Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

Nhân kỷ niệm 45 năm
Bế mạc Công đồng Vaticăng II
(1965-2010)

Một thoáng nhìn về
TINH THẦN CÔNG ĐỒNG VATICĂNG II
TẠI VIỆT NAM

 

Công đồng Vaticăng II được nói đến như Công đồng canh tân. Giữa một thế giới sôi nổi nhiều chủ thuyết, Công đồng muốn Hội Thánh đổi mới chính mình, để dễ đối thoại. Hy vọng nhờ đó, Tin Mừng được dễ hiểu và dễ được đón nhận.

Bầu khí canh tân của Công đồng đã làm nảy sinh nhiều phong trào canh tân, như canh tân phụng vụ, canh tân mục vụ, canh tân truyền giáo, canh tân thần học. Đồng thời, nhiều cộng đoàn mới cũng đã mọc lên, với những linh đạo mới.

Để đổi mới chính mình, Hội Thánh quyết tâm trở về Nguồn. Đây là yếu tố hết sức quan trọng mà Công đồng nhấn mạnh. Có trở về Nguồn, thì mới có sức canh tân. Ở đây, chỉ xin nói vắn tắt về mấy dòng sông trở về Nguồn.

 1. Trở về Nguồn

a) Phúc Âm: Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu chuộc loài người. Lịch sử Người là lịch sử cứu độ. Mọi lời Người nói, mọi việc Người làm đều có sức cứu độ. Người là đàng, là sự thực, là sự sống và là sự phục sinh. Người là mẫu gương, là thầy dạy, là người chỉ đàng dẫn lối đi về thiên đàng. Người là cửa mà những ai muốn hưởng Nước Trời, phải bước vào. Người là Đấng dâng lễ và là của lễ đền tội thay cho nhân loại.

Bổn phận của chúng ta là yêu mến Đức Kitô, bước theo Đức Kitô, kết hợp mật thiết với Đức Kitô, và ở lại với Đức Kitô.

Đức Giêsu Kitô là nguồn cứu độ duy nhất. Vì thế, Phúc Âm được coi là môn học chính, mà những ai muốn canh tân, phải đào sâu.

b) Toàn bộ Kinh Thánh: Nhưng, để dọn đường cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã dùng tất cả những gì được chép trong toàn bộ Kinh Thánh. Vì thế toàn bộ Kinh Thánh được coi là một dòng sông mang sự sống cứu độ phát xuất từ nguồn là Tin Mừng Đức Kitô.

Riêng Cựu Ước là một chuỗi dài mênh mông nói tiên tri về Đức Giêsu Kitô, còn Tân Ước là biến cố ứng nghiệm kho tàng tiên tri của Cựu Ước. Tân Ước giấu mình trong Cựu Ước. Cựu Ước được tỏ mình trong Tân Ước. Tất cả Kinh Thánh đều ăn khớp với nhau, để tập trung vào Đức Giêsu Kitô.

Học hỏi Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là rất phong phú, ơn cứu độ là vô cùng cao quý, Đức Giêsu Kitô chính là Tin Mừng được trao ban cho tất cả những ai biết chuẩn bị đón nhận với tâm hồn thức tỉnh và khao khát.

Chính vì vậy, mà Công đồng khuyên nhủ chúng ta phải trở về Nguồn là Kinh Thánh, trong đó Phúc Âm là trung tâm.

c) Truyền thống các giáo phụ: Cũng theo hướng trở về Nguồn, Công đồng tha thiết ước mong chúng ta tìm về truyền thống. Truyền thống nơi đây là các giáo phụ. Các bản văn của các giáo phụ là một dòng sông đầy uy tín chuyển tải đức tin được rao giảng từ các thánh Tông đồ. Thời kỳ các giáo phụ bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ nhất cho tới thế kỷ thứ bảy. Những nhân vật nổi tiếng như thánh Clêmentê thành Roma, thánh Inhatiô thành Antiôkia, Justinô, Irênê, Augutinô, đã làm nên thời kỳ xây dựng nối liền thời kỳ nền móng của các thánh Tông đồ. Thời kỳ xây dựng này có một sự liên tục và sự hiệp nhất với thời kỳ các thánh Tông đồ. Nên thời kỳ này được coi như một dòng sông nối kết với đầu Nguồn là Phúc Âm. Bởi thế, trở về Nguồn đòi hỏi phải trở về dòng sông giáo phụ. Tại đó, chúng ta sẽ tìm thấy vô số những điều mới mẻ, làm sáng thêm những chân lý của Phúc Âm.

