Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

NGUY HIỂM TỪ NỘI BỘ

 

Đời sống đức tin không tránh được nguy hiểm. Nguy hiểm đến từ nhiều phía. Những nguy hiểm đến từ ngoài Hội Thánh phải kể là nhiều và nặng. Nhưng những nguy hiểm đến từ nội bộ Hội Thánh cũng không ít. Chúng rất ác nghiệt. Cảnh báo trước mối hoạ đó là điều cần.

Thời các thánh tông đồ, việc cảnh báo như thế đã được thực hiện. Ở đây, xin nhắc lại những cảnh báo thời đó, để hiểu hơn cảnh báo thời nay.

 1/ Nguy hiểm từ nội bộ

a) Suy thoái đạo đức.

Thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê về cảnh suy thoái đạo đức sẽ xảy ra như sau:

"Anh hãy biết điều này: Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ơn bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tính, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt tự đắc, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa.

Hình thức của đạo thì họ còn giữ, nhưng những cái chính yếu thì họ chối bỏ" (2 Tm 3,1-5).

Thánh Phaolô kể ra tỉ mỉ các tính xấu trên đây, để cho môn đệ ngài thấy sự suy thoái đạo đức là trầm trọng. Lòng con người bị tàn phá thê thảm. Bi đát nhất là sự giữ đạo, chỉ còn là hình thức. Bỏ những gì là chính yếu của đạo thì kể như bỏ đạo rồi.

Cảnh suy thoái đạo đức xảy ra tràn lan, tự do tung hoành theo truỵ lạc. "Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian" (Pl 3,19).

b) Xuất hiện những ngôn sứ giả.

Thánh Phêrô cảnh báo trong thư thứ hai của ngài: "Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả. Giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong... Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ. Và vì họ, con đường sự thật sẽ bị phỉ báng. Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi" (2 Pr 2,1-3).

Xuất hiện các thầy dạy giả là điều nguy hiểm. Nhưng điều nguy hiểm hơn là sự nhiều người lại ham nghe theo các thầy dạy giả đó. Thánh Phaolô viết: "Thật vậy, sẽ đến thời, người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình, mà kiếm hết thầy này đến thầy kia, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường" (2 Tm 4,3-4).

Những chuyện bịa đặt kiểu hoang đường lại được nhiều người nghe và truyền tai nhau. Ngôn sứ giả, thầy dạy giả được tiếp đón. Họ bịa đặt là họ có ơn Chúa Thánh Thần. Thế mới lại là một thách thức dễ bực mình.

Theo thánh Gioan tông đồ cảnh báo thì: "Đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian" (1 Ga 4,1). Chúng lôi kéo được nhiều người: "Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian. Vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe theo chúng" (1 Ga 4,5).

Đọc những cảnh báo trên đây, chúng ta thấy các thánh tông đồ đã rất khiêm tốn và thành thực nhìn nhận những nguy cơ đến từ nội bộ cộng đoàn. Cảnh báo về sự trầm trọng của những nguy cơ đó được các thánh tông đồ coi là bổn phận của những người đứng đầu có trách nhiệm.

Những nguy hiểm đến từ nội bộ, mà các thánh tông đồ đã cảnh báo cho thời các ngài, cũng đang xảy ra cho thời chúng ta. Nơi nhiều nơi ít. Tại Việt Nam, nguy hiểm tuy chưa trầm trọng, nhưng đã bắt đầu phức tạp.

Các thánh tông đồ đã cảnh báo, đồng thời cũng dạy cách đối phó. Cách đối phó tốt nhất vẫn lấy từ lời Chúa. Lời Chúa về vấn đề này tóm lại ba việc phải làm: Cầu nguyện, chay tịnh và tỉnh thức.

 2/ Đối phó với những hiểm nguy về đường thiêng liêng

Cách thứ nhất là cầu nguyện.

Khi cầu nguyện, chúng ta xin Chúa Thánh Thần đến ngự trị trong ta, và trải lửa mến khắp tâm hồn ta. Lửa mến càng mạnh càng sâu, sẽ càng tạo nên trong ta một bầu khí thinh lặng, chờ đón. Trong bầu khí lửa mến đó, chúng ta sẽ thấy rõ những gì phải tránh, những gì nên chọn, những gì là thánh ý Chúa, những gì là ơn gọi của ta. Chúng ta sẽ đón nhận những sự đó trong bình tĩnh, yêu thương.

Lửa mến Chúa được Chúa Thánh Thần đốt lên trong giờ cầu nguyện sẽ cho chúng ta một cái nhìn về tình hình hợp ý Chúa. Không thiếu trường hợp, chúng ta sẽ cảm nhận được sự yếu hèn bất lực của mình trước tình hình. Nhưng, từ những cảm nhận đó, chúng ta khiêm nhường phó thác nơi Chúa. Chúa chỉ đòi ta mến Chúa hết lòng. Rồi Chúa sẽ giúp ta cách đối phó với tình hình. Nhưng quan trọng là ta phải hợp tác với ơn Chúa. Bởi vì ta vẫn có tự do làm sai sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cách thứ hai là hãm mình.

Hãm mình là một việc đạo đức, mà Phúc Âm luôn coi là cần thiết, nhất là để xua đuổi ma quỷ.

Những việc hãm mình chúng ta nên làm và có thể làm, là những việc hãm mình nhỏ và trong kín đáo âm thầm. Thí dụ: Chịu khó thêm một chút trong việc cầu nguyện, suy gẫm, đọc sách thiêng liêng, trong việc phục vụ những người xung quanh, trong việc chịu đựng những khổ đau, trong việc kính trọng người khác, nhất là trong việc tự đào tạo mình.

Cách thứ ba là tỉnh thức.

Thực tế tình hình là nguy hiểm, thì phải nhận là nguy hiểm. Trấn an mình và người khác bằng lời "không sao đâu", là không đúng đòi hỏi của tỉnh thức. Có nguy hiểm nội bộ mà không nhận ra, đó mới là nguy hiểm đáng sợ. Biết đâu chính chúng ta lại là một mối nguy giấu ẩn.

Thực tế tình hình là nguy hiểm có dấu hiệu phát xuất từ ma quỷ, thì phải dùng đến những phương cách thiêng liêng có sức chống lại ma quỷ, như Phúc Âm dạy. Chứ đừng chống lại chúng bằng những thứ đạo đức giả, mà cứ dối mình là do ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn.

Thực tế tình hình là nguy hiểm cho Hội Thánh, thì nên liên kết với những người thực sự tha thiết với Hội Thánh. Chứ đừng liên kết với những người chống phá Hội Thánh.

ù

Tới đây, rất có thể chúng ta đã tự nhận ra điều này là: Chính bản thân chúng ta cũng có thể đã góp phần vào mối nguy cho Hội Thánh. Chúng ta không chủ ý. Nhưng tội lỗi của ta, tính xấu của ta, gương xấu của ta, trình độ thiếu chất lượng của ta có thể vô tình làm cho ta nên mối nguy cho cộng đoàn. Nhận thức này sẽ giúp chúng ta khiêm tốn, sám hối, và chấn chỉnh chính mình. Đó là khởi đầu tốt.

Long Xuyên ngày 8/6/2010