà giải chân thành.

Nói chung, thái độ của nhiều người Việt Nam ngoài Công giáo đối với kẻ nghèo, người bệnh, kẻ cô đơn, kẻ bị loại trừ, kẻ thù nghịch, phải nhận là rất đạo đức.

Thái độ của họ đối với những người đã qua đời rất đáng được trân trọng.

Thái độ của họ đối với Tổ Quốc và những người dựng Nước và bảo vệ Nước được coi là rất tích cực.

Phần lớn họ là những tín đồ sùng đạo của nhiều tôn giáo truyền thống tại Việt Nam.

 2/ Sức mạnh của đạo đức ngoài Công giáo

Đạo đức ngoài Công giáo tại Việt Nam hôm nay đang giữ một vị trí quan trọng.

Thực vậy, đạo đức ngoài Công giáo với những nét kể trên và nhiều nét khác, đang làm thành một dòng chảy vô hình. Dòng chảy này đang chuyển tải một sự sống thiêng liêng nào đó vào tất cả mọi tầng lớp của xã hội Việt Nam. Từ bình dân đến trí thức, từ dân thường đến cấp lãnh đạo.

Nó làm nên một môi trường văn hoá rộng, gây ảnh hưởng mạnh đến toàn thể cuộc sống người dân.

Đạo đức ngoài Công giáo còn đang trở thành một cầu nối, đem Việt Nam gắn kết lại với các nước xung quanh.

Sức mạnh đạo đức ngoài Công giáo là một thực tại khẳng định mình và được xã hội công nhận. Nhờ vậy, người đạo đức ngoài Công giáo đang được xã hội Việt Nam trân trọng và tin cậy.

 3/ Khiêm tốn nhìn vào mình

Trước những chuyển biến mau lẹ về tình hình đạo đức tại Việt Nam như thế, Hội Thánh Việt Nam rất cần để ý đến việc chấn chỉnh đạo đức của nội bộ mình. Ưu tiên là đạo đức nơi hàng giáo sĩ.

Đạo đức Công giáo vẫn được đón nhận tại Việt Nam. Nhưng nếu nó không sáng bằng đạo đức ngoài Công giáo, mà vì thế bị coi thường, thì lỗi tại chúng ta. Thời nay người Việt Nam không tin vào lý thuyết đạo đức. Họ chỉ tin vào những người đạo đức. Các bậc chân tu vẫn được kính trọng.

Lịch sử Đất Nước đang chuyển biến mau lẹ. Con người đạo đức đi giữa lịch sử hôm nay sẽ gặp nhiều thuận lợi mới, nhiều bất lợi mới và nhiều bất ngờ. Hành trình sẽ không dễ dàng, nhưng luôn phải hướng về phía trước. Nhận thức như vậy, chúng ta càng phải khiêm nhường sống kết hợp với Chúa. Chính Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta.

Nhờ Chúa Giêsu khiêm nhường, chúng ta sẽ thấy:

Khiêm nhường là không dám nghĩ mình đạo đức hơn những người ngoài Công giáo. Lời sau đây Chúa Giêsu nói với người Do Thái bất trung cũng có thể áp dụng cho chúng ta:

"Ta không biết các ngươi từ đâu tới. Hãy cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.

Ở đó, các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót" (Lc 13,27-30).

Khiêm nhường là không dám tin những công trình hoành tráng của chúng ta sẽ có giá trị cứu độ. Lời Chúa Giêsu phán về đền thờ Giêrusalem cũng có thể áp dụng cho những công trình hoành tráng của chúng ta.

"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào" (Lc 21,6).

Khiêm nhường là, cho dù chúng ta "tất cả đều đồng tâm nhất trí, chuyên chăm cầu nguyện" (Cv 1,14) "chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa" (Cv 1,4) trong tinh thần khó nghèo khao khát, như các thánh tông đồ xưa ngày lễ Ngũ Tuần, thì chúng ta cũng không dám khẳng định đã có một lễ Hiện Xuống mới cho toàn thể chúng ta.

Nếu cho khiêm nhường là yếu, thì xin hãy nhớ lại lời thánh Phaolô: "Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,10).

Long Xuyên, ngày 12/11/2010