Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

CÁC MÔN ĐỆ CHÚA
VỚI ĐỊA VỊ QUYỀN CHỨC

 

Đối với mọi tín hữu, được làm con Chúa là một hạnh phúc cao quý. Nhưng không thiếu người coi hạnh phúc đó còn có thể thêm lên, nếu được làm con Chúa với chức nọ tước kia. Chức tước trong đạo là một trách nhiệm, nhưng nhiều khi cũng là một cơn cám dỗ. Địa vị là để phục vụ, nhưng nhiều khi cũng là những quyền lợi gợi nên thèm muốn.

Thực tế đó đã xảy ra từ rất lâu. Ngay khi Chúa Giêsu rao giảng về Nước Trời, một số người thân cận Người cũng đã nghĩ tới việc dành chỗ cao trong đó.

 1/ Theo Chúa với suy tính về địa vị

Phúc Âm thánh Matthêu viết: "Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Chúa Giêsu, có các con bà đi theo. Bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà. Bà muốn gì? Bà thưa: Xin Thầy truyền cho hai con đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy. Đức Giêsu bảo: Các ngươi không biết các ngươi xin gì. Các ngươi có uống nổi chén đắng Thầy sắp uống không? Họ đáp: Thưa uống nổi. Đức Giêsu bảo: Chén của Thầy, các ngươi sẽ uống. Còn việc ngồn bên hữu bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho. Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được" (Mt 4,21).

Bà mẹ hai môn đệ này là người tốt. Bà vui lòng dâng con cho Chúa. Nhưng trong tâm tình dâng hiến, bà vẫn tưởng các con bà cũng nên có được những địa vị đặc biệt. Xem ra hai con bà cũng đã không nghĩ khác, nên đã cùng theo mẹ mình đến xin chỗ ngồi đặc biệt. Mà hai môn đệ này là những người đã được Chúa chọn và được Chúa gọi cách riêng (x. Mt 4,21).

Điều này chứng tỏ những người được Chúa gọi vẫn mang theo mình những tính tình, khuynh hướng nhân loại của mình. Ơn gọi không xoá đi con người cũ. Con người cũ được kêu gọi đổi mới. Việc đổi mới là một quá trình đào tạo. Đào tạo phải kiên trì, không lúc nào được coi là hoàn chỉnh.

Phúc Âm thánh Luca cho thấy sự yếu đuối về vấn đề địa vị là một sự kiện không riêng của ai, mà là của chung các môn đệ Chúa. Cả khi nghe Thầy mình sắp bị nạn, các môn đệ vẫn còn nghĩ đến chuyện ngồi trên ngồi dưới. Phúc Âm kể: "Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời...

Các ông chợt suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông. Đức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng. Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ bé nhất trong tất cả anh em, thì kẻ đó là người lớn nhất" (Lc 9,44-48).

Đoạn Phúc Âm trên đây cho thấy: Tham vọng về địa vị là chung tập thể. Thời gian xảy ra tham vọng là vừa lúc nghe Thầy báo cuộc tử nạn đang tới. Tình tiết trên đây cho thấy khuynh hướng tìm địa vị nơi các môn đệ là rất mạnh.

Khuynh hướng tìm địa vị không hợp với ơn gọi. Nó lại rất nặng nề. Chúa đã thanh luyện các môn đệ cho khỏi khuynh hướng đó. Bằng cách nào?

 2/ Chúa thanh luyện các môn đệ

Trước hết, Chúa từ chối đòi hỏi của khuynh hướng đó một cách dứt khoát. Người nói thẳng, nói rõ. Khi vừa thấy khuynh hướng đó nổi lên, Người liền dẹp ngay lập tức. Người không để mình bị những khuynh hướng xấu đó của các môn đệ gây áp lực với Người. Tính cách triệt để của Người đã giúp cho các môn đệ mau thức tỉnh.

Tiếp đến là những lời khuyên răn của Chúa. Để giúp các môn đệ hiểu bản chất người theo Chúa, Chúa đưa ra một số hình ảnh, như người uống chén đắng (Mt 20,20), như em bé khó nghèo (Lc 9,48), như người tôi tớ phục vụ (Lc 22,26). Những hình ảnh đó gợi lại lời cốt lõi Chúa hay nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24).

Các môn đệ khó từ bỏ tham vọng địa vị, chức quyền. Biết thế, Chúa Giêsu thanh luyện họ không phải chỉ bằng thái độ và lời nói, mà còn bằng chính đời sống gương sáng của Người. Đời sống của Người được thánh Phaolô mô tả như sau: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá" (Pl 2,6-8).

Sau cùng, để đào tạo và thanh luyện các môn đệ, Chúa Giêsu đã chia sẻ cho họ thân phận đau khổ của Người. Các môn đệ lần lượt được đón nhận vào mình cuộc thương khó của Chúa. Các ngài nhờ đó mới nhận ra rằng: Vinh quang của các ngài là được nên giống Thầy mình ở chỗ dâng mình làm của lễ cứu độ cho nhân loại trên thánh giá, chứ không phải ở chức này, địa vị nọ.

 3/ Tình hình hiện nay

Xưa, địa vị chức quyền đã là cơn cám dỗ đối với các tông đồ Chúa. Nay, cơn cám dỗ ấy vẫn không ngừng hoạt động trong Hội Thánh, nơi mạnh nơi yếu.

Cơn cám dỗ ấy được thể hiện dưới nhiều hình thức. Như chức tước trong đạo được tâng bốc lên một thế giới thần thiêng, nắm đặc quyền đặc lợi. Tâng bốc nhiều khi quá mức. Rồi, như vận động, đấu tranh, thủ đoạn, giả hình để được lên chức. Như lợi dụng chức tước để tìm tư lợi. Có nơi ơn gọi trở thành bậc thang thăng tiến xã hội. Công bằng mà nói: chính cộng đoàn và xã hội cũng nhiều khi góp phần vào cơn cám dỗ.

Để bảo vệ Hội Thánh, Chúa không ngừng thanh luyện. Thanh luyện từ cơ chế, đến não trạng, thói quen của từng cá nhân. Thanh luyện nào cũng gây nên đau đớn.

Trong tiến tình Chúa thanh luyện, rất nhiều môn đệ Chúa đã cộng tác vào việc thanh luyện của Chúa. Nhờ vậy, họ trở nên giống hình ảnh Chúa Giêsu hiền lành, khiêm nhường, làm chứng cho Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót. Cũng nhờ thanh luyện, Hội Thánh thắng được cơn cám dỗ muốn trở thành một quyền lực, nhưng an tâm với sứ vụ là dấu chỉ và là dụng cụ của tình xót thương Chúa cứu độ.

Long Xuyên ngày 14/6/2010