Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÌNH YÊU
BẰNG NHỮNG HIỆN DIỆN TÍCH CỰC

 

Quê Hương Việt Nam thân yêu của chúng ta đang nhộn nhịp tưng bừng với những kỷ niệm lớn của Đất Nước. Có những khí thế mới. Có những bước đi mới. Lịch sử đang sang trang.

Giáo Hội tại Việt Nam rất biết điều đó. Mọi thành phần đều muốn góp phần. Ý thức về thời cuộc là cần. Nó sẽ giúp cho việc sống đạo được thực hiện một cách có hiệu quả hơn trong giai đoạn mới của lịch sử đất nước.

Cách sống đạo của chia sẻ hôm nay xin tạm được gọi là "xây dựng nền văn minh tình yêu bằng những hiện diện tích cực".

 1/ Tính cách tích cực của những hiện diện

a) Trước hết là sự hiện diện của những người khác được đón nhận một cách trân trọng.

Những người khác hiện diện trước mặt chúng ta sẽ không bị chúng ta coi như đối tượng phải khinh khi, loại trừ. Chúng ta đón nhận họ, dù họ rất khác chúng ta. Chúng ta biết: Cuộc đời mỗi người là một lịch sử rất phức tạp. Sự hiện diện của người khác là một lời kêu gọi chúng ta. Chúng ta đáp lại bằng một sự khám phá ra nơi họ một giá trị chung nào đó. Để từ đây, họ và chúng ta cùng sẽ có chung một ước muốn mà đồng hành. Trong đồng hành, có sự đối thoại và hợp tác với tinh thần kính trọng lẫn nhau.

b) Như vậy, sự hiện diện của ta cần được xây dựng bằng những nét dễ thương.

Sự dễ thương đáng được ta quan tâm hơn hết, chính là sự hiền lành và khiêm nhường, theo lời Chúa Giêsu dạy (x. Mt 11,29). Điều đó không dễ đâu. Nhưng, nếu chúng ta có thiện chí, Chúa sẽ giúp chúng ta.

Thêm vào đó, là sự sẵn sàng và nhiệt tình phục vụ. Phục vụ một cách tế nhị như người đầy tớ. Phục vụ vì họ, chứ không phải vì ta. Thánh Phaolô nói: "Tôi mắc nợ người Hy Lạp cũng như người mandi, người thông thái cũng như người dốt nát" (Rm 1,14). Nghĩa là phục vụ của người môn đệ Chúa sẽ không bị chi phối bởi những khác biệt xã hội.

Thực tế cho thấy: Chúng ta mang trong mình nhiều tính mê nết xấu, không thích hợp cho việc phục vụ vị tha. Có thể chúng ta còn phức tạp hơn những người chúng ta phục vụ. Vì thế, sự dễ thương chỉ có thể có được một cách tương đối, nhờ những phấn đấu không ngừng trong ơn Chúa. Trong sự dễ thương còn cần có sự khôn ngoan. Làm đúng việc, đúng lúc, đúng cách, mới đúng là phục vụ dễ thương.

c) Sự hiện diện của chúng ta không đơn thuần là của chúng ta, nhưng còn dựa vào Hội Thánh của Chúa Giêsu.

Hội Thánh của Chúa Giêsu phải có Chúa Giêsu là hồn. Các chi thể phải hiệp thông với nhau. Tất cả đều phải đón nhận sự sống Chúa là tình yêu. Tất cả đều được sai đi làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu.

Vì thế, khi chúng ta coi sự hiện diện của chúng ta như một cách xây dựng nền văn minh tình yêu, thì chúng ta không được xa rời những giáo huấn của Toà Thánh. Từ mấy chục năm nay, các Đức Giáo Hoàng: Phaolô VI, Gioan XXIII, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II, Benedictô XVI đều nhấn mạnh đến Tình yêu Thiên Chúa, như nền tảng để xây dựng các tương quan xã hội.

Hơn thế nữa, sự hiện diện của chúng ta còn phải phản ánh một cách nào đó chính Chúa Giêsu, nhờ sự chúng ta kết hợp mật thiết thường xuyên với Người.

Cấu trúc những hiện diện trên đây là bước đầu của việc xây dựng nền văn minh tình yêu. Nhưng sẽ rất ngây thơ, nếu chúng ta tưởng như thế là đủ. Bởi vì việc xây dựng nền văn minh tình yêu là một lịch sử không sẽ kết thúc một ngày một năm, nhưng sẽ không ngừng phải tiếp tục với những chiến đấu cam go suốt đời.

 2/ Tính cách kiên trì của việc xây dựng

Kinh nghiệm cho thấy, khi ai đã yêu và muốn duy trì tình yêu ấy, thì phải rất trung thành. Trung thành nói đây không chỉ là duy trì những gì đã có, mà còn phải tỉnh thức và sáng tạo, để vượt qua những thử thách, đồng thời có sức hấp dẫn hơn, nhờ một hiện diện dễ thương hơn.

Nền văn minh tình yêu, mà chúng ta muốn xây dựng trên đất nước chúng ta, không phải dễ dàng. Có cái khó là do ngoại tại. Nhưng nhiều khi cái khó hơn lại là do chính chúng ta. Ở đây, chỉ xin nêu ra vài việc nên làm, để giúp chúng ta thắng vượt được chính mình, trong việc xây dựng nền văn minh tình yêu.

Việc đầu tiên là hãy bước xuống vực sâu những khổ đau của bao người chung quanh. Hãy chia sẻ ít là bằng sự hiện diện cảm thương. Làm được gì giúp đỡ họ thì làm. Chúa Giêsu ở trong họ. Chúa kể bất cứ sự gì tốt làm cho họ là làm cho chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

Nếu thực sự tìm trong những nỗi đau của con người, chúng ta sẽ gặp được vô số dịp để biểu lộ tình yêu.

Nếu thực sự cảm thương những cảnh tan nát do hận thù mù quáng gây ra, chúng ta sẽ thấy mình có bổn phận phải xây dựng tình yêu, bằng hy sinh tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ vu khống thù ghét ta (x. Lc 6,27-28).

Nếu thực sự xấu hổ trước những cảnh suy đồi đạo đức do tranh giành, chúng ta sẽ thấy mình phải thực hiện lời Chúa dạy: "Ai muốn là kẻ nhất, thì hãy làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35). Để được thế, phải phấn đấu với chính mình nhiều lắm.

Nghĩa là lịch sử xây dựng nền văn minh tình yêu sẽ được thực hiện kiên trì dựa trên lời Chúa, với một nền tu đức từ bỏ mình. "Ai muốn là môn đệ của Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình, mà theo Thầy" (Mt 16,24).

Mới rồi (08/4/2010), khi nhìn các lãnh đạo Asean họp tại Hà Nội nắm chặt tay nhau, như một quyết tâm xây dựng một cộng đồng hoà bình và phát triển, cho dù khác nhau về tôn giáo, thể chế, văn hoá, xã hội, tôi tự hỏi: Hình ảnh này có thể là một gợi ý cho chúng ta không?

Câu trả lời của tôi là: Hình ảnh đó đúng là một gợi ý tốt. Nhưng việc xây dựng nền văn minh tình yêu của chúng ta sẽ luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và đã sống lại, vì yêu thương.

Giáo Hội yêu thương hiện diện, giới thiệu Chúa Giêsu yêu thương hiện diện, thiết tưởng đó là một lựa chọn tốt cho việc xây dựng nền văn minh tình yêu giữa thế giới hôm nay.

Long Xuyên ngày 10/4/2010