 2. Bộ mặt mới của đức tin theo Công đồng

Nhờ trở về Nguồn, người sống đức tin sẽ được đổi mới. Đức tin của họ có một bộ mặt trẻ trung, trưởng thành.

Bộ mặt đó có những nét đẹp sau đây:

Nó là một hồng ân nhưng không, một quyết định tự do, một dấn thân tự nguyện, một trách nhiệm cao cả, một đồng hành với cuộc đời, một linh đạo có những chọn lựa ưu tiên thích hợp với thời đại.

Nó không lạc quan, không bi quan, nhưng là hy vọng, ngay trong những khủng hoảng và những đổ vỡ coi như tuyệt vọng.

Bộ mặt mới của đức tin theo Công đồng Vaticăng II luôn hướng về tương lai, không tiếc nuối quá khứ, không tìm thu gom những đặc ân.

Bộ mặt mới của đức tin theo Công đồng Vaticăng II có tính cách làm chứng và giới thiệu Tin Mừng.

Bộ mặt mới của đức tin theo Công đồng Vaticăng II có nét can đảm và khiêm nhường. Dám nhìn nhận những sai lầm của mình. Dám chấp nhận những thách đố. Dám công nhận những cái hay của các người ngoài công giáo.

Nói tóm lại, bộ mặt đức tin theo Công đồng Vaticăng II có nhiều nét đẹp, do đổi mới chính mình trong sức mạnh về Nguồn.

Bây giờ chúng ta thử nhìn vào tình hình Hội Thánh Việt Nam ta. Xem Hội Thánh chúng ta đã chuyển mình theo hướng Công đồng Vaticăng II như thế nào?

 3. Nhìn vào Hội Thánh Việt Nam

Thú thực, tôi không là người nghiên cứu. Tôi chỉ xin nói lên cảm tưởng của tôi.

Nhìn chung, tinh thần Công đồng Vaticăng II được nhận thấy khá rõ ở những nét sau đây trong Hội Thánh Việt Nam.

Lời Chúa được suy tôn, được học hỏi nhiều hơn.

Đức Giêsu Kitô trở nên trung tâm nhiều hơn trong phụng vụ và linh đạo.

Lòng quảng đại đối với Hội Thánh được phát triển nhiều hơn dưới nhiều hình thức.

Liên hệ với các tôn giáo bạn được mở rộng hơn.

Những kết quả trên đây thực đáng trân trọng. Tuy nhiên, vẫn còn có những mặt không thích hợp cần khắc phục, thí dụ:

Còn quá đặt nặng việc giữ luật lệ, hình thức, quyền lợi. Đang khi, sống đạo cần đặt nặng việc dấn thân phục vụ.

Còn quá đặt nặng việc làm chứng đức tin bằng những lễ lạy xây cất, tổ chức. Đang khi, việc làm chứng cho đức tin qua đời sống bác ái phải được coi là quan trọng hơn.

Còn quá đặt nặng vinh quang Chúa ở những thành công và quyền lực. Đang khi, vinh quang của Chúa là ở sự thực thi ý Chúa, cho dù thực thi đó đôi khi đòi phải chấp nhận thất bại bề ngoài.

Còn quá đặt nặng vấn đề thắng thua trong sống đạo, đang khi, tinh thần hoà giải, yêu thương, tha thứ lại rất cần để làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu.

Những sự không thích hợp kể trên cũng gọi là những yếu kém, sẽ được giải quyết nhờ trở về Nguồn.

Canh tân, đổi mới chính mình, đó là một lời Chúa kêu gọi chúng ta, nhân dịp kỷ niệm Công đồng, nhân dịp Năm Thánh, và nhân dịp Năm Mới.

Đón nhận lời kêu gọi đó, chính là một việc lành cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc loài người.

Long Xuyên, ngày 6/12/2010