Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - 11 - 2010-

 THAO THỨC (12) -2011-
 

TIẾNG KÊU CỦA TRÁI TIM

 

Từ ít lâu nay, thời sự Công giáo Việt Nam bị dao động mạnh. Tin tức có đúng có sai. Nhiều bình luận rất lung tung.

Lòng người hoang mang và phân hoá.

Để soi sáng cho tình hình chia rẽ, những người có trách nhiệm đã tìm đến lời chỉ giáo của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, dịp khai mạc Năm Thánh Việt Nam ngày 17-11-2009. Chính lời chỉ giáo đó lại nhắc đến đường hướng mục vụ trong Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Tình hình còn đang biến chuyển. Vì thế, mọi người con Chúa đều được mời gọi góp phần vào việc lắng nghe ý Chúa và thực thi ý Chúa trong việc cải thiện tình hình.

Chia sẻ này chỉ là một tiếng kêu của trái tim. Trái tim đọc lại quá khứ và nói lên cảm nghiệm trên hành trình thực thi yêu thương. Tôi muốn nói tới bổn phận yêu Nước trong Thư Chung, và những gì đã là động lực cho tôi trong việc thực thi bổn phận tế nhị đó.

Trước hết, xin đọc lại phần Thư Chung 1980 nói về bổn phận yêu Nước.

 1/ Bổn phận yêu Nước

"Là Hội Thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê Hương, noi theo truyền thống Dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của Đất Nước... Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta, để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa, sự gắn bó và hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể, mà chúng ta có thể tóm tắt lại trong hai điểm chính:

- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.

- Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả phù hợp hơn với truyền thống Dân tộc.

Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào đối với người công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là đòi hỏi của Phúc Âm...

Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của Quê Hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một Nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc".

Xét về mặt lý thuyết, Thư Chung 1980 đã rất rõ ràng. Lý thuyết rõ ràng đó giúp an tâm các người công giáo Việt Nam. Tôi xác tín đó là ý Chúa. Còn thực thi thì sao?

 2/ Cảm nghiệm khi thực thi đường hướng mục vụ về bổn phận yêu nước

Xin nói ngay là thực thi đường hướng đó một cách cụ thể trong thời gian đầu không là việc dễ. Khó khăn đến từ nhiều phía.

Trong nội bộ, sự nghi ngờ đối với chế độ còn nặng. Nghi ngờ có lý do chủ quan và cũng có lý do khách quan.

Trong chính quyền, không thiếu những thành kiến xấu đối với công giáo được bộc lộ tại nhiều địa phương, ở nhiều cấp khác nhau.

Tất cả một quá khứ dài chinh chiến và chia rẽ đã làm nên một tiềm thức lo sợ và bi quan. Tiềm thức cá nhân cũng như tiềm thức tập thể.

Tình hình phức tạp. Nhưng Thư Chung dạy tôi phải dấn thân. Cho dù, nếu phải đi một mình, tôi vẫn đi. Vì tôi xác tín Chúa dạy tôi đi để làm chứng cho Chúa. Trên hành trình dấn thân, tôi được nâng đỡ bởi những yếu tố sau đây:

Yếu tố thứ nhất là nền tu đức về bác ái yêu thương. Tu đức này hệ tại ở việc suy gẫm lời Chúa dạy về yêu thương, việc Chúa làm vì yêu thương, đau khổ Chúa chịu vì yêu thương. Cầu nguyện theo suy niệm và sau đó là quyết tâm.

Quyết tâm mạnh nhất là phải tập trung vào bác ái yêu thương. Bài ca đức mến của thánh Phaolô thành tâm niệm hằng ngày:

"Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la inh ỏi mà thôi.

Giả như tôi được ơn tiên tri và được biết mọi điều bí ẩn, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đến mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Cr 13,1-8).

Tu đức về bác ái yêu thương cho tôi những cái nhìn mới về Đất Nước, về đồng bào, về những người ngoài công giáo, nhất là về những người nghèo khổ. Những cái nhìn mới ấy chan chứa tình yêu chân thành cởi mở, chấp nhận quên mình.

Yếu tố thứ hai là những người thiện tâm.

Khi cởi mở, tôi được gặp nhiều người tốt. Họ có thiện chí. Họ nhã nhặn chân thành. Họ chia sẻ số phận người nghèo. Họ quảng đại dấn thân cho lợi ích chung của đồng bào và Tổ Quốc. Họ là người công giáo. Họ là người không công giáo. Tất cả đều nêu gương sáng về niềm tin, về bác ái yêu thương, khiêm nhường. Đúng là Nước Thiên Chúa đang lan rộng trong nhiều tâm hồn. Họ là những chứng nhân dũng cảm.

Yếu tố thứ ba là những kết quả tốt đẹp.

Thực sự, chúng tôi không có khả năng làm nhiều. Chúng tôi chỉ làm những việc nhỏ. Những việc nhỏ đó chủ yếu là gieo hạt giống Tin Mừng vào các tâm hồn, trong mọi tầng lớp. Các hạt giống ấy được đón nhận. Dần dà lớn lên, lan rộng. Một nền văn minh yêu thương đoàn kết được nở hoa kết trái. Tuy chưa đều khắp, nền văn minh tình thương ấy vẫn góp phần không nhỏ vào hạnh phúc của đồng bào. Nhờ đó, Hội Thánh được trân trọng, đạo Chúa được phát triển mạnh.

Kết quả tốt đẹp đó vẫn bị thử thách. Mưu ma chước quỷ luôn rình rập, tìm cách phá hoại nó. Nên những người xây dựng yêu thương đoàn kết, hoà bình, cần phải rất tỉnh thức. Xây dựng thì khó, phá hoại thì dễ. Một sơ suất nhỏ có thể tạo ra những bùng nổ lớn. Kết quả sẽ rất tai hại cho Hội Thánh.

Lịch sử luôn là những dấn thân còn dang dở. Nhiều khi trái tim cũng chỉ biết kêu lên lời mời gọi gởi tới những thế hệ đi sau: Hãy tiếp nối những gì còn dang dở trong yêu thương đối với nhau trên Quê Hương quý yêu này.

Long Xuyên ngày 27/5/2010